Để thực hiện đề tài nghiên cứu này, tôi lựa chọn sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa các thông tin định lượng và phương pháp nghiên cứu định tính. Sử dụng phương pháp định lượng trong đề tài này để làm rõ xu hướng cải đạo, truyền đạo, còn phương pháp nghiên cứu định tính sẽ giúp tôi nghiên cứu sâu, rõ hơn về những xu hướng đó.
- Phương pháp nghiên cứu định lượng là phương pháp lấy thông tin cơ bản nhất từ đối tượng nghiên cứu bằng các bảng hỏi đã được thiết kế sẵn, và đối tượng nghiên cứu sẽ trả lời theo những nội dung của bản hỏi. Đây là phương pháp có tính khái quát rất cao, và để có được những thông tin hữu ích thì bảng hỏi cần phải được thiết kế sát với đề tài nghiên cứu, và những câu hỏi mang tính đơn giản, dễ hiểu để đối tượng có thể trả lời.
Như đã nói ban đầu, trong đề tài nghiên cứu về vấn để cải đạo Tin Lành ở Hà Nội, tôi chọn nghiên cứu 5 Hội thánh trong tổng số 20 Hội thánh Tin Lành
đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân tôi lựa chọn hướng tiếp cận Hội thánh mà không phải các chi phái là bởi 4 lý do sau:
+ Thứ nhất, quy mô, số lượng tín đồ tại một Hội thánh sẽ nhỏ hơn nhiều so với một chi phái, giúp tôi thu hẹp được số lượng người nghiên cứu, mà vẫn đảm bảo được tính khái quát hóa.
+ Thứ hai, do số lượng tín đồ tại mỗi một Hội thánh là tương đối ít (trung bình trên dưới 100 người, thậm chí có Hội thánh chỉ trên 20 người), nên giúp tôi tìm hiểu mối quan hệ, sự gắn kết giữa họ dễ dàng hơn, đồng thời làm rõ được vai trò của mạng lưới xã hội, và có thể kiểm tra thông tin chéo giữa các tín đồ.
+ Thứ ba, đây là một công trình nghiên cứu về động cơ cải đạo và quá trình truyền bá đạo Tin Lành ở Hà Nội, tức là tập trung chủ yếu vào người cải đạo Tin Lành và các mối quan hệ xung quanh họ, chứ không đi sâu vào giáo lý, tín điều nên tôi cho rằng hướng tiếp cận Hội thánh sẽ phù hợp hơn.
+ Thứ tư, hiểu một cách đơn giản, Hội thánh gần giống như các chi bộ Đảng, là địa điểm gần nơi cư trú nhất để các tín đồ đến sinh hoạt, cho nên tiếp cận các Hội thánh có thể giúp tôi tìm hiểu một cách kỹ lưỡng và sâu rộng hơn về sự lan tỏa của đạo Tin Lành đến đời sống của người Hà Nội.
Đối với 5 Hội thánh được lựa chọn nghiên cứu một cách ngẫu nhiên (với khoảng hơn 1.000 tín đồ sinh hoạt thường xuyên, tôi tiếp tục lựa chọn ngẫu nhiên 100 người để nghiên cứu.
Bảng hỏi mà tôi thiết kế để lấy thông tin từ các đối tượng nghiên cứu sẽ được xây dựng dựa trên quá trình trao đổi, tham khảo ý kiến của các mục sư, một số tín đồ và thầy hướng dẫn để đưa ra các câu hỏi và câu trả lời phù hợp. Tôi sẽ sử dụng 4 loại thang đo chính trong bảng khảo sát là: thang đo định danh (hỏi về giới tính, nơi sinh, nghề nghiệp...), thang đo thứ bậc (trình độ học vấn...), thang đo khoảng cách (mức độ hài lòng với cuộc sống hiện tại...),
thang đo tỷ lệ (độ tuổi, thu nhập, thời gian sinh hoạt đạo, số con cái...). Trong quá trình xây dựng bảng hỏi, tôi sẽ liên tục thử nghiệm bảng hỏi với một số đối tượng (theo lứa tuổi, giới tính) và sửa đổi câu hỏi cho phù hợp hơn trước khi triển khai đại trà.
Bảng hỏi trong nghiên cứu của tôi ngoài phần thông tin về đối tượng nghiên cứu sẽ gồm 3 phần chính, tương ứng với 3 câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu mà tôi đặt ra trong đề tài này, bao gồm:
+ Phần 1: Lý do cải sang đạo Tin Lành, sẽ bao gồm một số câu hỏi liên quan đến suy nghĩ của các tín đồ về đạo Tin Lành.
+ Phần 2: Quá trình truyền bá đạo Tin Lành, gồm một số câu hỏi như: có từng đi xuất khẩu lao động hoặc từng di cư ra nước ngoài không? Đó là nước nào? Biết đến đạo Tin Lành thông qua nguồn nào?...
+ Phần 3: Tác động của đạo Tin Lành đến đời sống người cải đạo, gồm các câu hỏi về sự thay đổi về mặt tâm linh, thay đổi về vật chất…
Sau khi tiến hành thu thập thông tin bằng phương pháp định lượng, tôi sẽ nhập và xử lý dữ liệu thông qua hệ thống SPSS để đưa ra kết quả một cách nhanh chóng mà không mất quá nhiều thời và công sức thống kê.
- Phỏng vấn sâu: Sau khi sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua khảo sát bằng bảng hỏi 100 trường hợp, tôi sẽ áp dụng phương pháp chọn mẫu có chủ đích để chọn ra 20 tín đồ và 3 mục sư để tiến hành phỏng vấn sâu. Vì là chọn mẫu có chủ đích nên sẽ dựa vào phán đoán của tôi sau khi phân tích 100 bảng hỏi để tìm ra những trường hợp đặc biệt nhằm tìm hiểu kỹ hơn quan điểm của họ mà trong giới hạn một bảng khảo sát mang tính chất định lượng chưa thể hiện được hết; đồng thời cũng để trả lời cụ thể cho 3 câu hỏi nghiên cứu mà tôi đã đặt ra trong đề tài này.
Tuy nhiên, trong quá trình chọn mẫu để phỏng vấn sâu, tôi cũng sẽ lưu ý đến các chiều kích về giới tính, lứa tuổi để đảm bảo sự cân bằng.
Khi thiết kế công cụ nghiên cứu cho phương pháp này, tôi sẽ không dựa hoàn toàn vào những câu hỏi được soạn sẵn theo cấu trúc, mà chủ yếu làm việc với bộ công cụ nghiên cứu là những hệ mã thông tin mở (tree notes) xoay quanh các câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu chính của luận văn. Với phương pháp này, tôi có thể biến những cuộc phỏng vấn sâu thành những cuộc trò chuyện thân tình, nhằm tránh sự căng thẳng không đáng có cho người cung cấp thông tin. Thông qua các cuộc trò chuyện, đối tượng nghiên cứu dễ dàng trình bày ý kiến, đưa ra những quan điểm riêng mà không bị áp lực hay khoảng cách giữa những người nghiên cứu và bản thân họ.
Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn sâu, tôi cố gắng thu thập thông tin liên quan đến lịch sử cuộc đời để làm rõ sự khác biệt giữa hai giai đoạn trước và sau cải đạo trong cuộc đời của đối tượng nghiên cứu. Đó là cuộc sống của đối tượng nghiên cứu trước khi cải đạo và cuộc sống sau khi cải đạo. Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin mà đối tượng được nghiên cứu đưa ra là chính xác, tôi sẽ tiến hành phối kiểm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như từ người thân trong gia đình, bạn bè, những người sinh hoạt cùng Hội thánh...
Mặt khác, trong quá trình trò chuyện với đối tượng nghiên cứu, có thể họ sẽ trích dẫn các đoạn Kinh thánh vào các cuộc trò chuyện, để giải thích những ý tưởng, quan niệm sống thường ngày của họ. Chính vì vậy, tôi cũng sẽ phải làm công việc như những người chú giải Kinh thánh là tra cứu và đọc lại những đoạn Kinh thánh liên quan đến những gì họ đã nói, để hiểu biết được nguyên bản đoạn Phúc âm và những ý nghĩa từ việc diễn ngôn (discourse)
Kinh thánh của người dân trong đời sống thường ngày. Đây là một công việc đầy thách thức đối với một người không theo đạo lại có những hạn chế nhất định về kiến thức như tôi. Vì vậy, để làm tốt công việc này, để có vốn hiểu biết về Kinh thánh, tôi sẽ đã cố gắng khắc phục hạn chế bằng cách tham vấn các mục sư, cũng như tham khảo các sách giáo lý. Tuy nhiên, tôi xác định đây
không phải là công trình nghiên cứu chú giải Kinh thánh thuần túy mà là công trình nghiên cứu về đạo Tin Lành ở Hà Nội.
Một trong những điểm thuận lợi khi tôi áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu là tôi sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các mục sư và thầy hướng dẫn trong việc tiếp cận đối tượng cần nghiên cứu. Tuy nhiên, vì đề tài được thực hiện ở đô thị lớn (Hà Nội) và chưa có sẵn mối quan hệ từ trước nên quá trình tiếp cận những người theo đạo Tin Lành ở các Hội thánh sẽ gặp phải những khó khăn như: khó tham gia vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ vì họ sẽ e ngại, khó có được những thông tin chuẩn xác từ đối tượng nghiên cứu… và thực tế, để có thể tiếp cận và hòa nhập với các cá nhân trong cộng đồng tôn giáo là một việc không hề đơn giản, nhất là đối với một người không theo đạo Tin Lành.
Dù vậy, tôi vẫn cố gắng tham dự các hoạt động tôn giáo như các buổi cầu nguyện, các hoạt động từ thiện, các buổi hội họp nhóm, đoàn thể để có được thông tin chính xác hơn về những vấn đề nhạy cảm như thái độ, cách hành xử của các tín đồ đối với tôn giáo mà họ đang theo, hay mối quan hệ, giao tiếp giữa những người cùng đạo. Đồng thời, sẽ giúp tôi giải quyết được độ vênh tiềm năng giữa các câu trả lời qua bảng hỏi và hành vi thực tế. Độ vênh này có thể đã bị che giấu vì chuẩn mực xã hội, vì tính cách của người trả lời phỏng vấn...
Trong quá trình nghiên cứu thực địa, tôi thường dùng ba loại sổ chính là sổ ghi nhanh, sổ ghi đầy đủ và sổ ghi chép về phương pháp và trải nghiệm bản thân của nhà nghiên cứu tương tác với đối tượng nghiên cứu.
Áp dụng phương pháp này vào các nghiên cứu khoa học nói chung và trong nghiên cứu này nói riêng sẽ không tránh khỏi những quan điểm mang tính chủ quan từ phía người nghiên cứu. Tuy nhiên, vì bản thân người nghiên cứu không theo Đạo Tin Lành nên sẽ có những nhận định mang khách quan
nhất định dưới góc độ người ngoài cuộc. Thông qua quá trình tham dự kết hợp với quan sát, tôi cho rằng có thể đánh giá một cách sơ bộ về các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt là cách thực hành tôn giáo của cộng đồng.