Yếu tố dân chủ với tư cách là nền tảng nhận thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khái niệm nhà nước pháp quyền tiếp cận dưới góc độ triết học (Trang 78 - 83)

CHƯƠNG 1 : TƯ TƯỞNG VÀ KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

2.2 Một số vấn đề có tính quy luật trong xây dựng Nhà nước pháp

2.2.3 Yếu tố dân chủ với tư cách là nền tảng nhận thức

Nhà nước pháp quyền - với tính cách là những giá trị phổ biến - là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ. Do vậy, nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước. Theo ý nghĩa này, nhà nước pháp quyền được nhìn nhận như một cách thức tổ chức nền dân chủ, cách thức tổ chức nhà nước và xã hội trên nền tảng dân chủ hay nói cách khác, nhà nước pháp quyền gắn liền với một nền dân chủ, tuy không phải là một kiểu nhà nước được xác định theo lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, nhưng không thể xuất hiện trong một xã hội phi dân chủ. Điều này lý giải vì sao ý tưởng về một chế độ pháp quyền đã xuất hiện từ rất xa xưa, thậm chí từ thời cổ đại bởi các nhà tư tưởng phương Tây, hay tư tưởng pháp trị tại Trung Hoa cổ đại, nhưng mãi đến khi nhà nước tư sản ra đời, với sự xuất hiện của nền dân chủ tư sản, nhà nước pháp quyền mới từ nhà nước ý tưởng dần trở nên một nhà nước hiện thực. Vì vậy, có thể nói, dân chủ là nền tảng của nhà nước pháp quyền, nếu thiếu đi dân chủ, những đặc trưng của nhà nước pháp quyền sẽ chủ yếu nằm trên lý thuyết hoặc chỉ mang tính hình thức. Như vậy, việc nhận thức được tính cần thiết của yếu tố dân chủ trong xã hội là một trong những vấn đề mang tính chất quy luật trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Dân chủ là một thuật ngữ thường bị hiểu và sử dụng sai khi các nhà độc tàivà lãnh tụ các cuộc đảo chính quân sự muốn dân chúng ủng hộ vì tự cho rằng mình bảo vệ dân chủ. Tuy nhiên, sức mạnh của ý tưởng dân chủ vẫn phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dù trải qua nhiều biến cố. Dân chủ theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhân dân” hay “quyền lực của nhân dân” được định nghĩa là một hình thức chính phủ trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Dân chủ có thể do nhân dân trực tiếp thực thi hoặc cũng có thể được thực

thi bởi các quan chức hay đại diện do chính nhân dân bầu ra. Tự do và dân chủ thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng trên thực tế hai khái niệm này không đồng nghĩa. Dân chủ không chỉ là những nguyên tắc tự do mà còn gồm cả thực tiễn và các tiến trình được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử phức tạp. Cụ thể hơn, dân chủ là sự thể chế hóa tự do. Người dân sống trong xã hội dân chủ là người bảo vệ quyền tự do của chính bản thân họ và hướng tới việc thừa nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng bất khả xâm phạm của nhân loại là nền tảng tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.

Dân chủ không chỉ đơn thuần là một loạt thể chế quản lý cụ thể. Dân chủ dựa trên nhóm giá trị, quan điểm và thực tiễn đã được nhận thức rõ. Tất cả các giá trị, quan điểm và thực tiễn đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau tùy theo nền văn hóa và các xã hội trên thế giới. Nền dân chủ phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản chứ không phải là những thực tiễn thống nhất. Bên cạnh đó, dân chủ là hình thức chính phủ trong đó quyền lực và trách nhiệm công dân do công dân trưởng thành trực tiếp thực hiện hoặc thông qua các đại diện của họ được bầu lên một cách tự do. Dân chủ dựa trên các nguyên tắc đa số và tôn trọng các quyền cá nhân. Nền dân chủ sẽ chống lại các chính phủ trung ương tập quyền và phi tập trung hóa chính quyền ở cấp khu vực và địa phương, với nhận thức rằng tất cả các cấp độ chính quyền đều phải được tiếp cận và phải đáp ứng người dân khi có thể. Đồng thời, các nền dân chủ nhận thức rằng một trong những chức năng chính của họ là bảo vệ nhưng quyền con người cơ bản như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo; quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng và cơ hội được tổ chức và tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của xã hội. Không chỉ vậy, các nền dân chủ thường xuyên tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng cho công dân ở độ tuổi bầu cử tham gia. Công dân của một nền dân chủ không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia vào hệ thống chính trị, đổi lại, hệ thống chính trị đó sẽ bảo vệ các quyền lợi và sự tự do của họ.

Có hai loại hình dân chủ cơ bản, đó là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trong nền dân chủ trực tiếp, công dân có thể tham gia quyết định công việc chung mà không có sự can thiệp của các quan chức được bầu lên hoặc được bổ nhiệm. Hình thức dân chủ trực tiếp là thực tế nhất nếu áp dụng cho một nhóm nhỏ, chẳng hạn như một tổ chức cộng đồng, hội đồng bộ lạc, hoặc đơn vị địa phương của một liên đoàn lao động. Thành viên các nhóm này có thể gặp gỡ nhau để bàn bạc các vấn đề và đi đến quyết định bằng sự đồng thuận hoặc biểu quyết đa số. Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân tham gia quản lý nhà nước thông qua các đại diện được bầu cử; thay mặt cho cử tri trong việc thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và xã hội. Dân chủ đại diện là phương thức thực hiện quyền lực nhà nước cơ bản và phổ biến nhất của nhân dân. Theo đó, nhân dân thông qua các cơ quan đại biểu do mình bầu ra và ủy thác quyền lực như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; rồi đến lượt mình, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục lập ra các cơ quan khác của Nhà nước để thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Như vậy, hiểu một cách đầy đủ, cơ quan nhà nước được nhân dân ủy quyền không chỉ là các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp mà còn bao gồm cả các cơ quan trong hệ thống hành pháp và tư pháp; các cơ quan này thay mặt nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành, quản lý xã hội và chịu sự giám sát của nhân dân.

Thực tiễn cách mạng cho thấy, sự ra đời và phát triển của các hình thái nhà nước trên thế giới về cơ bản là kết quả của những cuộc cách mạng xã hội. Những cuộc cách mạng này diễn ra là kết quả của việc giải quyết những mâu thuẫn kinh tế, chính trị, xã hội với sự tác động của cả nhân tố chủ quan và khách quan. Điều này ảnh hưởng đến việc nhận thức về tính cấp thiết của việc thiết kế và xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền trong những điều kiện kinh tế, xã hội nhất định như một điều tất yếu. Ngoài ra, hệ thống chính trị và các tổ chức xây dựng ra đời nhằm mục đích thống nhất và điều tiết sự ổn định

trong xã hội nên việc đòi hỏi phải có hệ thống luật pháp chặt chẽ quản lý cơ chế hoạt động của cả một hệ thống.

Để xây dựng được nhà nước pháp quyền, việc đảm bảo các yếu tố kinh tế và xã hội là chưa đủ mà căn nguyên của sự thay đổi phải bắt đầu từ nhận thức. Trong khi việc thiết lập nền kinh tế thị trường trong xã hội cộng với xây dựng xã hội dân sự với việc đề cao yếu tố dân chủ là điều kiện khách quan - là yếu tố nền tảng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền, việc nhận thức của người dân về xây dựng nhà nước pháp quyền mà cụ thể hơn là vấn đề dân chủ lại yếu tố quyết định việc xây dựng nhà nước pháp quyền có thành công hay không. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ là yếu tố khách quan, còn trình độ phát triển dân chủ đến đâu lại là yếu tố chủ quan, chẳng hạn như việc làm thế nào để người dân hiểu biết rõ về pháp luật, hiểu về quyền và nghĩa vụ cũng như thực hiện quyền kiểm tra giám sát của mình hiệu quả… Điều này phụ thuộc vào quá trình xây dựng và thực hiện luật pháp, đồng thời với đó là yếu tố giáo dục với tư cách là công cụ giúp cho người dân nhận thức được vai trò của mình trong nhà nước pháp quyền.

Nhà nước pháp quyền ngoài các giá trị phổ biến còn bao hàm các giá trị đặc thù của mỗi một quốc gia, dân tộc. Tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được xác định bởi hàng loạt yếu tố. Các yếu tố này về thực chất là rất đa dạng, phong phú và phức tạp, được xác định bởi các điều kiện về lịch sử, truyền thống - văn hoá, tâm lý xã hội của mỗi một dân tộc, các chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá và môi trường địa lý. Các yếu tố này không chỉ tạo ra các đặc sắc, tính riêng biệt của mỗi một dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển của mình mà còn quyết định mức độ tiếp thu và dung nạp các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền.

Việc thừa nhận tính đặc thù của nhà nước pháp quyền có ý nghĩa nhận thức luận quan trọng. Với ý nghĩa này nhà nước pháp quyền là một phạm trù vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù. Nhà nước pháp quyền vừa là

một giá trị chung của nhân loại, vừa là một giá trị riêng của mỗi một dân tộc, quốc gia. Không thể có một nhà nước pháp quyền chung chung như một mô hình chung thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc. Mỗi một quốc gia, dân tộc, tuỳ thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp.

Thực tiễn xây dựng và vận hành của nhà nước pháp quyền tại các nước cho thấy, mỗi một nước đều có cách thức xây dựng, tổ chức nhà nước pháp quyền theo cách riêng của mình. Các khảo sát kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền tại các nước Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Pháp, Vương quốc Anh, Cộng hoà Ý đã cho thấy ở các nước này, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền được tổ chức vừa thống nhất vừa đa dạng, phản ánh các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, đồng thời các giá trị đặc thù của từng quốc gia. Thực tiễn này cũng đã được xác nhận tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác.

Thừa nhận tính đa dạng của mô hình nhà nước pháp quyền, việc xây dựng nhà nước pháp quyền tại mỗi một quốc gia phải xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - văn hoá, chính trị và truyền thống dân chủ của dân tộc mình, từ đó lựa chọn cách thức xây dựng và vận hành mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp. Nhà nước pháp quyền phải mang bản chất của chế độ chính trị, thể hiện được các đặc sắc của quốc gia, dân tộc, nói cách khác, là phải quán triệt các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, tiếp thu các giá trị phổ biến này trong sự tương hợp với các đặc điểm lịch sử, văn hoá, chính trị của quốc gia, tức là, chính các giá trị chung của nhân loại mới có thể đảm bảo được tính pháp quyền của nhà nước theo các chuẩn mực đã được thừa nhận, khắc phục tính dân tộc cực đoan hay các dị biệt làm cho các giá trị dân chủ không được phát huy, tạo nguy cơ rơi vào tình trạng biệt lập trong một thế giới toàn cầu hóa. Sự thống nhất hữu cơ giữa tính phổ biến và tính đặc thù của nhà nước pháp quyền là cơ sở lý luận cần quán triệt trong

cuộc đấu tranh lý luận chống lại mọi sự áp đặt từ bên ngoài đối với mô hình nhà nước pháp quyền hay áp dụng một cách máy móc, giáo điều, dập khuôn mô hình nhà nước pháp quyền ở một nước này vào một nước khác. Điều này có nghĩa là không thể lấy các tiêu chuẩn của nhà nước pháp quyền tư sản để áp đặt cho các việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, khi quán triệt các đặc điểm, đặc thù của mỗi nước, chúng ta cần phải đặt chúng trong sự tương quan với các giá trị phổ biến và phải biến các giá trị phổ biến ấy thành các giá trị nội tại, chuyển hoá chúng thành các giá trị quốc gia. Việc nắm bắt được những vấn đề mang tính quy luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền giúp cho nhà cầm quyền có thể vận dụng nó để tạo dựng điều kiện tất yếu cho sự ra đời của Nhà nước pháp quyền như phát triển kinh tế thị trường, đề cao yếu tố dân chủ,…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khái niệm nhà nước pháp quyền tiếp cận dưới góc độ triết học (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)