Niềm tin vào Đảng, vào con đường Cách mạng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn thi pháp văn học dân gian trong thơ tố hữu (qua một tiếng đờn và ta với ta) (Trang 43 - 47)

CHƢƠNG 1 : TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI

2.1. Cảm hứng chủ đạo trong hai tập thơ “Một tiếng đờn” và “Ta với ta”

2.1.3. Niềm tin vào Đảng, vào con đường Cách mạng

Một trong những cảm hứng bao trùm thơ Tố Hữu chính là cảm hứng về Đảng, về Cách mạng. Đối với một người như Tố Hữu, nói về Đảng, trong một tương quan nào đó cũng đồng nghĩa với nói về dân tộc Việt Nam, về Bác Hồ kính yêu, người đã sáng lập và dày công rèn luyện Đảng

ta trở thành “công bộc” của nhân dân. Bởi lẽ tinh hoa của dân tộc là Đảng,

người sáng lập ra Đảng là Hồ Chủ tịch. Trong những năm ba mươi của thế kỉ trước, Tố Hữu là một người thanh niên đang băn khoăn đi tìm lẽ sống thì may mắn tiếp nhận được ánh sáng của Đảng, tự nguyện gắn bó và dâng hiến cuộc đời mình cho cách mạng. Chính vì vậy, Tố Hữu luôn cảm thông sâu sắc với cuộc sống của những con người cần lao quanh mình, khơi dậy ở họ lòng căm giận, ý chí đấu tranh và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Trong thơ Tố Hữu, ngay cả khi bị giam giữ tại các nhà tù của thực dân Pháp cũng thể hiện tâm tư của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi tha thiết yêu đời, khao khát tự do, kiên cường giữ vững ý chí chiến đấu vượt lên trên những thử thách chốn ngục tù.

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu Dấn thân vô là phải chịu tù đầy Là gươm kề tận cổ, súng kề tai Là thân sống chỉ coi còn một nửa (Tâm tư trong tù , 1939)

Vì yêu nước, gắn bó với cách mạng nên người thanh niên ấy vẫn nguyện hi sinh phá tan hết gông xiềng cho “Tổ quốc muôn năm độc lập”.

Cho đến thời kì Cách mạng tháng Tám năm 1945, người đọc có thể thấy cảm hứng về Đảng, về Cách mạng chiếm ưu thế hoàn toàn trong thơ Tố Hữu. Đó là những bài thơ tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh

giành chính quyền, ca ngợi cách mạng và nền độc lập tự do của đất nước, khẳng định niềm tin yêu của nhân dân với chế độ mới (Hồ Chí Minh, Huế tháng tám…).

Niềm tin ấy không hề thay đổi dù trải qua những chặng đường gian lao. Đặc biệt, những sự kiện lịch sử trọng đại của cuộc kháng chiến đều được ghi lại trong những bài thơ mang đậm cảm hứng sử thi trữ tình cách mạng (Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, Việt Bắc..).

Không thể không nhớ tới bài thơ “Việt Bắc” đã thể hiện và ca ngợi những tình cảm lớn của con người Việt Nam trong kháng chiến: tình quân dân, tình cảm của người hậu phương với tiền tuyến, lòng kính yêu lãnh tụ, trong đó thống nhất và bao trùm tất cả là lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc.

Sang đến thời kì 1955 - 1977 là chặng đường thơ của Tố Hữu khi đón bước vào giai đoạn mới với nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nguồn cảm hứng lớn lao của thời đại mới, tác giả đã thể hiện lòng biết ơn với Đảng và Cách mạng (Trường ca: 30 năm đời ta có Đảng), với con đường mà Bác Hồ đã dẫn dắt, chỉ lối, mà Đảng ta tiên phong chính là con đường gắn với niềm vui phơi phới, niềm tự hào và tin tưởng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (Bài ca mùa Xuân 1961). Cũng qua các sáng tác, nhà thơ thể hiện tình cảm tha thiết với miền Nam ruột thịt và ý chí thống nhất đất nước; tình cảm quốc tế vô sản … Những tình cảm ấy đã đem đến cho tập thơ cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi đậm nét. Nó vừa là lời kêu gọi, cổ vũ thiết tha mãnh liệt cả dân tộc ta trong cuộc chiến đấu quyết liệt, hào hứng ở cả hai miền Nam, Bắc (“Bài ca mùa xuân 1967”, “Bài ca mùa xuân 1968”, “Bài ca mùa xuân 1971”); và cuối cùng, trong những bài thơ mang đậm tính chính luận và chất sử thi như “Việt Nam máu và hoa”, Tố Hữu đã bộc lộ những suy ngẫm phát hiện về vẻ đẹp kì diệu của dân tộc và con người Việt Nam trong thời đại mới, đồng thời thể hiện niềm vui, niềm tự hào ngày toàn thắng. Chính nhờ có Đảng, có Cách mạng, có Bác Hồ mà dân tộc ta có được ngày vui như hôm nay. Tố Hữu đã từng thổ lộ:

Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều Phần cho thơ và phần để em yêu.

(Bài ca mùa xuân 1961)

Sang đến thời kì sau, ở hai tập thơ “Một tiếng đờn” và “Ta với ta”, mặc dù tác giả đã có nhiều chuyển biến mới trong cảm hứng sáng tác nhưng tình yêu với đất nước với nhân dân, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào cái đẹp, cái thiện, tâm huyết thiết tha với cuộc đời… vẫn là dòng cảm hứng đáng trân trọng của thơ Tố Hữu thời kỳ này. Bên cạnh đó, chứng kiến và vượt lên bao thăng trầm trải nghiệm, Tố Hữu đã thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc tìm kiếm những giá trị bền vững của cuộc đời trong những bài thơ thâm trầm với cảm hứng đời tư, thế sự.

Trong bài thơ “Một nhành xuân” (Tố Hữu đã ghi thật trân trọng “Tặng Đảng thân yêu tròn 50 tuổi”), nhà thơ đã ghi lại những cảm xúc của mình khi bắt gặp lí tưởng, ánh sáng soi rọi của Đảng trên con đường lựa chọn. Nếu như con đường của những năm 20 của thế kỉ XX, nhà thơ tự thấy được nỗi đau đớn, xót xa khi sinh ra trong kiếp người nô lệ, cuộc sống tối tăm không thấy mặt trời, nhà thơ ví mình tựa như con thuyền lay lắt trên dòng sông mù sương, tựa như cây sậy khô bên đường và tâm hồn dường như cũng đã chết thì Đảng xuất hiện như là mốc son chói lọi trong cuộc đời nhà thơ, để nhà thơ phải bật lên dòng cảm xúc:

Từ vô vọng mênh mông đêm tối Người đã đến. Chói chang nắng dội Trong lòng tôi. Ôi Đảng thân yêu. Sống lại rồi. Hạnh phúc biết bao nhiêu!

(Một nhành xuân, 1980)

Từ dòng chữ Tuyên ngôn cộng sản, từng lời thấm nhuần chủ nghĩa Cách mạng của Lê-nin trở thành ánh sáng soi đường chỉ lối cho chàng thanh niên sục sôi nhiệt huyết cách mạng ấy. Và tất cả bừng lên sự sống từ giây phút “hồi sinh” ấy. Trong ánh bình minh, giữa những chuyển động “rần rần” của nhân loại, Việt Nam bừng lên sức sống mới, đón chờ một

ngày mai độc lập.

50 năm Đảng sống trong lòng người dân Việt Nam, Tố Hữu vẫn giữ vững lập trường, quan điểm của mình, vẫn một lòng trung kiên với con đường cách mạng mà Đảng soi đường, chỉ lối. Nhà thơ đã nguyện:

Xin dâng tấm lòng ta ơn Đảng 50 năm

Đêm hóa trăng rằm

(Một nhành xuân, 1980)

Qua chặng đường gian nan, vất vả, hàng triệu người dân Việt Nam từ lầm than, đêm tối đã đến với hòa bình, độc lập, tự do. Ánh trăng rằm tựa như ánh sáng soi chiếu khắp nhân gian, đem niềm tin, sức sống và soi rọi hòa bình trên khắp mọi miền đất nước. Cuộc đời những con người đã nở hoa dưới ánh sáng của Đảng và 50 triệu dân Việt Nam chính là 50 triệu anh hùng.

Hay trong bài thơ “Ngẫu hứng”, Tố Hữu đã thể hiện niềm tin sắt son trước con đường mình đã lựa chọn bởi đó là con đường đem đến ngày mai, hi vọng cho đất nước. Gần 10 năm sau ngày đất nước giải phóng, thống nhất, Tố Hữu đã tự nhận định về chính bản thân cũng như nhận định về dân tộc:

Hai bàn tay trắng, nên cơ nghiệp Một tấm lòng son quyết giữ gìn.

(Ngẫu hứng, 1984)

Sức sống của dân tộc, ngày mai tươi sáng, những niềm tin ấy còn mãi, còn mãi trong những dòng thơ của ông, nhắc nhở cháu con luôn khắc ghi công ơn đó muôn đời.

Trong không khí tưng bừng rộn rã của mùa xuân, ông không nguôi niềm nhung nhớ và lòng biết ơn Chủ nghĩa Mác Lê-nin đã làm đổi thay vận mệnh đất nước, đã đem đến cho dân tộc ta ánh sáng huy hoàng:

Xin cảm ơn, cảm ơn Mác Lê-nin

Và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại! (Chào mừng năm 2000)

Ánh sáng của cách mạng Tháng Mười, của Đảng cộng sản đã xuyên thấu trái tim ông, đánh thức nó khi mới bắt đầu bước vào cuộc đời cách mạng và giờ đây, nó lại tiếp nối truyền thống dân tộc, sản sinh ra những con người mới đầy nghĩa tình trong hai tiếng “đồng chí”.

Đặc biệt, khi Tố Hữu đã 82 tuổi, ông vẫn còn thể hiện tình cảm yêu mến sâu sắc của mình:

Cảm ơn Đời đã cho ta, tám mươi hai tuổi bạc đầu Được vui sống một thời đáng sống, dài lâu

Với đồng chí, anh em, bè bạn

Với chân lí sáng ngời và niềm tin ở chân trời xán lạn! (Cảm nghĩ đầu xuân 2002)

Có thể nói rằng, đối với nhà thơ, tư chất của người chiến sĩ và thi sĩ đã hòa quyện với nhau làm một ngay từ khi ông xác định đứng trong hàng ngũ của Đảng để phục vụ nhân dân và để làm thơ. Hai công việc tưởng chừng như rất khác nhau ấy đối với nhiều người khác, còn với Tố Hữu chỉ là hai mặt, hai khía cạnh của con người ông. Đấy là mục đích, lý tưởng và lẽ sống của ông trong suốt cuộc đời: sống cho Đảng và để làm thơ. Và khi so sánh với các nhà thơ cùng thế hệ ông, cũng như thế hệ các nhà thơ sau này, chưa ai giác ngộ về Đảng sớm đến thế, cũng như chưa ai nhiệt thành ca ngợi Đảng đến suốt đời như Tố Hữu. Điều ấy đã làm nên một diện mạo thơ Tố Hữu không trộn lẫn với bất kỳ ai. Nguồn cảm hứng bất tận ấy đã đồng hành với ông và trở thành cảm hứng quan trọng trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo thi ca của nhà thơ Tố Hữu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dấu ấn thi pháp văn học dân gian trong thơ tố hữu (qua một tiếng đờn và ta với ta) (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)