Khát vọng cống hiến cho đất nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn thi pháp văn học dân gian trong thơ tố hữu (qua một tiếng đờn và ta với ta) (Trang 39 - 43)

CHƢƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI

2.1. Cảm hứng chủ đạo trong hai tập thơ “Một tiếng đờn” và “Ta với ta”

2.1.2. Khát vọng cống hiến cho đất nước

Là người chứng kiến hầu hết các sự kiện lịch sử lớn của đất nước từ khi thành lập Đảng đến khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, Tố Hữu không chỉ có cách nhìn phù hợp với từng thời kì, từng giai đoạn mà còn là người tiên phong, cống hiến những năm tháng cuộc đời mình để tham gia. Giữa dòng chảy của những sự kiện lịch sử, Tố Hữu là người chèo lái, thơ ông không chỉ ghi lại những năm tháng đó mà còn là tiếng hát của trái tim hòa trong những sự kiện đó. Những thành tựu xuất sắc mà Tố Hữu có được chính là nhờ sự gắn bó vô cùng mật thiết giữa những tình cảm cá nhân với tình cảm chung của cộng đồng, giữa sự nghiệp thơ và con đường cách mạng mà dân tộc ta đi tới.

Khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho lí tưởng cộng sản của Tố Hữu được xuyên thấm qua các chặng đường lịch sử của dân tộc. Trong thơ ông, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của một chiến sĩ cách mạng, khao khát được cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, muốn được chiến đấu hết mình cho lí tưởng sống cao cả. Với người chiến sĩ ấy, tuổi đôi mươi là để dâng hiến cho đời nên khi bị giam cầm, cảm xúc cứ dâng lên từng đợt, từng đợt như sóng dậy, thôi thúc con người phá tan tù ngục, xiềng xích để trở về với cuộc sống phóng khoáng, tự do. Dường như sức nóng của mùa hè đang rừng rực cháy trong huyết quản người thanh niên yêu nước Tố Hữu. Sức sống mãnh liệt của mùa hè chính là sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ khát khao lí tưởng cách mạng, khát khao hoạt động, cống hiến cho dân, cho nước.

Ta nghe hè dậy trong lòng Mà chân muốn đạp tan phòng hè ơi!

(Từ ấy, 1939)

Đặc biệt khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, dân tộc ta đã giành được độc lập, tự do cuộc sống ngày một đổi thay thì khát vọng cống

hiến cho Tổ quốc càng cháy bỏng hơn. Trong những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc, cái tôi cống hiến, cái khát vọng được góp sức mình để làm nên sức mạnh thần kì của dân tộc như Tố Hữu quả là đã trở nên quá quen thuộc. Mặt khác, khi cả dân tộc còn đang chìm trong những đau thương mất mát thì mục tiêu duy nhất của những con người Việt Nam là độc lập, tự do, là hòa bình. Còn khi đất nước đã yên tiếng súng, đời sống đã được cải thiện hơn thì việc thể hiện khát vọng cống hiến có lẽ thật hiếm hoi. Vậy mà Tố Hữu vẫn khao khát được hóa thân cho Tổ quốc, cho dân tộc. Đọc thơ Tố Hữu thời kì này, chúng ta lại càng thêm tin yêu và hiểu thêm khát vọng cống hiến cho Tổ quốc của nhà thơ.

Cảm hứng của Tố Hữu với khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc luôn thường trực trong ông ngay cả khi đất nước đã hoàn toàn độc lập. Tố Hữu mang trong mình những trăn trở:

Có đêm mãi chập chờn mơ ước

Lại bâng khuâng… Tự hỏi mình sau trước Cho cuộc đời, cho Tổ quốc thương yêu Ta đã làm gì? Và được bao nhiêu

(Một khúc ca, 1979)

Trong tâm trí ông, nỗi khát khao được cống hiến cho Tổ quốc được thể hiện bởi những câu hỏi luôn dằn vặt mình “Ta đã làm gì?”. Là người trung thành với lí tưởng cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc nên trong bất cứ thời điểm nào, đó cũng là điều ám ảnh tâm trí ông. Ngay trong thời điểm hiện tại, khi cuộc sống đã có bao nhiêu đổi thay, khi nhìn lại những chặng đường mà mình đã trải qua, đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, ông vẫn khôn nguôi trách nhiệm của mình. Tố Hữu đã băn khoăn, dằn vặt tự hỏi mình những câu hỏi bởi ông luôn nuôi dưỡng ý chí và quyết tâm được cống hiến cuộc đời mình cho lí tưởng cách mạng. Ông đã từng khẳng định:

Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả

(Một khúc ca, 1979)

Chân lí sống của Tố Hữu ở đây vẫn là quan điểm của một con người khao khát được sống “cho” mọi người, cống hiến cho lí tưởng cộng sản chứ không sống riêng cho bản thân mình. Lời thơ của Tố Hữu đẹp giản dị và hồn nhiên. Nếu như con chim và chiếc lá là biểu tưởng cho sự sống thì đời người sống dâng hiến chính là lẽ sống cao đẹp nhất. Chim hót, lá xanh là bản năng, là điều tất yếu, quy luật của tự nhiên, muôn đời và vĩnh hằng. Màu xanh của lá, tiếng hót của chim trời còn là vẻ đẹp của thiên nhiên, đem lại vẻ đẹp kì diệu của sự sống.

Từ chim hót, lá xanh, nhà thơ nói đến vay và trả, cho và nhận, đó là quy luật của cuộc sống xã hội, của con người. Nói một cách khác, là quan niệm sống, đạo lí sống. “Vay mà không trả là vong ân bội nghĩa, đó là cách hành xử của những kẻ “ăn xổi ở thì”, của loại người bất nhân bất nghĩa. Hai tiếng “lẽ nào” là một lời khẽ nhắc: không nên làm như thế, không được ứng xử như thế. Có vay và có trả là đúng đạo lí. Vay và trả mang hàm nghĩa chịu ơn, mang ơn, và đền ơn, đáp nghĩa: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn", “Ai ơi, bưng bát cơm đầy. Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?”, là vay là trả. Trong xà lim máy chém, trên đường bước ra pháp trường của thực dân Pháp, người chiến sĩ cách mạng vẫn ngẩng cao đầu, vẫn hiên ngang, tự hào nhắc nhở mình, động viên mình:

Khép lại đoạn thơ là một lời nhắn gửi về đạo lí làm người. Chân lí và lẽ sống trong thơ Tố Hữu vẫn gắn với luận đề về “cho” – “nhận”. Có biết bao chiến sĩ, đồng bào đã “cho ", đã “hiến dâng”, đã “phục vụ”, đã hi sinh để giành chiến thắng. Nào ai đã đắn đo, đã “chỉ nhận riêng mình”. Một chữ “cho” bình dị mà chứa đựng biết bao tốt đẹp. Lúc đói rét thì nhường cơm sẻ áo, “lá lành đùm lá rách”; lúc hoạn nạn thì chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ. Vì ai cũng biết sống đẹp, đã biết “cho” nhau tình thương, san sẻ, tương thân tương ái. Có “cho”, có san sẻ, có đồng cảm mới được sống hạnh phúc trong tình người rộng lớn, trong lòng đồng bào, đồng chí. Trong cuộc sống thời bình, đem mồ hôi, đem công sức làm ra nhiều của cải, góp phần

làm cho dân giàu nước mạnh là “cho”. Từ những hiện tượng, những quy luật trong tự nhiên, ông đã nâng lên thành quy luật của cuộc đời:

Cây đời chung đang lớn nhanh lên Đã sai đâu trái chín trên cành! Cái đẹp lớn ở dáng người làm chủ Giống mới lọc sàng từ bao giống cũ Sáng tạo, vun trồng là vinh dự, niềm vui Sống là cho, là chia ngọt sẻ bùi.

(Nhớ về Anh - 1987)

Từ những dòng cảm xúc về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tố Hữu đã thể hiện quan niệm sống tốt đẹp của mình và những con người cùng thời với nhà thơ, sống là cống hiến, là dành những gì tốt đẹp nhất gieo cấy mùa màng cho tương lai, vun trồng, chăm bón là nhiệm vụ của thế hệ trước với thế hệ sau. Và tư thế của người làm chủ lúc bấy giờ phơi phới niềm tin yêu, tự hào.

Điều này được Tố Hữu thể hiện rất rõ trong các sáng tác của mình thời kì đất nước đã được hoàn toàn độc lập, ông vẫn mang trong mình những khát vọng cống hiến lớn lao:

Ta đã sống và ta đã thắng

Hãy đi tới. Tự cánh mình bay thẳng Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do! Sống, cho mình. Và sống cũng là cho…

(Chào năm 2000)

Những tâm niệm đó đã được thể hiện ngay trong phần đầu của tập thơ “Ta với ta”, khi tác giả viết:

Sợ chi khúc khuỷu đường muôn dặm Ta vẫn là ta, ta với ta

(Lời đề từ tập thơ “Ta với ta”)

Trong thời chiến, Tố Hữu thể hiện khát vọng sống và cống hiến cho dân tộc, chờ đợi một ngày mai đất nước giành được độc lập, thống nhất hai miền Nam Bắc thì đến hai tập thơ cuối, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc

vẫn cháy bỏng trong ông. Trong hòa bình mà vẫn khao khát được cống hiến với tình yêu và quyết tâm thì điều đó quả thật càng khiến cho người đọc tin yêu, kính trọng đối với ông. Đây cũng là điều thể hiện rõ cái tôi chiến sĩ, thi sĩ vẫn đồng hành trong các sáng tác của Tố Hữu suốt các chặng đường sáng tác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn thi pháp văn học dân gian trong thơ tố hữu (qua một tiếng đờn và ta với ta) (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)