Chương 3 : TRIỂN VỌNG XÂY DỰNG ASC
3.2.1 Triển vọng xây dựng ASC những năm sắp tới
Xem xét những nhân tố tác động tới tiến trình xây dựng ASC, có thể đưa ra một số khả năng về triển vọng ASC trong tương lai.
Khả năng thứ nhất: ASC hình thành đúng thời gian như đã cam kết với các mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó xẩy ra bởi nhiều hạn chế.
Thứ nhất, xét ở tầm vĩ mô, đã là một cộng đồng khu vực thì phải là
một cộng đồng mang tính chính trị, được xây dựng trên cơ sở những đặc tính chung ví như sự gần gũi, tương đồng về văn hoá, sự chia sẻ quyền lợi về chính trị, kinh tế và an ninh. Đồng thời phải có những khuôn khổ
chính trị - pháp lý chung của khu vực và sự gần gụi về chính sách hội nhập, an ninh và phát triển.
Xét ở tầm vi mô, để xây dựng thành công một cộng đồng an ninh khu vực thì nó phải hội đủ 5 yếu tố sau :
(1) Cộng đồng có những qui tắc chặt chẽ về việc không sử dụng vũ lực, không có hoạt động tranh đua trang bị vũ khí và lập kế hoạch đối phó bất trắc chống lại nhau.
(2) - Cộng đồng có các thể chế và tiến trình cho việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
(3) Có triển vọng tránh né chiến tranh lâu dài.
(4) Hợp tác và hội nhập chức năng giữa các nước thành viên diễn ra đáng kể.
(5) Có ý thức về bản sắc tập thể
Xem xét từng yếu tố này đối với việc hình thành ASC, chúng ta có thể dự báo một phần về con đường phát triển của ASC.
Trong 5 nhân tó trên, có lẽ ASEAN mới chỉ sẵn sàng ở nhân tô (3) Đối với nhân tố (1), xét về việc sử dụng vũ lực và các hoạt động quân sự chống phá nhau tại khu vực này thì ASEAN là một khu vực có những mối quan hệ trong lịch sử khá thân thiện, không xảy ra các cuộc chiến tranh lớn. Ngay ở thời hiện tại, các nước trong khu vực này cũng không có xu hướng sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp hay có kế hoạch chống phá nhau. Tuy nhiên, việc trang bị quốc phòng và mua sắm vũ khí hiện tại mang tính chất răn đe của các nước trong khu vực đang tăng nhanh chóng. Và ASEAN cho tới thời điểm này cũng chưa có các cơ chế để giải quyết vấn đề này. Ngay cả việc các nước thành viên tham gia hay tiếp tục duy trì các liên minh quân sự, sắp đặt phòng thủ với các cường
quốc bên ngoài cũng là vấn đề cho đến nay chưa có biện pháp ngăn ngừa và giải quyết.
Nhân tố thứ hai cần xem xét là việc ASC có các thể chế và tiến trình cho việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình hay không? Có thể nói, vấn đề về thể chế, cơ chế hay những qui định chặt chẽ nhằm giải quyết tranh chấp vẫn là một trong những nội dung hầu như không có gì tiến triển suốt từ thời điểm đưa ra ý tưởng thành lập ASC đến nay. Trên tinh thần đồng thuận và không can thiệp thì ASEAN không thể có động thái mạnh mẽ nào trong vấn đề này. Tuy ASEAN đã tạo ra hàng loạt cơ chế, công cụ hợp tác nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa xung đột như ZOPFAN, TAC, SEANWFZ, ARF nhưng các thiết chế này vẫn chủ yếu dựa trên nền tảng pháp lý – chính trị phô biến trong quan hệ quốc tế và thiên về đề cao chủ quyền quốc gia dân tộc hơn là nhân quyền và dân chủ.
Hợp tác và hội nhập chức năng giữa các thành viên là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên liên kết của một cộng đồng an ninh. Mặc dù giữa các thành viên đã diễn ra quá trình hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng ASEAN vẫn cần liên kết cao về kinh tế và chính trị bởi đó được coi là điều kiện tiên quyết cho quan hệ hoà bình. Khi các quốc gia có sự ràng buộc lẫn nhau về lợi ích do quá trình hợp tác sâu rộng thì việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp sẽ được giảm đi rất nhiều. Các quốc gia sẽ hướng tới các biện pháp hoà bình nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của họ. Cho tới thời điểm này, hầu hết các nước ASEAN vẫn là những nền kinh tế đang phát triển, khả năng tài chính hạn chế. Liên kết kinh tế nội khối được kêu gọi thường xuyên nhưng vẫn chưa tạo ra được bước đột phá mà chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy hợp tác song phương. Liên kết chính trị cũng chỉ dừng ở mức hướng tới một tổ chức hợp tác liên
chính phủ chặt chẽ hơn nhưng không trở thành tổ chức siêu quốc gia như EU.
Cuối cùng, việc đòi hỏi ASEAN xây dựng một bản sắc tập thể quả là điều không đơn giản. Một điều dễ hiểu rằng, với sự đa dạng về văn hoá, kinh tế, chính trị, dân tộc của các thành viên ASEAN khiến cho các nước này không dễ dàng chấp nhận những nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung của cả Hiệp hội. Pháp luật và chính sách của các nước ASEAN còn có khoảng cách kớn. Có thể thấy, mặc dù các nước ASEAN đều nhiệt tình tiếp nhận và phát triển khái niệm an ninh toàn diện, đề cao vai trò ý thức cộng đồng và các giải pháp phi bạo lực trong giải quyết xung đột và kiến tạo hoà bình nhưng tính tương đồng về chính trị - pháp luật và chính sách phát triển hiện tại trong ASEAN chưa đủ cao để hình thành thực thể chính trị, một cộng đồng an ninh như lý thuyết và thực tiễn đã đề ra.
Ngoài ra, Đông Nam Á chưa từng tồn tại một tư tưởng tôn giáo hay triết học chung để có thể tạo nền tảng vững chắc gây dựng và thúc đẩy sự hợp tác xuyên quốc gia trên qui mô toàn khu vực. Vì vậy, để tiến tới ASC, ASEAN cần tạo được sự tương đồng cần thiết và chấp nhận các khái niệm về giá trị cũng như các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung mang tính ổn định và có thể dự đoán được đối với hành vi của nhau trong các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội.
Thứ hai, trong các nội dung mà ASC đã đề ra thì cho tới nay hai
nội dung về giải quyết xung đột và kiến tạo hoà bình hầu như không có gì tiến triển và sự thực là khó trở thành hiện thực bởi nguyên tắc cơ bản của ASEAN vẫn là nguyên tắc đồng thuận, không cân thiệp. Chính bởi nguyên tắc chỉ đạo này mà ASEAN sẽ không thể đưa ra những quyết
sách mạnh mẽ và có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý nhằm hiện thực hoá ASC đúng thời hạn.
Hơn thế nữa, ngay từ nội tại ASEAN cũng chưa đủ sức và lực để “chạy” cho kịp với kế hoạch đề ra. Một tập hợp của những quốc gia nhỏ bé, khác biệt về chế độ chính trị và chưa đủ mạnh tiềm lực về kinh tế. Quan trọng hơn là những quốc gia này chưa và sẽ khó có thể đặt chủ quyền quốc gia và lợi ích quốc gia xếp hàng thứ hai sau lợi ích và chiến lược của khu vực.
Không chỉ có những nguyên nhân nội tại của ASEAN mà những tác động từ môi trường quốc tế với những toan tính của các siêu cường thế giới cũng là cản trở lớn trong việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng ASC. Phản ứng ban đầu của các nước lớn đối với ASC là thuận lợi nhưng chiều hướng tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tính kiên kết thực sự của ASC. Việc hình thành ASC đương nhiên sẽ làm tăng liên kết nội khối ASEAN và giảm mạnh mẽ sự chi phối từ các cường quốc bên ngoài đối với an ninh, chính trị khu vực. Mưu đồ của các nước lớn là phân hoá ASEAN, thiết lập những thoả thuận song phương nhằm phục vụ cho mục đích tranh giành quyền lực và ảnh hưởng tại khu vực này. Các nước lớn sẽ không dễ dàng để ASC được thiết lập nhanh chóng nhằm giảm sự can thiệp của họ tại một khu vực có vị thế địa chính trị vô cùng quan trọng. Lợi dụng nguyên tắc của các nước ASEAN luôn đặt chủ quyền và lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của khu vực nên các cường quốc này tìm cách thoả thuận song phương để gây sức ép với các nước ASEAN nhằm đạt được những lợi ích chiến lược của họ.
Việc hình thành một cộng đồng an ninh vì rất nhiều lý do mà sẽ khó có thể diễn ra đúng thời gian theo lộ trình mà các nhà lãnh đạo ASEAN mong đợi.
Khả năng thứ hai: ASC hình thành đúng thời hạn nhưng chỉ đạt được một số mục tiêu và nội dung đưa ra. Theo giới chuyên môn đánh giá, đây là khả năng có thể hiện thực hoá nhất.
Lý do đầu tiên khẳng định cho kịch bản này chính là việc ASEAN đã có một bề dày về hợp tác an ninh, chính trị, tạo nền tảng chính trị và pháp lý khá phù hợp cho một ASC. Với một lịch sử chưa hề xảy ra xung đột hay chiến tranh giữa các nước thành viên, ASEAN lại xây dựng đựoc một hệ quy tắc ứng xử và có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, củng cố niềm tin, ngăn ngừa xung đột bằng con đuờng đối thoại, hoà giải và phi vũ lực. Trong thập kỷ 60 là vấn đề Sabat giữa Malaixia và Philippin; thập kỷ 70 là vấn đề Moro của Philippin; thập lỷ 80 là vấn đề Campuchia và thập kỷ 90 là vấn đề Đông - Timo. Các hoà giải này chủ yếu thông qua quan hệ song phương và vấn lẩn tránh phương cách giải quyết trực tiếp, nhưng cùng với các tuyên bố về các tranh chấp, ASEAN đã xây dựng được thông lệ để từng bước tiến tới giải quyết tranh chấp. Dự báo rằng, việc sử dụng vũ lực giải quyết xung đột giữa các nước thành viên trong tương lai cũng sẽ có rất ít khả năng xảy ra. Đây là một trong những điều kiện cơ bản của các thành tố hình thành nên một cộng đồng an ninh.
Các nước thành viên đã khắc sâu thói quen mang tính xây dựng như ngoại giao thầm lặng, thiện chí đối với tham khảo ý kiến, ra quyết sách trên cơ sở đồng thuận và linh hoạt trong triển khai. Do có nhiều vấn đề an ninh chính trị nhạy cảm và hoạt động ngoại giao Kênh 2 được đặc biệt chú trọng ở khu vực. Các nước ASEAN đã vận dụng tốt mối lên hệ giữa kênh 1 và kênh 2. Kênh 2 đã tạo ra các diễn đàn thảo luận các vấn đề nhạy cảm nhằm thăm dò phản ứng cũng như tìm kiếm sự đồng nhất quan điểm trước khi đưa ra Kênh 1 để tìm quyết sách thích hợp. [9, tr. 5]
Thêm nữa, với quyết tâm chính trị cao của các chính trị gia ASEAN, chương trình hành động ASC về cơ bản đã có những bước tiến đáng kể. Các cơ chế triển khai của ASC được vận hành khá hiệu quả với kết quả đáng kể nhất là thông qua Hiến chương ASEAN, mở rộng các bên đối tác tham gia TAC.
Ba nội dung đầu tiên của Kế hoạch hành động ASC đều đã có những diễn biến tốt.
Về hợp tác chính trị, việc lập cơ chế nhân quyền ở khu vực là vấn đề gây tranh cãi gay gắt nhất, nhưng các nước ASEAN đã đạt được thoả hiệp sẽ lập mạng lưới liên kết các cơ chế nhân quyền giữa các nước có cơ chế nhân quyền quốc gia. Sự tham gia của quần chúng vào công việc chính trị đang được tăng cường. Vai trò của diễn đàn Hội đồng nhân dân ASEAN được nâng cao nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Về xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, ASEAN đã nhất trí thành lập Nhóm các nhân vật nổi tiếng để đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Hiến chương ASEAN. Xây dựng được một Hiến chương ASEAN, thay cho Tuyên bố ASEAN năm 1967 sẽ nâng địa vị pháp lý của ASEAN từ một Hiệp hội lên một tổ chức hoạt động theo luật, làm thay đổi bản chất của ASEAN. Đối với các nước ngoài khu vực, ASEAN đang thúc đẩy việc tham gia TAC. Về ngăn ngừa và giải quyết xung đột, ASEAN không nhất trí xây dựng lực lượng gìn giữ hoà bình chung vì quá nhạt cảm, nhưng đang lập cơ chế họp Bộ trưởng quốc phòng thường niên.
Các nước lớn về cơ bản đều ủng hộ việc xây dựng ASC vì thấy rõ lợi ích cơ bản của một môi trường hoà bình và ổn định. ASC không và sẽ không là một liên minh quân sựu chống lại bất cứ bên nào. Các nước lớn có thể tin rằng ASC sẽ gíup họ giảm sự hiện diện về quân sự nhưng tăng
ảnh hưởng về an ninh chính trị không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn ở khu vực Đông Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Việc các nước lớn tham gia TAC, một phần đã thể hiện sự ủng hộ đối với ASC nhưng phần khác cũng là để tìm kiếm vị trí cho mình trong hợp tác Đông Á đầy triển vọng, đặc biệt là tìm kiếm khả năng tham gia hợp tác Đông Á.
Lí do nữa nhằm ủng hộ cho khả năng thứ 2 này chính là việc ASEAN không đặt một viễn cảnh quá cao cho ASC. ASC sẽ chỉ là một cộng đồng an ninh tự nguyện có mức độ liên kết an ninh chính trị cao hơn hiện trạng, khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, nhấn mạnh nguyên tắc bao trùm là không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Mục đích của ASC chủ yếu nhằm giải quyết các tranh chấp và xung đột giữa các nước thành viên chứ không phải ở cấp độ giúp các nước thành viên giải quyết các vấn đề an ninh trong nước cũng như các thách thức an ninh từ bên ngoài đối với từng nước thành viên. [8, tr. 52]
Khả năng thứ ba: ASC bị phá sản. Điều này này khó có thể xảy ra bởi các lý do sau:
Thứ nhất, ASC là một trong ba trụ cột cơ bản của quá trình xây
dựng cộng đồng ASEAN. Các nước ASEAN coi việc xây dựng ASC là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong quá trình chung tay xây dựng một ASEAN đoàn quyết tâm chính trị của các nước ASEAN là rất cao. Giới lãnh đạo ASEAN đều có quyết tâm thúc đẩy liên kết nội khối ASEAN với mục tiêu nhằm củng cố môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế và duy trì chủ quyền quốc gia, dân tộc. Mục đích của ASC không làm tổn hại đến chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia.
Thứ hai, các nước lớn không muốn một ASEAN quá yếu, giảm đi
vai trò của một Hiệp hội trong các vấn đề quốc tế. Như đã phân tích ở các phần trên, các nước lớn nước đều nhận thấy lợi ích của mình trong việc thành lập ASC. Nếu ASC bị phá sản, cán cân cân bằng quyền lực ở khu vực này lập tức bị phá vỡ, nguy cơ dẫn tới việc tranh chấp quyền lực của các siêu cường nhằm chi phối toàn khu vực Đông Nam Á. Điều này gây bất lợi cho các nước lớn trong thời điểm hiện nay, khi các quốc gia này đều muốn duy trì môi trường ổn định tại đây.
ASC đang đi được gần 1 nửa chặng đường trong tiến trình xây dựng. Mặc dù những kết quả đạt được còn rất khiêm tốn nhưng cũng rất đáng ghi nhận. Những kết quả này cho thấy ASEAN đang đi đúng hướng trên con đường đã lựa chọn. Những quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực hết sức mình cũng như kỳ vọng rất lớn vào sự ra đời của ASC vào năm 2015.
Chưa ai dám chắc rằng ASC sẽ hoàn thành đầy đủ và đúng thời hạn như kế hoạch. Nhưng những gì mà ASEAN đã làm được khẳng định rằng ASC sẽ không thể bị phá sản. Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.