Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
3.3. Lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa làng xã gắn liền với xây dựng nông
3.3.3. Một số giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông
nông thôn mới đi đôi với xây dựng văn hóa mới
a. Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới:
Làng quê phát triển, đi lên, cơ sở hạ tầng được mở mang, xây dựng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhiều vùng thoát khỏi thế độc canh, con em nông dân có thêm nhiều việc làm ở các nhà máy, xí nghiệp... là những tín hiệu vui của nông thôn Việt Nam trên đường đổi mới. Xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Đây là chương trình lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tháng 6- 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, theo đó, đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đạt 50% vào năm 2020.
Những nội dung cơ bản của nông thôn mới đã được xác định. - Một là: nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. - Hai là: sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa.
- Ba là: đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. - Bốn là: bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển.
- Năm là: xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ.
Làng văn hóa - yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới: trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, có hai tiêu chí thuộc lĩnh vực văn
hoá là cơ sở vật chất văn hoá và làng văn hoá đạt chuẩn theo quy định liên ngành.
Làng văn hóa phải hội tụ đầy đủ các điều kiện sau: có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; người dân có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, có nhà văn hóa, khu thể thao, duy trì các phong trào văn hóa, thực hiện nề nếp văn minh trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng; có môi trường cảnh quan sạch đẹp; người dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Giữ gìn nét đẹp của văn hoá làng quê Việt Nam, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa nông thôn truyền thống và nông thôn mới, để vừa giữ được bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống, đồng thời tạo những yếu tố hiện đại, phù hợp với nhu cầu con người, với xu thế phát triển... là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều ý kiến cho rằng: Nếu chúng ta chỉ chú trọng phát triển kinh tế, lo "làm giàu" cho nông dân; tiến hành đô thị hoá nông thôn một cách thuần tuý... mà xem nhẹ việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của làng quê, thì sẽ phải "trả giá" qua nhiều thế hệ và gánh chịu những hậu quả khó lường.
Xây dựng nông thôn mới không phải là công việc một sớm, một chiều, mà cần có những bước đi cụ thể, mang tính bền vững, trong đó việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống là hết sức quan trọng, nhằm tạo ra một mô hình nông thôn mới phát triển hài hoà, bền vững. Một nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hoá; tổ chức cộng đồng khác với nông thôn của vài chục năm trước. Sau luỹ tre làng chứa đựng những điều tốt đẹp và cả những bất cập. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại, cần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp, đồng thời dần loại bỏ những
thói quen, hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp... Đô thị hoá nông thôn, nhưng phải làm sao giữ được dáng vẻ, nét đẹp vốn có của làng quê Việt Nam. Đó là những vấn đề không thể xem nhẹ khi xây dựng nông thôn mới ở một đất nước với hơn 70% dân số là nông dân đang trên đường đổi mới, phát triển, hội nhập.
Một số biện pháp tăng cường hiệu quả chiến lược nông thôn mới: Thứ nhất, để sát thực với người nông dân, thì khâu đầu tiên hết sức quan trọng và có tính chất lâu dài là khi tiến hành lập các quy hoạch về nông thôn mới người dân phải bàn và tham gia ngay từ đầu.
Thứ hai, sau khi đã thảo luận, bàn bạc, khi triển khai, người dân quyết định cái gì làm trước cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để hiệu quả nhất.
Thứ ba, là công trình nào mà người dân làm được thì để người dân làm, không phải cái gì cũng thuê. Họ có thể có thu nhập, đồng thời có thể đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc xây dựng công trình đó.
Thứ tư, là làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, cổng ngõ của họ theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho văn minh sạch đẹp của làng, xã từ chính nhà mình. Không phải trong nhà sạch mà ngoài ngõ bẩn hay ngược lại.
Thứ năm, người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tự đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để thoát nghèo và làm giàu.
Thứ sáu, phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân thì công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Cả hệ thống chính trị phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong đó cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu như sinh thời Bác Hồ kính yêu của
chúng ta đã dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc sẽ chủ trì phát động một cuộc vận động lớn là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cần tiến hành tuyên truyền một cách thường xuyên với nhiều hình thức để người dân hiểu được.
b. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý làng xã, nâng cao nhận thức của nhà quản lý về văn hóa làng xã
Sự tác động của xã hội hiện đại đã biến nông thôn, xóm làng thôn quê cũng đang trở thành một thiết chế xã hội phát triển động. Giờ thì những điều còn rất ít, nó chỉ còn lại quỹ kiến trúc rơi rớt ngàn năm ấy. Phần lớn những người nông dân là những người cần cù lao động, chân thành trong cuộc sống nhưng chưa có điều kiện học hành để hiểu biết nhiều vấn đề một cách sâu sắc. Chúng ta phải hướng dẫn và giúp đỡ họ. Nhưng những người quản lý nông thôn đã không có đủ hiểu biết văn hóa làng xóm Việt Nam một cách cơ bản. Quá nhiều người trong số họ chỉ nghĩ nông thôn là nơi cấy lúa trồng khoai và thi thoảng diễn ra lễ hội. Khi họ không có những hiểu biết văn hóa làng một cách cơ bản thì sự quản lý của họ lại chính là những hành động góp phần phá vỡ nền văn hóa truyền thống đó.
Cần phải nghiên cứu làng thuần nông, làng nghề, làng bị tác động dữ dội của đô thị hóa, từ đó đưa ra những hướng giải quyết và chuyển tải được đến với người nông dân, không chỉ dừng lại ở bản vẽ. Tạo ra một môi trường kiến trúc nông thôn lành mạnh, phát triển, không ô nhiễm. Làm sao quá trình đô thị hóa nông thôn phải đến với nông dân có sự khác biệt với đô thị, không phải là bưng toàn bộ ở đô thị về nông thôn thì nông thôn được đô thị hoá. Các cơ quan quản lý nhà nước phải hướng về nông thôn, tìm mọi đường đến với nông dân để họ có những cái nhà, những cái làng đẹp, văn hóa văn minh.
c. Cần có quy hoạch nông thôn
Rất khó chuẩn hoá mô hình nhà ở nông thôn, nhưng cần thiết phải định hướng xây dựng, cung cấp mô hình tham khảo để nông dân lựa chọn. Đồng thời với việc giữ lại những ngôi nhà cổ kiến trúc truyền thống, thì khuyến khích xây dựng công trình mới nhưng phải phù hợp với không gian làng xã, phù hợp với điều kiện ăn ở và khả năng kinh tế, từ đó văn hóa làng Việt mới được giữ gìn đúng mức.
d. Bảo tồn văn hóa đi đôi với giao lưu, phát triển văn hóa
Thực hiện chính sách giao lưu, tiếp nhận, học hỏi cái hay, cái đẹp trong vốn văn hóa dân tộc. Trong quá trình đó, chúng ta bắt gặp nhiều cái hay, cái đẹp và những điểm tương đồng trên lĩnh vực văn hoá. Nhờ quá trình giao lưu đó, mỗi làng xã đều có thể đóng góp những bản sắc độc đáo của riêng mình vào kho tàng văn hoá chung của đất nước, làm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ngày càng thêm phong phú, tốt đẹp.
e. Hạn chế những “thói hư, tật xấu” của văn hóa làng xã
GS. Trần Quốc Vượng có nhận xét “Văn hóa Việt Nam cổ truyền, về bản chất, là một nền văn hóa xóm làng. Là sức mạnh, vừa là điểm yếu của truyền thống Việt Nam cũng là ở đó” [49. tr.68]. Nói cách khác, có cả truyền thống tốt, tiến bộ và truyền thống xấu, lạc hậu.
Một cuốn sách tiêu biểu về thói hư tật xấu của người Việt “Người Việt xấu xí” của NXB Thanh niên, cuốn sách tuyển tập nhiều bài viết của tác giả với cùng một chủ đề nói về thói hư, tật xấu của người Việt. Cuốn sách khá độc đáo, hấp dẫn và đáng suy ngẫm. Theo tác giả, việc cần làm bây giờ là thử phân tích những cái xấu của văn hóa Việt Nam để rút bài học hòng tấn tới. Mà cái xấu của người Việt thì ông ta kể ra nhiều lắm, nào nói to, ở bẩn, mất lịch sự, nào tự cao không phải lối, nhẫn nhục đến nhu nhược, mất đoàn kết, ghen tị, thù ghét
lẫn nhau... Dân tộc nào cũng có cái tốt, Việt Nam lại càng nhiều, nhưng tác giả không đề cập đến khía cạnh đó. Cái cần nói bây giờ là một lần tự ngẫm lại mình xem còn điều gì chưa được. Tự khen mình quá đáng mới nguy hiểm.
Bên cạnh việc tiếp thu những giá trị văn hóa làng xã, chúng ta cũng phải tỉnh táo phòng ngừa, loại trừ những cái xấu, cái dở, cái không phù hợp. Sự học tập, lựa chọn tiếp nhận phải rất chủ động, tinh tường nhất định không để mắc phải thói “ham thanh chuộng lạ” sùng bái một cách mù quáng mọi cái lạ của bên ngoài.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân, nhất là thanh niên về đạo đức, lối sống lành mạnh, những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương.
Tiểu kết chương 3. Văn hóa là dòng chảy không ngừng nghỉ. Trên dòng chảy đó, có giá trị luôn luôn được bồi đắp, phát triển để có thể trường tồn cùng thời gian. Văn hóa làng xã là nét văn hóa gốc rễ của người Việt. Để mỗi làng quê, để mọi người nông dân Việt Nam ngày càng có cuộc sống khấm khá, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình là mục tiêu của những đề xuất trên đây.
KẾT LUẬN
Qua ba chương chín tiết, luận văn đã chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa triết học với văn hóa dưới hình thái "triết học văn hóa"; từ đó luận chứng cho tính hợp lý của việc ứng dụng các phương pháp triết học vào nghiên cứu văn hóa. Văn hóa với tư cách là vật liệu, với sự phong phú, đa dạng, phức tạp và triết học bằng những phương pháp của mình đã xử lý những vật liệu ấy, tìm ra tính quy luật của văn hóa.
Luận văn cũng làm rõ nội dung của phương pháp lôgic và phương pháp lịch sử và mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Trước triết học duy vật biện chứng, phương pháp lôgic và phương pháp lịch sử được sử dụng tách biệt tương đối. Chỉ đến triết học duy vật biện chứng, sự kết hợp giữa chúng đã trở thành một phương pháp tối ưu cho nghiên cứu văn hóa, xã hội.
Sau khi trình bày những quan điểm lý luận cơ bản, học viên khái quát lại những kết quả đạt được khi ứng dụng phương pháp lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã. Văn hóa làng xã lúc này hiện lên là một đối tượng lưu giữ những giá trị quá khứ, truyền thống linh thiêng. Đó là những nét cổ kính của làng quê, hồn quê chân chất, tình làng nghĩa xóm gắn bó, những giá trị quý giá của gia đình, dòng họ, tính linh thiêng của những lễ hội cổ truyền… Bên cạnh đó, học viên đã chỉ ra hạn chế lớn nhất khi sử dụng phương pháp lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã đó là sự thiếu hụt các tư liệu lịch sử, sự liệt kê các sự kiện, hay các giá trị văn hóa…
Luận văn cũng trình bày việc ứng dụng phương pháp lôgic vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam, chỉ ra sự ưu việt của phương pháp lôgic so với phương pháp lịch sử khi nghiên cứu văn hóa làng xã, khi mà các tư liệu lịch sử về làng xã chưa đầy đủ. Bức tranh làng xã Việt Nam được hiện ra là những biến đổi đang diễn ra như đô thị hóa, sự thay đổi lối sống, thói quen, sự hình
thành ý thức tuân thủ pháp luật (thay cho lệ làng)... Qua đó, học viên cũng chỉ ra một số hạn chế khi sử dụng phương pháp lôgic, tiêu biểu nhất là tính suy luận dựa trên những thống kê xã hội học dễ dẫn đến sự suy diễn.
Để khắc phục những hạn chế trên, cần sử dụng thống nhất lôgic - lịch sử - chính là phải kết hợp cả hai: lưu giữ và bảo tồn những giá trị hợp lý của quá khứ, xây dựng đời sống nông thôn mới, tạo ra mô hình làng xã vừa truyền thống, vừa hiện đại, để đáp ứng được nhu cầu phát triển đương đại mà vẫn không mất đi bản sắc. Dựa trên cách tiếp cận lôgic - lịch sử, học viên đã đề xuất một số giải pháp để giải quyết mục đích trên, ví dụ như:
Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng kinh tế nông thôn phát triển bền vững đi đôi với xây dựng văn hóa nông thôn bền vững. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý làng xã, nâng cao nhận thức của nhà quản lý về văn hóa làng xã.
Cần có quy hoạch nông thôn một cách khoa học.
Bảo tồn văn hóa đi đôi với giao lưu, phát triển văn hóa, để văn hóa làng xã tiếp thu những giá trị văn hóa phù hợp từ sự giao lưu.
Hạn chế những “thói hư, tật xấu” của văn hóa làng xã.
Chúng ta đang sống trong thập kỷ thế giới về văn hóa và phát triển do UNESCO phát động. Vấn đề văn hóa trở thành trung tâm chú ý của giới nghiên cứu trên thế giới. Chúng ta đều nhất trí rằng văn hóa là một cái gì đó giúp cho con người "không bị đứt đoạn với quá khứ", "không bị hẫng hụt trước tương lai", và là sự chuẩn bị đầy đủ "hành trang của con người để bước vào thế kỷ XXI. Nếu tự nhiên là cái nôi đầu tiên của sự hình thành và phát triển con người thì văn hóa là cái nôi thứ hai. Nếu tự nhiên là cái quy định sự tồn tại của con người với tư cách là một thực thể sinh vật, thì văn hóa là phương thức bộc lộ, phát huy những năng lực bản chất người gắn liền với các hoạt động sống của con người.
Kiến thức về văn hóa Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu để hình thành nhân cách con người Việt Nam, là một bộ phận cấu thành năng lực chuyên môn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế xã hội hiện nay. Làng xã và văn hóa làng xã là một nội dung chính yếu trong nghiên cứu