6. Cấu trúc luận văn
2.2 Tình hình thực hiện Kế hoạch xây dựng ASC
2.2.5 Mở rộng quan hệ đối thoại và hợp tác chính trị, an ninh vớ
với các đối tác bên ngoài
Trong tiến trình tiến tới một Cộng đồng an ninh vào 2015, ASEAN tăng cường mạnh mẽ các hoạt động nhằm mở rộng quan hệ đối thoại và hợp tác chính trị, an ninh với các đối tác bên ngoài.
Trong khuôn khổ xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, ASEAN đang tiếp tục vận động các nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước TAC nhằm biến Hiệp ước này trở thành bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo
quan hệ giữa các quốc gia ở Đông Nam Á. Đến nay đã có 12 nước ngoài Hiệp hội tham gia Hiệp ước TAC như Papua Niu Ghi-nê, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pa-kít-xtăng, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia, Pháp, Đông - Timo. [74]
Trong nỗ lực thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông” (DOC), ASEAN đã cùng với Trung Quốc thiết lập cơ chế Nhóm Công tác chung về triển khai DOC để bàn các hoạt động và dự án hợp tác cụ thể. Tuy nhiên, việc triển khai DOC gặp không ít khó khăn bởi những hoạt động của các bên liên quan tại khu vực tranh chấp này.
Về Hiệp ước SEANWFZ, ASEAN đang tiến hành rà soát lại các lựa chọn và phương án xử lý những vướng mắc của các cường quốc hạt nhân khi tham gia Nghị định thư của Hiệp ước. Đặc biệt, Trung Quốc đã tỏ ra đồng ý tham gia hiệp ước này.
Chống chủ nghĩa khủng bố là một mặt trận của cả thế giới. Bất cứ nước nào cũng có thể trở thành mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố. Chính vì vậy, việc hợp tác rộng rãi với các đối tác bên ngoài là một nhu cầu tất yếu nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình đấu tranh chống các hoạt động khủng bố tại khu vực Đông Nam Á. Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố đã được ký kết giữa ASEAN và 11 đối tác khác (tính đến 2007). ASEAN cũng cùng Trung Quốc ký Tuyên bố về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống khi mà thực tế hiện nay cho thấy những mối đe doạ từ lĩnh vực an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng mạnh mẽ và nguy hiểm. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã phê chuẩn toàn bộ 13 Công ước, Nghị định thư quốc tế về chống chủ nghĩa khủng bố.
Trong khuôn khổ hợp tác giải quyết xung đột, hoạt động duy nhất được thực hiện đó là Hội thảo khu vực ASEAN – Liên hợp quốc lần thứ
5 về Ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột và kiến tạo hoà bình (5/2006) nhằm xây dựng quan hệ hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong những lĩnh vực này.
Các cuộc hội thảo với sự tham gia của các đối tác bên ngoài nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác trao đổi nghiệp vụ và đào tạo nguồn nhân lực cũng được diễn ra thường xuyên. Ví dụ có thể kể tới Các cuộc Hội thảo dành cho cảnh sát cao cấp ASEAN – Trung Quốc, Chương trình đào tạo sỹ quan liên lạc thực thi pháp luật (ALELO) tại Bắc Kinh, hội thảo về công tắc quản lý của các cơ quan thực thi luật pháp ASEAN – Trung Quốc…
Có thể nhận thấy rằng, dù rất nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động hợp tác chính trị, an ninh nhưng quá trình triển khai Kế hoạch hành động Cộng đồng An ninh ASEAN và Chương trình Hành động Viên Chăn (phần về ASC) vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Các hoạt động chủ yếu vẫn dựa trên những biện pháp đã có trước hoặc đã được các bên bàn bạc, nhất trí. Đặc biệt, với hai nội dung là Giải quyết xung đột và Kiến tạo hoà bình sau xung đột, hai thành tố vô cùng quan trọng trong mục tiêu gìn giữ hoà bình thì ASEAN vẫn hầu như chưa có hoạt động nào đáng kể.