Ngôn ngữ giàu cảm giác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn tự sự học (Trang 74 - 78)

CHƯƠNG 3 : NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

3.1. Ngôn ngữ trong Nỗi buồn chiến tranh

3.1.2. Ngôn ngữ giàu cảm giác

Với hệ thống ngôn ngữ nhiều cảm giác, nỗi buồn chiến tranh - câu chuyện của quá khứ , được quy tụ qua cảm giác sống động, tươi mới của hiện tại. Đó là một hệ thống ngôn từ với lời kể thiên về miêu tả, đầy các từ láy, từ diễn tả tâm trạng, cảm giác, tả thiên nhiên, với những lời bình phẩm, đánh giá... không giống ngôn từ nặng về hành động, sự kiện của truyện truyền thống.

Theo thống kê của TS. Bùi Thanh Truyền “trong 280 trang của tiểu

thuyết Nỗi buồn chiến tranh, có tới 116 lần Bảo Ninh sử dụng những từ ngữ,

hình ảnh rùng rợn, li kì: tiếng thở than buồn thảm của thế giới rừng sâu, vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo, đám hành khách từ trong mộ hiện ra, ma cà rồng, ảo giác, kì quái, ma quái, hoang đường…”. Thậm chí chỉ trong một trang xuất hiện hàng loạt các từ ngữ gây ấn tượng và cảm giác mạnh: “thần chết sờ soạng”, “vô khối hồn ma quỷ lang thang”, “mịt mù lam chướng”, “những kì lễ lạt của giới các âm hồn”, “cuộc điểm danh của các toán quân đã chết”, “chim chóc khóc than như người”, “các loại măng đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu”, “đom đóm to kinh dị lớn tày cái mũ cối”, “cây cối hoà giọng với gió rên lên những bản nhạc ma”... Rải rác toàn truyện, Bảo Ninh luôn sử dụng ngôn ngữ gây nhiều cảm giác này “lềnh bềnh xác người sấp ngửa”, “linh hồn lở loét”, “gờ núi lạnh lẽo”, “bóng đen trườn khỏi võng”, “nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn”… Cảnh tượng mà Bảo Ninh gợi ra thông qua ngôn ngữ không khỏi khiến những con người yếu bóng vía “có thể điên lên hoặc chết rũ vì khiếp sợ”. Hệ thống ngôn từ đầy ám ảnh gợi cảm giác này đã góp phần khắc hoạ chân thực hơn diện mạo tàn khốc của chiến tranh, khiến người đọc không khỏi ám ảnh.

Nỗi buồn chiến tranh kể về đời sống của một người lính hậu chiến với

ngôn từ giàu hình ảnh, cảm xúc, không gian mà Kiên hồi ức lại trong những năm tháng chiến tranh được miêu tả giống như một định mệnh nghiệt ngã đó, là không gian chiến trường - nơi ta và địch giành nhau sự sống. Qua cánh cửa ký ức của Kiên, người đọc như được chứng kiến tất cả những trận đánh trên

những vùng đất, những địa danh từng là nơi “la liệt xác người bị đốn, thân

thể dập vỡ tanh bành”, nơi Kiên cùng đồng đội từng sống và chiến đấu những

ngày tháng đau thương đến tột độ. Trong không gian núi rừng hoang vu, tên của các địa danh gợi lên sự ma quái, chết chóc gây ám ảnh. Từ những địa danh thực: Phan Rang, đèo Ngoạn Mục, thủy điện Đa Nhim, qua Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lộc Ninh… đến những nơi mà mới chỉ nghe tên đã thấy rùng rợn: sông Sa Thầy, đèo Thăng Thiên, truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu…. -

những địa danh tù mù như tên tuổi sông núi của cõi âm. Từ “Công Hơ Rinh

làng xưa, hoang tàn, đổ nát, vương vãi khắp nơi sung ống với xương người”

đến “Diên Bình ngôi làng giải phóng trơ vơ giữa thảo nguyên, sau một lần bị pháo kích chỉ còn tro than lẫn với thây người, và những linh hồn còn tươi mới bay lên từ sương mù dọc bờ Đắc Pơ Xi khi tiểu đoàn Kiên hành quân qua làng” [39; 150]. Tất cả là “bầu không khí tăm tối, ngùn ngụt tử khí và lam chướng, mờ mịt bóng yêu tà”.

Theo Đỗ Đức Hiểu, tác giả đã “sáng tạo một vũ trụ mới của cuộc chiến,

vũ trụ chìm trong mưa và mưa là biểu tượng khủng khiếp của chiến tranh”

[19; 275]. Thật vậy, đọc Nỗi buồn chiến tranh, chúng ta có cảm giác mưa và

bóng đêm đã bao trùm và đè nặng lên từng trang tiểu thuyết. Ta gặp trong tác phẩm vô vàn những trận mưa kỳ lạ: “Mưa… Núi non nhạt nhòa, những nẻo xa mờ mịt. Cây rừng ướt át, cảnh rừng lặng lẽ. Tối ngày đất rừng ngun ngút bốc hơi. Biển hơi màu lục, ngụt mùi lá mục”, “Trong trời thì cứ mưa, ngày này qua ngày khác. Cuộc chiến như bị vùi lấp trong biển mênh mông mù mịt mùa mưa… Bốn bề mìn mịt chỉ một màu mưa trĩu lòng, một màu núi rừng ảm

đạm và đói khổ”, “Mưa rơi rào rào”, “Mưa lụt trời”, “Trời thì mưa kinh khủng là mưa… Rừng tối đen lại rất mau”, “Mưa ngất trời”, “mưa dầm”, “mưa xối xả”, mưa ngút trời”, “mưa ê ẩm”, “mưa lê thê”, “mưa to”, “khắp nơi lằng nhằng sấm chớp”, “mưa nặng nề xối dội”, “mưa ngày”, “mưa đêm”, “mưa gian truân” [39; 16]. Từ đầu đến cuối tác phẩm, những cơn mưa cứ nối tiếp nhau như xối dội vào tâm trạng con người u uất. Đến ngày cuối cùng của cuộc

chiến tranh, bầu trời vẫn đổ mưa theo quỹ đạo của nó “trời đổ tắm một cơn

mưa rào”. Không có chút nắng chan hòa, không có niềm hy vọng và tương lai

cho cuộc đời người lính.

Cùng với mưa, không gian bóng đêm xuất hiện dày đặc như bao trùm tác phẩm. Bóng đêm xuất hiện với đầy đủ mọi sắc thái: “đêm tối nặng nề”, “đêm mưa, “đêm tàn”, “đêm tăm tối”, “đêm tối như cái hố mêng mông đen ngòm”, “đêm tối như bưng”, “đêm dài mộng du”, “bóng đêm lay động”, “đêm xuân giá rét”, “đêm lạnh giá”, “đêm kinh khủng”, “đêm mùa xuân”, “đêm đồng nội”, “đêm đen của hồi tưởng”, “bóng tối đêm mưa”, “đêm đen thành phố”, “bóng tối đẫm hơi mưa”, “đêm hoang vu”, “đêm ác mộng”, “đêm của tâm hồn”, “đêm tối đen”, “đêm âm u”, “đêm rét mướt”, “đêm thác loạn”, “đêm kỳ ảo”, “đêm trường”, “đêm thức trắng”, “đêm hương hoa”… Trong hồi ức của Kiên, có biết bao câu chuyện kỳ quái xảy ra trong những đêm đen của chiến trường. Tiếng hát của những người đã

chết “thì thào dâng lên như hoàn toàn hư, hoàn toàn thực từ cõi mông lung

gọi về xót xa, bi tráng như nhắc nhở những con người còn sống đừng quên “năm tháng vinh quang khổ đau bất tận” [39; 110] cất lên khi “bóng tối vùi

kín rừng cây trong hẻm núi”.

Những đồng đội của Kiên hằng đêm theo tiếng gọi của ái tình, đêm nào

cũng lặng lẽ “nhón bước ra khỏi lán… lẹ làng mất hút trên con đường mòn

tăm đắm dưới mùa mưa như thác đổ”… [39; 37]. Con đường hằng đêm

những người lính thường đi là con đường “Ướt át, lầy lội, khốn khổ”. Những đêm mưa nhớ nhà, cả đội quân tập hợp đánh bài, “vui vẻ, om sòm… tuồng như

là một thời kỳ sung sướng, bình yên, nhàn cư, vô tư lự lắm vậy”. Thế nhưng,

sau những phút vui thoáng qua, nỗi buồn lại ngập ngụa, tê dại cả tâm hồn.

Không thể bình tĩnh hơn trước thực tại cuộc chiến, Can đã đào ngũ. “Suối lũ

rền rĩ. Mưa tầm tã trong bóng đêm. Tối tăm, ẩm ướt, hoang rợn, đất trời như bị bưng kín, bị đè nghẹt” [39; 30].

Với hệ thống ngôn ngữ giàu cảm giác, người đọc cảm nhận được qua những câu chữ ấy bóng tối xuất hiện dày đặc lại thêm mưa tầm tã suốt ngày suốt đêm. Có những lúc bóng đêm và mưa cùng song song xuất hiện để khắc họa không gian tơi tả, bê bết, ngập ngụa bùn lầy của con đường trinh sát hoặc để nhấn mạnh cái lạnh lẽo, hoang vu và cô độc. Như thế, không gian bóng đêm và những cơn mưa nơi chiến trường không chỉ phản ánh hiện thực tàn phá thiên nhiên do chiến tranh đem lại, nó còn là những khoảng tối, những lo âu và sợ hãi trong tâm hồn con người. Đó là vết thương không bao giờ lành được của người lính ra khỏi cuộc chiến ấy.

Là “yếu tố thứ nhất của văn học” (M. Gorki), ngôn ngữ văn học một thời kì, nói như Trần Đình Sử, “gắn với đặc trưng tư duy hình tượng của thời ấy, là hoá thạch của đời sống tâm lý, xã hội một thời, là tấm gương phản chiếu gần xa ý thức thẩm mĩ, luân lí, chính trị thời ấy” [43; 230]. Văn học, vì thế, không chỉ có nhiệm vụ ghi chép sự thay đổi của ngôn

ngữ, nó còn là chính sự thay đổi đó nữa. Có thể nói, ngôn ngữ trong Nỗi

buồn chiến tranh in đậm dấu vết chuyển mình của một giai đoạn văn học

đầy sôi động. Cách “hiện tại hoá” câu chuyện bằng cảm giác như là một nét đặc thù khá rõ của phương thức tự sự mới của Bảo Ninh và làm nên nét đặc sắc của nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn tự sự học (Trang 74 - 78)