CHƯƠNG 1 : TƯ TƯỞNG VÀ KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
2.1 Bản chất của Nhà nước pháp quyền
2.1.2 Về yếu tố dân chủ trong nhà nước pháp quyền
Để có thể giữ vai trò tối thượng. pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải thể hiện được ý chí của toàn dân, phải khiến cho nhân dân tuân thủ luật pháp một cách tự nguyện. Nếu không thực hiện điều này, việc pháp luật đứng trên nhà nước vẫn không khác gì hình thức quản lý pháp trị hay quân chủ. Bên
cạnh đó, “Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, thực chất là
quản lý xã hội bằng ý chí phổ biến của nhân dân được luật hóa” [35,tr.59] và
trong đa số các trường hợp người dân không thể tự mình “luật hóa” ý chí của mình mà phải thực hiện thông qua người đại diện được nhân dân bầu ra mà cụ thể hơn đó là những bộ phận cấu thành nên quyền lực nhà nước. Như vậy, xét đến cùng, chủ thể của quyền lực trong nhà nước pháp quyền là nhân dân.
Theo nghĩa chung nhất, quyền lực được hiểu là mối quan hệ giữa các chủ thể của đời sống xã hội, trong đó, chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh hay vị thể nào đó trong xã hội. Như vậy, không phải có nhà nước mới có quyền lực, quyền lực xuất hiện từ rất sớm dưới hình thức những quy phạm chung được thừa nhận bởi đa số con người trong xã hội (còn gọi là quyền lực xã hội). Khi xã hội phân chia thành giai cấp, khái niệm quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước ra đời. Trong tất cả các giai đoạn phát triển của xã hội loài người, quyền lực đều tồn tại với tư cách là yếu tố duy trì trật tự xã hội, chỉ khác nhau ở chủ thể của quyền lực và về cơ bản, quyền lực luôn thuộc về giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị luôn khẳng định mình vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với ý chí của nhân dân, nhân danh nhân dân,…để duy trì quyền lực của mình. Đặc biệt, thuật ngữ “nhân dân” được dùng nhiều trong cuộc cách mạng tư sản và trong hầu hết hiến pháp của các nước tư bản nhưng xét đến cùng, mọi lý luận đó vẫn chỉ là công cụ để giai cấp thống trị bảo vệ và duy trì quyền lực của mình trong xã hội. Nếu như thượng tôn luật pháp được coi là hình thức biểu hiện của nhà nước pháp quyền, nhân dân là chủ thể quyền lực được coi là phương thức thực hiện nhà nước pháp quyền thì việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đảm bảo dân chủ lại được coi là nội dung cơ bản trong nhà nước pháp quyền. Có thể nói, nhà nước pháp quyền là một phương thức quản lý xã hội mà ở đó quyền con người được bảo vệ một cách tối đa nhất, mức độ pháp quyền tỉ lệ thuận với mức độ quyền của con người được luật hóa. Bản thân chế độ dân chủ là sự đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Yếu tố dân chủ dường như chỉ được xem là một biểu hiện của nhà nước pháp quyền mà không hẳn là nội dung căn bản nhất, quy định những biểu hiện khác của nhà nước pháp quyền. Nhưng sự thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức nhà nước pháp quyền chỉ có thể thấy rõ nếu bắt đầu và căn bản từ yếu tố dân chủ. Chỉ khi có được nền tảng dân chủ
đích thực, hình thức và nội dung của nhà nước mới có sự thống nhất một cách thực chất.
Theo quan điểm của các nhà kinh điển Mác-Lênin, chế độ dân chủ đảm bảo cho việc quyền lực thuộc về nhân dân, bởi vì chỉ trong chế độ dân chủ, người dân mới có thể quy định nội dung nhà nước, luật pháp theo cách thức và ý chí của mình. Ở đó, mỗi cá nhân đều tồn tại với hai tư cách: tư cách công dân và tư cách cá nhân tự do. Với tư cách công dân, mỗi cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ theo pháp luật đã định (pháp luật được soạn thảo và ban hành dựa trên cơ sở thể hiện ý chí của nhân dân); còn với tư cách cá nhân tự do, người dân được quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, quyền lực đích thực chỉ thuộc về nhân dân khi tồn tại dân chủ đích thực.
Trong lịch sử, vấn đề bảo vệ và đề cao các quyền con người đã được đề cập đến từ thời cổ đại với quan niệm cho rằng con người có những quyền bất khả xâm phạm nhất định, có thể dùng để bảo vệ bản thân họ trong xã hội và trước những kẻ cai trị. Đến thời kỳ khai sáng Pháp, lý thuyết về nhân quyền được phát triển một cách tương đối toàn diện bởi J.Lốc cơ. Lốc cơ cho rằng, người dân hình thành nên các xã hội, các xã hội hình thành nên các chính phủ để đảm bảo quyền được hưởng các “quyền tự nhiên”. Ông định nghĩa chính phủ là một “khế ước xã hội” giữa kẻ cai trị và người bị trị và cho rằng công dân chỉ có nghĩa vụ trung thành với những chính phủ bảo vệ các quyền của họ. Những quyền này thậm chí có thể được ưu tiên hơn so với những đòi hỏi và lợi ích khác của chính phủ. Theo đó, tính hợp pháp của chính phủ chỉ có được nếu tôn trọng và bảo vệ một cách có hệ thống các quyền của công dân. Tuy nhiên, lý thuyết của Lốc cơ cũng có những hạn chế. Chẳng hạn như, trong cách viết của mình, ông hàm ý các quyền tự nhiên này có tính phổ quát, nhưng trên thực tế, ông không xét tới quyền của tất cả mọi người. Trọng tâm thực sự của ông là bảo vệ quyền của nam giới châu Âu, những người có sở
hữu tài sản. Trong khi đó, phụ nữ, những người bản địa, người hầu, lao động được trả lương không được công nhận là những người được hưởng đầy đủ các quyền. Dù vậy, những tư tưởng của Lốc cơ và những người khác cùng thời với ông đã có một bước đột phá quan trọng.
Trong hai thế kỷ qua, rất nhiều cuộc đấu tranh chính trị lớn diễn ra liên quan đến việc mở rộng một loạt quyền được bảo vệ. Xu hướng này bao gồm mở rộng quyền bầu cử cho mọi công dân, cho phép người lao động được đấu tranh đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cũng như xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử vì giới tính và chủng tộc. Trong tất cả các cuộc đấu tranh này, các nhóm bị áp bức đã sử dụng các quyền tự do hạn chế của họ để đấu tranh đòi sự công nhận pháp lý đối với các quyền cơ bản vẫn bị phủ nhận, cốt lõi của lập luận đưa ra là “chúng ta” chứ không chỉ “các anh” mới là con người. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều có các quyền cơ bản giống nhau, được nhà nước tôn trọng và quan tâm như nhau. Việc những lập luận này được chấp nhận đã dẫn tới những thay đổi chính trị xã hội cấp tiến . Ngày nay, hầu hết các quốc gia ở mọi khu vực trên thế giới, ở mọi trình độ phát triển, đều khẳng định cam kết về nhân quyền. Chế độ nào phủ nhận các quyền con người cơ bản của công dân, chế độ đó sẽ không ổn định lâu dài.
Trong khi tư tưởng về quyền con người xuất hiện từ rất sớm, khái niệm “quyền công dân” chỉ xuất hiện từ sau cuộc cách mạng tư sản vào khoảng thế kỷ XVI-XVII. Theo Từ điển Merriam Webster’s Collegiate Dictionary, “công dân (citizen) là một thành viên của một nhà nước mà người đó có nghĩa vụ trung thành và được hưởng sự bảo vệ”. Cũng như thuật ngữ nhân quyền, có nhiều định nghĩa về quyền công dân (citizen’s right), tuy vậy, theo một nghĩa khái quát nhất, có thể hiểu quyền công dân là những lợi ích pháp lý được các nhà nước thừa nhận và bảo vệ cho những người có quốc tịch của nước mình. Như vậy, quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ
thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể còn quyền công dân hoàn toàn phụ thuộc vào luật pháp của từng quốc gia nhưng về cơ bản vẫn phải trên cơ sở tôn trọng quyền con người.
Trong nhà nước pháp quyền, việc đảm bảo quyền con người và quyền công dân là yêu cầu tất yếu, nếu như những quyền này không được thực hiện thì tính pháp quyền - thượng tôn luật pháp chỉ mang tính hình thức, việc đảm bảo dân chủ trong xã hội chỉ mang tính chất lý thuyết. Khi có dân chủ, luật pháp được định ra vì con người và đương nhiên trước hết là bảo vệ, tôn trọng và đề cao các quyền con người - đó là dấu hiệu đặc trưng của dân chủ.
C.Mác đã nói: “Trong chế độ dân chủ thì chế độ nhà nước, luật pháp, bản thân nhà nước - trong chừng mực nhà nước là một chế độ chính trị nhất định - chỉ là sự tự quy định của nhân dân và là nội dung xác định của nhân dân”[29,tr.315], có nghĩa là, luật pháp chỉ thực sự giữ vị trí tối thượng và thể hiện được ý chí của người dân khi dân chủ hiện hữu và bộc lộ mình quá các dấu hiệu phái sinh từ đó, là hình thức đặc thù trong việc thể hiện quyền lực
của nhân dân. Nói cách khác, dân chủ là yếu tố đảm bảo cho nhân dân là chủ
thể của quyền lực, tức là dân chủ quy định pháp quyền chứ không phải pháp quyền quy định dân chủ. Do đó, dân chủ là nền tảng của nhà nước pháp quyền và thiếu đi dân chủ, những đặc trưng của nhà nước pháp quyền sẽ chủ yếu nằm trên lý thuyết hoặc chỉ mang tính hình thức.
Như vậy, người dân sẽ thực hiện quyền lực của mình như thế nào trong xã hội dân chủ để nhà nước pháp quyền không chỉ nằm trên lý thuyết?
Để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân,Nhà nước pháp quyền đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của nhà nước, theo đó, nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, còn nhân dân được làm tất cả những điều pháp luật không cấm và pháp luật phải bảo đảm cho sự phát triển tự do tối đa của nhân dân. Vai trò của pháp luật là xây dựng và duy trì một xã hội trật tự ổn định, trong đó, không chỉ mỗi công
dân, mỗi cá nhân, mà bản thân nhà nước và những người đứng đầu chính quyền cũng phải tôn trọng pháp luật đã được khẳng định. Không chỉ vậy, nhân dân có quyền tham gia vào công tác góp ý sửa đổi văn bản pháp luật, phản biện nhà nước khi có những vấn đề về pháp luật. Hai mặt dân chủ và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo nên bản chất của Nhà nước pháp quyền trong lịch sử nhân loại.