Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
2.2.2. Sự tác động của quá trình đô thị hóa tới văn hóa làng xã
a. Quá trình đô thị hóa
Đô thị hóa là quá trình tất yếu diễn ra không chỉ đối với nước ta mà còn đối với các nước trên thế giới, nhất là các nước châu Á. Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Đô thị hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, nâng cao đời sống
nhân dân. Trong hệ thống tính chất của đô thị hóa, có ba tính chất quan trọng và phổ biến có ảnh hưởng đến văn hóa làng xã Việt Nam.
Tính chất không thể đảo ngược được: đô thị hóa bao giờ cũng là một sự thay đổi mà từ đó, ta không bao giờ quay ngược lại được trạng thái trước kia, một nơi nào đã có đô thị hóa thì xã hội hiện đại ấy không thể trở lại trạng thái tiền đô thị như trước đây.
Tính tăng tốc: tốc độ của đô thị hóa càng ngày càng tăng nhanh, nhanh đến nỗi mà các chuyên gia về đô thị học vẫn phải luôn loay loay trong việc cập nhật tìm hiểu về bản chất và đánh giá những ảnh hưởng của nó lên xã hội, nhưng vẫn không cập nhật được.
Tính đứt đoạn: những thay đổi do đô thị hóa mang lại, tạo ra những đứt đoạn trong quá trình chuyển động. Mô hình và cơ chế mới trong xã hội hoàn toàn khác với những gì đã ngự trị trước đây. Cuộc cách mạng đô thị này tạo nên những đổi thay đột ngột làm cho con người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, bắt họ phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới.
Như vậy, đô thị hóa đòi hỏi con người phải chuyển động theo tốc độ chuyển động của nó. Tức là, một khi, một nơi đã có hiện tượng đô thị hóa, thì nơi ấy đòi hỏi một lối sống khác, một cách ứng xử văn hóa khác, khác hẳn với lối sống, với văn hóa nông thôn trước đây.
b. Sự biến đổi của làng xã trong đô thị hóa
Chúng ta có thể thấy, mô hình gia đình ở nông thôn hiện nay không hoàn toàn thuần nông như thuở trước. Trong một ngôi nhà có thể có cả trí thức, công nhân, nông dân, người về hưu, người trẻ. Từ những túp nhà mái ngói thôn quê, đã có rất nhiều người con trưởng thành trên con đường tri thức. Họ vươn ra thành thị và đem về quê nhà những tư tưởng và lối sống của một
văn hóa khác hẳn. Ðiều đó, dù ít hay nhiều cũng làm cho bức tranh đời sống nông thôn thay đổi.
Nhìn ở góc độ nào thì đều có thể khẳng định rằng, nông thôn nước ta trong những năm trở lại đây đã và đang “thay da đổi thịt”, khởi sắc từng ngày. Khởi sắc cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng và đời sống văn hóa. Nơi nào cũng có truyền hình, phát thanh, hoạt động văn hóa nghệ thuật, điện, đường, trường, trạm… Nhưng bất cập lớn nhất lại là quy hoạch nông thôn của chúng ta hiện nay hết sức “cẩu thả”, bao gồm cả cơ sở vật chất, hạ tầng và con người. Quả thực có nhiều cái rất thiếu văn hóa trong cái đã được gọi là “làng văn hóa”. Hơn nữa “làng văn hóa” nhưng văn hóa truyền thống bị tha hóa, thậm chí biến mất hoàn toàn. Những cái mà chúng ta đang phục dựng lại thì không còn tính chất của văn hóa truyền thống... Văn hóa công nghiệp, văn hóa thành thị du nhập vào nông thôn, những tệ nạn xã hội do chính quá trình phát triển đem tới, tình làng nghĩa xóm nhạt đi rất nhiều.
Hệ quả của quá trình đô thị hóa: đời sống của người dân nông thôn cơ bản tăng lên, thu nhập biến đổi đưa đến sự phân tầng xã hội mới, lối sống thay đổi, phong cách hưởng thụ văn hóa hiện đại, đã có tác động mạnh, làm biến đổi văn hóa truyền thống của làng xã Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình đô thị hóa cũng phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa cần giải quyết. Trong thời buổi đô thị hóa nhanh như hiện nay, làm thế nào để hòa nhập mà không hòa tan trở thành vấn đề cần được quan tâm. Cũng chính từ sự vỡ vụn của văn hóa nông thôn mà Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác giữ gìn, xây dựng và phát huy nó. Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, theo đó xây dựng nông thôn mới thì văn hóa nông thôn được xem là kim chỉ nam, bởi lẽ nông thôn “mới” không
chỉ mạnh về kinh tế, văn minh về xã hội mà phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Sự khởi sắc, thay da đổi thịt trong quá trình đô thị hóa là đáng mừng song điều lo ngại là văn hóa truyền thống bị biến mất, còn văn hóa hiện đại mà chúng ta gầy dựng lại có nguy cơ lai căng.
Cây đa, bến nước sân đình, những hình ảnh thôn quê mộc mạc trong văn hoá Việt đã dần biến mất. Những ngôi nhà ống, cao tầng ở thành phố đang xuất hiện ngày một nhiều ở nông thôn. Không gian làng biến mất thì nếp làng, văn hóa làng cùng những phong tục, tập quán dần bị phá vỡ, biến dạng, mai một... Nhiều ngôi làng cổ kính trở thành kiểu “nửa phố, nửa quê”. Một số người nông dân về trình độ cũng như nhận thức thẩm mỹ chưa cao, xây dựng nhà cửa ồ ạt tạo nên sự hỗn độn, sự chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn bình dị, yên ả. Những ngôi nhà kiểu đô thị tôi thấy ở nhiều vùng quê trở nên lạc lõng vì người nông dân vẫn sống dựa vào đất. Và rõ ràng nó có sự chuyển biến nhanh hơn rất nhiều, hễ người ta có kinh tế khá giả, người ta có quyền làm nhà đẹp, có đủ tiện nghi giống thành phố cũng như khả năng tiếp cận thông tin nhanh nhạy. Nếu đơn thuần chỉ nói đến việc bảo tồn, giữ lối sống cũ của nông thôn là chuyện không tưởng. Sự bình yên của làng bị phá vỡ cũng là điều tất yếu, vì dân số tăng, đường làng ngập xe máy, đất chia lô, xây nhà ống.
Nguyên nhân: làng quê Việt còn nghèo. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ lớn về chuyển dịch cơ cấu, nhưng đến nay yếu tố nông nghiệp của nền kinh tế nước ta vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Trên 70% dân số nước ta vẫn là nông dân. Chúng ta vừa có những công bố mới nhất. Cụ thể, cả nước có 10,7% hộ nghèo theo tiêu chuẩn năm 2010. Trong đó, nếu phân loại ra, nông thôn, nông dân chiếm 90% của 14,7% hộ nghèo đó. Ðặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, chiếm tới 51,3%. Miền Tây và miền Trung 41% [32. tr.78]. Tỷ lệ
bình quân chung là như vậy, còn độ chênh lệch giàu nghèo trong vùng cũng rất khác nhau. Số hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số thật sự rất nghèo. Theo điều tra của các cơ quan chuyên môn thì chênh lệch về thu nhập giữa nông dân với các thành phần dân cư khác hiện cách nhau từ 5 - 7 lần, cá biệt có nơi tới hàng chục lần. Sự chênh lệch quá xa về kinh tế, đời sống sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội, chính trị.