Xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 93 - 95)

Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN

3.2. Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa tại huyện Định Hóa

3.2.1. Xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

Giao thông: mở rộng mạng lưới giao thông có quy hoạch hợp lý, nâng cấp các tuyến đường chính đi lên Định Hóa. Nhanh chóng hoàn thiện và xây dựng mới các con đường liên xóm, liên huyện để du khách có thể dễ dàng tiếp cận điểm du lịch văn hóa. Riêng đối với bản Quyên (xã Điềm Mặc), bản Rịn (xã Bộc Nhiêu) cần nghiên cứu và tiến hành cải thiện, nâng cấp đường vào bản nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du khách tiếp cận điểm du lịch này. Đặc biệt các xã khó khăn trong diện 135 nhưng có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa nên có sự quan tâm đặc biệt để nâng cao đời sống cho nhân dân đồng thời phát triển du lịch văn hóa trong huyện Định Hóa.

Điện, nước: quan tâm phát triển lưới điện đặc biệt là chất lượng điện tới các khu du lịch, điểm di tích để đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa phương và du khách. Hơn nữa cần thiết xây dựng trạm biến áp riêng

cho khu vực Đèo De – Phú Đình, vì đây là nơi có nhiều khách tới thăm và nghỉ lại nhiều nhất. Cần xây dựng các phương án dự phòng khi xảy ra tình trạng cháy nổ, mất điện để đảm bảo phục vụ cho khách du lịch một cách tốt nhất, ví dụ như đầu tư máy phát điện, hoặc hệ thống pin năng lượng mặt trời để sử dụng trong những tình huống cần thiết. Chỉnh trang lại hệ thống cột điện, đường dây truyền tải điện, trạm biến áp nhằm mang lại cảnh quan đẹp mắt và tránh thất thoát điện năng.

Y tế: y tế của huyện đã phát triển, đời sống của nhân dân đã được nâng cao rất nhiều, nhưng riêng về phục vụ cho du khách thì vẫn chưa thực sự tốt. Xã Phú Đình là xã trung tâm của ATK đây là nơi có nhiều du khách ghé qua nhất, chính vì thế cần có biện pháp củng cố trạm y tế ở đây, đảm bảo phục vụ kịp thời cho nhân dân địa phương và du khách tại khu trung tâm ATK – Phú Đình. Đặc biệt là đầu tư đồng bộ về y tế cho các xã, làng trong quy hoạch phát triển làng văn hóa. Mỗi điểm du lịch cần có tủ thuốc miễn phí cung cấp cho du khách những loại thuốc thông thường. Nên có chính sách tuyển dụng và thu hút y bác sĩ về công tác tại các điểm du lịch ở Định Hóa. Đặc biệt, cần tập huấn cho nhân viên ở đây thuần thục các thao tác sơ cứu cấp cứu phòng trường hợp khách du lịch gặp tai nạn bất ngờ.

Viễn thông, bưu chính, ngân hàng: cần có các chính sách thu hút các nhà cung cấp dịch vụ đầu tư xây dựng hệ thống viễn thông, để không những phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch, đem lại sự tiện nghi, gián tiếp tuyên truyền quảng cáo cho du lịch Định Hóa mà còn nâng cao chất lượng phục vụ của các điểm bưu điện văn hóa xã. Ngoài hệ thống các ngân hàng Nhà nước và tư nhân, với xu hướng tài chính hiện đại ngày nay, Định Hóa cũng nên đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật về dịch vụ tiền tệ nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu chuyển tiền, đổi ngoại tệ, rút tiền từ máy ATM hay quyết toán khoản chi tiêu cho du lịch qua thẻ tín dụng.

Khách sạn, nhà hàng: Hiện nay Định Hóa chưa có khách sạn, chủ yếu chỉ có một số nhà nghỉ sức chứa nhỏ phục vụ khách. Các nhà hàng chưa phát huy được thế mạnh của mình về đặc sản của các dân tộc, còn quá phụ thuộc quảng cáo bằng các món ăn quý hiếm ở rừng làm tổn thương tới môi trường. Vì vậy cần tập trung mời gọi các dự án đầu tư hệ thống nhà hàng, khách sạn để làm nền tảng phát triển các điểm du lịch. Đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng khách sạn khang trang sạch đẹp mang nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc Định Hóa, không làm phá vỡ mỹ quan, khuyến khích các nhà hàng chế biến những món ăn truyền thống đáp ứng nhu

cầu ẩm thực của du khách. Đặc biệt, cần yêu cầu những nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn phải có hệ thống xử lý nước và rác thải, sao cho hạn chế tốt đa tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động du lịch văn hóa gây ra.

Khu vui chơi, giải trí và mua sắm: đầu tư xây dựng cơ bản các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực phục vụ khách du lịch và chính người dân địa phương. Khôi phục và phát triển Chợ Chu cũ thành chợ truyền thống của huyện, khuyến khích thương nhân đầu tư kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm thu hút khách du lịch. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để kéo dài thời gian thăm viếng, lưu trú của du khách khi đến Định Hóa. Phát triển hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt, xử lý rác thải, nước sinh hoạt, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường tại các khu du lịch. Xây dựng các chính sách ưu đãi, các cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư và các thành phần kinh tế tham gia vào kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 93 - 95)