Lịch sử hình thành làng xã Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng phương pháp lôgic – lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam. (Trang 37 - 39)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

2.1. Phương pháp lịch sử trong nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam

2.1.1. Lịch sử hình thành làng xã Việt Nam

Làng xã Việt Nam được hình thành trong quá trình liên hiệp tự nguyện giữa những người nông dân lao động trên con đường chinh phục những vùng đất mới để trồng trọt. Ở nơi ấy, họ phải chiến thắng đầm lầy, rừng rậm, chiến thắng lũ lụt, đẩy lùi biển cả, chiến đấu liên tục và bền bỉ để chống thiên tai, ngoại xâm nhằm bảo đảm cuộc sống trong hoàn cảnh tự nhiên và xã hội đầy biến động.

Ba lần biến đổi lớn của làng xã Việt Nam: về lịch sử thay đổi của làng xã có ba lần biến cách: biến cách lần một là vào thế kỷ XV khi chế độ quân điền được thực hiện. Theo đánh giá của GS. Trương Hữu Quýnh: chính sách quân điền thời Lê Sơ đã biến làng xã tương đối tự trị trước đây trở thành một đơn vị kinh tế phụ thuộc nhà nước phong kiến. Thành viên công xã nông thôn trở thành những tá điền phụ thuộc phong kiến, và chính sách quân điền đã góp phần quan trọng vào việc xác lập những quan hệ sản xuất phong kiến ở nông thôn vào nửa sau thế kỷ XV.

Từ thế kỷ XVI – XVIII, là giai đoạn lịch sử phức tạp. Những cuộc chiến tranh xâm lược tạm chấm dứt. Thay thế vào đó là những cuộc chiến tranh giữa các thế lực phong kiến và chiến tranh nông dân. Nhà nước trung ương tập quyền suy yếu, đất nước bị chia cắt, hỗn chiến phong kiến triền miên và nông thôn Việt Nam thực sự tuột khỏi tay quyền kiểm soát chính quyền phong kiến Lê – Trịnh. Dân chúng làng xã phiêu tán nhiều và hiện tượng “phép vua thua lệ làng” là vấn đề nổi cộm. Xu hướng tái lập quyền tự trị của làng xã xuất hiện và phát triển.

Cho đến thế kỷ XVIII, phong trào nông dân Tây Sơn phần nào đã khắc phục được những hiện trạng trên. Vốn là thủ lĩnh phong trào nông dân trở thành hoàng đế Quang Trung, ngay từ ngày đầu tổ chức vương triều, ông đã cương quyết “ổn định lại trật tự xã thôn” như đưa dân phiêu tán trở về quê sản xuất và thanh toán tình trạng ruộng đất bỏ hoang… Nhưng tiếc rằng chủ trương này vừa mới được triển khai thì ông sớm qua đời. Người kế nghiệp ông đã không đủ tài năng và bản lĩnh để thực hiện chủ trương đó nên tình hình không những không được cải thiện mà thậm chí ngày một xấu đi.

Trong hai thế kỷ XVII, XVIII, những người dân Việt ở miền Trung đã đến khai phá những vùng đất mới ở phía Nam. Tuy làng Việt ở miền Nam được thành lập sau các làng ở miền Bắc, miền Trung nhưng ngay từ đầu các chúa Nguyễn và sau này nhà Nguyễn đã can thiệp trực tiếp vào việc thành lập và tổ chức làng. Sau khi đánh bại Tây Sơn, thiết lập nên vương triều Nguyễn, các vua Nguyễn đều cố gắng chấn chỉnh hương thôn trong toàn quốc. Từ sự chỉnh đốn lại phong tục ở hương thôn của Gia Long (1804) đến quyết định tiến hành cải tổ bộ máy hành chính xã thôn của Minh Mệnh trong việc “khép chặt lại tính tự trị của làng xã” để nâng cao sức tập quyền của nhà nước phong kiến.

Biến cách lần hai là vào cuối thế kỷ thứ XIX, khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta. Trong thời gian đầu chúng đã lợi dụng cơ chế và bộ máy sẵn có của làng xã nước ta để thực hiện sự cai trị. Nhưng sau nửa thế kỷ thống trị nước ta, thực dân Pháp nhận thấy làng xã đã trở nên bất lợi cho chính quyền thực dân. Tính độc lập, tính tự trị của làng xã đã trở thành một pháo đài chống Pháp và chúng quyết định tiến hành “cải lương hương chính”, bắt đầu được thử nghiệm ở Nam Kỳ vào năm 1904, ở Trung Kỳ vào năm 1942, còn ở Bắc Kỳ vào những năm 1921, 1941.

Biến cách lần thứ ba đối với làng xã cổ truyền Việt Nam là cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 – cải cách ruộng đất. Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cải cách ruộng đất làm thay đổi hẳn cơ chế làng xã, tác động mạnh vào cơ chế cổ truyền này, để tạo ra những nội lực mới, đổi thay mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thông qua ba lần biến đổi lớn của làng xã Việt Nam, chúng ta thấy vị trí trọng yếu của làng xã trong lịch sử nhà nước Việt Nam qua các chế độ, thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sử dụng phương pháp lôgic – lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã Việt Nam. (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)