Du lịch làng nghề

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 65 - 66)

Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.5.6. Du lịch làng nghề

Các nghề thủ công truyền thống ở Định Hóa đã góp phần tạo dựng nên bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội và văn hóa, đặc biệt đây cũng là tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của huyện Định Hóa. Đa số các sản phẩm nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện Định Hóa đều mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc như đồ mộc, mành cọ, cá ruộng, chè, mỳ gạo, rượu nếp… Tháng 8-2011, huyện Định Hóa đã xây dựng Đề án với tên gọi “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ phục vụ du lịch giai đoạn 2011-2015”. Để thực hiện được những mục tiêu đã đặt ra, huyện Định Hóa đã đưa ra nhiều giải pháp như: đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất tại các làng sau khi khảo sát và xác định thành lập làng nghề; hỗ trợ các làng có nghề về các thủ tục đăng ký, công nhận làng nghề; có chính sách hỗ trợ bảo tồn các nghề trên địa bàn huyện về vốn, thị trường, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, máy móc, tổ chức dạy nghề, truyền nghề, xúc tiến thương mại…Kết quả là hiện nay, Định Hóa có 7 làng nghề là Làng Bầng, Co Quân, Ru Nghệ 1, Ru Nghệ 2 (xã Đồng Thịnh) với nghề dệt mành cọ; thôn Phú Hội 1, Phú Hội 2, xã Sơn Phú và thôn Quỳnh Hội (xã Trung Hội) với nghề chế biến chè thủ công (xem Phụ lục 3).

Làng chuyên canh chè ở xóm Quỳnh Hội (xã Trung Hội) có 100% hộ sống bằng nghề chè. Năm 2011, Quỳnh Hội được đầu tư thực hiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với 90% số hộ tham gia. Khách du lịch khi đến tham quan Quỳnh Hội sẽ được thưởng lãm những vườn chè xanh mướt mát của vùng chiến khu Việt Bắc; được tự tay thực hiện các công đoạn sản xuất thức uống truyền thống này (hái, sao, lấy hương…) cũng như được tham gia trồng và chăm sóc cho cây chè. Đặc biệt du khách sẽ được thưởng thức những chén trà đượm vị thơm hương của vùng đất ATK lịch sử tạo nên điểm nhấn hút khách du lịch về với Định Hóa.

Bên cạnh những búp chè truyền thống, mỳ gạo Cau Lầu đã trở thành một đặc sản có tiếng của xóm Nản, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Các công đoạn xay bột, tráng bánh và cắt bánh trong quy trình sản xuất mỳ trước đây đều được thực hiện thủ công rất cầu kỳ, những cơ sở sản xuất trong xóm đều không sử dụng hàn the, thuốc tẩy và các chất phụ gia để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, mỳ gạo Cau Lầu nổi tiếng tiếng thơm ngon, khi nấu chín, sợi mỳ dẻo, dai không bị nát, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Khi đến tham quan làng nghề, khách du lịch sẽ được người dân địa phương hướng dẫn thực hiện các công đoạn chế biến sản phẩm, từ việc vo gạo, nghiền bột, ngâm bột đến thao tác tráng, phơi bánh, thái sợi và bó thành phẩm. Nếu muốn du khách có thể thưởng thức ngay sản phẩm cho chính tay mình làm ra hoặc mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Mỗi kg mỳ gạo ở đây chỉ có giá 28 nghìn đồng.

Ngoài mỳ gạo Cao Lầu, Định Hóa còn được biết đến với nghề dệt mành cọ, tập trung ở xã Đồng Thịnh (làng Bầng, xóm Co Quân, Ru Nghệ 1, Ru Nghệ 2. Trung bình mỗi năm, các thôn này bán ra thị trường từ 200-250 nghìn chiếc mành cọ, thu về từ 6-7 tỷ đồng, giải quyết cho gần 200 lao động tại địa phương. Đến với làng nghề, du khách sẽ được tham quan và tham gia trực tiếp vào 6 công đoạn sản xuất: lấy nan từ cây cọ, chẻ nan, vót nan, phơi nan, dệt, cắt chỉ. Sản phẩm làng nghề cũng trở thành những món quà lưu niệm độc đáo đối với du khách, đó chính là những mành cọ được dệt kín, phẳng, đều và có độ xanh bóng. Phát triển du lịch làng nghề không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn ở Định Hóa mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan rừng cọ - nét đặc trưng của vùng đất ATK.

Bên cạnh đó, du khách cũng dễ dàng tìm mua những món quà của núi rừng ở khu trung tâm huyện lị hoặc tại các điểm di tích và các bản văn hóa như: quả cọ, mành cọ, nón Tày, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, gạo Bao Thai… Đồng thời, khách du lịch cũng được chỉ dẫn đến các cơ sở sản xuất thịt trâu/bò khô, các lò nấu rượu nếp ở thị trấn Chợ Chu và xã Phú Đình để thưởng thức sản phẩm và trao đổi mua bán đặc sản địa phương. Ngoài ra, không chỉ ở điểm di tích mà trên toàn huyện cũng có nhiều địa điểm bán chè sạch phục vụ nhu cầu cho du khách gần xa.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 65 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)