Tổ chức, quản lý hoạt động du lịch văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 106 - 108)

Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN

3.2. Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa tại huyện Định Hóa

3.2.7. Tổ chức, quản lý hoạt động du lịch văn hóa

Đối với cơ quan quản lý cần rà soát, đánh giá một cách khoa học nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của huyện và toàn ngành, làm cơ sở cho việc lập các quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch văn hóa đã được phê duyệt một cách hiệu quả. Có chính sách phát triển các ngành kinh tế du lịch một cách hợp lý phải lựa chọn và xác định cơ cấu kinh tế hợp lý. Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND huyện xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, quy chế quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên du lịch và quy chế quản lý các khu du lịch đã được đầu tư và xây dựng, thẩm định các dự án phát triển của ngành.

Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế vào đầu tư kinh doanh, tổ chức sản xuất kinh doanh du lịch. Tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực cho toàn ngành từng bước triển khai thực hiện tiêu chuẩn hóa lực lượng lao động. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong huyện như: Ngành Văn hóa-thông tin, giao thông vận tải, bưu điện và các ngành liên quan phối hợp đầu tư các dự án ở các điểm, khu du lịch văn hóa và phối hợp với địa phương có các điểm du lịch văn hóa

nằm trong quy hoạch phát triển làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên du lịch đã được quy hoạch mà chưa có điều kiện khai thác.

Xây dựng đội quản lý các khu du lịch, các di tích lịch sử trong huyện để thường xuyên kiểm tra đánh giá mức độ phát triển hay xuống cấp của nó. Đưa ra các bài toán, các biện pháp cũng như sự can thiệp tốt nhất cho các di tích, điểm du lịch tránh can thiệp thô bạo vào các di tích lịch sử, di tích lịch sử cách mạng,… Huyện cần tăng cường mối quan hệ với các huyện khác trong tỉnh, tạo ra không gian du lịch rộng lớn, thiết lập các tour du lịch liên huyện, liên tỉnh đưa sản phẩm du lịch huyện sớm hòa nhập với du lịch cả nước.

Mỗi năm khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đón từ 5 đến 7 vạn lượt khách tham quan, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và xử lý rác thải cũng là một vấn đề gặp rất nhiều khó khăn, số lượng trang thiết bị còn hạn chế, chưa có mô hình thu gom và xử lý rác thải đồng bộ ảnh hưởng đến môi trường tham quan du lịch và chất lượng phục vụ khách, vì vậy công tác bảo vệ, vệ sinh tại khu di tích là việc làm rất cần thiết đòi hỏi có sự quan tâm, đầu tư kinh phí, trang thiết bị của các cấp, các ngành để đảm bảo cho khu di tích lịch sử và hệ sinh thái ATK Định Hóa luôn xanh – sạch - đẹp.

Tập trung thực hiện nội dung “Nâng cao vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường, văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch” đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011. Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để những hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo,... Với hành vi như gian lận, tăng giá, chặt chém, đeo bám, ép khách du lịch thì chính quyền địa phương cần đưa ra quy định kinh doanh dịch vụ với mức giá thống nhất, thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện cơ sở kinh doanh, hay người dân có những hành vi như trên sẽ xử phạt theo quy định.

Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến cho khách du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân nhằm xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, việc giữ gìn, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường để phát triển du lịch du lịch. Khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường du lịch trên địa bàn. Ngoài ra cũng cần có những biện

pháp xử phạt kèm theo với những đối tượng có hành vi phá hoại môi trường, có những hành động gây mất trật tự, đánh lộn trên địa bàn.

Thành lập các đội dân quân tại các khu, các điểm du lịch tuần tra vào ban đêm, để đảm bảo an ninh trật tự tại khu điểm du lịch. Có biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp xấu xảy ra. Công tác tuần tra cần phải có sự tham gia hợp tác của cả cộng đông trong điểm, khu du lịch. Thành lập các trạm kiểm soát tại các khu các điểm du lịch, đặc biệt ở mỗi bản phát triển du lịch văn hóa cần có trạm kiểm soát sự ra vào của khách và người lạ khi vào bản, việc này đảm bảo vai trò giữ trật tự an ninh, tránh trường hợp xảy ra trộm cắp. Khi phát hiện nghi ngờ những đối tượng xấu cần phải phân công theo dõi chặt chẽ, đối phó nhanh chóng.

Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, việc phát triển du lịch văn hóa gắn liền với các giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư, người dân chính là người tiếp xúc trực tiếp với khách. Vì vậy ấn tượng của khách về du lịch tại điểm ra sao phụ thuộc lớn vào cộng đồng. Tuyên truyền cho người dân biết sự quan trọng trong việc bảo vệ tài sản của mình cũng như của du khách, hình thành nét đẹp chung đó là không lấy bất cứ thứ gì của du khách hay chính là của những người cùng địa phương vì làm được điều này đã là thành công bước đầu để hấp dẫn du khách đến với địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 106 - 108)