Nhân vật trong tác phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn kiên (Trang 45 - 47)

5. Bố cục của luận văn

2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

2.2.1. Nhân vật trong tác phẩm

Một tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật, nói đến tác phẩm văn học có thể thấy được: “Nhân vật trong tác phẩm văn học là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, là tiêu điểm để bộc lộ chủ đề và đến lượt mình, nó lại được các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc họa và miêu tả. Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm”[7]

Như thế có thể thấy nhân vật có một vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm văn học, hay nói một cách khác, nhân vật trong văn học là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà văn khi xây dựng tác phẩm. Với những ưu thế riêng của thể loại văn học trong việc phản ánh hiện thực đời sống, truyện ngắn cũng được xem như những phương tiện hữu hiệu giúp nhà văn thâm nhập, khám phá cuộc sống tìm ra bản thể con người, phản ánh tất cả những bộn bề phức tạp của cuộc sống xã hội. Nhân vật trong truyện ngắn là tấm gương phản chiếu thời đại, vì thế được xem là một vấn đề được lí luận văn học mọi thời kì đều quan tâm.

Nói về khái niệm nhân vật, từ trước tới nay đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này. Từ khoảng 2000 năm trước, thuật ngữ “nhân vật”

đã xuất hiện ban đầu nó mang ý nghĩa là “cái mặt nạ” của diễn viên. Sau đó nhân vật được đưa vào văn học bằng những thuật ngữ khác nhau như vai, tính cách,… Tuy nhiên, các thuật ngữ này có nội hàm ý nghĩa hẹp hơn thuật ngữ nhân vật. Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học tác giả Lại Nguyên Ân định nghĩa về nhân vật: “Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những điểm giống con người” [2]

Theo Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm nghiên cứu Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi thì nhân vật văn học là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám, chị Dậu,…) hay cũng có thể không có tên riêng... Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm.” [16;tr162 - 163]

Như vậy nhân vật văn học được tạo bởi nhiều hiện tượng trong cuộc sống, nó không chỉ là con người mà còn là thế giới loài vật, là những hình ảnh sống động từ cuộc sống bước vào tác phẩm mang ý nghĩa khái quát cao. Trong các định nghĩa trên đều đưa ra cách lý giải khác nhau về nhân vật thế nhưng ta vẫn thấy những điểm chung ở những định nghĩa đó. Nhân vật văn học là thành tố quan trọng của tác phẩm, là phương tiện để nhà văn phản ánh đời sống và được nhà văn xây dựng bằng yếu tố nghệ thuật độc đáo, qua đó nhà văn thể hiện toàn bộ cuộc sống, tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Vì thế khi đọc tác phẩm ta có thể thấy cả một xã hội đang sinh thành, vận động và phát triển với vô vàn những bộn bề của cuộc sống, những lo toan tính toán khác.

Mỗi câu chuyện là một sự thể nghiệm của tác giả, từ đó giúp người đọc được trải nghiệm cuộc đời rộng lớn. Nhân vật được biểu hiện dưới nhiều hình

thức khác nhau rất phong phú và đa dạng, vì vậy cũng được phân chia thành nhiều loại khác nhau: Dựa vào chức năng nghệ thuật mà nhân vật được chia thành nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm, nhân vật chính diện, nhân vật phản diện... Dựa vào thể loại văn học ta có nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự, nhân vật kịch. Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành nhân vật chức năng (tiên, phật, bụt), nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Dựa vào thành phần xã hội ta có thể chia nhân vật thành nhiều loại như nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên phụ nữ, trẻ em, lưu manh. Mỗi nhà văn tùy theo cảm quan hiện thực, tùy theo quan niệm của mình mà xây dựng cho tác phẩm của mình những kiểu nhân vật riêng.

Nguyễn Kiên cũng như vậy, nhân vật trong các tác phẩm của ông nói chung và trong truyện viết cho thiếu nhi của ông nói riêng đều được xây dựng bằng nhiều hình ảnh phong phú và đa dạng. Những nhân vật đó chính là người nông dân miền quê phía Bắc, họ thường là những con người nghèo khổ, gánh chịu những hậu quả của xã hội và chiến tranh để lại.

Đối với truyện viết cho thiếu nhi của mình, Nguyễn Kiên đã xây dựng các nhân vật chủ yếu bằng hình ảnh những con vật quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của mỗi chúng ta, đó có thể là con Ếch, con chim Sáo Sậu, con Cò, con Vạc hay những chú chuột, chú kiến… Dù là hình ảnh nhân vật nào thì Nguyễn Kiên cũng đều xây dựng được những nhân vật trung tâm để làm cho câu chuyện trở nên sinh động và hấp dẫn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn kiên (Trang 45 - 47)