CHƯƠNG 1 : NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU
2.1.1. Khái lược về người kể chuyện
Các nhà nghiên cứu từng có rất nhiều định nghĩa về người kể chuyện nhưng tựu trung, người kể chuyện được hiểu một cách đơn giản và thống nhất là người kể lại câu chuyện. Người kể chuyện tồn tại song song với câu chuyện như một quan hệ cộng sinh, nói như Tz.Todorov thì “người kể chuyện là yếu tố tích cực trong việc kiến tạo nên thế giới tưởng tượng,... không thể có trần thuật thiếu người kể chuyện” [40; 116]. Người kể chuyện là một hình tượng nghệ thuật khá phức tạp. Nó vừa giữ vai trò được tác giả nghĩ ra và ước định, đồng thời vừa là đại diện cho tác giả, vừa thuộc về thế giới miêu tả trong tác phẩm. Hình tượng nghệ thuật này tồn tại như là điều kiện tiên quyết của tự sự học trong việc xác định phong cách của mỗi tác phẩm và mỗi nhà văn.
Người kể chuyện chính là “công cụ” thiết yếu của tác giả hàm ẩn, người thực thi những “chiến lược” nghệ thuật và chuyển tải tư tưởng nghệ thuật của mình. Các bình diện và mối quan hệ giữa người kể chuyện với các yếu tố khác, từ nhiều cấp độ khác nhau trong truyện kể không chỉ là cơ sở để lí giải và xây dựng mô hình cấu trúc tác phẩm, mà còn xây dựng lên một hình ảnh tác giả hàm ẩn. Ở đây, người kể chuyện sẽ tồn tại như một “mã” quan trọng trong quy trình “lập mã” của tác giả hàm ẩn đối với văn bản nghệ thuật. Việc tác giả lựa chọn kiểu người kể chuyện như thế nào sẽ là điểm mấu chốt để thiết lập cấu trúc truyện kể (tất nhiên, sự lựa chọn này phải tuân theo
nguyên tắc của nghệ thuật và bản chất của ngôn từ) và cũng chính sự lựa chọn này sẽ định hướng việc giải mã văn bản nghệ thuật.
Đọc một văn bản, nghĩa là chúng ta đang tiến hành giải mã một hệ thống những kí hiệu được mã hóa theo những nguyên tắc nhất định của sáng tạo nghệ thuật và trong sự liên hệ với những yếu tố ngoài văn bản khác. Chính trong quá trình giải mã ấy, chúng ta sẽ nhận ra chân dung của một tác giả, sự chi phối của anh ta in dấu trong từng chi tiết của tác phẩm. Và chỉ như thế, chúng ta mới có thể mô tả quy trình mã hóa và nhận ra sự chỉ dẫn “ngầm” của chính tác giả hàm ẩn - kẻ đứng sau tất cả “mọi chuyện” diễn ra trong thế giới nghệ thuật tác phẩm văn chương.
Nỗi buồn chiến tranh là “cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến đấu của
một con người tìm lẽ sống hôm nay bằng cách chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình. Cuốn sách này không miêu tả chiến tranh. Nó “mô tả” lại cuộc kiếm tìm nặng nhọc chính hôm nay. Hiện thực ở đây chính là hiện thực bên trong quằn quại và đầy trách nhiệm. Trách nhiệm của lương tâm” (Nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc). Có lẽ vì thế mà cuốn tiểu thuyết này có dáng dấp tự truyện mà nhân vật chính là Kiên - người sống sót duy nhất có thể trở về từ một trung đội trinh sát sau chục năm “lăn lội” ở trong chiến trường là nhân vật kể chuyện.
Kiên với tư cách là “người ở lại” luôn sống trong sự bất ổn hay còn gọi là “hội chứng hậu chiến tranh”. Mặc dù về mặt thời gian, có lẽ chiến tranh đã kết thúc nhưng Kiên lại luôn bị dìm trong chiến tranh, những ký ức trở thành bóng tối trong tâm hồn anh, thôi thúc Kiên viết “một cái gì đó khác”. Có lẽ vì
thế mà phẩm chất lớn nhất của Nỗi buồn chiến tranh chính là đã thể hiện được
cách nhìn, cách suy nghĩ của chính những người lính bước ra từ trong cuộc chiến. Người kể chuyện tự ý thức được câu chuyện mà mình kể. Vì thế, ngay kể cả khi được kể ở ngôi thứ ba thì sự việc vẫn được quy về một hệ quy chiếu
là nhân vật chính. Qua Kiên, cụ thể là qua sự vô thức và ý thức của anh người đọc như trực tiếp tham gia và chiến tranh, chứng thực “cuộc chiến” của riêng Kiên. Người kể chuyện và điểm nhìn của truyện liên tục được chuyển hóa cho nhau có khi chuyển động từ ngoài vào trong, có khi lại từ việc “mò mẫm” trong nội tâm của nhân vật Kiên hướng ra ngoài, có khi lại cùng song hành, đồng cảm cho nhau.