Ngôn ngữ tự sự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn tự sự học (Trang 68 - 74)

CHƯƠNG 3 : NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

3.1. Ngôn ngữ trong Nỗi buồn chiến tranh

3.1.1. Ngôn ngữ tự sự

Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1975 - 2000, loại hình tự sự chiếm ưu thế. Do vậy nghệ thuật tự sự không chỉ là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện cá tính sáng tác của mỗi tác giả. Trong những tác giả tiểu thuyết lớn của giai đoạn như Lê Lựu, Khôi Vũ, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường… thì Bảo Ninh thuộc một kiểu người viết đặc biệt của văn học Việt Nam đương đại. Đồng thời, ông cũng là nhà văn từng đi qua chiến tranh với tư cách người lính. Có lẽ, chính điều ấy đã giúp Bảo Ninh hiểu rõ hơn về chiến tranh, về sự tàn khốc và đau khổ của nó mang lại. Bảo Ninh đã khai thác những trải nghiệm thực tế của mình để miêu tả sự thật chiến tranh trong

tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của ông.

Ngôn ngữ tự sự hay là ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm được biểu

hiện tập trung ở ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ đối thoại. Về cơ bản, Nỗi

buồn chiến tranh là những ký ức được tái hiện lại trong dòng hồi tưởng của

nhân vật. Vì thế, ta thấy ngôn ngữ độc thoại chiếm tỉ lệ hớn hơn ngôn ngữ đối thoại. Tuy nhiên ngôn ngữ độc thoại ở đây lại có khả năng gợi ra nhiều tầng nghĩa và ngôn ngữ độc thoại cũng mang tính đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại

trong tác phẩm không hướng nhiều đến việc trao đổi thông tin mà chủ yếu là để tạo bối cảnh cho tâm trạng hoặc thể hiện tư tưởng. Lời đối thoại có tính chất mở, gợi suy nghĩ cho người đọc, nhưng ở đây lời đối thoại cũng không nhiều. Phần lớn đều có hình thức rời rạc, buồn tẻ nhưng lại chất chứa tâm trạng. Có thể lấy tiêu biểu như đoạn đối thoại của Kiên và Phương trong đêm bên Hồ Tây, sau ngày cha Kiên biến mất:

“Anh có nói chuyện với cha bao giờ không?

- Có chứ? Hỏi gì lạ thế? Sao lại không? Nói nhiều chuyện.

- Thế cha có nói vì sao cha không muốn sống nữa không? Vì sao cha hủy tranh của cha không?

- Không? Ông chỉ nói với mình chuyện khác. Nhưng sao lại hủy? Mình không hiểu?

- À, ừ nhỉ. Kiên đâu có biết mấy chuyện ấy. Thế mà em lại biết. Thế mà cha lại kể với em. Em gần với cha chứ không phải với anh. Ngon lửa thiêu đốt bức tranh. Thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa ấy em nhìn thấy tương lai...

- Cái gì? Phương bảo sao? Nói gì như điên vậy. Thử nói rõ xem nào, Phương!

(...)

- Từ ngày cha anh mất đi, em mới thực sự yêu anh và mới hiểu vì sao yêu anh thế (...) em là đứa con gái lạc thời và lạc loài... Anh lại là người con trai đúng thời... Vậy mà tại sao chúng mình yêu nhau, yêu bất chấp tất cả, bất chấp cả sự khác nhau quá lớn giữa hai đứa? Anh có biết không?

- Thôi chúng mình về đi. Chúng mình... - Kiên sợ - Chúng mình nói những chuyện gì ấy. Sao lại lạc thời? Sao lại khác nhau?

- Bây giờ thì em hiểu rằng (...) Nếu cha anh là người cùng thời, là anh thì em sẽ yêu cha anh chứ không phải là yêu anh [39; 170-171].

Cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau nhưng lời thoại lại rời rạc. Lời thoại của Phương thì miên man, không hướng đến trả lời Kiên mà như đang để bộc lộ tâm sự. Phương nói chuyện với Kiên mà như đang nói với chính mình, bởi cô là người nhạy cảm trước cái đẹp, tình yêu, cô luôn có những dự cảm buồn về chiến tranh. Còn Kiên thì say mê chiến tranh, tỉnh táo, lý trí. Anh gần như không hiểu những gì Phương đang nói, muốn nói. Sự đối thoại lệch pha giữa hai người trở thành cuộc đối thoại tư tưởng chứ không còn là tâm sự của hai người yêu nhau. Đằng sau cuộc đối thoại đó ta có thể cảm nhận được sự xung đột gay gắt giữa hai tâm hồn, hai dòng ý thức. Cho thấy một dự cảm, một dấu hiệu của sự xa cách, Kiên và Phương không thể gặp nhau ở một điểm đúng như dự cảm của Phương. Và hình thức đối thoại này dường như được Bảo Ninh duy trì trong suốt tác phẩm và tạo nên thứ mạch ngầm riêng cho văn bản.

Với ngôn ngữ độc thoại, nó thể hiện rõ nhất qua những dòng suy nghĩ

của nhân vật Kiên, lúc nghĩ về Phương, lúc thì nghĩ về chiến tranh: “Ôi, cái

ngày tháng tư nóng hổi, nồng nàn. Những lần ôm xiết ngắn ngủi chuyếnh choáng trong làn nước màu lục nhạt, những sợi trong lập lờ. Tiếng cá quẫy đuôi. Và khuôn mặt trắng mịn của Phương hòa trong nước, những chùm bong bóng thở, mái tóc ướt nặng, bờ vai, đôi chân dài, thân thiết tuyệt mĩ đến đau nhói trong lòng… tiếng đồng ca từ sân trường vang lên…” [39]. Đôi lúc Kiên

ngẫm tâm trạng của người lính: “Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính

có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu, có thể làm cho con người ta bay bổng trong thời gian quá khứ, tuy nhiên với điều kiện không được dùng nỗi buồn chiến trận ở cụ thể một điểm nào, một sự việc nào, bởi vì khi dừng lại thì không còn là nỗi buồn nữa mà là sự đau xé lòng” [39].

Nhưng cũng có lúc nhân vật Kiên nghĩ về thời đại của mình: “Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa xôi rồi vang trên hè phố lát đá… Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi tiếc thương, cay đắng ngậm ngùi”.

Chính những dòng độc thoại này giúp ta đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của Kiên, khám phá những bí mật tuổi thơ và tuổi trẻ mà anh muốn che giấu, lãng quên thậm chí phủ nhận. Trong tiểu thuyết này ngoài ngôn ngữ độc thoại ra thì còn có ngôn ngữ đối thoại, ta thấy cuộc đối thoại giữa Kiên và Phương, giữa Kiên với những người đồng đội, những người thân… Chính những dòng đối thoại này giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về tính cách nhân vật. Và cũng nhờ vào những thủ pháp nghệ thuật này mà nhân vật đã bộc lộ được những tâm tư, suy nghĩ của mình về cuộc đời.

Chúng ta dễ dàng nhận ra trong tác phẩm còn có rất nhiều lời kể của tác giả: “một cách máy móc anh cầm lấy bút, và thay vì viết thư, anh viết một cái gì hoàn toàn khác… anh đã viết một mạch trọn vẹn với thần hứng không bao giờ còn lại…”.

“Anh” ở đây chúng ta có thể hiểu là nhân vật Kiên nhưng cũng có thể là chính bản thân tác giả. Vì thế, tiểu thuyết như một tự bạch, trong tác phẩm vừa có ngôn ngữ tác giả, vừa có ngôn ngữ nhân vật vì thế đã tạo nên tính đa thanh cho ngôn ngữ.

Tác phẩm viết về chiến tranh nên tác giả đã tả thực diện mạo tàn khốc mà chiến tranh gây ra: “lềnh bềnh xác người sấp ngửa”, “linh hồn lở loét”, “Gờ núi lạnh lẽo”, “nấm mồ bồ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”… Những từ ngữ này gây cảm giác ghê rợn, khiến người đọc bị ám ảnh. Bên cạnh những ngôn ngữ tả thực còn có trường ngôn ngữ tạo sắc thái kì ảo như “ma cà rồng”, “hoa hồng ma”, “ma quái”… đã tạo nên hình ảnh rùng rợn, ly kì… Sự

kết hợp tài tình giữa hai nguyên tắc này đã tạo nên những câu văn mang đậm màu sắc huyền thoại: “Đêm nay hồn ai gọi hồn ai. Tiếng hú cất lên từ đâu đó trong rừng thẳm, âm u truyền dọc theo gờ núi lạnh lẽo…”.

Tiềm thức về chiến tranh luôn tồn tại ở Kiên và giờ đây, dù sống trong hòa bình, những kỉ niệm đó trở về trong Kiên: “Ngồi xuống ở bìa rừng trong bóng hoàng hôn… lặng lẽ Kiên trông thấy toàn cảnh của những gì mà trí nhớ đã lảng tránh bao năm… Anh cảm thấy lại có trái lựu đạn đã rút chốt mà không dám phát nổ…”. Đấy là hình ảnh của cô giao liên Hòa trong trí nhớ của Kiên lúc anh trở lại hồ Cá Sấu, tham gia vào đội thu nhặt hài cốt tử sĩ. Một lần khác, trong giấc mơ anh lại gặp Hòa: “Trong màn sương mù đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hòa thấp thoáng, xa vời…”.

Ngôn ngữ của tác phẩm khi viết về những hồi ức, kỉ niệm của Kiên về chiến hữu, đồng đội cũng mang một đặc trưng riêng, hết sức bình dị, đời thường. Không được miêu tả cụ thể, rõ ràng, không tiểu sử, quê quán, những người đồng đội của Kiên: Thịnh “nhớn”, Thịnh “con”, Can, Tâm, Tạo “voi”, Oanh, Cừ, Quảng… đều gắn liền với cái chết. Họ không phải đang sống ở thời hiện tại mà tất cả đều nằm trong ký ức của Kiên qua những dòng hồi tưởng ghê rợn. Từ những quê hương khác nhau, họ gặp nhau ở cuộc chiến tranh khốc liệt, cùng nhau chia sẻ những ngày tháng thăng trầm của cuộc đời người lính trinh sát. Có lẽ toát lên ở những ngưới lính trinh sát là sự bình dị. Ngôn ngữ của họ cũng rất bình dị. Đọc tác phẩm, ta thấy rất ít khi họ đối thoại với nhau bằng những từ ngữ trau chuốt. Đây là đoạn đối thoại của Kiên với những người đồng đội trong những ngày “nhàn rỗi” không bị địch tấn công:

“- Chơi tà tà nhé - Kiên đề nghị - nếu dở ván này thì trời để cho cả bốn

- Khôn lỏi thế, - Thành nhăn răng cười – Trời có phải thằng ngốc đâu mà bịp. Cố tình đánh dở ván lão sẽ cho cả bốn thằng “chui xuống dưới đó” mà vặt lông nhau.

- Xuống cả làm gì bốn thằng, Từ bảo – một mình tao ôm cỗ bài xuống là được. Sẽ đánh xì, hoặc sẽ tổ chức bói bài tây cho bọn quỷ sứ gác vạc dầu!”

Những lúc rảnh rỗi, họ vui đùa với nhau đúng với bản chất người lính bởi ít nhiều họ vẫn chưa cận kề với cái chết, vẫn chưa bị địch tấn công.

Còn đây là những câu nói của Quảng với Kiên khi bị thương nặng và biết mình không thể sống thêm nữa:

“- Đừng chạm vào tao… Đừng băng nữa…

- Kiên, tao hạ lệnh cho mày hạ tao mau! Trời ơi! Trơi ơi bắn đi mà em, bắn! Mẹ mày chứ, bắn đi, giời!”

Trong lúc nguy kịch, giọng điệu nhân vật cũng thay đổi. Câu nói của Quảng trong ký ức của Kiên nghe đau xót biết nhường nào. Và tâm trạng của Kiên khi hồi ức lại sự việc này chắc chắn cũng rất đau.

Hay lời đối thoại của Tâm với Kiên khi đã rất nhiều anh em ngã xuống:

- Buồn làm đếch gì, Kiên!

Lời nói bình dị, tỏ ra bất cần nhưng lại thể hiện rất rõ sự đau xót của cả Tâm và Kiên. Có lẽ, không cần phải buồn vì thân phận “con sâu cái kiến” của người lính trong chiến tranh giống như cỏ rác ngoài đường vậy.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh vì vậy là một tác phẩm về ký ức cá

nhân. Trong khi trần thuật, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ kể là ngôn ngữ chủ đạo xuyên suốt tác phẩm, và còn nhiều loại ngôn ngữ khác nữa để tạo nên cuốn tiểu thuyết đa thanh. Tính đa thanh là một bước trưởng thành trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Bảo Ninh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn tự sự học (Trang 68 - 74)