Nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Kiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn kiên (Trang 47 - 58)

5. Bố cục của luận văn

2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

2.2.2. Nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Kiên

2.2.2.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngoại hình

Nguyễn Kiên dùng ngòi bút của mình khắc họa hình ảnh nhân vật bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng để lại dấu ấn trong người đọc. Mỗi nhân vật đều mang những nét ngây ngô, trong sáng của lứa tuổi thiếu nhi. Đó là một nàng công chúa, chàng kị sĩ hay chú ếch có cái vân xanh, cậu bé tham ăn, đôi khi đơn giản chỉ là một chiếc lá, một hòn sỏi.. Tất cả những nhân vật

của Nguyễn Kiên đều mang những hình ảnh của người dân Việt Nam. Đó là chú Đất nung cứng cáp, đó là chú Ếch Xanh lười học, chú Sơn ca vàng nâu, ngực phớt hồng và mỏ rất nhỏ mày chì pha bạc…

Trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi, Nguyễn Kiên đã xây dựng những câu chuyện miêu tả về các loài vật, về cuộc sống của chúng giống như cuộc sống của những đứa trẻ bình thường, đó là những cuộc sống đơn giản nhưng lại có những niềm vui, sự khám phá khác nhau. Đọc tác phẩm của Nguyễn Kiên chúng ta đều thấy được ẩn sau thế giới cuộc sống của những loài vật là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống con người. Mang những hình ảnh đa dạng và phong phú về cuộc sống của những loài vật hết sức bình thường nhưng những câu chuyện mà ông gửi gắm đến cho người đọc lại toát lên những ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Ở truyện Con bướm, con ong và con kiến kể về cuộc hành trình của chú bé lười. Truyện kể về một chú bé lười không thích làm việc, chỉ có việc tưới rau giúp mẹ nhưng chú cũng không muốn làm, chỉ cần nghe thấy những lời về công việc là chú đã cảm thấy vô cùng chán nản và mệt mỏi: “Ngoài sân, nắng chan hòa. Trời xanh, vườn rau xanh. Chú bé đi qua vườn rau, tay xách thùng tưới. Chú xuống cầu ao vục thùng nước đầy Nhưng vừa lên khỏi bậc cầu ao, chú đã uể oải đặt thùng nước xuống. Đàn ong bay qua. Ong quay vù vù quanh chú bé và hát:

Đời con ong Say mê

Tìm hoa thơm làm mật ngon.

Đàn bướm bay qua. Bướm diện bảnh, cánh vỗ lửng lơ, giọng hát cũng lửng lơ:

Đời con bướm Rong chơi

Chú bé lười thích mê tiếng hát của bướm hơn của đàn ong…”

Chú bé lười nghe vậy bèn lập tức hỏi cách để được rong chơi như đàn bướm, chú biến thành chú bé tí hon, ngồi lên lưng bướm và bắt đầu cuộc hành trình của mình. Ở trong câu chuyện này, tác giả sử dụng những hình ảnh con vật quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của mỗi chúng ta để các bé có thể hình dung được câu chuyện dễ dàng nhất. Đó chính là hình ảnh của chú ong chăm chỉ, lúc nào cũng cặm cụi, hăng say làm mật ngọt cho đời, đó là hình ảnh của những chú bướm xinh đẹp rong chơi nhưng lại dễ dàng bị bắt bởi chú chim sâu, đó cũng chính là những gì mà kẻ lười biếng chỉ biết ăn uống rong chơi mà không biết làm việc, cùng với đó là hình ảnh của những chú kiến thợ chăm chỉ, cả ngày khuôn đất, kiếm đồ ăn để sinh tồn. Chính những chú kiến nhỏ bé đã làm gương cho chú bé lười để chú bé lười có thể thấy được rằng chỉ có lao động mới có thể làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Cũng qua đó chú bé lười mới hiểu được sự cần thiết của chăm chỉ như thế nào sau bài học của đàn kiến và đàn ong.

Hình ảnh nhân vật được xây dựng qua ngoại hình (Chú bé lười biến thành tí hon, đàn bướm diện bảnh, đàn ong vù vù, đàn sâu nhúc nhích, đàn kiến tha mồi,…) Tất cả những hình ảnh đó đã đủ để người đọc có thể hình dung được những đặc điểm nổi bật lên cách sống và tính cách của những nhân vật trong tác phẩm đó.

Ngoại hình của nhân vật qua ngòi bút của Nguyễn Kiên hiện lên quen thuộc, sinh động như được bước ra từ trang sách.

Một ví dụ khác trong câu chuyện Chú Đất nung - hình ảnh của một chú bé được nặn từ đất sét tuy xấu xí nhưng lại vô cùng can đảm và rắn giỏi, song song với nhân vật Đất nung trong câu chuyện đó là chàng kị sĩ và nàng công chúa được làm từ bột trắng, sống trong lọ thủy tinh và không có được sự tôi luyện nào như chú Đất nung. Vì có được quá trình tôi luyện mà khi bị nguy hiểm đe dọa thì chàng kị sĩ và nàng công chúa đã phải nhờ cậy vào sự cứu

giúp của chú thì mới có thể sống sót được. Câu chuyện xây dựng bằng hình ảnh chú bé được nặn từ đất sét ngoài đồng, tuy xấu xí hơn những người khác nhưng lại có một trái tim dũng cảm và nhân hậu, cho thấy được thông điệp mà Nguyễn Kiên gửi đến cho người đọc thấy được là vẻ ngoại hình như thế nào cũng không đủ để đánh giá một con người.

2.2.2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại

Ngôn ngữ đối thoại có lẽ được chú trọng hơn cả trong những tác phẩm của ông. Nhân vật được đặt những cái tên đơn giản gắn liền với những cái tên ở miền quê Việt Nam từ xưa đến nay. Ông gọi là chú Đất, chú Sơn Ca, em bé gái, chú gà con… Tất cả những cuộc đối thoại trong tác phẩm đều được xưng hô hết sức thân mật. Cho thấy tác phẩm dành cho thiếu nhi của ông không chỉ mang những nội dung sâu sắc, mà còn giáo dục cho các em thiếu nhi những lễ nghi, cách giao tiếp ứng xử với người khác một cách lễ phép nhất.

Đọc câu chuyện Có một chú chim sâu ta có thể thấy được nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo chỉ bằng ngôn ngữ đối thoại:

“Chú chim sâu nghiêng đầu, khẽ kêu líu ríu: - Chị Mận ơi, sao chị đã ra hoa?

Cành hoa mận trắng xinh khẽ rung rinh như có ý nói: Mùa xuân sắp đến rồi…”

Các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Kiên được gọi bằng cái tên thân mật như “Chú chim sâu”, “chị Mận”,… Những cách xưng hô thân mật khiến cho người đọc có cảm giác như đó là một bức tranh về cuộc sống gia đình, những nhân vật được nói đến trong tác phẩm đều hết sức gần gũi, thân thương.

Trong câu chuyện Cô bé Chân Đất và anh Dế mèn cũng được xây dựng bằng những đoạn hội thoại hết sức gần gũi và đơn giản:

“Anh Dế Mèn - Cô bé Chân Đất khẽ reo lên. - Chào anh! Anh vừa hát hay quá!

- Cảm ơn cô quá khen… - Dế mèn dè dặt nói

- Chính là tôi phải cảm ơn anh mới đúng. Tiếng hát của anh đã xua tan mọi nỗi nhọc nhằn của tôi, đem lại niềm vui cho tôi”

Nguyễn Kiên không xây dựng những đoạn hội thoại trau chuốt qua lời nói của các nhân vật, ông sử dụng những ngôn từ hết sức bình dị, những đoạn hội thoại ngắn với nội dung đơn giản nhưng lại cho người đọc dễ dàng hiểu được ý nghĩa và thông điệp qua những đoạn hội thoại đó

2.2.2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua tính cách

Nhân vật được xây dựng trong các sáng tác dành cho thiếu nhi của Nguyễn Kiên được biết đến là những con vật thân quen, là những món đồ vật mà hàng ngày chúng ta vẫn đang sử dụng hay là những em bé ngây thơ, hồn nhiên trong sáng. Những nhân vật được Nguyễn Kiên xây dựng chính là cầu nối để truyền lửa, truyền tư tưởng và những giá trị nhân văn, đạo đức cho các em nhỏ. Đó là tình yêu thương nhân loại, lòng tốt khi giúp đỡ người khác hay là tình yêu quê hương, đất nước ngay từ những việc nhỏ bé nhất. Đó không chỉ đơn giản là những cô bé, cậu bé ngây thơ mà còn là những hình ảnh đại diện cho đặc điểm chung của các em thiếu nhi luôn không ngừng học hỏi, phấn đấu, mỗi câu chuyện lại mang màu sắc của một thời đại sống, một hoàn cảnh hay một cá tính khác nhau, thế nhưng cái chung nhất mang đến cho các em qua tác phẩm vẫn là giáo dục về đạo đức và con người.

Một ví dụ điển hình cho tính cách cần cù, chịu khó đó là cô bé Chân Đất trong câu chuyện Cô bé Chân Đất và anh Dế Mèn, Nguyễn Kiên xây dựng hình ảnh nhân vật cô bé Chân Đất cần cù, chăm chỉ và gọn gàng, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khác và có một tấm lòng nhân ái bao la:

“Cô búp bê nhỏ xíu được nhồi bằng vải vụn, quần áo xoàng xĩnh, chân không có giày, người ta vẫn gọi cô là cô Bé Chân Đất. Những chú thỏ bông bị gãy tai, mèo bông bị rụng đuôi, gấu nhựa bị sứt mũi,… tất cả đều tìm đến cô

bé Chân Đất, than thở với cô bé. Cô chữa chạy cho từng con, vuốt ve chúng, dịu dàng an ủi chúng,…”

Có thể nói, những nhân vật trong tác phẩm viết cho thiếu nhi của Nguyễn Kiên đều có thể là những tấm gương sáng mang đến cho các em những bài học quý giá về cuộc sống, gửi gắm những thông điệp tốt đẹp đến với các em như phải biết giúp đỡ và yêu thương người khác, luôn học hỏi, tìm tòi và khám phá những điều mới, phải biết khiêm tốn và chăm chỉ,… Điều đặc biệt là Nguyễn Kiên lồng ghép vô cùng khéo léo những bài học bổ ích giúp cho các em có thể dễ dàng đón nhận và ghi nhớ những bài học về cuộc sống đó.

2.2.2.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật bằng biện pháp nhân hóa

Đọc các tác phẩm của Nguyễn Kiên có thể thấy ông viết về loài vật để nói tới cuộc sống của con người, những con vật trong tác phẩm của ông mang những đặc tính sinh hoạt của con người, có tiếng nói và có suy nghĩ, có quan điểm sống riêng. Chính vì vậy mà trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Kiên viết về loài vật nhưng lại toát lên những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về cuộc sống của con người. Có được điều đó cũng chính bởi vì Nguyễn Kiên có tài quan sát cuộc sống xung quanh một cách đặc biệt, ông sử dụng hình ảnh những con vật thông minh, hóm hỉnh và có nhiều đặc điểm tinh tế khác.

Bởi tấm lòng yêu thương các loài vật cũng như sự tinh tế, sự yêu mến thế giới của các nhân vật mà ông xây dựng, Nguyễn Kiên đã làm cho các loài vật được đưa vào trong tác phẩm với những đặc điểm, đặc trưng riêng của con người. Ông xây dựng các nhân vật sinh động với biệt tài sử dụng biện pháp nhân hóa tài tình khiến cho câu chuyện trở nên vô cùng sinh động. Đó là hình ảnh của các món đồ chơi trong Chú Đất nung, là hình ảnh của chú Ếch xanh trong Ếch xanh đi học, hay là cô bé Chân Đất trong Cô bé Chân Đất và anh

Dế mèn, là chị Sẻ Nâu, chú gà Trống Tía, cô Vịt Bầu trong Cuộc phiêu lưu

Thủ pháp nhân hóa cũng đã tạo ra những cuộc hội thoại hết sức đặc biệt của các nhân vật trong tác phẩm. Ông đã pha trộn cách nhìn của con người với các đặc tính của con vật để giúp các bé có thể hình dung được câu chuyện một cách dễ dàng, hai cách nhìn đó hỗ trợ cho nhau khiến cho thế giới loài vật gần gũi với cuộc sống con người hơn, những nhân vật có tính cách con người thu hút các bạn đọc trẻ tuổi hơn bao giờ hết.

Nhân vật cô bé Chân Đất trong Cô bé chân đất và anh Dế Mèn đã cho ta liên tưởng tới hình ảnh của những người con gái Việt Nam, dù vẫn nhỏ bé, nghèo khó nhưng lúc nào cũng chăm chỉ và tốt bụng, không chỉ giúp đỡ cho mọi người mà còn hết lòng với bạn bè: “Một chàng Con Quay sấn sổ tiến đến mặt cô bé Chân Đất:

- Này cô bé xinh xinh, vào đây múa quay tròn với bọn mình đi. Múa vui lắm. Cô thích múa chứ?

- Vâng, tôi rất thích múa. Nhưng tôi đang bận, Tôi phải đi kiếm cỏ tươi về tặng anh Dế Mèn của tôi.

- Mặc kệ Dế Mèn, cần gì cô phải bận bịu về anh ta!…” [22;45]

Chắc hẳn đứa trẻ nào cũng thích vui chơi, nhảy múa và bé Chân Đất cũng như vậy, thế nhưng bé Chân Đất vẫn tiếp tục đi kiếm cỏ tươi cho người bạn của mình. Nguyễn Kiên đã pha trộn cách nhìn của con người với cách nhìn của con vật, đồ vật, hai cách nhìn đó hỗ trợ cho nhau, chuyển hóa vào nhau một cách nhuần nhị, tinh tế khiến cho thế giới loài vật, đồ vật gần gũi với con người, có những tính nết như con người mà vẫn không bị “quá” nhân hóa, vẫn giữ được những đặc điểm sinh sống riêng của chính loài vật đó:

“Một hôm trời đổ mưa nguồn, nước suối dâng cao, cuồn cuộn chảy và sôi réo ầm ầm lên. Cua và Ốc vội rủ nhau đi tìm chỗ ẩn. Chúng vượt qua rải cát ven bờ, đến một cái vũng, ở đấy có tảng đá nhô cao, lưng đá hõm vào thành cái hang kín đáo. Đó là hang Rùa, Rùa sẵn sàng dẹp chỗ để Cua và Ốc vào trú trong hang…” [22;tr67]

Thủ pháp nhân hóa trong các tác phẩm của Nguyễn Kiên đã làm cho các loài vật đó có tính biểu tượng, dù là loài vật được đưa ra với tính chất biểu tượng nhưng nó vẫn thật sự hấp dẫn, sinh động vì ông đã đưa lối sống của con người hòa cùng với loài vật làm cho câu chuyện hết sức tự nhiên mà không hề gây ra những cảm giác miễn cưỡng, hay nói cách khác con vật vẫn là nó nhưng nó lại có thể là một con người.

Nét sáng tạo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật này của Nguyễn Kiên đã giúp cho nhận thức của người đọc nói chung và của các em thiếu nhi nói riêng hiểu được những giá trị đạo đức mà đơn giản ngay từ cuộc sống thôi mà đôi khi chúng ta còn không nghĩ tới. Không phải bất cứ tác giả nào cũng có thể làm được điều đó, việc nhà văn đi vào những nét đời thường trong sinh hoạt, trong đời sống hàng ngày của con vật, đồ vật để phản ánh hiện thực cuộc sống con người.

Xây dựng nhân vật là loài vật, đồ vật là một hướng tiếp cận mới mẻ và độc đáo của Nguyễn Kiên, nhân vật mà ông xây dựng không chỉ đơn giản là biết nói cười mà còn mang những suy nghĩ, những ước mơ sâu sắc đã thuyết phục các em nhỏ hãy xây dựng và theo đuổi ước mơ của mình để cuộc sống nghèo khó được đẩy lùi đi.

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Kiên được xây dựng bằng các nhân vật gần gũi, thân quen với cuộc sống của mỗi người và đặc biệt là của các em thiếu nhi. Nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Kiên thường là những nhân vật là con vật, đồ chơi hay những vật từ thiên nhiên quen thuộc. Những nhân vật được ông thổi hồn vào làm sống dậy vừa sinh động lại vừa chân thực. Nhân vật trong tác phẩm dẫn dắt người đọc vào thế giới riêng của tác phẩm.

Sử dụng phép nhân hóa để miêu tả nhân vật loài vật Nguyễn Kiên đã mang đời sống tình cảm nhiều màu sắc đến với loài vật. Viết truyện cho thiếu nhi, Nguyễn Kiên hoàn toàn không vấp phải sự sống sượng vô lí. Ông sử dụng nghệ thuật nhân hóa trong nhiều hoàn cảnh. Điều đó thể hiện sự phong

phú các mối quan hệ cũng thể hiện sự phức tạp đa dạng của cuộc sống. Qua đời sống loài vật, giáo dục các em hiểu biết về cuộc sống về giá trị đích thực của hạnh phúc. Mỗi sinh linh có mặt ở đời, đều khát khao tìm kiếm hạnh phúc. Thế giới loài vật trong truyện Nguyễn Kiên phong phú về đặc điểm từng loại, đa dạng về tính cách và tình cảm chính là bởi nghệ thuật nhân cách hóa tự nhiên, gần gũi của tác giả Nguyễn Kiên đã tạo cho các em cảm giác tin vào thế giới loài vật đang diễn biến sinh động hàng ngày quanh ta

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn kiên (Trang 47 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)