Chương 3 : TRIỂN VỌNG XÂY DỰNG ASC
3.1 Những nhân tố cơ bản tác động đến tiến trình xây dựng ASC
3.1.1 Những nhân tố thúc đẩy tiến trình xây dựng ASC
Để đánh giá được triển vọng xây dựng ASC trong những năm sắp tới, chúng ta cần xem xét một cách cẩn trọng những nhân tố tác động tới quá trình hình thành ASC. Những thuận lợi và khó khăn cơ bản nảy sinh từ khách quan hay trong nội tại ASEAN đều có tác động trực tiếp tới tốc độ cũng như kết quả hình thành ASC.
Phân tích những nhân tố thuận lợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành ASC, người ta thấy những nhân tố cơ bản chính là: (1) ASEAN đã có một nền tảng hợp tác an ninh lâu dài. (2) Nhu cầu xây dựng ASC của các nước ASEAN đã trở nên cấp thiết, quyết tâm chính trị rất cao của các nhà lãnh đạo ASEAN đối với việc hình thành ASC. (3) Xây dựng ASC là phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực; 4) Sự ủng hộ của các nước lớn
Nhân tố thuận lợi đầu tiên chính là nền tảng hợp tác an ninh lâu dài
của ASEAN. Cộng đồng an ninh ra đời là kết quả của hợp tác chính trị-
an ninh trước đó của ASEAN. Cơ sở và nền tảng vững chắc cho ASC chính là những kinh nghiệm và thành tựu hợp tác chính trị, an ninh của ASEAN suốt bao năm qua. Hơn 40 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã dày công xây dựng một lịch sử hợp tác an ninh chính trị giữa các quốc gia thành viên với một nền tảng tư tưởng, hệ thống cơ sở chính trị - pháp
lý cho quá trình hợp tác giữa các quốc gia. Đó chính là tiền đề không thể thiếu cho ASC.
Thành tựu về hợp tác an ninh chính trị của ASEAN đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong đoàn kết, thống nhất khu vực, mở rộng quốc tế cũng như gìn giữ hoà bình và an ninh ổn định cho khu vực này. Với hàng loạt các Hiệp ước đựoc ký kết giữa các quốc gia thành viên, ASEAN đã có được một nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng một cộng đồng an ninh. Tuyên bố Băng Cốc, ZOPFAN, SEANWFZ, TAC, DAC I và DAC II đã trở thành những công cụ hữu ích của ASC trong tiến trình xây dựng Cộng đồng bền vững và phát triển.
Hơn thế nữa, ASEAN bước đầu đã thành công trong việc tạo dựng các hợp tác đa phương, trong đó có ARF – cơ chế hợp tác an ninh đa phương đầu tiên của khu vực. ARF tuy còn nhiều hạn chế nhưng là một trong những tổ chức an ninh chính trị được đánh giá cao của khu vực và sự tham gia của các siêu cường khác.
ASEAN cũng đang giữ vai trò chủ đạo trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực khác như ASEAN + 1, ASEAN + 3, … Uy tín của ASEAN trong hợp tác an ninh khu vực đang tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng Cộng đồng an ninh ASEAN.
Nhân tố thuận lợi thứ hai chính là nhu cầu thành lập cộng đồng an
ninh ASEAN xuất phát từ nhu cầu gia tăng hợp tác an ninh và chính trị
của ASEAN trong bối cảnh biến động và phức tạp của chính trị thế giới. Sự nổi lên của các vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh phi truyền thống trong thập niên gần đây ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Những vấn đề như khủng hoảng tiền tệ, sự khan hiếm năng lượng, buôn lậu, thất nghiệp, tội phạm xã hội, thiên tai, dịch bệnh… ngày càng tác động sâu sắc tới tất cả mọi mặt đời sống xã hội của các nước.
Thêm vào đó, nạn khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, sự gia tăng của chủ nghĩa ly khai đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, làm tổn hại đến đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế. Ngoài ra, sự tranh chấp chủ quyền chủ quyền lãnh thổ, chạy đua vũ trang cũng có chiều hướng gia tăng làm tăng nhạy cảm chính trị và an ninh. Cùng với những biến động trên, sự gia tăng của toàn cầu hóa cũng làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc, đòi hỏi các nước phải có nỗ lực, chia sẻ trách nhiệm chung.
Nâng cao và làm sâu sắc hợp tác an ninh chính trị khu vực là nhu cầu cấp bách đặt ra trong hoàn cảnh mới, thúc đẩy hoạt động của các thành viên Hiệp hội nhằm tạo ra cơ chế mới hiệu quả hơn, tăng cường sức mạnh tổng hợp và khả năng cạnh tranh của cả khối cũng như từng quốc gia. Đối với ASEAN, sự tiến tới một cộng đồng an ninh khu vực có ý nghĩa lớn hơn, không chỉ để hài hòa lợi ích chính trị, an ninh của mỗi nước thành viên mà quan trọng hơn là nhằm tạo ra môi trường hòa bình, ổn định lâu dài cho phát triển bền vững ở mỗi nước thành viên của cả khu vực và trên thế giới.
Sự phức tạp trong môi trường địa chính trị Đông Nam Á và sự cạnh tranh quyền lực của những siêu cường tại khu vực này làm cho các chính trị gia của các nước ASEAN không khỏi lo ngại. Tất yếu, việc liên kết của các nước nhỏ bé hơn để bảo vệ mình, để khẳng định mình với tư cách là các chủ thể độc , có chủ quyền trong cộng đòng thế giới, là một trong những sách lược nhằm tránh khỏi sự đe doạ của các cường quốc khác. Tiếng nói của một Hiệp hội vững mạnh và đoàn kết chắc chắn sẽ làm cho các siêu cường phải dè chừng khi áp dụng bất cứ chính sách ngoại giao nào tại khu vực này.
Trước nhu cầu bức thiết và tầm quan trọng của việc tăng cường hoạt động an ninh nội khối, giới cầm quyền các nước đã đặt quyết tâm rất cao trong việc xây dựng một ASC vững chắc nhằm tăng sức mạnh tổng hợp và khả năng cạnh tranh của cả khối và từng quốc gia trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường địa – chính trị và tương quan quyền lực ở châu Á và trên thế giới những thập niên đầu thế kỷ XXI. Quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN đang lên cao là một trong những cơ hội thuận lợi cho quá trình xây dựng ASC.
Vốn là một khu vực có vị thế địa chính trị nhạy cảm, là khu vực tranh giành quyền lực của các siêu cường trên thế giới qua rất nhiều thế kỷ, an ninh của ASEAN luôn bị chi phối bởi các nước lớn. Chính vì vậy, xét tới nhân tố tác động tới tiến trình ASC không thể không xem xét tới thái độ của các nước lớn. Trong thời điểm hiện nay, đây là một nhân tố tích cực, mang tính thúc đẩy trong quá trình xây dựng cộng đồng này.
ASC không chỉ đáp ứng được lợi ích của các quốc gia Đông Nam - Á, mà còn phù hợp với lợi ích chính trị và kinh tế của các nước lớn.
Không những không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, EU ở khu vực này, ASC còn giúp những nước đó không phải bận tâm nhiều về nghĩa vụ của họ đối với các đồng minh ở Đông Nam Á, tập trung được nhiều hơn tới những vấn đề nội bộ trong nước, hoặc tới những khu vực, những nước có tầm quan trọng hơn về chiến lược và kinh tế đối với họ.
Hơn nữa, nếu ASC được xây dựng thành công, Đông Nam Á sẽ thật sự trở thành một khu vực hòa bình, tự do trung lập. Các cường quốc sẽ không còn phải lo ngại khi họ đang vướng bận với những mối quan tâm cấp bách hơn, các nước lớn khác sẽ lợi dụng cơ hội này để khuyếch
trương ảnh hưởng tại Đông Nam - Á, phá vỡ thế cân bằng lợi ích hiện nay giữa các cường quốc ở vùng này. [31, tr 12]
Có thể nói, với sự hình thành ASC, ASEAN có một cơ chế hợp tác chính trị an ninh mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu đang đặt ra bên trong khu vực là ngăn ngừa và giải quyết xung đột cũng như kiến tạo hòa bình sau xung đột, mà còn góp phần quan trọng trong điều hòa quyền lợi, nhất là giữa các nước lớn và hòa giải xung đột trên thế giới nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chính do những lợi ích mà ASC mang lại cho các cường quốc lớn, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã phản ứng tích cực đối với DAC II nói chung và ASC nói riêng. ASC không và sẽ không là một liên minh quân sự chống lại bất cứ bên nào. Các nước lớn có thể tin rằng ASC sẽ gíup họ giảm sự hiện diện về quân sự nhưng tăng ảnh hưởng về an ninh chính trị không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn ở khu vực Đông Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Việc các nước lớn tham gia TAC chính là thể hiện sự ủng hộ đối với quá trình xây dựng ASC. Đánh giá về vị thế và vai trò của ASEAN tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các nước lớn nhìn nhận ASEAN như “hạt nhân” trong khu vực, là cầu nối nhằm tăng cường ảnh hưởng của những nước này đối với khu vực đầy tiềm năng là châu Á. Các nước đối tác đều khẳng định coi trọng quan hệ và hợp tác toàn diện với ASEAN, tăng cường hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác khu vực.
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã đưa ra lời nhận xét tích cực tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần đầu tiên (tháng 11-2009) rằng: ASEAN là ''đối tác thiết yếu'' trong việc phát huy hòa bình, ổn định và
thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; giữ một vị trí ''trung tâm'' trong tiến trình xây dựng các cơ chế liên kết toàn vùng.
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN - Mỹ ở Sing-Ga-Po, Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ coi ASEAN là một đối tác chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương và mong muốn tăng cường quan hệ nhiều mặt với ASEAN. Ông nêu rõ, Mỹ cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Thiết lập ASC sẽ mở ra triển vọng để Mỹ thực hiện chính sách ngoại giao năng động tại khu vực Ðông - Nam Á, cùng ASEAN đẩy mạnh quan hệ đối tác tăng cường, vì hòa bình và thịnh vượng bền vững.
Tâm điểm quan ngại hiện nay của Mỹ đối với cục diện an ninh – chính trị Đông Nam Á chính là sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Việc thiết lập ASC của Đông Nam Á sẽ phần nào giúp Mỹ giảm đi gánh nặng an ninh tại khu vực này. Khi các nước ASEAN cố kết nhau cùng chống lại với những thế lực bên ngoài, cân bằng ảnh hưởng của các nước lớn tại đây, cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không phải lo ngại sự tiếm quyền, bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á trên con đường tìm kiếm các giải pháp để hướng tới một sự cân bằng quyền lực trong khu vực, nên dù không muốn làm mất lòng Trung Quốc và muốn hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của quốc gia này, thì việc tìm kiếm các mối liên hệ mật thiết hơn nữa với Mỹ và với nhau cũng được hết sức coi trọng.
Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ đang trở thành quan ngại của rất nhiều nước. Mặc dầu Trung Quốc luôn khẳng định rằng đó là “sự trỗi dậy hòa bình” nhưng sự e dè đối với cường quốc này của các siêu cường khác vẫn không hề giảm bớt. Với việc ủng hộ ASC, Trung Quốc sẽ cho thấy thiện chí của nước này trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh khu
vực Đông Nam Á. Trung Quốc nhận thấy rõ rằng, mối quan hệ với ASEAN là vô cùng quan trọng vì ASEAN là động cơ để phát triển ổn định, thịnh vượng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là khó khăn về tài chính, ngân hàng cũng như nhiều vấn đề xã hội lớn. Chính vì vậy, nếu muốn tiếp tục phát triển, Trung Quốc cần có ổn định trong nước cũng như trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương – nơi mà Đông Nam Á là khâu quan trong hàng đầu. ASC là tổ chức với mục đích đầu tiên là đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, đó là duy trì một khu vực hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thêm nữa, hòa bình, ổn định trong khu vực cũng giúp Trung Quốc thu được nguồn lợi tốt từ nguồn kiều hối do cộng đồng người Hoa đông đúc ở các nước trong khu vực gửi về. Tầng lớp Hoa kiều này chính là nguồn đầu tư tốt cho Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh tốt trong khu vực của ASC cũng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc nhằm tăng cường nguồn kiều hối của Hoa Kiều đầu tư về nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nhật Bản vẫn là người khổng lồ về kinh tế và đầu tư tại khu vực Đông Nam Á. Quyền lợi kinh tế của Nhật ở Đông Nam Á rất lớn và ngang ngửa với quyền lợi kinh tế của Nhật ở Trung Quốc. Trong năm tài chính 2003 tổng số đầu tư của Nhật vào ASEAN là 263,1 tỷ Yên, tức là khoảng 6,4% của tổng số đầu tư của Nhật trên thế giới (4090 tỷ Yên). Theo Tổ Chức Kinh Tế Đối Ngoại Nhật (JETRO, Japan External Trade Organization) thì bắt đầu từ năm 2004 đầu tư của Nhật tại ASEAN (tính
bằng triệu Mỹ kim) đã tăng rất nhanh ở Việt Nam, Phi-líp-pin, Xinh-ga- po và Thái Lan.
Mặc dù vẫn không ngừng tham vọng trở thành người khổng lồ hai chân, cả về kinh tế và chính trị, nhưng Nhật Bản vẫn xác định mục tiêu chính là vị thế chi phối khu vực về kinh tế. Chính vì vậy, ASC cũng sẽ giúp Nhật Bản có được môi trường an ninh thuận lợi trong khu vực, đảm bảo cho đầu tư của Nhật ở khu vực này.
Sự phù hợp lợi ích của các siêu cường có ảnh hưởng trong khu vực đã khiến các nước này tỏ thái độ ủng hộ đối với ASC. Mặc dù mỗi cường quốc đều có những tính toán riêng của mình đối với cơ chế hợp tác an ninh đa phương đang rất được kì vọng ở châu Á này nhưng tại thời điểm hiện nay, đó chính là một nhân tố quốc tế quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng ASC.