Du lịch thưởng thức nghệ thuật dân gian

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 63 - 65)

Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.5.5. Du lịch thưởng thức nghệ thuật dân gian

Định Hóa là mảnh đất có đời sống tinh thần vô cùng phong phú, là nơi lưu giữ những loại hình nghệ thuật truyền thống của người Tày, người Sán Chay, người Nùng… trong đó có thể kể đến:

Soọng Cô:là làn điệu dân ca độc đáo của người Sán Dìu ở Định Hóa. Theo tiếng Sán Dìu thì Soọng có nghĩa là hát, còn Cô nghĩa là ca. Nó là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống thường ngày được thể hiện qua lời hát, là môi trường gìn giữ văn hóa tộc người. Lời ca và giai điệu của Soọng cô không hề khô cứng mà mềm dẻo đầy sức lan tỏa, diễn đạt tâm tư tình cảm của người hát, làm mê đắm lòng người. Môi trường diễn xướng của hát Soọng Cô khá tự do. Có lẽ vì thế mà nó có sức sống kỳ diệu trong sinh hoạt văn nghệ của người Sán Dìu.

Sli (vả Sli): là làn điệu đặc trưng của dân tộc Nùng ở huyện Định Hóa (người Nùng Cháo có Sli Slình làng, nguời Nùng Giang có Sli Giang, người Nùng Phàn slình có Sli bốc, sli Phàn slình…). Thực chất Sli là một hình thức hát thơ (kiểu như Phong Slư của dân tộc Tày nhưng cơ bản khác nhau về mặt tính chất). Sli được coi là một thể loại trữ tình dùng trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới và dùng để hát giao duyên. Có thể nói, Sli là một làn điệu mang đậm dấu ấn bản sắc của đồng bào dân tộc Nùng. Đến nay, người biết hát Sli không nhiều, nhất là Sli theo đúng nguyên bản ngày xưa. Đây chính là nét văn hóa đặc sắc rất cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy.

Lượn: là loại hình dân ca phản ánh tập quán, tín ngưỡng, cuộc sống sinh hoạt, tâm tư nguyện vọng con người, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng nổi bật nhất là hình thức hát giao duyên của người Tày. Lượn Tày có 5 thể loại đồng thời là làn điệu, đó là: Lượn Then, Lượn Slương, Lượn Cọi, Lượn Ngạn, Lượn Nàng Hai. Những làn điệu hát lượn cổ truyền ấy được cất lên ngọt lành êm ái quanh năm, nhất là khi tết đến, xuân về. Đồng bào Tày Định Hóa Lượn ở mọi lúc mọi nơi, họ dùng lượn như một ngôn ngữ để giao tiếp, bày tỏ tâm tư tình cảm với nhau.

Then: là một thể loại ca nhạc tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Then mang trường ca, mang màu sắc tín ngưỡng thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc Hoàng giải quyết một vấn đề gì đó cho gia chủ. Âm nhạc là yếu tố xuyên suốt cuộc hát then. Hát then có nhiều bài bản, làn điệu. Người Tày, người Nùng không kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe hát Then. Lời hát theo hình thức diễn xướng tổng hợp ca nhạc đàn Tính, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau.

Nghệ thuật múa rối cạn: về Thẩm Rộc, Định Hóa, Thái Nguyên, du khách có thể vừa xem múa rối Tày, vừa tham gia chế tác con rối làm kỷ niệm cho chuyến du lịch đến “thủ đô gió ngàn”. Gọi là rối que vì phần lớn các con rối ở Thẩm Rộc đều được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật. Trong khi các nam giới đảm nhận vai trò điều khiển rối, thì phái nữ trong thôn sẽ cất cao giọng hát và đọc lời thoại cho nhân vật. Đôi khi có người phải đảm nhiệm đến ba bốn vai một lúc. Bằng những động tác đơn giản nhưng thuần thục những tiết mục múa rối đã thể hiện khá sinh động cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, leo cây... Rối cạn thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng tồng. Các màn trò rối nổi tiếng nhất, đậm đà bản sắc văn hóa Tày là màn rối Tắc kè - Pú Cấy và màn rối Hội xuống đồng.

Sình ca: là điệu hát của người dân tộc Sán Chí, được tổ chức theo từng nhóm: một nhóm nam và một nhóm nữ hát đối đáp. Các bài hát này thường được chép bằng Hán Nôm, chia thành nhiều phần: hỏi thăm, làm quen, giới thiệu bản thân, trao đổi tâm tư tình cảm, lời chúc..., những phần này được gộp chung một bài. Mùa xuân lễ hội đem hát đối đáp giao duyên, bài hát gần gũi với đời thường của bà con, hương đồng gió nội khắp bản làng vùng sâu vùng xa.

Páo dung: là hát dân ca của dân tộc Dao, là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Hát Páo dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Dao. Với người Dao, nghệ thuật hát Páo dung luôn được giữ gìn như báu vật. Chỉ nói riêng về hát Then, Định Hóa được biết là 1 trong những huyện của Thái Nguyên có phong trào hát Then rất mạnh, khi mà hầu hết các xã của huyện đều có các

Câu lạc bộ và rất đông các nghệ nhân hát then. Tất cả các câu lạc bộ đều có những hoạt động thường kỳ và sẵn sàng tham dự nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, giao lưu giữa các câu lạc bộ, các xã với nhau. Các hoạt động văn nghệ cũng được tổ chức nhiều hơn ví dụ như ngày hội văn hóa của xã, huyện, tỉnh. Khách du lịch khi đến thăm vùng đất này sẽ dễ dàng được thưởng thức những loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Điểm biểu diễn có thể là nhà văn hóa thôn/xóm/xã cũng có thể là sân khấu ngoài trời trong dịp lễ hội. Và đặc biệt, du khách có thể được thẩm nhận những giá trị nghệ thuật dân gian trong ngay ngôi nhà sàn bình dị của người Tày Định Hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên (Trang 63 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)