6. Cấu trúc luận văn
2.1. Xây dựng kế hoạch hiện thực hóa ASC
2.1.1 Về mục tiêu của APSC
Ý tưởng xây dựng Cộng đồng an ninh ASEAN lần đầu tiên được In-đô- nê-xi-a đưa ra tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (tháng 4-2004) trước khi nước này nhận chức Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN. Việc đưa ra ý tưởng về ASC nhằm tạo nên sự cân bằng giữa hợp tác chính trị và kinh tế của ASEAN, biến ASEAN từ "cơ chế quản lý xung đột" sang "cơ chế giải quyết xung đột".
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9, tháng 10 - 2003, tổ chức tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN. Điều 1 và điều 2 của”Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II” ký
năm 2003 đã chỉ rõ: “Một cộng đồng ASEAN sẽ được lập ra với ba trụ cột: hợp tác chính trị - an ninh, hợp tác kinh tế và hợp tác văn hoá - xã hội, vì mục tiêu bảo đảm hòa bình lâu dài, ổn định và chia sẻ thịnh vượng trong khu vực, hướng tới "một cộng đồng năng động, gắn kết, tự cường và hội nhập".
Cộng đồng ASEAN được xây dựng bởi 3 thành tố: Cộng đồng an ninh (ASC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hoá - xã hội (ASCC), trong đó Cộng đồng an ninh được xem là thành tố thứ nhất.
Mục tiêu cụ thể của Cộng đồng an ninh ASC được nêu trong điều 2 của mục Cộng đồng an ninh AEAN đã nói: “Cộng đồng an ninh ASEAN được lập ra để nâng hợp tác an ninh,chính trị ASEAN lên một tầm cao mới, bảo đảm các nước trong khu vực chung sống hòa bình với nhau và với toàn thế giới trong môi trường công bằng, dân chủ và hài hòa. Các thành viên của Cộng đồng an ninh ASEAN sẽ chỉ dùng biện pháp hòa bình để giải quyết các khác biệt trong khu vực và coi an ninh của mình gắn chặt chẽ với các thành viên khác cũng như gắn kết vơi nhau thông qua vị trí địa lý, tầm nhìn và mục tiêu chung”.[69]
Có thể thấy, trong văn bản này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chỉ rõ hai mục đích:
- Một là, đưa hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên bình diện cao hơn nhằm bảo đảm cho các nước trong khu vực cùng sống hoà bình và với thế giới, trong một môi trường chính nghĩa, dân chủ và hài hoà.
- Hai là, các thành viên của ASC sẽ thông qua tiến trình hòa bình để giải quyết các bất đồng trong khu vực; an ninh khu vực cơ bản được liên kết với nhau, được bao bọc bởi vị trí địa lý, tầm nhìn và mục đích chung. [31, tr. 5]
Việc xây dựng ASC không chỉ nhằm tăng sức đề kháng khu vực cho ASEAN, tạo sự đổi mới trong tư duy an ninh của các nhà lãnh đạo quốc gia trong khu vực, mà còn khẳng định cam kết của ASEAN đối với hòa bình và an ninh ở châu Á -Thái Bình Dương.
Việc thành lập cộng đồng an ninh ASEAN trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay là đòi hỏi cấp thiết đối với sự tồn tại và phát triển của Hiệp hội.
Do sự nhạy cảm trên của hợp tác an ninh khu vực, trong DAC II, các nước ASEAN đã làm rõ tính chất của Cộng đồng an ninh ASEAN bằng việc khẳng định ASC không phải là "một khối phòng thủ, một liên minh quân sự hay một chính sách đối ngoại chung". Các nước thành viên ASEAN vẫn sẽ tiếp tục duy trì chủ quyền của họ trong việc theo đuổi các chính sách đối ngoại và các sắp xếp phòng thủ riêng.
Trong phần giới thiệu của ASC POA, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định mục tiêu của ASC rằng: “Cộng đồng an ninh ASEAN thúc đẩy hợp tác an ninh và chính trị phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2020, chứ không phải là một hiệp ước quốc phòng, một liên minh quân sự hay một tổ chức có chính sách đối ngoại chung. Kế hoạch hành động cộng đồng an ninh ASEAN và quan hệ song phương giữa các nước thành viên sẽ có tác động tương hỗ nhau trong khi thừa nhận quyền tự chủ của các nước thành viên trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại và các thỏa thuận quốc phòng riêng. Để xử lý các thách thức an ninh trong tương lai, các nước thành viên ASEAN chia sẻ trách nhiệm, tăng cường hợp tác, ổn định và an ninh khu vực mà không có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài dưới bất kỳ hình tức hay biểu hiện nào”.
Văn bản này cũng nêu ra rằng: “Cộng đồng an ninh ASEAN là một cộng đồng mở và hướng ra bên ngoài, gắn kết bạn bè và các nước đối
thoại của ASEAN nhăm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Cộng đồng an ninh ASEAN phản ánh quyết tâm của ASEAN thúc đẩy các giai đoạn của Diễn đàn an ninh ARF tiến triển với tốc độ các bên cảm thấy thoải mái. Theo đó, cộng đồng an ninh ASEAN tăng cường vai trò đầu tàu của ASEAN trong ARF”.[70]
Chương trình hành động Viên Chăn 2004 – 2010 về cộng đồng an ninh lại một lần nữa khẳng định tính chất, mục tiêu và định hướng của ASC khi đưa ra chủ đề: “Tăng cường hòa bình, ổn định, chính trị, dân chủ và thịnh vượng trong khu vực thông qua hợp tác toàn diện về chính trị và an ninh”. [71]
Có thể nói rằng, việc làm rõ bản chất của ASC là vô cùng quan trọng và cần thiết bởi lẽ:
- Thứ nhất, làm yên lòng các nước thành viên ASEAN khi tham gia vào cộng đồng này. ASC sẽ không làm phương hại tới chủ quyền của họ trong việc hoạch định chính sách an ninh, quốc phòng mà chỉ cung cấp thêm những công cụ mới nhằm duy trì và củng cố an ninh quốc gia của mỗi nước. Các nước thành viên sẽ thực hiện quyền của mình trong việc bảo vệ sự tồn vinh quốc gia mà không có sự can thiệp từ bên ngoài vào các công việc nội bộ.
- Thứ hai, với việc tuyên bố thừa nhận quyền của mỗi quốc gia thành viên trong việc "theo đuổi các chính sách đối ngoại và các sắp xếp phòng thủ riêng", ASC sẽ không đụng chạm tới quan hệ an ninh và phòng thủ của mỗi nước thành viên ASEAN với các cường quốc bên ngoài. Thái Lan, Phi-líp-pin vẫn có thể tiếp tục duy trì quan hệ an ninh trực tiếp với Mỹ. Tư cách thành viên khối 5 cường quốc của Xin-ga-po, Ma-Lai-Xia vẫn được tôn trọng. Như vậy, ASC cũng sẽ không làm
phương hại tới các lợi ích chính trị và an ninh của các cường quốc trong khu vực. [31, tr. 10]
Không phải là khối phòng thủ chung như Tổ chức hiệp ước SEATO trước đây, cũng không phải là chính sách đối ngoại và an ninh chung như trường hợp của EU hiện nay, cách tiếp cận an ninh của ASC là cách tiếp cận toàn diện. ASC nỗ lực phấn đấu không chỉ để bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng mà cả an ninh trong lĩnh vực văn hoá, xã hội của các nước thành viên phù hợp với Tầm nhìn ASEAN- 2020.
Những phân tích trên về tính chất của ASC cho thấy, ASC là cộng đồng an ninh do ASEAN, của ASEAN và vì ASEAN. Bản chất của nó là phi quân sự và hội nhập. Việc xây dựng một cộng đồng an ninh như vậy là phù hợp với tính chất đa dạng của các nước thành viên và với những đặc thù trong môi trường chiến lược ở Đông Nam - Á, nơi các cường quốc chưa bao giờ ngừng tranh chấp ảnh hưởng và là nơi rất nhạy cảm trước mọi động thái trong hợp tác khu vực, nhất là hợp tác về an ninh trong vùng.
Trong bản Hiến chương ASEAN thông qua vào ngày 20/11/2007 tại các kỳ Hội nghi Cấp cao ASEAN lần thứ 13 đã xác định rõ 13 mục tiêu chính mà ASEAN đang hướng tới:
- Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, tăng cường văn hóa, hòa bình trong khu vực.
- Thúc đẩy hơn nữa hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
- Duy trì Đông Nam Á là một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt.
- Đảm bảo để nhân dân và các quốc gia thành viên ASEAN sống hòa bình với thế giới trong một môi trường công bằng, dân chủ và hòa hợp.
- Xây dựng một khu vực ổn định, thịnh vượng và có tính cạnh tranh và liên kết cao trong đó có sự luân chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự di chuyển thuận lợi của các doanh nhân và những người có tài năng, và sự chu chuyển tự do hơn của các nguồn vốn và lao động.
- Giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN - Tăng cường dân chủ, thúc đẩy quản trị tốt, pháp quyền, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, với sự tôn trọng thích đáng các quyền và trách nhiệm của các Quốc hội thành viên ASEAN
- Cùng nhau đối phó hữu hiệu các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
- Nuôi dưỡng nguồn nhan lực, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển bền vững
- Nâng cao phúc lợi và đời sống của người dân ASEAN thông qua việc tạo điều kiện để họ tiếp cận bình đẳng các cơ hội phát triển con người, phúc lợi và công bằng xã hội trong một môi trường an toàn và an ninh.
- Thúc đẩy hình thành một ASEAN hướng về nhân dân, trong đó khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia và hưởng lợi từ tiến trình liên kết và xây dựng cộng đồng ASEAN.
- Đề cao bản sắc ASEAN thông qua việc nâng cao hơn nữa nhận thức về nền văn hóa và các di sản đa dạng của khu vực.
- Duy trì vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN như là động lực chính trong quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch.
Có thể thấy rằng, trong các mục tiêu ASEAN đang hướng tới thì hầu hết đều liên quan đến lĩnh vực chính trị - an ninh. Thể hiện trực tiếp về chủ đề xây dựng một cộng đồng an ninh là mục 1-4, 6-8. An ninh, chính trị đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong khu vực. Từ đó ta có thể nhận thấy mục tiêu chung của việc thiết lập Cộng đồng an ninh ASEAN chính là nhằm cụ thể hoá và hiện thực hoá phù hợp với mục tiêu chung của toàn hiệp hội, nó sẽ gồm 2 điểm cơ bản:
- Thứ nhất, sự ra đời của ASC là một trong nhiều bước đi của ASEAN nhằm hiện thực hoá mục tiêu tổng quát là xây dựng ASEAN thành một cộng đồng hợp tác liên chính phủ chặt chẽ với mức độ liên kết cao hơn và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý của một bản Hiến chương chung. Tuy nhiên, ASC đã, đang và sẽ không là một tổ chức siêu quốc gia hay một liên minh quân sự hoặc một khối phòng thủ chung.
- Thứ hai, ASC là một bước nhảy vọt về chất so với các hoạt động hợp tác an ninh trước đây của ASEAN. Việc ra đời ASC đã đưa hợp tác an ninh chính trị tại khu vực đầy nhạy cảm này lên một tầm cao mới, tăng cường hoà bình, ổn định chính trị và thịnh vượng trong khu vực thông qua hợp tác toàn diện về chính trị và an ninh. ASC làm tăng thêm sự tin tưởng giữa các nước thành viên cũng như ý thức cộng đồng của các nước ASEAN. Điều này sẽ góp phần tạo ra sự thăng bằng trong hợp tác khu vực và quốc tế, giúp ASEAN vừa tăng cường tính mở, vừa duy trì được bản sắc, phong cách ứng xử truyền thống của mình, làm tăng khả năng phòng ngừa và tiến tới giải quyết các xung đột có thể xảy ra trong tương lai.