Việc phân loại thế chấp tài sản được xem xét dựa trên rất nhiều tiêu chí khác nhau. Có thể dựa vào một số nội dung chính được thoả thuận giữa các bên làm cơ sở để phân loại thế chấp tài sản... Dựa trên thực tế, hợp đồng thế
chấp tài sản của các Ngân hàng thương mại, theo tác giả có một số cách phân loại cơ bản sau đây:
1.3.3.1. Thế chấp toàn bộ bất động sản và thế chấp một phần.
Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản có vật phụ, thì vật phụ cũng thuộc tài sản thế chấp (trừ trường hợp các bên có thoả thuận loại trừ tất cả vật phụ của bất động sản đó ra ngoài khối bất động sản thế chấp hoặc lựa chọn một số vật phụ được áp dụng đối với quan hệ thế chấp).
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản: xét ví dụ: căn hộ trong khu nhà chung cư là một phần bất động sản, chủ sở hữu nhà có thể thế chấp một phòng, nhưng với điều kiện phải thiết lập căn phòng thành một bất động sản độc lập trong toà nhà "16". Như vậy "một phần bất động sản" có ý nghĩa như một bất động sản độc lập mang đầy đủ các yếu tố cần thiết của một bất động sản nhằm thoả mãn bảo đảm nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp.
1.3.3.2. Thế chấp pháp lý và thế chấp thông thường.
Trong trường hợp, áp dụng theo hình thức thế chấp pháp lý: Bên thế chấp đồng ý chuyển quyền sở hữu tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp (ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng khác). Khi nghĩa vụ cam kết đến thời hạn mà bên thế chấp không không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, bên nhận thế chấp có quyền chủ động áp dụng các phương thức xử lý tài sản bằng con đường phi Toà án.
- Thực tế, liên quan đến vấn đề xử lý bất động sản thế chấp của khách hàng vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Có một câu hỏi đặt ra là: liệu các bên có thể thoả thuận loại bỏ phương án giải quyết tranh chấp về xử lý bất động sản thế chấp bằng con đường toà án? pháp luật nhiều nước có quan điểm tương đối nhất quán về vấn đề này, theo đó, mọi thoả thuận loại trừ quyền yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp đều bị tuyên vô hiệu. Ở Việt Nam đối với chế định hợp đồng nói chung và hợp đồng thế chấp tài sản nói riêng, đây là vấn đề pháp luật còn bỏ ngỏ, "7" trang 198.
- Về vấn đề này, quan điểm của tác giả như sau: Căn cứ vào thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản có thể điều khoản lựa chọn phương thức xử lý tài sản thế chấp đã được ghi nhận từ trước…Thì việc lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp bằng con đường phi Toà án của các bên cũng nên được tôn trọng. Bởi lẽ, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp sâu vào hoạt động của các bên, cần trao quyền chủ động hoàn toàn để các bên có thể tự do tuỳ nghi lựa chọn các phương án giải quyết nhanh chóng, phù hợp nhất nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trên cơ sở tôn trọng nền tảng pháp luật nói chung.
- Thế chấp thông thường - đây là hình thức thế chấp phổ biến nhất hiện nay mà các Ngân hàng thương mại hay áp dụng Ngân hàng thương mại chỉ giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (bản gốc). VD: ô tô, hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ (tiền vay) trường hợp có sự vi phạm cam kết đã thoả thuận trong hoạt động thế chấp...
Nhìn chung việc áp dụng phương pháp này chủ yếu: thiên về quan điểm "giữ vốn" cho ngân hàng chứ chưa thực sự quan tâm đến việc giải phóng mọi nguồn lực để phục vụ sản xuất - kinh doanh, chưa quan tâm đến phương án của khách hàng "17", trang 122.
1.3.3.3. Thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho chính mình và thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho người thứ ba.
- Trong trường hợp này đó là sự cam kết của chính bên thế chấp về việc dùng tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp. VD: Khách hàng A dùng tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với tài sản gắn liền với nó là nhà xưởng, máy móc, dây truyền sản xuất để bảo đảm cho khoản vay của mình tại Ngân hàng thương mại cổ phần B.
- Thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho người thứ ba.
Bảo lãnh, theo nghĩa cổ điển, có tác dụng thiết lập quyền chủ nợ của người nhận bảo lãnh trên một khối tài sản thứ 2 bên cạnh khối tài sản của người được bảo lãnh... đơn giản, để thu hồi một món nợ, người nhận bảo lãnh, nếu không đòi được ở người được bảo lãnh,thì đòi ở người bảo lãnh "16" (trang 55).
- Khái niệm bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất trong luật đất đai 2003 đã bị vô hiệu hoá. Vì theo Bộ luật dân sự 2005, thì chỉ còn thế chấp, không còn bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất. Dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho mình hoặc cho người khác thì cũng được gọi là thế chấp.
- Hai luật "vênh" nhau làm cho NĐ số 163/2006/NĐ - CP ngày 29 -12 - 2006 về giao dịch bảo đảm phải quy định. Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất tại NĐ số 18/2004/NĐ - CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành luật đất đai được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất "24".
Bên cạnh các hình thức phân loại thế chấp tài sản trên đây chúng ta còn được biết đến một số cách phân loại thế chấp tài sản khác nữa như: thế chấp thứ nhất và thế chấp thứ 2; thế chấp trực tiếp và thế chấp gián tiếp "8"trang 23.