Tiếp thu các phương tiện văn hóa, hình thành các giá trị văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng phương pháp lôgic – lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam. (Trang 54 - 57)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

2.2.3.Tiếp thu các phương tiện văn hóa, hình thành các giá trị văn hóa

hóa hiện đại

Nhu cầu văn hóa là một vấn đề quan trọng trong đời sống tinh thần của con người nói chung, của người dân làng xã nói riêng. Nhu cầu trong đời sống văn hóa của người dân trong làng xã là có sự tiếp biến các giá trị văn hóa bên ngoài. Nhu cầu đó của của người dân là hết sức khác nhau, phụ thuộc vào vị trí, điều kiện xã hội, giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác, thậm chí cả sở thích của từng nhóm, từng cá thể. Quan điểm chung của người nông dân về nhu cầu văn hóa là: coi mọi nhu cầu của con người trong xã hội, kể cả nhu cầu kinh tế đều thuộc phạm trù nhu cầu văn hóa và việc thỏa mãn những nhu cầu xã hội cũng chính là thỏa mãn nhu cầu văn hóa. Đặc biệt, nhu cầu cao về một đời sống văn hóa lành mạnh, an toàn về đầu tư phát triển kinh tế hộ, về cập nhật thông tin, công nghệ, khoa học kỹ thuật nhằm áp dụng vào sản xuất và vào sinh hoạt văn hóa... là vấn đề hết sức quan trọng.

Người dân làng xã đánh giá rất cao hoạt động của truyền hình, phát thanh, cho rằng đây là hoạt động nổi trội, cập nhật, bổ ích. Kế đó là hoạt động thông tin báo chí. Trong thời đại giao lưu, mở cửa và kinh tế thị trường, các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò lớn trong đời sống cũng như việc hưởng thụ văn hóa của người dân nói chung và người nông dân nói riêng, mặc dù hiện nay phương tiện truyền thông ở làng xã còn ít. Bên cạnh đó, hoạt

động lễ hội truyền thống, văn nghệ quần chúng và các phong trào văn hóa như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào xây dựng làng văn hóa và nhiều phong trào xã hội khác... cũng được đánh giá ở mức trung bình và có khả năng phát triển. Các hoạt động thư viện, bảo tàng, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp chưa thực sự có chất lượng, chưa gắn bó được với đời sống quần chúng nhân dân nên chưa được ưa thích và ít phát huy tác dụng. Trong tương lai, các hoạt động này cần gắn chặt chẽ với truyền thông đại chúng để tạo cơ hội phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân làng xã. Đặc biệt, các hoạt động này ở làng xã cần gắn với hệ thống truyền thông ở từng địa phương cụ thể.

Có thể thấy, theo quan niệm của người dân nông thôn, muốn tăng cường hoạt động văn hóa và do đó, gia tăng mức độ hưởng thụ văn hóa của người nông dân thì phải kết hợp nhiều hình thức hoạt động, trong đó nổi bật là đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức văn nghệ quần chúng ở địa phương, phát triển phong trào xây dựng làng văn hóa, xây dựng khu vui chơi giải trí, xây dựng phòng đọc sách... Như vậy người nông dân đánh giá cao các hình thức tạo điều kiện cho dân tự làm văn hóa. Những hình thức khác mang tính giao lưu, hưởng thụ thụ động như mời đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, mời văn nghệ quần chúng nơi khác đến biểu diễn cũng được coi là quan trọng nhưng thực tế, chưa phải là hoạt động thường xuyên. Các hoạt động khác như tổ chức dịch vụ văn hóa, sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, thông tin lưu động được đánh giá vừa phải, mặc dù đây là những hoạt động vô cùng quan trọng để góp phần xây dựng văn hóa nông thôn. Có thể nói, những hình thức hoạt động mà người nông dân có thể tham gia là những hoạt động được họ chú ý quan tâm, phù hợp với định hướng xã hội hóa văn hóa và xây dựng văn hóa cơ sở ở nông thôn. Tuy nhiên, về lâu dài, cần kết hợp được nhiều hình thức

hoạt động trong một cụm thiết chế văn hóa ở nông thôn để vừa huy động tiềm năng của người nông dân vừa đem đến cho họ những giá trị văn hóa mới. Có như vậy hoạt động của thiết chế văn hóa mới thực sự đi vào đời sống người nông dân, đem lại lợi ích đích thực cho người nông dân.

Cưới xin là một sinh hoạt văn hóa gắn bó với đời sống mỗi con người, mỗi gia đình, trở thành một hoạt động không thể thiếu trong cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người dân ở nông thôn. Thống kê cho thấy đám cưới ở nông thôn hiện nay có rất nhiều yếu tố xuất hiện và sự làm theo từng yếu tố của người nông dân cũng có những biến động phức tạp. Những yếu tố được nhiều người chú ý làm theo là: lễ gia tiên, lễ ăn hỏi, lễ lại mặt, lễ chạm ngõ... còn các yếu tố khác ít được quan tâm. Như vậy, có thể nói quy trình đám cưới hiện nay tuân thủ 4 yếu tố chính vừa nêu và phù hợp với tập tục cưới xin của người Việt, dù ở nông thôn hay đô thị. Còn tùy vào từng nhu cầu cụ thể của gia đình, tập tục cụ thể của từng địa phương mà đám cưới có thể xuất hiện những yếu tố phụ trợ như: cho của hồi môn, mượn người trải chiếu, lễ tơ hồng...

Có thể nói, hoạt động cưới xin ở thôn làng đã có được những bước chuyển biến đáng kể, đã tiết kiệm, đỡ tốn kém, gọn gàng, không gây ảnh hưởng phức tạp cho xã hội và theo đời sống mới. Tuy nhiên, hiện nay ngoài sự kết hợp hài hòa cũ mới, hiện tượng cưới xin ở nông thôn đang tái xuất hiện một số yếu tố như ăn uống linh đình, rượu chè, bài bạc... là vấn đề nảy sinh cần chú ý. Cưới theo nếp sống mới, dù đang trở thành một vấn đề được tuyên truyền rộng, được cả xã hội quan tâm và đang thấm dần vào đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, song vẫn còn là vấn đề cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và có giải pháp cũng như mô hình cụ thể, đặc biệt là ở nông thôn.

Bên cạnh cưới xin, đối với đời sống người nông dân, các hủ tục trong tang lễ cũng được xóa bỏ. Cho dù hiện nay tồn tại cùng lúc nhiều hình thức

tang lễ khác nhau, nhưng sự kế thừa những quy chế về tang ma truyền thống kết hợp với những yếu tố hiện đại có tính phù hợp đã trở thành xu thế tương đối mạnh trong tang lễ. Dù sao, vẫn còn tồn tại việc tang theo lối cũ với những hủ tục cần được xóa bỏ. Như vậy cần chú ý tới mối tương quan giữa các hình thức cũ và mới, sự kết hợp cũ - mới trong từng lớp người, từng nhóm đối tượng dân cư, từng địa phương cho phù hợp với cảm quan tâm lý, tính cách cộng đồng trong việc thực hành tang lễ. Tuy nhiên xu thế kết hợp cũ và mới cũng như tang lễ đơn giản theo lối mới đang ngày càng mạnh và chiếm ưu thế.

Chỉ xét riêng về những yếu tố được nhiều người theo trong tang chế ở nông thôn, cũng có thể hình dung được phần nào độ phức tạp trong quan niệm của người nông dân về tang lễ. Đáng chú ý là các lễ cúng được nhiều người tuân thủ: cúng 3 ngày, cúng 49 ngày và cúng 100 ngày. Tiếp theo là các yếu tố khác như mời ban nhạc hiếu, che mặt người khuất, đốt vàng mã, đội mũ rơm, mặc áo xô... Tuy nhiên, ngoài việc chú trọng các ngày cúng thì tục che mặt người khuất, nhạc hiếu được phần lớn mọi người tuân thủ, các yếu tố còn lại thì tùy vào từng địa phương, từng làng, từng dòng họ, từng gia đình mà mỗi đám tang cụ thể có những sự lựa chọn khác nhau. Trừ một vài yếu tố chưa phù hợp như khóc mướn, quàn tại nhà quá 24-36 giờ thì những yếu tố xuất hiện trong tang lễ người nông dân là chấp nhận được trong tiến trình nghi lễ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng phương pháp lôgic – lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam. (Trang 54 - 57)