3.2. Một số giải pháp chủ yếu
3.2.4. Cải thiện môi trường xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân
nhân lực tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay
Môi trường xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để người lao động sống, làm việc và phát huy khả năng của mình. Có thể nói, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, có một môi trường xã hội hài hoà, bình đẳng để mọi người cùng phát triển. Công tác trật tự, an ninh chính trị, xã hội luôn được đảm bảo và duy trì. Song, bên cạnh những thành quả đó, còn nhiều vấn đề của môi trường xã hội cần phải cải thiện để thực sự tạo cho nhân dân cũng như người lao động yên tâm sống và làm việc, cống hiến hết khả năng của mình cho sự nghiệp phát triển.
Nói đến môi trường xã hội là nói đến điều kiện làm việc, hệ thống an sinh xã hội, tiền lương và các nhu cầu cá nhân người lao động được thoả mãn, việc làm được an toàn, được trao quyền bình đẳng và được tạo nhiều cơ hội để phát huy năng lực cá nhân của mình. Vậy thì môi trường xã hội như thế nào thì sẽ tạo ra một xã hội như thế ấy. Thực tiễn ở Vĩnh Phúc cho thấy, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội, tình trạng tiêu cực trong xã hội vẫn là vấn đề nan giải, nhiều người tài chưa được sử dụng đúng vị trí. Thực tế có những lúc, những nơi còn vi phạm quy chế dân chủ, làm cho môi trường xã hội chưa thực sự khơi dậy và phát huy hết tiềm năng nguồn nhân lực của tỉnh. Do đó vẫn có tình trạng “chảy máu chất xám”, hoặc là người lao động làm theo kiểu chống đối, không có động lực để phấn đấu. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, quan niệm và cách nghĩ, cách làm còn ảnh hưởng bởi cơ chế cũ, nhiều người lãnh đạo còn không tin tưởng và giao việc cho lớp trẻ, ôm đồm và bảo thủ. Cơ chế, chính sách đôi khi còn gây khó khăn, cản trở cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Bởi vậy, trên con đường phát triển cần nhanh chóng từng bước làm cho môi trường xã hội thực sự trong sạch.
Ở tầm quản lí vĩ mô, tỉnh cần có những biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài của nguồn nhân lực, trong đó có vấn đề khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, tạo một sự chuyển biến thật mạnh mẽ trong việc khai thác, đào tạo và sử dụng từ nguồn nhân lực trong công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ. Tỉnh cũng cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, đúng đắn đối với việc sử dụng, trọng dụng nhân tài, nhất là trọng dụng các nhà khoa học và chuyên gia thực sự có tài năng cống hiến. Phải phân biệt rành mạch giữa người có năng lực thực sự và những người có bằng cấp mà thiếu trình độ, giữa những người cơ hội và những người chân chính trong các cơ quan công quyền. Nếu không giải quyết được vấn đề này một cách rõ ràng thì nhân tài của tỉnh sẽ không được sử dụng đúng, làm cho những người thật sự có tài năng không phát triển được.