Người kể chuyệ nở ngôi thứ nhất, cái tôi tự kể về mình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) người kể chuyện trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 31 - 36)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1. Ngôi kể

2.1.2.1. Người kể chuyệ nở ngôi thứ nhất, cái tôi tự kể về mình

Xưng “tôi” tự kể về câu chuyện của mình có nghĩa là người kể chuyện cũng là nhân vật chính trong tác phẩm, tự giãi bày với người đọc câu chuyện

của chính cuộc đời mình. Lối kể này thường gắn liền với kết cấu tâm lí, những dòng chảy nội tâm và gần gũi với hình thức tự truyện. Những truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Thị Thu Huệ sử dụng ngôi kể thứ nhất, cái tôi tự kể về mình có thể kể đến như: Huyền thoại, Còn lại một vầng trăng, Biển ấm,

Hoàng hôn màu cỏ úa, Người đi tìm giấc mơ, Ám ảnh, Người xưa, Những đêm thắp sáng, Hình bóng cuộc đời, Đêm dịu dàng, Cát đợi,…

Trong Huyền thoại, cô gái xưng “tôi” đã kể về mối tình của mình. Đó quả là một mối tình “huyền thoại” bởi giữa cô và anh không chỉ là khoảng cách về không gian mà còn là thời gian. “Tôi” ở Hà Nội, “anh” ở Sài Gòn, mỗi năm “tôi” gặp “anh” vài lần vội vàng, chóng vánh nhờ những chuyến công tác vào Sài Gòn của “tôi”. Chẳng bao giờ thư từ, điện đóm cho nhau ấy thế mà cứ mỗi lần gặp lại hai người lại y như chẳng hề xa nhau. Bao giờ cũng thế, những ngày đầu cả cô và anh đều lao vào công việc để lấp cho đầy những tờ giấy đi đường, giấy giới thiệu do thủ trưởng kí. Ngày cuối cùng, cô và anh gặp nhau cùng ăn cơm rồi mua quà. Đầu tiên là mua cho mẹ, cho ba, sau cùng là cho “em”. Sáu ngón tay có thể đeo nhẫn được thì đã kín, còn vài cái cất ở nhà. Viết theo ngôi kể thứ nhất, tự kể về mình, xuất phát từ điểm nhìn bên trong, người kể chuyện hoàn toàn tự do bộc lộ tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của bản thân: có đau khổ, tiếc nuối “và nước mắt bỗng tuôn rơi. Sang năm. Tôi không còn là tôi nữa, chính tôi cũng không biết tôi có thế này được không” [30, tr.119] và cũng có những phút giây tưởng chừng dục vọng đã

chiến thắng lí trí “tôi bỗng trào nước mắt, và tưởng tượng rằng, dám lắm, sang năm, tôi bắt đầu nói dối, để vào với anh. Và anh, dám lắm, cũng nói dối, để chở tôi đi ăn đi mua đồ và tối nào trước ngày tôi về, cũng đi khắp Sài Gòn bằng bốn lít xăng” [30, tr.119].

Là một người phụ nữ, hơn ai hết Thu Huệ hiểu rõ những khát khao, mong đợi, những nỗi niềm thầm kín của họ. Bởi vậy ta không hề ngạc nhiên khi thấy nhân vật chính trong truyện ngắn của chị thường là phụ nữ. Những

con người ấy dù đã tìm được bến đỗ cho cuộc đời hay đang hoang hoải trong hành trình tìm kiếm thì tình yêu, hạnh phúc vẫn luôn luôn là điều họ băn khoăn, trăn trở, khao khát. Biển ấm, Cát đợi, Người xưa là những dòng tâm sự của những người phụ nữ khao khát hạnh phúc, bất chấp tất cả để đến với hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đối với họ dường như lại quá mong manh. “Tôi” trong Biển ấm đã bất chấp lời can ngăn của cha mẹ để đi theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng đón cô ở phía bờ bên kia lại là “một người đang ngủ li bì, quanh người nồng nàn mùi chua của rượu” [30, tr.12]. Câu đầu tiên anh nói

với cô không giống như những lời tha thiết trong lá thư anh vẫn thường viết mà là: “Anh khát quá. Anh thèm ăn một bát canh rau gì đó man mát. Hoặc uống một gáo nước cũng được. Nước mưa ngọt lắm” [30, tr.12]. Còn “tôi”

trong Cát đợi lại mòn mỏi chờ đợi một tình yêu vô vọng với người đàn ông chăm đem áo mưa và hàng lô bút bi cài bên người. Hằng ngày cô chờ anh, nhìn anh chỉn chu, chu đáo trong vai trò người chồng, người cha, nghễu nghện trên đường bằng một chiếc xe Cub đỏ ba người. “Tôi” trong Người xưa tìm

đến người yêu cũ thuở nào mỗi khi thất vọng về cuộc đời hay người chồng. Nhưng sau mỗi lần gặp gỡ, “tôi” chua chát nhận ra ở anh “một vẻ ăn chơi đàng điếm và trải đời. Đây không phải là chàng trai thơ mộng, nghèo khổ năm nào” [30, tr.70]. Tự kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình, cái tôi tự

thuật đôi khi không thể kìm nén mà thốt lên đầy xót xa về tình yêu: “Tôi mê đi trên chiếc giường hạnh phúc, chiếc giường có một không hai trên thế gian này.(…) Dù biết rằng đến phút giây ấy, tôi vẫn chưa được cái gì trọn vẹn ở cuộc đời. Luôn luôn cô đơn, khát khao một cái gì cụ thể, nên chẳng bao giờ có” (Cát đợi), “Hóa ra. Con người. Từ lúc sinh ra đến lúc chết đi ai cũng đi chung một con đường. (…) Người may mắn thì ít sa vào ổ gà. Người đen đủi thì hay rơi xuống hố. Nhưng sự bắt đầu và kết thúc thì như nhau cả” (Biển ấm).

Hình bóng cuộc đời lại là những bi kịch khác của người phụ nữ trong

hôn nhân. Thủy và Phát lấy nhau trong sự ngộ nhận về tình yêu: “mê nhau nhiều hơn là yêu nhau theo đúng công thức: “Tình bạn - Bạn thân - Tình yêu” như mọi người thường rao giảng” [30, tr.122]. Chính thức bước vào

cuộc hôn nhân, những khác biệt về trình độ, sự quan tâm, sở thích đã dần kéo dãn khoảng cách giữa hai người. Anh yêu thơ, say mê nghệ thuật, luôn thức đến hai ba giờ sáng để làm thơ, họa tranh, chỉ ngủ khi nào gục xuống. Còn “tôi” mệt mỏi vì chuyện em Thúy tập lẫy, chuyện nó đi tướt mọc răng, chuyện rằng ngày mai phải nộp tiền thông cống nhà vệ sinh. Sự khác nhau về tính cách, quan niệm sống đã khiến cho họ phải đi đến giải pháp là sống li thân và cuối cùng Phát chết trong căn bệnh hiểm nghèo mà không có Thủy ở bên cạnh. Câu chuyện về cuộc hôn nhân tan vỡ xen kẽ cùng những dòng tâm trạng có khi hối hận, day dứt, có khi đau xót, buồn tủi, có khi lại là sự kiêu ngạo, cố chấp đều hiện lên qua giọng kể của Thủy, nhân vật chính đồng thời cũng là người kể chuyện.

“Tôi” trong Người đi tìm giấc mơ đã trải lòng về cuộc đời đầy bi kịch của mình. Có một tuổi thơ bất hạnh, bố bỏ đi khi cô chỉ là bào thai ba tháng, tám tuổi, mẹ bỏ vào Sài Gòn theo một người đàn ông, nhưng cô lớn lên vẫn hiền lành, lương thiện bởi cô có bà, một cái thân cây mục ruỗng nhưng vẫn đủ để cô bám vào. Người bà với tình yêu thương vô bờ, những bài học đạo lí là sợi dây duy nhất níu cô vào cuộc đời. Rồi cô gặp anh, một chàng trai tật nguyền, giàu có và muốn lấy cô làm vợ. Những lời người ấy nói như một ánh sao băng lóe sáng trên bầu trời đời cô. Cô chạy theo giấc mơ hạnh phúc, chạy trốn cái nghèo hèn của đứa trẻ mồ côi. Song đắng cay thay, chờ đợi cô ở phía bên kia là những lời mắng chửi, đay nghiến, những trận đòn roi của mẹ chồng vì cô không đẻ được; là cái chết của bà vì bầy chó dữ. Hạnh phúc là giấc mơ không bao giờ thực hiện được. Hình thức kể chuyện ngôi thứ nhất tự kể về mình đã giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, tạo được độ tin cậy và sự

đồng cảm hơn với người đọc bởi đó là câu chuyện của chính người kể chuyện. Nó không phải được nghe thấy, nhìn thấy mà chính người kể chuyện đã trải qua.

Ở một số truyện ngắn, Nguyễn Thị Thu Huệ lại trao cái tôi trần thuật tự kể chuyện mình cho nhân vật là đàn ông. Có lẽ chị muốn mở rộng sang “nửa thế giới còn lại” để có cái nhìn khái quát, toàn diện hơn về bức tranh cuộc sống. Đó là trường hợp của Những đêm thắp sáng hay Ám ảnh. “Tôi” trong Những đêm thắp sáng là một người đàn ông tật nguyền, may mắn gặp “nàng”

trong một đêm mưa. Và thế là đêm đêm nàng đều đến tình tự với anh, thắp sáng niềm hạnh phúc cho người đàn ông bốn mươi tuổi lần đầu tiên biết một người đàn bà thực sự. Nhưng mỗi khi còn một mình, anh vẫn thường băn khoăn tự hỏi: nàng đón nhận mình bằng nỗi buồn riêng muốn san sẻ, bằng lòng thương hại hay bằng ham muốn trả thù người chồng bội bạc yêu em gái nàng trước mặt nàng. Để tìm ra câu trả lời, anh đến nhà nàng nhưng anh đã chết lặng khi người đàn bà đã từng ôm ấp, an ủi bên anh gọi anh là thằng kẻ cắp, thằng mặt giặc. Khuôn mặt nàng khi nhìn thấy anh trắng bệch, đôi mắt thất thần như thấy bóng ma, đôi môi mím lại, tím ngắt.

“Tôi” trong Ám ảnh là cậu bé Thạnh với cuộc sống gia đình đầy rạn

nứt. Hàng ngày, cậu luôn phải chứng kiến những hành động lạnh lùng, tàn nhẫn của bố mình. Ông căng sắt qua mình con gà, làm thành cái rọ bó gọn lấy, cố định chân, đầu và chỗ ăn khiến chân nó sưng phù lên. Hình ảnh con gà suốt đời không chạy nhảy, nhúc nhích cũng giống như hình ảnh của mẹ Thạnh cả đời vất vả tảo tần kiếm tiền, lo lắng công việc gia đình. Ngày mẹ Thạnh nằm viện, ông dẫn về một người bằng tuổi con gái mình và tuyên bố sẽ ngủ riêng vì mẹ Thạnh là một người đàn ông có râu. Sự tàn nhẫn, bội bạc của người bố đã trở thành những ám ảnh xấu đối với Thạnh đến mức cậu mơ thấy mình bắn chết tình nhân của bố rồi bị tử hình. Với hình thức kể chuyện theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện đứng ngang hàng, bình đẳng với nhân vật. Sự

việc được kể theo cái nhìn của nhân vật nên nhiều khi người kể chuyện không kiểm soát được hành động, suy nghĩ của nhân vật. Đọc truyện, người đọc thấy lúc thì nhân vật kể về mình khi đang ở trong trại giam, lúc lại theo dòng kí ức để thấy được câu chuyện của gia đình Thạnh, lí do vì sao Thạnh giết người. Sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và mơ khiến cho ngay chính nhân vật người kể chuyện cũng không phân biệt được: “Thế đấy. Mọi thứ vừa

thực, vừa ảo. Cuối cùng chỉ là giấc mơ” [30, tr.264].

Kể chuyện ở ngôi thứ nhất, cái tôi tự kể về mình, mỗi tác phẩm mang tính chất của hình thức tự truyện. Khoảng cách giữa tác giả và nhân vật rút ngắn tối đa. Hình thức kể chuyện này có ưu thế tuyệt đối trong việc thâm nhập, khai thác thế giới tâm hồn nhân vật cũng như thể hiện thái độ, tư tưởng của tác giả tự nhiên và chân thực nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) người kể chuyện trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)