Ra đời ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho đến nay đã thu hút sự tham gia của các nước trong khu vực bao gồm: Brunay, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, ASEAN đã đề ra mục tiêu là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Sự cải thiện quan hệ giữa các nước Đông Dương và các thành viên sáng lập ASEAN dẫn đến ASEAN mở rộng về quy mô là thành công rất lớn trong thập niên 1990. Sở dĩ ASEAN là nhân tố quan trọng khiến Nhật Bản tham gia vào tiến trình ASEAN + 3 bởi vì các yếu tố sau đây:
Yếu tố địa chính trị: Yếu tố địa chính trị đóng vai trò quan trọng đối với chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Khái niệm này có từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, với những ví dụ điển hình về các cuộc đấu tranh địa chính trị giành vị trí bá quyền. Đối với Nhật Bản thì ASEAN là một trong những nước cờ quan trọng trong bàn cờ chính trị của họ. Ngay cả khi có các ý kiến cho rằng, toàn cầu hóa nổ ra mạnh mẽ, vai trò của yếu tố địa chính trị dần suy giảm do các đường biên giới quốc gia trở nên bị lu mờ.
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều tham gia vào tổ chức ASEAN.Vị trí của Đông Nam Á nằm ở phía đông nam châu Á, nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, được kết nối bởi eo biển Malacca. Đây là một trong những tuyến đường hàng hải sầm uất nhất thế giới, với gần một nửa khối lượng hàng hóa, vận chuyển thương mại chạy qua eo biển này. Khu vực còn bao gồm một
hệ thống các bán đảo, đảo và các quần đảo đan xen giữa các biển và vịnh biển rất đa dạng. Biển Đông có vị trí chiến lược về giao thông vận tải biển, là con đường huyết mạch trong vận tải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Vùng biển chứa đựng trong lòng nó nguồn tài nguyên to lớn về dầu mỏ, hải sản và nhiều khoáng sản quý hiếm khác. Với yếu tố địa lý như vậy, Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng mà bất kì nước nào cũng muốn thiết lập quan hệ hợp tác.
Vốn có lịch sử ngoại giao lâu đời, quan hệ của Nhật Bản với các nước thành viên trong ASEAN ngày càng được nâng tầm và củng cố. Từ khi trọng điểm ngoại giao của Nhật Bản bắt đầu chuyển sang châu Á thì nước này dần dần hiện thực hóa tham vọng bá chủ khu vực Đông Á, cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc trên mọi phương diện. Do đó, chính sách đối với Đông Nam Á ở thời kì hậu Chiến tranh Lạnh của Nhật Bản nhằm hai mục đích lớn: tích cực duy trì và tăng cường lợi ích kinh tế, ảnh hưởng chính trị của Nhật trong khu vực; tiếp tục sử dụng Đông Nam Á thành nơi thể nghiệm vai trò cường quốc chính trị mà Nhận Bản đang mong muốn hướng tới. Năm 1973 được coi là dấu mốc đánh dấu mối quan hệ hai bên, mở ra các cuộc viếng thăm chính thức của thủ tướng Nhật đến ASEAN và các chính sách hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì nền tảng quan hệ ngoại giao vững chắc mà Nhật Bản muốn nâng tầm quan hệ ASEAN lên nấc thang mới.
Cuối năm 1991, thế giới bước vào thời kỳ mới sau sự kiện chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu. Trật tự thế giới hai cực tan vỡ, Mỹ tự nhận mình là siêu cường duy nhất sở hữu cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm, vươn lên làm bá chủ thế giới. Tuy nhiên, sức mạnh của Mỹ không phải là tuyệt đối trên mọi chính trường.Lúc này, Đông Nam Á không còn là ưu tiên chiến lược của Washington khi họ phải đối mặt với những khó khăn nội bộ. Ở Philippines,Mỹ quyết định đóng cửa các căn cứ quân sự của họ trên lãnh thổ nước này vào năm 1992. Trước quyết định của các nhà cầm quyền Mỹ, nước Nga, kế tục Liên bang Xô Viết cũng rút bỏ sự có mặt về quân sự ở vùng Đông Nam Á. Điều này tạo nên “khoảng trống quyền lực trong khu vực”. Thế nhưng,Nhật Bản lại phải đối mặt với Trung Quốc đang ngang nhiên mở rộng phạm vi lãnh thổ. Trung Quốc hay Hàn Quốc ở khu vực Đông Bắc Á
chắc chắn đã nhòm ngó tới khoảng trống này từ lâu và đương nhiên, họ sẵn sàng mở rộng các mối quan hệ với các nước trong tổ chức nhằm lấy lòng các nước ASEAN.
Trên con đường tìm kiếm vị thế chính trị mới trong thế kỷ XXI, nhiều quốc gia mạnh dạn vươn mình ra biển lớn, trong đó Nhật Bản là một ví dụ điển hình tại khu vực Đông Bắc Á. Chính phủ Nhật Bản sớm điều chỉnh khuynh hướng hợp tác trong giai đoạn mới khi mà chủ nghĩa khu vực phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Đối với Nhật Bản, ASEAN luôn được coi là tổ chức đóng vai trò hạt nhân đối với quá trình liên kết khu vực. ASEAN là tổ chức duy nhất tập hợp được tất cả các quốc gia khu vực không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo và sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định lâu dài và phát triển bền vững trên tinh thần độc lập, tự chủ, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tham vọng của Nhật Bản bắt đầu lớn mạnh song gặp không ít những rào cản từ chính các nước trong khu vực Đông Bắc Á. Nhật Bản muốn có được ASEAN để vừa củng cố sức về quyền lực mềm, nhưng ẩn ý phía sau là sự toan tính về nguồn lợi sẽ có được từ các nước Đông Nam Á. Nếu như Nhật Bản có được sức mạnh quốc gia bền vững cộng với sự ủng hộ từ các nước ASEAN thì khả năng khoảng trống quyền lực trong khu vực sớm thuộc về họ.
Yếu tố địa kinh tế: Nửa cuối thế kỷ XX, tự do hóa thương mại đã trở thành một xu hướng tất yếu, điển hình là sự ra đời và phát triển của tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ở khắp nơi trên thế giới, làn sóng hội nhập kinh tế khu vực đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Từ năm 1991, các nước ASEAN đã đưa ra sáng kiến thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), và bắt đầu thực hiện chương trình này từ năm 1993. Cũng trong giai đoạn này, ASEAN mở rộng thêm các nước thành viên mới, gia tăng mức độ gắn kết giữa các nước thành viên. Với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và mở rộng không gian của AFTA ra toàn khu vực Đông Nam Á, thì ASEAN mở rộng sẽ trở thành một thực thể kinh tế đáng kể. Trong bối cảnh như vậy, Nhật Bản tin tưởng rằng ASEAN là tổ chức tiềm năng cho sự hợp tác đa phương, môi trường an toàn với các đối tác.
Đặc trưng nền kinh tế Nhật Bản là một nền kinh tế hướng ngoại. Một trong những biểu hiện đặc trưng đó chính là sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nguồn nguyên liệu từ các thị trường bên ngoài. Là một nước công nghiệp phát triển thế nhưng Nhật Bản lại khan hiếm tài nguyên thiên nhiên do nhu cầu nhiên liệu quá lớn. Trong khi đó, nơi cung cấp nhiên liệu chủ yếu của quốc gia này là Trung Đông luôn có nguy cơ bị đe dọa do những bất ổn về chính trị. Bởi vì thế mà ASEAN càng thu hút Nhật Bản về những lợi ích kinh tế mà khu vực mang lại. Tổng diện tích của các thành viên ASEAN là 4.492.443 km2, chiếm 14,1% lãnh thổ châu Á và chiếm 3,3% diện tích toàn thế giới14. Với vị trí địa lý và nguồn tài nguyên đa dạng, ASEAN vừa là thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu to lớn với các đối tác.Đông Nam Á càng trở nên hấp dẫn Nhật Bản hơn ở thị trường lao động và tính cạnh tranh thấp. Việc thiết lập các quan hệ trao đổi kinh tế trong khu vực là nhu cầu tối cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững, thịnh vượng của nước này.
Sau Chiến tranh Lạnh, ASEAN đóng vai trò khá tích cực trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế, hòa giải về chính trị và giao lưu trao đổi văn hóa trong vùng. Điểm mạnh của ASEAN là vai trò trung gian, cầu nối quan trọng trong khu vực, là nơi bất kì nước nào muốn đóng vai trò then chốt trong khu vực Đông Á đều cần phải tranh thủ lôi kéo. Nhận thức được sự gần gũi về địa lý, lịch sử và lợi ích của khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản phát triển quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trên cả hai khía cạnh: kinh tế và chính trị. Nếu tận dụng tham gia vào tiến trình ASEAN + 3, Nhật Bản sẽ tạo dựng “sân sau” vững chắc nhờ mối quan hệ lịch sử tốt đẹp, làm bàn đạp để tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ra các khu vực khác trên thế giới. Do vậy, tất cả những yếu tố trên khiến Nhật Bản muốn trở thành một thành viên tích cực trong tiến trình ASEAN + 3.