Khái niệm Nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khái niệm nhà nước pháp quyền tiếp cận dưới góc độ triết học (Trang 36 - 43)

CHƯƠNG 1 : TƯ TƯỞNG VÀ KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

1.1. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền trong lịch sử

1.1.2 Khái niệm Nhà nước pháp quyền

Qua những khảo sát trong lịch sử tư tưởng về Nhà nước pháp quyền cho thấy, đến thế kỷ XIX, các nhà tư tưởng vẫn chưa sử dụng đầy đủ cụm từ “Nhà nước pháp quyền” trong tư tưởng của mình. Khái niệm “Nhà nước pháp quyền” trong tiếng Việt có nguyên gốc từ từ “Rechtsstaat” trong tiếng Đức lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1797 bởi nhà triết học người Đức - I.Cantơ

trong tác phầm “Siêu hình học đạo đức” và sau đó được sử dụng phổ biến bởi Robert von Mohn trong cuốn “Khoa học cảnh sát Đức theo các nguyên lý của

nhà nước pháp quyền” xuất bản năm 1832. Từ “Rechtsstaat” được đưa ra với

tư cách là một thuật ngữ luật học và nó có nghĩa hoàn toàn khác so với từ “Rule of law” trong tiếng Anh. Từ “Rechtsstaat” được bắt nguồn từ chủ thuyết tự do của Đức, đặt luật pháp của nhà nước trên nền tảng lý trí. Robert Von Mohn là học giả đầu tiên đã dùng khái niệm này trong sách luật giáo

khoa mang tên Staatsrecht des Königsreich Würtemberg (Tạm dịch: Hiến

pháp của vương quốc Đức) năm 1829. Trước đây, nhiều học giả khác đã đề

cập đến khái niệm này, nhưng không triển khai sâu rộng bằng Von Mohn, đó

là Carl Theodor Welcker với tác phẩm Die letzten Gründe Von Recht, Staat

und Strafe (Tạm dịch: Lý do của pháp luật và sự trừng phạt) năm 1813 và

Johann Christoph Freiherr Von Aretin với tác phẩm Staatsrecht der

konstitutionellen Monarchie (Tạm dịch: Luật pháp của chế độ quân chủ lập hiến) năm 1824. Ba tác giả trên đều đồng ý một điểm chung rằng nhà nước

pháp quyền không phải là một hình thái đặc biệt của nhà nước mà là một thể loại nhà nước chuyên biệt. Theo Von Mohl và Welcker, nhà nước pháp quyền phải được hiểu là nhà nước đặt trên căn bản của lý trí hay lý tính. Trong khi đó, Von Aretin nhấn mạnh đến khía cạnh khác hơn, đó là nhà nước pháp quyền cai trị trên nguyên tắc ý chí chung của lý trí và chỉ nhắm mục tiêu đạt đến những điều tốt đẹp nhất. Cả ba ông cùng chấp nhận nhà nước pháp quyền là một nhà nước tôn trọng luật thiên về lý tính, dựa theo những nguyên tắc lý tính này nhà nước sẽ thực hiện việc sống chung của con người.

Trong giai đoạn sơ khai ban đầu, các nhà luật học đã đưa ra những đặc

trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền như sau: Thứ nhất, nhà nước pháp

quyền là nhà nước thế tục, mang phúc lợi đến toàn dân, phục vụ cho mỗi cá

nhân được tự do, bình đẳng và tự quyết định mục tiêu của mình; Thứ hai, mục tiêu của Nhà nước pháp quyền là bảo vệ tự do và an toàn cho nhân dân; Thứ

ba, nhà nước pháp quyền tôn trọng quyền tự nhiên cơ bản của con người, bảo

vệ tự do cá nhân, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do kết ước và tự do hoạt động nghề nghiệp; tài sản của người dân phải được tôn trọng, toà án phải được độc lập trong các quyết định và chính quyền phải có trách nhiệm với người dân. Tất cả người dân đều phải có tinh thần thượng tôn luật pháp, dân chúng phải có cơ quan đại diện và có quyền tham gia vào sinh hoạt lập pháp. Tổ chức nhà nước phải dựa trên nguyên tắc phân quyền rõ rệt và được

tất cả chấp nhận. Nguyên tắc tam quyền phân lập của Môngtétxkiơ là nền tảng cho sự phân công trong tổ chức của nhà nước, nhưng sự phân chia quyền lực của nhà nước dựa trên những nguyên tắc đấu tranh bình đẳng của các thế lực chính trị và xã hội, chứ không hẳn là sự phân công thuần túy dựa trên chức năng chuyên biệt.

Quan niệm này phần nhiều chịu ảnh hưởng từ nguyên tắc lý tính của Cantơ. Theo định nghĩa nguyên thủy này, luật pháp phải dựa trên một nguyên tắc luật nhà nước thống nhất, cả về thủ tục lẫn nội dung, đặc điểm của nó không thể chỉ giới hạn vào luật thủ tục hay luật nội dung, vì nó biểu hiện đặc trưng cho một nhà nước chuyên biệt, tạo nên một tinh thần mới cho nhà nước, mà sự thực thi luật pháp này làm cho phương thức cai trị này khác với những nhà nước theo hình thái cổ truyền. Đối nghịch với nhà nước pháp quyền không phải là thể chế quân chủ hay quý tộc mà là thể chế thần quyền và bạo chúa, hai thể chế này không gắn liền với nguyên tắc lý tính vì thể chế thần quyền dựa vào những tín điều tôn giáo, trong khi thể chế bạo chúa dựa trên ý chí độc đoán của người cai trị. Nhà nước pháp quyền có khuynh hướng tự do. Do đó, tự do chính trị và sự tham gia vào các hoạt động nhà nước của người dân phải được bảo đảm. Tuy nhiên, tự do này cũng sẽ bị giới hạn khi mà tự do chính trị không còn bảo vệ tự do của người dân, nó còn gây nguy hiểm khi mà nó không còn hỗ trợ cho nguyên tắc lý tính mà nhường chỗ cho nhưng ham mê quyền lực.

Khái niệm về luật pháp (Law) có vai trò quan trọng trong việc định hình và cụ thể hoá khái niệm về nhà nước pháp quyền. Luật pháp có nghĩa là những quy định tổng quát được hình thành qua sự đồng thuận của các đại biểu dân chúng thông qua thảo luận và biểu quyết công khai. Tất cả những nguyên lý chủ yếu của một nhà nước pháp quyền đều nằm trong khái niệm về luật pháp này, trong đó bao gồm hai khía cạnh định chế và thủ tục. Tuy nhiên, Luật pháp không chỉ giới hạn ở thủ tục hay nội dung, mà luật pháp là một thể

thống nhất, nó nối kết hai yếu tố này thành một loại hình luật pháp bất khả phân. Sự đồng thuận của các đại biểu dân chúng nhằm đảm bảo nguyên tắc tự do và vai trò người dân như một chủ thể hữu quyền trước pháp luật. Không chỉ có vậy, luật pháp còn phải mang tính tổng quát, vì tính chất này sẽ ngăn chặn mọi vi phạm có chủ đích nhắm vào phạm vi tự do của người dân và xã hội thông qua những thủ tục thảo luận và biểu quyết công khai thì nội dung của luật pháp sẽ đạt được một mức độ của lý tính. Nguyên tắc hợp pháp của luật hành chính chỉ rõ điều này. Cụ thể như, luật pháp của các cơ quan hành chính đặt ra chỉ có hiệu lực pháp lý, khi chính cơ quan hành chính này tự đặt mình dưới luật pháp và bị chi phối bởi luật pháp. Theo đó, Luật pháp của một nhà nước pháp quyền là sự diễn đạt ý muốn của nhà nước, nhưng ý muốn này thể hiện ý muốn chung và quyền của toàn dân. Sự thống trị của luật pháp phải được hiểu là sự cai trị dựa trên những nguyên lý về tự do của người dân.

Nhìn chung, những đặc điểm cơ bản của Nhà nước pháp quyền đã được đề cập đến từ thế kỷ XVII. Từ đó cho đến thế kỷ XIX, khái niệm này được bổ sung thêm một số vấn đề mà chủ yếu là về việc chú trọng hơn đến hình thức của luật pháp – cụ thể hơn là luật về các thủ tục tố tụng. Nhiều nhà luật học đã bổ sung thêm vào các tiêu chí của Nhà nước pháp quyền, tuy nhiên, quan điểm của họ không có sự thống nhất và lập luận thuyết phục. Sau này, các học thuyết ngày càng đề cao hơn vai trò của việc áp dụng luật pháp trong chính trị.

Theo nghĩa hiện đại, việc nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền có hai

chiều hướng chính. Quan điểm thứ nhất cho rằng khái niệm nhà nước pháp

quyền nguyên thuỷ đặt trọng tâm vào quyền tự do của người dân chỉ là một mô hình hiến pháp, không thể nào giải quyết được hết các vấn đề xã hội đặt ra. Ba ý niệm cơ bản trong khái niệm nhà nước pháp quyền, bao gồm bình đẳng trước luật pháp, tự do của người dân và bảo đảm quyền tư hữu, không chỉ nhằm giúp con người thoát khỏi những ràng buộc thời phong kiến, mà còn cho con người được tự do hơn trong hoạt động kinh tế và thoát khỏi những

bất bình đẳng tự nhiên, điều này chỉ đạt được khi sự bình đẳng trong toàn xã hội cũng được tôn trọng. Do đó, vấn đề phát triển toàn diện con người cần được đề ra thành nguyên tắc cho tương lai. Chiều hướng cũ đã còn không giải quyết được bất công trong xã hội mà còn đem lại sự đối kháng giai cấp trầm trọng hơn khi chỉ dựa trên nền tảng của một xã hội bình đẳng thuần về luật pháp. Chính ở đây, Von Stein và C.Mác đã hiểu rõ tính biện chứng lịch sử của trào lưu này. Mặt khác, trào lưu công nghiệp hoá xã hội đã làm mất đi ít nhiều môi trường sống. Bên cạnh đó, nhà nước phải đối đầu với những vấn đề bất công trong xã hội mà không thuần túy chỉ nhằm vào việc bảo vệ quyền tự do cá nhân như trong khái niệm nhà nước pháp quyền trước đây mà còn phải giải

quyết nhiều vấn đề khác. Trong khi đó, chiều hướng thứ hai thiên về luật nội

dung hơn là hình thức như đã cổ vũ trước đây. Vấn đề này không phải là mới đối với giới học thuật, nhưng qua kinh nghiệm xương máu của thời kỳ Đức Quốc xã cho thấy việc tôn trọng luật hình thức sẽ không đem đến hiệu quả nhất định. Quyền lực của cơ quan nhà nước phải được quy định cụ thể hơn trong lĩnh vực bảo vệ tự do cho người dân. Hiến pháp không chỉ nêu lên những giới hạn chung trong việc bảo vệ tự do. Cơ quan nhà nước phải thực hiện những giá trị cơ bản nhằm tránh dẫn đến chế độ độc tài. Đây là những giá trị khách quan trong xã hội mà hiến pháp phải công nhận và được áp dụng chung trong mọi sinh hoạt xã hội. Giá trị cơ bản này không phải chỉ là hình thức mà phải đặt trong khuôn khổ nội dung của luật hiến pháp. Khái niệm này nhằm loại bỏ những hình thức trống rỗng của luật chỉ đề ra khuôn khổ chung. Nhà nước pháp quyền phải chú trọng đến nội dung của pháp quyền, không thể thiên về luật thủ tục hay hình thức như trước đây.

Bàn về Nhà nước pháp quyền, chúng ta cần hiểu nó theo 3 cấp độ khác nhau: a) Cấp độ tối thiểu: Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật. Ở cấp độ này, sự tôn trọng luật của nhà nước được xem như một yếu tố bắt buộc và luật pháp phải được đảm bảo áp dụng giống nhau đối với mọi người.

b) Cấp độ trung bình: Nhà nước không chỉ đặt mình dưới pháp luật mà chính là có một sự độc lập để đảm bảo luật pháp không bị chi phối bởi nhà nước, phải có những quy đỉnh ràng buộc để bảo đảm giới hạn quyền lực cả nhà nước trong mối quan hệ với xã hội.

c) Cấp độ cao nhất: Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó tất cả các công dân phải được đảm bảo những quyền và tự do thông qua công cụ là Luật pháp. Yếu tố quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền là quyền con người phải được bảo vệ và thể hiện trong luật.

Tóm lại, khi đề cập đến những dấu hiệu nhận biết cơ bản của nhà nước pháp quyền với tư cách là các giá trị phổ biến, đa số các nhà tư tưởng thống nhất với nhau ở các đặc điểm sau:

Thứ nhất, nhà nước pháp quyền là nhà nước đảm bảo tính tối cao của

pháp luật, trong đó pháp luật là ý chí chung của nhân dân. Tính tối cao của

pháp luật thể hiện trên hai phương diện: Một là, đảm bảo sự thống trị của

pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Là nhà nước có hệ thống pháp luật hoàn thiện, trong đó đề cao vai trò của Hiến pháp và các đạo luật;

hai là, tính bắt buộc của pháp luật đối với nhà nước, các tổ chức xã hội và

mọi công dân. Pháp luật là tiêu chuẩn, là căn cứ cho mọi hoạt động của nhà nước và xã hội. Nhà nước trong thiết chế của nhà nước pháp quyền là nhà nước tuân thủ pháp luật, mặc dù nhà nước là người ban hành ra pháp luật đó.

Thứ hai, nhà nước pháp quyền là nhà nước thực hiện và bảo vệ được

các quyền tự do, dân chủ của công dân. Nhà nước pháp quyền không chỉ công nhận và tuyên bố các quyền tự do của công dân mà còn phải bảo đảm thực hiện và bảo vệ các quyền đó khi chúng bị xâm hại. Tự do của một người là được làm những gì mà trong khuôn khổ pháp luật không cấm, không xâm phạm đến tự do của người khác, trong đó, pháp luật chỉ cấm những gì có hại cho xã hội. Bên cạnh đó, con người là mục tiêu và giá trị cao nhất trong nhà nước pháp quyền.

Thứ ba, nhà nước pháp quyền là tổ chức nhà nước đảm bảo trên thực tế

trách nhiệm giữa nhà nước và công dân. Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước và công dân có mối quan hệ song trùng với nhau - quyền của công dân là trách nhiệm của nhà nước và ngược lại quyền của nhà nước là trách nhiệm của công dân. Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình, còn công dân phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Thứ tư, nhà nước pháp quyền là nhà nước phải có hình thức tổ chức

quyền lực thích hợp và có cơ chế hữu hiệu để giám sát sự tuân thủ pháp luật, cũng như xử lý vi phạm pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện, chống chuyên quyền, lạm quyền.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa về nhà nước

pháp quyền như sau: Nhà nước pháp quyền là một khái niệm thể hiện phương

thức tổ chức và quản lý xã hội mà trong đó luật pháp là tối thượng, nhân dân là chủ thể của quyền lực và những giá trị cao quý nhất của con người - xã hội được khẳng định và bảo vệ. Nói cách khác, "nhà nước pháp quyền" ở đây

được hiểu là một khái niệm và nội dung của nó hoàn toàn khách quan thể hiện bản chất của nhà nước khi phát triển đến một trình độ nhất định chứ không đồng nhất với bất cứ mô hình nhà nước nào đang tồn tại trong hiện thực. Bên cạnh đó, nhà nước pháp quyền là cách thức quản lý xã hội trong đó nhân dân là chủ thể của quyền lực và nội dung cốt yếu trong nhà nước pháp quyền là bảo vệ quyền con người, quyền công dân và đảm bảo tính dân chủ.

Có thể nói, về bản chất, nhà nước pháp quyền là một khái niệm dùng để chỉ hình thức tổ chức xã hội theo đó quyền lực của nhân dân được thể chế hóa thành pháp luật và được đảm bảo thực thi bằng bộ máy nhà nước cũng như các thiết chế chính trị - xã hội khác nhằm mang lại quyền lợi cho nhân dân. Như vậy, chúng ta có thể hiểu Nhà nước pháp quyền được hình thành trên cơ sở các quyền mà pháp luật là cơ sở để thực hiện các quyền đó. Mức độ pháp

quyền của một nhà nước phụ thuộc vào mức độ quyền được luật hóa, tức là càng nhiều quyền được luật hóa thì tính pháp quyền càng cao. Trong Nhà nước pháp quyền, các quyền này được phân định và tổ chức sao cho sự lạm quyền không thể xảy ra và quyền dân chủ, tự do của người dân được bảo vệ. Hiến pháp là công cụ quan trọng nhất để xác lập nhà nước pháp quyền, vì thế, nó là linh hồn của pháp quyển và là bản khế ước xã hội quan trọng nhất.

Hiện nay, liên quan đến nội hàm của khái niệm Nhà nước pháp quyền, chúng ta nhận thấy có rất nhiều tranh cãi khác nhau phản ánh sự khác nhau trong hướng tiếp cận và mục đích nghiên cứu của mỗi đối tượng trong mỗi lĩnh vực. Đây cũng chính là nội dung tiếp theo mà tác giả luận văn muốn trình bày, đó là một số cách tiếp cận khái niệm "nhà nước pháp quyền".

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khái niệm nhà nước pháp quyền tiếp cận dưới góc độ triết học (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)