5. Bố cục của luận văn
2.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện
2.1.1. Cốt truyện được kết cấu theo trình tự thời gian tuyến tính
Cốt truyện trong những tác phẩm của Nguyễn Kiên thể hiện tiến trình của các sự kiện có liên hệ chặt chẽ với nhau có tính chất thời gian. Những câu chuyện với dung lượng ngắn, nội dung truyện đơn giản nhưng lại có cốt truyện hết sức ý nghĩa và rõ ràng. Dựa trên những bài học quen thuộc được rút ra từ cuộc sống hàng ngày, những câu chuyện mà ông viết lại đều ngắn gọn, xúc tích.
Cốt truyện trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Kiên là những câu chuyện viết đơn giản, bằng việc đưa những nhân vật nhỏ tuổi vào trong tác phẩm hay những món đồ chơi trở thành nhân vật chính giao tiếp sinh động đã làm cho những tác phẩm của ông thành công hơn cả.
Tính cách nhân vật quen thuộc trong tác phẩm của ông là những cô bé, cậu bé ngây thơ, trong sáng. Mở đầu tác phẩm có thể mang tính cách trái ngược; là một cậu bé không nghe lời, hay là một cô bé chăm chỉ làm việc, cô bé Xin Cơm ngây thơ tốt bụng và thật thà…
Nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Kiên là những đóng góp quan trọng đối với sự thành công trong những tác phẩm của ông. Nguyễn Kiên xây dựng cốt truyện mang tính thời gian tuyến tính
Trong câu chuyện Chú Đất nung, câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Truyện kể về nhân vật chú Đất nung, chàng kị sĩ và nàng công chúa. Chú Đất nung được làm bằng đất, nung trong lửa và trở thành một người mạnh mẽ không sợ nắng, không sợ nước:
“- Tớ nung trong lửa đống rấm, giữa bếp gio. Người ta gánh gio ra bón ruộng mạ, thế là tới được trở về quê hương của tớ… Bây giờ tớ chẳng sợ gì nữa, tớ có thể phơi nắng hàng đời người, hoặc ngâm nước hàng đời người!…”
Câu chuyện lấy hình ảnh chú Đất nung - một chú bé được nặn ra từ đất, trải qua quá trình tôi luyện đầy gian khổ chú đã trở thành một cậu bé khỏe khoắn đầy sức mạnh. Nguyễn Kiên xây dựng hình ảnh chú Đất nung như gửi đến một thông điệp đầy ý nghĩa đó là đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài xấu xí, và chỉ có khi không còn ngại khó, không còn ngại khổ thì con người ta mới có thể trưởng thành được.
Chàng kị sĩ và công chúa sống trong lọ thủy tinh, đẹp đẽ nhưng lại dễ bị mềm ra khi gặp nước cũng để lại những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khi còn sống trong nhung lụa, có được cuộc sống đẹp đẽ, sa hoa nhưng đó chưa hẳn đã là mãi mãi nếu chúng ta không đủ khả năng để giữ vững vị trí đó, bên cạnh đó, vẻ đẹp mà không được gọt giũa thì cũng không thể bền lâu. Ở trong câu chuyện này, vẻ đẹp thực sự chính là vẻ đẹp đến từ lòng tốt bụng và dũng cảm của chú Đất nung. Cốt truyện là hình ảnh ban đầu khi chàng kị sĩ và nàng công chúa hiện lên với hình ảnh đẹp đẽ sống trong lọ thủy tinh, kết thúc là câu nói của Đất nung: “Vì các đằng ấy ở trong lọ thủy tinh mà”. như để một lần nữa khẳng định lại rằng con người cần phải biết vượt qua những gian nan, khó khăn thử thách thì mới có thể thành công được. Câu chuyện được xây dựng với trật tự tuyến tính thời gian - từ khoảng thời gian ba nhân vật gặp nhau cho đến khi chú Đất nung được trở về với quê hương và là một “người anh hùng” thực thụ đã cứu sống được những người bạn của mình.
Trong truyện Khúc hát của Sơn CaNguyễn Kiên đã dựng lên khung cảnh đất nước yên bình dưới ánh nắng chói chang sau cơn bão lớn. Gửi gắm thông điệp phải biết “uống nước nhớ nguồn”, ông đã tô vẽ lên một khung cảnh hết sức thơ mộng được nhìn từ đôi mắt của chú chim Sơn Ca mới lớn - Tượng trưng cho những trẻ em đang chuẩn bị “vỗ cánh” bước vào cuộc đời.
Chỉ với một vài câu văn đã tô vẽ được vẻ đẹp trung điệp của đất nước ta: “Cảnh vật loang loáng in vào đôi mắt tinh nhanh tuyệt diệu của chú, ngoài dãy đồi đầy một màu xanh và ánh nắng, còn trải ra bao la! Ôi, những thửa ruộng và những cánh đồng! Ôi những lũy tre đầm ấm ngọn rủ xuống cong cong như để săn sóc những người qua đường. Dòng sông uốn quanh, nước hồng và cá bạc, giang sơn của các bác Cốc hiền lành ở bên những người thuyền chài chú ngụ trong những chiếc vó bè giản dị. Và con đường đất màu son vắt ngang sườn một quả đồi nhỏ, trên đỉnh đồi là tòa miếu cổ cây cối um tùm. Đó chính là xóm của các bác Sáo Sậu vui tính và nhanh mồm thường chơi thân với những người đàn ông cày ruộng…” [21;25]
Một khung cảnh yên bình, nên thơ hiện lên trước mắt người đọc sau đoạn văn được miêu tả dưới cánh chim Sơn Ca lần đầu tiên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước. Đó là những hình ảnh của bầu trời xanh, ánh nắng vàng, những lũy tre dạt dào dưới gió phủ bóng cho những người quan đường. Con sông xanh uốn quanh như dải lụa mềm khổng lồ. Chỉ cần đọc đến đây thôi chắc chắn đứa trẻ nào cũng có thể tưởng tượng được ra khung cảnh đơn sơ nhưng hết sức hùng vĩ này. Chẳng cần thêu dệt, cũng chẳng cần tô vẽ thế nhưng Nguyễn Kiên đã mang đến trước mắt người đọc một bức tranh thủy mặc chứa chan vẻ đẹp quê hương.
Những nhân vật được kể đến trong tác phẩm đều là những danh xưng quen thuộc, là bác Sáo Sậu, bác Cốc hiền lành,… Tất cả hiện lên trong bức tranh đó như đều là người một nhà, chung sống chan hòa với nhau trong một xã hội hòa bình đầm ấm.
“Chú Sơn Ca cắp nhánh lá xanh vỗ cánh bay đi. Chú bay qua cánh đồng đến một khu đất nhỏ bé có chiếc cổng xây đề bốn chữ “Nghĩa trang liệt sĩ”…”
Ngay trong một câu chuyện giản đơn nhưng đầy thú vị khi mở đầu là sự phát triển và khám phá của chú chim Sơn Ca, thế nhưng Nguyễn Kiên đã
khéo lồng ghép một thông điệp thật sự ý nghĩa, chị lá xanh rụng xuống cũng như hình ảnh của những người anh hùng đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc: “Không phải là bão táp đánh đổ họ mà là vì họ xông ra ngăn bão táp lại. Chẳng thế mà Mặt Trời và Quê Hương chúng ta ngày nay lại đẹp được đến thế này. Họ thật là cao cả. Sơn Ca ơi, bây giờ chị thực đã hiểu họ hi sinh lớn lao đến nhường nào. Chị nhờ em nhé. Em hãy đưa chị đến nơi họ yên nghỉ, ở đấy chị sẽ nở ra những bông hoa đỏ cuối cùng để ca ngợi họ. Và chị hi vọng rằng như thế đời chị sẽ không vô ích chút nào…”
Những lời của chị Lá xanh trong tác phẩm nói với chú Sơn Ca cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc, những người anh hùng - họ đã ngã xuống khi còn trẻ để cho đất nước ngày nay được hòa bình như vậy, mỗi người lớn lên đều nên làm những việc có ích để “nở ra những bông hoa đỏ” ghi ơn và giúp ích cho đời.
Trong câu chuyện Con Rùa biết giật mình, Nguyễn Kiên cũng kể lại một cuộc “vượt lũ” của Cua, Ốc, Lươn và bác Rùa. Ban đầu lũ kéo về, Rùa cùng Cua, Ốc, Lươn cùng ở trong hang để tránh lũ, thế nhưng do nước lũ quá mạnh đã làm cho cửa hang bị đóng sập lại, ban đầu Rùa tự tin trước mọi người rằng: “Các chú mình ơi, bình tĩnh nào, nước đã sắp rút rồi đấy. Hãy nán chờ thêm chút nữa, nước rút khỏi lòng hang là Rùa sẽ ra… “chân”. Tảng đá đối với Rùa có mùi mẽ gì!”. Rùa hiện lên thành một người anh hùng mạnh mẽ, cứu giúp mọi người và tự đắc với khả năng của mình. Rùa tự cho rằng bản thân mình có thể làm bất cứ việc gì. Thế nhưng cho đến khi Rùa tự đắc nằm phơi mình trên nước, ngoe nguẩy bốn chân bơi chèo trong vũng nước và vẫn khẳng định: “Ờ, ờ… Các chú mình cứ việc về đi. Rùa ở cạn hay ở nước đều được cả, không có gì cần vội vàng”. Thế nhưng Rùa đâu biết rằng nước đang dần cạn đi, nguy hiểm đang đến gần hơn với Rùa, để rồi: “Rùa cố sấp trở lại mà không sao lật được… Chỉ còn một ý nghĩ buồn nẫu ruột: “Ôi thôi, thế là xong đời Rùa!”. Câu chuyện đến đây chưa kết thúc, tiếp tục theo dòng chảy
của thời gian, nước lại dâng lên và Rùa đã được lật trở lại để Rùa nhận ra rằng: “Hú vía! Lần đầu tiên trong đời Rùa, Rùa biết giật mình đánh thót. Dù chỉ giật mình với riêng mình thôi! Cho đến nay Rùa vẫn giữ được cái giật mình ấy ở trong mình. Chứng cớ là chúng ta chỉ cần vỗ nhẹ lên mai Rùa, lập tức bác ta thụt đầu và bốn chân vào gọn trong mai, một lúc sau mới thò ra và tiếp tục bò đi trên đường”. Khép lại câu chuyện Nguyễn Kiên muốn gửi gắm đến người đọc cần học hỏi về một đức tính khiêm tốn, không nên tự cao tự đắc, trật tự tuyến tính trong câu chuyện này cũng được xây dựng chặt chẽ, theo trình tự nhất định, hết sự việc này đến sự việc khác xảy ra.
Bằng việc xây dựng cốt truyện theo trình tự thời gian tuyến tính và nhân quả đã tạo cho tác phẩm của Nguyễn Kiên thành công một cách tự nhiên và dễ hiểu khi mà chỉ là một câu chuyện ngắn nhưng lại mang đầy đủ ý nghĩa về quá trình tôi luyện, học hỏi được những bài học đáng giá ở cuộc sống. Các sự kiện được kể theo trật tự biên niên giống như thực tế đã xảy ra và chủ yếu là để đi sâu khám phá thế giới nội tâm nhân vật. Các sự kiện được sắp xếp theo trình tự liền mạch, có mối quan hệ nhân quả, sự việc được triển khai liên tục theo một chuỗi cho đến kết thúc câu chuyện.