CHƯƠNG 1 : NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU
1.2. Kết cấu trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh
1.2.2. Kết cấu truyện trong truyện
Ở văn họcViệt Nam, giai đoạn 1986 - 2000, kiểu cấu trúc này chưa xuất hiện phổ biến. Kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết, hay còn gọi là kết cấu “lồng truyện”, chỉ là một hướng thử nghiệm của những nhà văn có
khuynh hướng tìm tòi, đổi mới thể loại tiểu thuyết… Có thể nói, Nỗi buồn
chiến tranh là tác phẩm đầu tiên được xây dựng theo kiểu kết cấu này.
Toàn bộ thiên truyện được xây dựng trên một tình huống giả định về một tự sự hai lần hư cấu (truyện trong truyện). Trước hết, đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của nhà văn - cựu chiến binh Kiên về tuổi thơ, tuổi trẻ, những năm tháng trận mạc, cuộc đời hậu chiến và chính hành trình viết tiểu thuyết của anh. Đó là một cuốn tiểu thuyết được sáng tạo trong những cơn dằn vặt tinh thần và những xung đột nội tâm khủng khiếp nhưng câm lặng của Kiên, một cuốn tiểu thuyết mãi mãi không bao giờ được hoàn thành.
Lớp cấu trúc thứ hai có tính chất bao trùm toàn bộ tác phẩm là câu chuyện về Kiên - một cựu chiến binh, hiện diện với hai vai trò: người tìm kiếm hài cốt tử sĩ và nhà văn sau chiến tranh. Người trần thuật (xưng tôi, lộ diện trong phần cuối cùng của tiểu thuyết - mà qua sự hé lộ ít ỏi về tiểu sử, người đọc có thể biết rằng cũng là một nhà văn - cựu chiến binh) tiếp nhận, sắp xếp lại, định dạng và hoàn chỉnh lại trong dạng thức cuối cùng. Tình huống hư cấu này đã khiến cho tiểu thuyết trở nên cực kì phức tạp.
Thoát khỏi lối kết cấu truyền thống, trong đó các bộ phận của tác phẩm liên kết với nhau và với toàn thể trong mạch vận động của thời gian vật lý, dựa theo cấu trúc đơn của các sự kiện lịch sử, Bảo Ninh đã triển khai cốt
truyện Nỗi buồn chiến tranh theo hành trình sáng tác đầy đau đớn của nhà văn
Kiên - nhân vật chính của tiểu thuyết.
Nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh được tái hiện “hết sức tùy tiện”
theo dòng tâm tưởng với những kí ức và cảm xúc không bình thường, thậm chí còn được coi là điên loạn của nhân vật chính. Hơn nữa, sự trùng lặp hoặc đúng hơn là sự tương ứng đầy ám ảnh giữa hai tầng kí hiệu cấu trúc này khiến cho thiên truyện như tiếng vọng của những kí ức lặp đi lặp lại, dai dẳng và đau đớn. Một đề tài chính, xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là đề
tài chiến tranh, được viết từ hai quyển tiểu thuyết trong một tác phẩm Nỗi
buồn chiến tranh. Đó là quyển tiểu thuyết của nhà văn Kiên, và tiểu thuyết
của chính Bảo Ninh.
Nhân vật dẫn dắt câu chuyện là Kiên, vốn là một người lính còn sống sót sau chiến tranh nhưng lại sống một cách “thờ ơ” với thời hậu chiến. Cuộc sống hiện tại của Kiên chỉ đơn thuần là sự “tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri những năm tháng đã đi qua, người báo trước thời quá khứ”. Thế nhưng trong tiểu thuyết mà Kiên là tác giả thì hệ thống nhân vật bị xáo trộn, vỡ vụn, chắp vá và rối loạn. Vì Kiên viết tiểu thuyết của mình trong cơn say, trong sự vật vã đau đớn của những chấn thương tinh thần nặng nề mà quá khứ chiến tranh mang lại.
Về mặt hình thức, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh được mở đầu bằng
đoạn tả tâm trạng của Kiên trong những ngày đi nhặt hài cốt của tử sĩ sau chiến tranh. Tiếp sau đó là một hành trình dài sáng tạo tiểu thuyết của nhà văn Kiên nhằm “làm sống dậy những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã tàn phai, làm bừng sáng lại những giấc mộng xưa” với ý thức phản chiếu hình ảnh chiến tranh ở góc độ khác: “Mai sau ví dụ có viết khác đi thì cũng là bởi vì thâm tâm luôn muốn viết về chiến tranh sao cho khác trước”.
Đoạn hồi ức dài đầy khổ sở để quay về với những quá khứ đau thương trong quyển tiểu thuyết nhỏ của nhà văn Kiên và đồng thời là nhân vật chính được khép lại bằng lời “trần thuật” của nhân vật xưng tôi. Đây là nhân vật ghi chép, hoàn chỉnh lại tập bản thảo của nhà văn Kiên được trao từ tay người đàn bà câm. Liệu có thể xem nhân vật xưng tôi này là chính tác giả hay không? Khi ngay trong lời nói của mình sau khi hoàn tất tập bản thảo đã có một nhận xét “Dường như do sự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hòa đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau”… [39; 293].
Có thể nói, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là tác phẩm khơi mào
cho một loạt những sáng tác theo kết cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết cũng như kết cấu theo dòng tâm tưởng, với kiểu nhân vật đảm nhiệm hai vai trò trong một tiểu thuyết nhân vật - nhà văn. Từ năm 2000 đến nay, cùng với việc xuất hiện “type” nhân vật - nhà văn, tiểu thuyết được xây dựng theo kiểu “kết cấu lồng” cũng xuất hiện đa dạng hơn. Có thể thấy ở một số tác phẩm tiêu
biểu như: Đi tìm nhân vật (2002) của Tạ Duy Anh, Made in Việt Nam (2003) của Thuận, Thoạt Kỳ Thủy (2004) của Nguyễn Bình Phương, Khải Huyền
muộn (2003) của Nguyễn Việt Hà… Theo Đỗ Đức Hiểu, với lối kết cấu “tiểu
thuyết trong tiểu thuyết, Nỗi buồn chiến tranh đã làm một cuộc phiêu lưu
muốn hòa nhập với văn học hiện đại thế giới” [19; 282].