Cái lôgic, cái lịch sử và nguyên tắc thống nhất lôgi c lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng phương pháp lôgic – lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam. (Trang 25 - 30)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

1.3. Sự thống nhất của phương pháp lôgi c lịch sử trong phép biện chứng

1.3.1. Cái lôgic, cái lịch sử và nguyên tắc thống nhất lôgi c lịch sử

* Quan niệm về cái lôgic

Cái lôgic chính là tư tưởng, tư duy. Rô-đen-tan viết: “Lôgic” là hình thức của nhận thức của sự phản ánh hiện tượng, là bản sao của tư tưởng, là bức ảnh chụp từ hiện thực, là trật tự nhất định của sự vận động tư tưởng tiến đến khách thể. V.A.Grisenko thì viết: “Lôgic… biểu hiện với tư cách là phạm trù triết học dùng để chỉ tổng số các quy luật của tư duy trừu tượng mà sự phản ánh phù hợp thế giới diễn ra theo quy luật ấy, là tổng số các quy luật mà theo đó kết cấu của thế giới vật chất được thể hiện trong kết cấu của tư tưởng” [34.tr.15].

Khía cạch hợp lý của tất cả những định nghĩa trên về cái lôgic là thừa nhận nó phản ánh sự vật khách quan. Nhưng sẽ không đúng nếu đồng nhất lôgic với tư duy, tư tưởng hoặc với nhận thức nói chung. Nếu “lịch sử” được hiểu là sự vận động của sự vật thực tế, còn “lôgic” là sự phản ánh sự vận động và phát triển của sự vật trong ý thức con người, khi đó vấn đề tương quan của lôgic và lịch sử sẽ giản đơn chỉ là tên gọi khác của vấn đề cơ bản của triết học - vấn đề quan hệ của tư duy và tồn tại.

Cái lôgic không chỉ tồn tại trong lĩnh vực tinh thần mà ngay cả trong lịch sử hiện thực khách quan. Đây là khuynh hướng khách quan hóa cái lôgic, tiêu biểu của một số tác giả như E.V.Iliencov, V.A.Grisenko… Theo họ, bản thân sự phát triển hiện thực của khách thể đã hàm chứa cái lôgic nội tại của nó và cái lôgic này mang một ý nghĩa hoàn toàn khách quan. Quan điểm trên đây có những mặt hạn chế nhất định. Mặc dù kế thừa từ quan điểm của Lênin về lôgic khách quan nhưng lôgic khách quan của Lê nin là chỉ các tính quy luật, tính tất yếu trong sự vận động và phát triển của các sự vật hiện tượng của thế

giới khách quan. Và tính tất yếu này không thể đồng nhất với tính tất yếu trong sự phát triển của tư duy, mặc dù xét đến cùng, lôgic ấy phải là sự phản ánh đúng các quy luật khách quan của thế giới vật chất, nhưng cái phản ánh và cái được phán ánh là khác nhau về cơ bản.

Vậy cái lôgic là gì? Cái lôgic là một phạm trù của lôgic biện chứng dùng để chỉ tính tất yếu trong sự phát triển của tư duy lý luận khi tái hiện khách thể trong sự phát triển lịch sử của nó. Cái lôgic thể hiện thành các mối liên hệ tất yếu liên kết các phạm trù (khái niệm) theo một trình tự phát triển xác định từ trừu tượng đến cụ thể, phù hợp với quy luật phát triển khách quan của hiện thực được nó phản ánh (cái lịch sử). Lôgic là sự biểu hiện khái quát, trừu tượng trong tư duy các khách thể của thế giới bên ngoài, các thuộc tính và quan hệ của chúng dưới hình thức hệ thống khái niệm, phạm trù và quy luật của khoa học. Lênin nhận xét rằng “Những quy luật của lôgic là phản ánh cái khách quan vào trong ý thức chủ quan của con người”, rằng “những hình thức lôgic và những quy luật lôgic không phải là một cái vỏ trống rỗng, mà là phản ánh của thế giới khách quan” [34. tr.42].

Cái lôgic phản ánh thế giới khách quan thông qua hệ thống những khái niệm. Những khái niệm, phạm trù lôgic có tính biện chứng; chúng nằm trong sự liên hệ, sự phụ thuộc lẫn nhau, sự chuyển hoá lẫn nhau, trong sự đồng nhất các mặt đối lập. Thông qua hoạt động của các quy luật lôgic, ý thức con người có khả năng khám phá ra bản chất nội tại của các sự vật, giải phóng nó khỏi những ngẫu nhiên và những cái thứ yếu, nắm tính nhiều vẻ của các hiện tượng của hiện thực dưới dạng cô đọng. Do đó theo Ăngghen, cái lôgic đó là cái lịch sử nhưng đã được trừu tượng hoá, tức được rút ra, được làm sạch khỏi cái ngẫu nhiên, được gải phóng khỏi những quanh co của lịch sử thực tế, tức là sự phản ánh đã được sửa chữa, được thoát khỏi những hình thức lịch sử và

những ngẫu nhiên pha trộn. Quá trình “làm sạch”, “trưng cất” hiện thực lịch sử nhằm thu nhận những trừu tượng lôgic được bộc lộ rõ ràng nhất khi hình thành các khái niệm khoa học.

* Quan niệm về cái lịch sử

Có 3 quan niệm về cái lịch sử:

Cái lịch sử đồng nhất với vật chất, lịch sử chính là thế giới bên ngoài, hiện thực khách quan.

Cái lịch sử dùng để chỉ hiện thực khách quan trong sự vận động, biến đổi. A.P.Sheptulin viết “trong triết học mácxit, cái lịch sử được hiểu là hiện thực khách quan được xét trong vận động và phát triển” [48. tr.34].

Cái lịch sử không chỉ lột tả nội dung phát triển của thế giới khách quan, mà ngay cả lĩnh vực tư duy, nhận thức, ý thức nói chung cũng được lột tả trên bình diện phát triển.

Cái hợp lý trong tất cả các định nghĩa nói trên về cái lịch sử thể hiện ở chỗ lịch sử được xem là cái khách quan tồn tại không phụ thuộc vào ý thức con người. Hiện thực vật chất biểu hiện rất phức tạp nhiều mặt, muôn vẻ. Mỗi phạm trù của phép biện chứng duy vật phản ánh chỉ một mặt, một khía cạnh nhất định của hệ thống chỉnh thể phong phú các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan. Không chỉ giới tự nhiên, xã hội, mà ý thức con người cũng có quá trình phát triển lịch sử, có tính lịch sử. Tính lịch sử này xuyên thấm trong tất cả các hiện tượng của tự nhiên, xã hội và tư duy. Vì vậy, nhận thức khoa học cần phải xuất phát từ tính lịch sử của hiện thực thực tế và phản ánh tính lịch sử đó ngày càng đầy đủ và cụ thể. Chính Mác - Ăng-ghen đã nói đến điều đó khi viết: “ chúng ta chỉ biết có một khoa học duy nhất – khoa học lịch sử…”

Vậy, cái lịch sử là phạm trù của lôgic biện chứng biểu hiện quá trình lịch sử – cụ thể của sự phát sinh, phát triển, chuyển hoá của các khách thể vật

chất biểu hiện tính lịch sử, tính cụ thể, sự phát sinh, hình thành và các giai đoạn phát triển của chúng. Phạm trù “cái lịch sử” chỉ là quá trình biến đổi, phát triển diễn ra thực tế của một khách thể này hay khách thể khác trong hiện thực khách quan với những hình thức biểu hiện nhiều vẻ, và với những bước quanh co, những ngẫu nhiên của nó.

Không tồn tại cái lịch sử độc lập, chỉ có lịch sử của những sự vật, hiện tượng nhất định, khi nhận thức lý luận chuyển các sự vật, hiện tượng ấy thành đối tượng nghiên cứu của mình, nó đã thâu tóm tính quy định lịch sử phổ biến của chúng vào một sự trừu tượng mang tính khái quát lý luận - cái lịch sử. Như vậy, cái lịch sử không phải là lịch sử tự nó mà là lịch sử được xét trong mối quan hệ với nhận thức.

* Mối tương quan giữa cái lôgic và cái lịch sử

Sự thống nhất của lịch sử và lôgic như là nguyên tắc quan trọng nhất của sự phát triển nhận thức khoa học đã được hoàn tất trong phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lê-nin.

Cho đến nay, trong sách báo triết học, các khái niệm này vẫn được dùng với nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như “vật chất” và “tư tưởng” như “khách thể của nhận thức” và “nhận thức khoa học” như “lịch sử” (nhận thức lịch sử) và “lý luận” (nhận thức lý luận), như “lịch sử của nhận thức” (của tư duy, lý luận, khoa học) và “những quy luật của nhận thức” (của tư duy), như “phương pháp lịch sử” và “phương pháp lôgic” như “quá trình phát triển” và “kết quả của sự phát triển…

Grusin cho rằng cần phải hiểu cái lịch sử là những quá trình khách quan của sự phát triển lịch sử của sự vật, còn cái lôgic là những phương pháp tái hiện quá trình phát triển và kết quả của quá trình đó là kết quả của nó, vì vậy lịch sử và lôgic là những phương pháp tái hiện quá trình phát triển và kết quả

của quá trình đó, tức là tái hiện cái “đang sinh thành” và cái “đã trở thành” của sự vật [34. tr.47].

Từ trình bày trên chúng ta có thể nhận thấy rằng vấn đề tương quan của lịch sử và lôgic có liên hệ hữu cơ, mặc dù không đồng nhất với vấn đề cơ bản của triết học. Có thể nói rằng cơ sở, tiền đề để giải quyết đúng đắn vấn đề tương quan của lôgic và lịch sử, đó là việc giải quyết quan hệ vật chất và ý thức trên quan điểm duy vật biện chứng. Ở đây mỗi phạm trù đặc trưng là một trong những khía cạnh của tồn tại và ý thức. Phạm trù cái lịch sử biểu hiện tính chất biến đổi, tính lịch sử của tồn tại, còn phạm trù cái lôgic là từ trong lĩnh vực ý thức nắm lấy cái mặt quan trọng của nó: trật tự lôgic của các quy luật và phạm trù của lý luận trong tính chỉnh thể, trong hệ thống. Đồng thời phạm trù lôgic chỉ ra sự phụ thuộc của các tri thức vào thế giới khách quan xung quanh mà những tri thức ấy phản ánh.

Như vậy vấn đề tương quan của lịch sử và lôgic là sự phát triển tiếp tục, là sự cụ thể hoá vấn đề cơ bản của triết học. Giải quyết đúng đắn vấn đề thứ nhất cho phép hiểu vấn đề thứ hai sâu hơn, cụ thể hơn. Mặt khác, có quan điểm lịch sử đối với vấn đề quan hệ của vật chất và ý thức, tính đến tương quan của lôgic và lịch sử trong cách tiếp cận đối với nó là một trong những điều kiện để giải quyết một cách duy vật triệt để vấn đề cơ bản của triết học.

Lôgic và lịch sử cái này không thể bao quát hết cái kia cũng như không thể bị thay thế bởi cái kia. Sự phụ thuộc của tương quan lôgic và lịch sử vào vấn đề cơ bản của triết học chính lại giả định một cách biện chứng tính độc lập tương đối của cái lôgic và cái lịch sử, mặc dù tất cả các khía cạnh của nó bằng cách này hay cách khác đều đụng đến vấn đề cơ bản của triết học. Chẳng hạn, ta biết rằng quan hệ nhận thức của chủ thể với khách thể được sinh ra do thực tiễn, nhưng từ đó không nên quy lý luận về thực tiễn cũng như tách rời lý

luận khỏi thực tiễn. Quan niệm như vậy cho phép lý giải các phạm trù cái lịch sử và cái lôgic trong mối liên hệ chặt chẽ với những phạm trù và những nguyên lý khác của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, nếu không thì không thể nghiên cứu vấn đề này một cách khoa học.

Như vậy, vấn đề tương quan của lôgic và lịch sử được các nhà Mácxit chia ra làm ba khía cạnh sau:

1) Mối liên hệ giữa lịch sử hiện thực của khách thể với lý thuyết khoa học về khách thể ấy.

2) Mối quan hệ giữa lịch sử nhận thức về khách thể với bản thân lôgic của sự nhận thức cũng về khách thể ấy.

3) Sự thống nhất biện chứng giữa phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic.

Nguyên tắc thống nhất giữa cái lôgic và cái lịch sử một mặt là sự khái quát, tóm tắt, cô đọng về tính quy luật thống nhất giữa cái lôgic và cái lịch sử nêu trên; mặt khác nó có tác dụng điều chỉnh quá trình nhận thức đi tới những tri thức mới theo cách là ngày càng đầy đủ, cụ thể và sâu sắc hơn về khách thể nghiên cứu. Theo đó, lịch sử bắt đầu từ đâu thì quá trình tư duy phải bắt đầu từ đó; tiến trình phát triển lôgic của quá trình tư duy phải phản ánh, tái hiện được lịch sử hiện thực ở những nét chính yếu nhất.

Kết cấu lôgic của lý luận phải phù hợp với lịch sử của đối tượng mà nó phản ánh, ăn khớp nhau ở điểm khởi đầu và ở những nấc thang phát triển chính yếu từ điểm khởi đầu đến trang thái đang xem xét. Kết cấu đó cũng đồng thời là tổng kết các tri thức đã có về đối tượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng phương pháp lôgic – lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam. (Trang 25 - 30)