Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 78 - 81)

Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.8. Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong du lịch

2.8.1. Về kiến trúc nhà sàn, đình, chùa

Qua điều tra thống kê trên địa bàn toàn huyện cho thấy hiện tại tập quán nhà sàn và số lượng nhà sàn vẫn còn bảo tồn khá tốt ở một số địa phương như Linh Thông, Tân Thịnh, Thanh Định, Phú Đình, Lam Vỹ… Bên cạnh đó đã có nhiều hộ gia đình làm thêm nhà sàn mới tuy nhiên đã có những cải biến nhỏ về kiến trúc như: chiều cao của nhà, số lượng cột, vật liệu làm mái, vật liệu làm sàn... Kết quả thống kê giai đoạn 2006- 2011: tổng số nhà sàn trên toàn huyện là 1165 nhà, trong đó số nhà sàn đã bán ra ngoài địa bàn huyện là 96 nhà; đồng bào cũng làm mới thêm 158 nhà. Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để nhân dân nâng cao nhận thức về giá trị của những nét văn hóa truyền thống độc đáo của nhà sàn, giá trị về mặt kinh tế, nét văn hóa trong kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày. Ngoài ra, Định Hóa đã tiến hành điều tra khảo sát tại các xã Định Biên, Thanh Định, Sơn Phú, Bình Thành, thị trấn Chợ Chu… trong đó phát hiện một số đình, chùa còn lưu giữ sắc phong, bia đá nhhư ở làng Quặng (xã Định Biên), bản Cái (xã Thanh Định), Khang Hạ (xã Bình Yên)… Đây là cơ sở cho việc nghiên cứu chọn lọc và bảo tồn.

2.8.2. Về nghề thủ công truyền thống và văn hóa ẩm thực

Nhiều sản phẩm đan lát được khôi phục khá tốt như nón Tày, dậu, mủng, rổ, rá, pện. Đồng thời tập trung điều tra, sưu tầm về các sản phẩm, vật dụng như quần áo, khăn, túi, mũ nón, giày dép, đồ trang sức (vòng cổ, vòng tay, dây đeo cổ… bằng kim loại bạc) nghề rèn, nghề mộc, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày… Các cấp chính quyền khuyến khích người dân thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong những dịp lễ tết, sự kiện chính trị của địa phương, trong sinh hoạt cộng đồng, trong các buổi liên hoan, giao lưu văn nghệ.

Các loại bánh, các món ăn hiện nay người dân ít làm như bánh trứng kiến, khẩu thi, thực phẩm hun khói, thịt nướng… tiếp tục được khảo sát, điều tra và sưu tầm để khôi phục. Một số món ăn dân tộc khác như xôi trám đen, xôi ngũ sắc, bánh lẳng, bánh sắn, cơm lam, bánh khảo, thịt trâu khô… cũng được bảo tồn khôi phục và phục vụ trực tiếp cho cuộc sống. Các sản phẩm này đã trở thành hàng hóa trên thị trường nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng tạo nên nét văn hóa ẩm thực riêng của Định Hóa, được du khách ưa chuộng.

2.8.3. Về lễ hội, phong tục tập quán

Việc nghiên cứu điều tra sưu tầm về các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn đã và đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên và huyện Định Hóa tích cực tổ chức nghiên cứu để chọn lọc đầu tư khôi phục như:

- Đã khôi phục được một số lễ, hội như lễ Kỳ yên của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Chí, dân tộc Dao, lễ Rước kiệu trong lễ hội Chùa Hang… Đặc biệt là Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa (tổ chức vào ngày mùng 9-10 tháng Giêng âm lịch hàng năm) đã được phục dựng từ năm 2002 và được tổ chức thường niên với quy mô lớn. Ngoài ra, lễ hội Chùa Hang thị trấn Chợ Chu (tổ chức vào ngày 14- 16 tháng Giêng âm lịch) cũng được khôi phục và duy trì hàng năm, năm 2011 đã khôi phục được Lễ rước kiệu trong lễ hội.

- Một số môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, cờ tướng, đu quay… đã được khôi phục, tổ chức trong các dịp lễ tết các ngày hội lớn của các địa phương, trong các dịp đại hội văn hóa – thể thao các cấp.

- Đã thực hiện thành công dự án phục dựng, bảo tồn đám cưới của người Tày ở xã Lam Vỹ (Định Hóa)

- Phong tục tập quán sinh hoạt, phép ứng xử trong sinh hoạt cộng đồng… tiếp tục được sưu tầm và nghiên cứu để chọn lọc khôi phục đưa trở lại cuộc sống nhằm giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, động viên củng cố tính cố kết cộng đồng làm tăng thêm sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

2.8.4. Về nghệ thuật dân gian

Đã tiến hành sưu tầm và khôi phục nghệ thuật sân khấu múa rối Tày ở Thẩm Rộc (xã Bình Yên) năm 2007, cùng với sự đầu tư của huyện và sự tâm huyết của các nghệ nhân hiện tại múa rối Tày đã và đang phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được giới thiệu tới đông đảo du khách gần xa trong các dịp lễ hội. Bên cạnh đó đã tổ chức khảo sát sưu tầm múa rối Tày (múa Tắc Kè) của xã Đồng Thịnh phục vụ cho công tác khôi phục sau này. Các tác phẩm văn xuôi, các bài hát then, hát sli, hát lượn, được quan tâm khôi phục đưa vào phục vụ trong các lễ hội, sự kiện văn hóa và trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân, từ năm 2008 đến nay Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thái Nguyên đã phối hợp với huyện sưu tầm và ghi âm 80 bài hát dân ca dân tộc, khảo sát được 700 bài hát, 48

cuốn sách cổ trong đó có các bài hát then, hát sli, hát phong Slư của dân tộc Tày- Nùng, hát Đối của dân tộc Cao Lan-Sán Chí, hát Páo dung của dân tộc Dao; Phòng Văn hóa thông Tin huyện chủ trì đề án xây dựng mô hình hát Sli, hát Lượn các dân tộc Tày-Nùng vùng ATK Định Hóa, qua đó đã sưu tầm được trên 100 bài hát Sli, hát Lượn phục vụ cho công tác khôi phục.

Ngoài ra, công tác khôi phục phát huy tinh hoa văn hóa đối với các làn điệu Then, hát Đối… đã và đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn toàn huyện. Năm 2010 Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã đăng ký và thực hiện Dự án xây dựng mô hình hát Sli, hát Lượn của các dân tộc Tày-Nùng vùng ATK Định Hóa do UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt. Sau 2 lần Hội thảo dự án đã được thẩm định hoàn chỉnh với tổng số 50 bài thuộc các làn điệu hát Sli, hát Lượn của dân tộc Tày- Nùng và được các nghệ nhân truyền giảng tại 05 xã (Phúc Chu, Lam Vỹ, Điềm Mặc, Định Biên, Bộc Nhiêu). Mô hình này đã được nghiệm thu cấp tỉnh năm 2011, căn cứ vào kết quả nghiệm thu huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho tiếp tục tổ chức mở rộng trong những năm tiếp theo trên phạm vi toàn huyện.

2.8.5. Về các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh

Việc điều tra, khảo sát và nghiên cứu các điểm di tích lịch sử được tiến hành đồng thời với công tác điều tra, sưu tầm văn hóa truyền thống kết hợp với việc phát huy những giá trị lịch sử của những di tích đó nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phục vụ công tác du lịch. Đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát thống kê lại và lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận xếp hạng 83/109 điểm di tích lịch sử - danh thắng chưa xếp hạng trên địa bàn huyện. Một số di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh được đầu tư tôn tạo như lán Tỉn Keo, Khuôn Tát, Phụng Hiển, Nà Mòn, đình làng Quặng, Thâm Tắng, Roòng Khoa, Chùa Hang… đã phát huy tốt giá trị văn hóa là điểm đến của các tầng lớp cán bộ, nhân dân và du khách gần xa.

Những giá trị văn hóa truyền thống mà huyện Định Hóa bước đầu khôi phục, bảo tồn và phát huy là kết quả của sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đối với việc giữ gìn những giá trị văn hóa cho thế hệ sau. Tuy nhiên, có những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp hiện nay chưa được khôi phục, sưu tầm và nghiên cứu, đồng thời, còn một bộ phận người dân chưa coi trọng văn hóa dân tộc. Vì vậy, các cấp chính quyền ở Định Hóa nên cần tiếp tục khảo sát, sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc cũng như đẩy mạnh

công tác tuyên truyền cho du khách, cho cộng đồng để văn hóa truyền thống sẽ là thế mạnh để huyện phát triển du lịch văn hóa và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)