Tiếp cận khái niệm Nhà nước pháp quyền từ góc độ Luật học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khái niệm nhà nước pháp quyền tiếp cận dưới góc độ triết học (Trang 46 - 49)

CHƯƠNG 1 : TƯ TƯỞNG VÀ KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

1.2 Một số cách tiếp cận Nhà nước pháp quyền

1.2.2 Tiếp cận khái niệm Nhà nước pháp quyền từ góc độ Luật học

Khái niệm nhà nước pháp quyền được đưa ra lần đầu tiên bởi các luật gia với tư cách là một khái niệm dùng để chỉ một thể loại nhà nước chuyên biệt với đặc trưng quan trọng nhất là thượng tôn luật pháp và có sự phân chia quyền lực trong nhà nước. Bởi vậy, phần lớn các khái niệm được sử dụng nhiều khi định nghĩa về nhà nước pháp quyền đều được sử dụng dưới góc độ luật học.

Hiện nay, trong khoa học pháp lý, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều ý kiến khác nhau xung quanh cách hiểu về nhà nước pháp quyền. Chẳng hạn như, quan điểm cho rằng nhà nước pháp quyền không phải là một tổ chức quyền lực mà chỉ là trật tự pháp luật, nói cách khác đó là trật tự của các quan hệ xã hội do pháp luật quy định. Quan điểm thứ hai cho rằng nhà nước pháp quyền chỉ là sự phục tùng của nhà nước vào tư tưởng pháp luật hoặc vào luật, tức là nhà nước dưới quyền lực pháp luật. Quan điểm thứ ba nhận định nhà nước pháp quyền là nhà nước mà trong đó pháp luật độc lập với nhà nước, và hơn nữa, đứng trên nhà nước. Quan niệm thứ tư khẳng định rằng pháp luật tạo ra các cơ quan nhà nước, vì thế, nhà nước pháp quyền là bất kỳ nhà nước nào trong đó có sự phân công quyền lực và thừa nhận sự phục tùng của tất cả các cơ quan nhà nước đối với pháp luật.

Theo cách hiểu chung của các học giả trên thế giới, nhà nước pháp quyền là nhà nước mà “mọi người, mọi tổ chức, bao gồm cả các cơ quan nhà nước, bất kể có cương vị ra sao trong xã hội, đều đặt mình dưới pháp luật và chịu sự điều chỉnh, phán xét của pháp luật”[54]. Nhà kinh tế gia và luật gia

được giải Nobel F. V. Hayek trong tác phẩm Đường về nô lệ (1944) đưa ra

luận điểm về nhà nước pháp quyền rằng trong mọi hành động của nó đều phải chịu sự ràng buộc bởi các quy tắc cố định và đã được thông báo trước – các quy tắc mà là cho người ta có thể nhìn thấy trước một cách tương đối chắc chắn về cách mà quyền lực sẽ được sử dụng trong những tình huống nhất định và giúp cho cá nhân có thể lập kế hoạch cho riêng mình dựa trên sự hiểu biết về điều đó. Ngoài ra, theo Joseph Raz, một triết gia pháp luật nổi tiếng người Anh đương đại, nhà nước pháp quyền phải đáp ứng tám tiêu chuẩn cơ bản là: 1- mọi quy phạm pháp luật đều không áp dụng hồi tố, công khai và rõ ràng; 2- pháp luật có tính ổn định tương đối; 3- quy trình làm ra quy phạm pháp luật phải được chỉ dẫn bởi những quy tắc chung, rõ ràng, ổn định và công khai; 4- hoạt động xét xử của tòa án là phải độc lập; 5- các nguyên tắc cơ bản của công lý tự nhiên phải được tôn trọng; 6- tòa án nên có thẩm quyền kiểm soát tư pháp đối với các nhánh quyền lực khác; 7- việc tiếp cận với tòa án của các đương sự phải dễ dàng; 8- quyền cân nhắc trong việc ra quyết định của các cơ quan phòng chống tội phạm, không được để ở mức có thể bóp méo pháp luật.

Nhìn chung, những ý kiến khác nhau về nhà nước pháp quyền đều thừa nhận vấn đề cơ bản của nhà nước pháp quyền là phải giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, trong đó, luật pháp ở vị trí tối thượng chi phối nhà nước và các quan hệ xã hội. Từ góc độ luật học, khái niệm nhà nước pháp quyền chủ yếu được xem xét ở khía cạnh vai trò của pháp luật trong nhà nước cũng như sự bình đẳng của nhà nước với công dân dưới sự tác động của luật pháp. Với việc nhấn mạnh vai trò của pháp luật, pháp luật được xây dựng phải đảm bảo rằng tôn trọng các quyền cơ bản của người dân như: tự do cá nhân, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do hoạt động nghề nghiệp,...Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là công cụ để chế ước, kiểm tra, giám sát tổ chức và các phương thức hoạt động của nhà nước, bởi vậy, khái niệm luật pháp trở nên vô cùng quan trọng trong việc định hình và cụ thể

hóa khái niệm về nhà nước pháp quyền. Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế. Bản chất của luật pháp phản ánh bản chất của Nhà nước đặt ra, theo đó, Nhà nước kiểu nào sẽ sản sinh ra pháp luật kiểu đó. Chính vì vậy, luật pháp có tính chất giai cấp. Bên cạnh đó, luật pháp còn có tính xã hội vì nó chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ, nếu không luật pháp sẽ bị chống đối. Ngoài ra, luật pháp có tính dân tộc, nghĩa là phù hợp với truyền thống, tập quán, giá trị đạo đức của các dân tộc trong đất nước. Bản chất này cho phép luật pháp gần gũi với dân chúng, được dân chúng ủng hộ, do đó mà có hiệu quả điều chỉnh lên các quan hệ xã hội. Cuối cùng, luật pháp có tính thời đại, nghĩa là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của đất nước, có khả năng hội nhập với luật pháp quốc tế.

Để khắc phục tình trạng lạm quyền, chuyên quyền khi quyền lực tập trung trong tay cá nhân hoặc một nhóm lợi ích, nguyên tắc phân quyền được coi là một trong những nét đặc trưng cơ bản nữa của nhà nước pháp quyền. Quyền lực nhà nước được chia làm ba bộ phận lập pháp, hành pháp, tư pháp và do các cơ quan nhà nước tương ứng đảm nhiệm. Sự phân chia này dựa trên những nguyên tắc đấu tranh bình đẳng của các thế lực chính trị xã hội chứ không hẳn là sự phân công thuần túy dựa trên chức năng chuyên biệt. Sự phân chia quyền lực nhà nước có tác dụng kiểm soát và đối trọng quyền lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo quyền lực của nhân dân không bị lạm dụng.

Như vậy, tiếp cận khái niệm nhà nước pháp quyền dưới góc độ luật học là xem xét chức năng của pháp luật trong nhà nước pháp quyền với tư cách là một công cụ để nhà nước quản lý xã hội, trong đó, quyền lợi của nhân dân được luật hóa bằng văn bản pháp luật, thể hiện ý chí của người dân, đảm bảo

công bằng, dân chủ trong xã hội bằng việc phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan chuyên trách thực hiện. Việc tiếp cận khái niệm nhà nước pháp quyền dưới góc độ luật học giúp cho việc soạn thảo, ban hành và thực thi luật pháp trở nên chặt chẽ, phù hợp với tình hình chính trị đương thời, giữ vững ổn định trong xã hội. Đồng thời, nhà nước pháp quyền phải được hoạt động trên nguyên tắc phân quyền để hạn chế tình trạng quyền lực tập trung về một cá nhân hoặc một nhóm người dẫn đến sự lạm quyền, chuyên quyền trong xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khái niệm nhà nước pháp quyền tiếp cận dưới góc độ triết học (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)