Cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tranh chấp trên biển Đông dưới góc nhìn địa chính trị (Trang 74 - 77)

Chƣơng 2 TRANH CHẤP ĐỊA CHÍNH TRỊ TRÊN BIỂN ĐÔNG

3.1. Cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Cùng với xu hướng chung của thế giới kể từ sau chiến tranh lạnh “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” cũng như sự phát triển của luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật pháp quốc tế về các vến đề trên biển, đã góp phần vào việc phân định và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trên biển giữa các quốc gia trên thế giới nói chung và trên khu vực Biển Đông nói chung.

3.1.1. Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982

Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật biển 1982), tên tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea, hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982, được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Montego Bay, Jamaica . Tính đến nay, số quốc gia ký là 157, trong đó bao gồm cả Trung Quốc (tham gia năm 1996) và các nước ASEAN. Với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ, cùng xây dựng nên một Công ước mới về Luật biển, được nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia không có biển, cùng chấp nhận đánh dấu sự thành công của xu hướng hòa bình hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế trên thế giới.

Sau Hiến chương LHQ, Công ước Luật biển 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia. Công ước Luật biển 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 (12 tháng kể từ ngày Guyana, nước thứ 60 phê chuẩn Công ước ngày 16/11/1993). Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1000 quy phạm pháp luật, Công ước Luật biển 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Thực hiện Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, thời gian qua các quốc gia ven Biển Đông đã trình lên Liên hợp quốc các Báo cáo quốc gia của mình. Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia trình Liên hợp quốc Báo cáo chung của hai quốc gia về xác định ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở Nam Biển Đông. Ngày 7/5/2009, Việt Nam đã trình Báo cáo riêng của Việt Nam về xác định thềm lục địa ngoài 200 hải lý ở khu vực phía Bắc. Liên hợp quốc đã nhận và sẽ xem xét các Báo cáo này.

Sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước tại Montego Bay. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước ta đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 trong Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật biển 1982, nước CH XHCN Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”[68]. Lập trường Việt Nam là: “giải quyết hòa bình các bất đồng liên quan đến Biển Ðông trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Ðông đối với vùng ĐQKT và thềm lục địa; Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”[35].

3.1.2. Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)

Ngày 21 tháng 7 năm 2011, tại Bali – Indonesia, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao AMM 44, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt Quy tắc Hướng dẫn DOC). Đây được xem là nỗ lực của các bên liên quan trong việc kiềm chế và quản lý các tranh chấp trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình.

Thỏa thuận này là một thành tựu ngoại giao quan trọng, việc áp dụng bản Hướng dẫn sẽ tạo ra tiến trình qua đó đối thoại có thể phát triển và lòng tin lẫn nhau giữa các bên tranh chấp sẽ được thiết lập. Cam kết về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC cho thấy các bên có thể tránh được xung đột và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Việc kết thúc các quy tắc chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhận ra những lợi ích chung. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng: “Kết quả này thể hiện quyết tâm, lòng tin và khả năng của Trung Quốc và ASEAN cùng nhau thúc đẩy hòa bình và ổn định trong Biển Nam Trung Hoa bằng việc thực hiện DOC”[69]. Trợ lý Bộ trưởng Nhà ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Quang Vinh cho rằng "đây là một khởi đầu tốt và có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục cùng nhau đối thoại và hợp tác để thúc đẩy hơn nữa sự ổn định, lòng tin trong khu vực". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhận định, bản hướng dẫn là "một bước đi đầu tiên quan trọng" tiến tới một giải pháp ngoại giao cuối cùng[70].

Ngày 4 tháng 11 năm 2002, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết tại Phnôm - Pênh, Căm-pu-chia nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị mà ASEAN và Trung Quốc đạt được sau quá trình nỗ lực lâu dài nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, DOC được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

3.1.3. Tòa án Công lý Quốc tế

Trên Biển Đông, mặc dù tình hình tranh chấp diễn ra phức tạp, nhưng đã có nhiều sự kiện cho thấy, việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp này thông qua thương lượng, thông qua luật pháp quốc tế là có khả năng. Trong đó, Tòa án Công lý quốc tế là một cơ chế giải quyết các tranh chấp cho các nước thành viên LHQ dựa trên sự thỏa thuận của các bên tranh chấp và đưa ra các ý kiến tư vấn pháp lý cho Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an và các ủy ban khác trực thuộc LHQ.

Về nguyên tắc, các nước tham gia tranh chấp trên Biển Đông có thể cùng nhau đưa vấn đề tranh chấp của họ ra Tòa án Công lý quốc tế để nhở Tòa phán xét. Trên khu vực Biển Đông, ICJ đã giải quyết hai vụ tranh chấp liên quan đến chủ quyền các hòn đảo. Vụ thứ nhất là vụ tranh chấp chủ quyền đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan - hai đảo trên biển Celebes giữa Indonesia và Malaysia được đưa ra ICJ năm 1998. Vào năm 2002, chủ quyền đối với hai hòn đảo nói trên được ICJ tuyên cho Malaysia.Vụ thứ hai là vụ tranh chấp đối với Pedra Branca (Malaysia gọi là Pulau Batu Puteh in), Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore được đưa ra ICJ vào năm 2003 .Vào tháng 5-2008, chủ quyền đối với Pedra Branca được tuyên cho Singapore, Middle Rock được tuyên cho Malaysia và South Ledge được phân chia giữa hai nước theo vùng nội thủy của hai nước[36].

Một vụ việc gây chú ý dư luận quốc tế trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, là sự kiện Phi-líp-pin đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế. Tòa án này được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS (arbitral tribunal)[38]. Đây là một động thái mang tính bước ngoặt của Phi-líp-pin trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Sự kiện này cho thấy, quyết tâm của Phi-líp-pin, đồng thời cũng cổ vũ mạnh mẽ cho các quốc gia khác trong khu vực tranh chấp, tin tưởng và hướng tới một lối thoát pháp lý cho vấn đề Biển Đông.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tranh chấp trên biển Đông dưới góc nhìn địa chính trị (Trang 74 - 77)