Giọng buồn thương ngậm ngùi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn tự sự học (Trang 84 - 87)

CHƯƠNG 3 : NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

3.2. Giọng điệu trong Nỗi buồn chiến tranh

3.2.1. Giọng buồn thương ngậm ngùi

Nỗi buồn chiến tranh lại mang giọng ngậm ngùi, buồn thương, đôi khi

là giọng mỉa mai chua xót. Âm hưởng chung của Nỗi buồn chiến tranh là

buồn thương ngậm ngùi. Tác phẩm đã tập trung khắc họa những tổn thương về mặt tinh thần của con người. Sau những hào quang chiến thắng, con người chợt nhận ra mình mất quá nhiều, nhiều khi có những hành động hết sức tàn nhẫn, phi nhân tính, từng có lúc đê hèn nhất. Nhưng đó là những hành động tất yếu đã xảy ra trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, một thời có nhiều sự hào hùng song cũng không ít những đau thương. Giọng điệu buồn đau được nhà văn tạo nên bởi mật độ dày đặc, lặp lại với tần số cao những từ, cụm từ miêu tả trực tiếp nỗi buồn trong tác phẩm: “nỗi quặn đau”, “nỗi buồn sâu

thẳm”, “nỗi buồn nguyên khối”, “đau đớn”, “não nề”, “niềm đau”, “buồn thương”, “cõi thương tâm”, “nước mắt nóng rực đau nhói tròng mắt như kim châm”, “lê thê”, “ê ẩm”…

Trong Nỗi buồn chiến tranh, những mất mát và đau thương mà con

người phải chịu đựng trở thành một chiều kích không thể quy giản. Không lẩn tránh hoặc trừu tượng hóa chiều kích đó, Bảo Ninh đi sâu, nói thẳng, nói thật và cụ thể hóa nó thành những dòng tâm tư khủng khiếp ám ảnh, đeo đuổi cựu chiến binh Kiên suốt quãng đời hậu chiến. Trở về sau chiến tranh, Kiên thấy mình hoàn toàn lạc lõng, cô đơn, không thể hòa nhập được với đời. Trong anh mang nặng một nỗi buồn chiến tranh - một nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt lên đau khổ... Nhưng cũng chính những ký ức đau thương ấy của chiến tranh lại có ý nghĩa như một “con đường cứu rỗi anh” bởi vì chính

khi “sống ngược trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến

đấu” và “làm sống lại những linh hồn đã mai một, những tình yêu đã phai tàn, bừng sáng lại những giấc mộng xưa” là lúc Kiên được sống lại với quãng

đời đẹp đẽ nhất của mình.

Nỗi buồn chiến tranh đã đi vào khai thác đời sống của những người

lính thời hậu chiến với sự ám ảnh của một quá khứ đen tối luôn đeo đuổi họ. Suốt dọc tác phẩm là một thứ giọng điệu buồn thương ngậm ngùi, đôi khi là sự day dứt, dằn vặt, đôi khi là bi kịch, không lối thoát. Cuộc đời của những nhân vật, đặc biệt là Kiên, là cuộc đấu tranh giữa hai mặt: sáng và tối, lạc quan và bi quan, không thể trở về sống với quá khứ cũng không thể hòa nhập được với cuộc sống hiên tại. Dù là thời bình nhưng người lính vẫn

không thể sống cuộc sống an nhàn mà luôn bị dằn vặt, ám ảnh. “Nỗi buồn

chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu” [39; 115]. Quá khứ giống

như một con dao cứ cứa mãi vào trái tim đã quá tổn thương của người lính. Bi kịch thời hậu chiến lại tiếp tục đến với Kiên. Giờ đây anh sống một cuộc sống vô cùng tẻ nhạt, bi kịch của sự tồn tại, anh đã hoàn toàn lạc thời và không cùng một kênh với mọi người, trở thành một người đàn ông tật nguyền dị mọ… hết thời, trống rỗng và đại bại. Vết thương ấy thậm chí còn đau hơn cả vết thương của chiến tranh. Kiên sống không biết đêm, biết ngày, không làm những công việc của người người bình thường khác, ngày ngày anh đắm trong những giấc mơ về chiến tranh, say khướt trong rượu, anh muốn quên đi tất cả những điều kinh khủng ấy, nhưng lại không có cách nào

quên được. “Nỗi đau, còn hơn là một nỗi đau, át cả rượu, ngấm vào lòng,

mãnh liệt và choáng ngợp, sâu thẳm như thể mọi sự xuất thần, như là một niềm cảm hứng” [39; 227].

Trong hồi ức và giấc mơ của Kiên về những người phụ nữ chúng ta dễ dàng cảm nhận được đó là tính chất bi kịch của các nhân vật. Chiến tranh đã cướp đi tất cả những gì là tốt đẹp nhất của người phụ nữ. Phương càng trẻ trung, xinh đẹp, thanh tân bao nhiêu thì cái đêm định mệnh ấy càng cay đắng với cô bấy nhiêu. Nó đã cướp đi tất cả để lại trong Phương vẻ hoang tàn với

“bộ dạng tơi tả, tàn tã, quần áo rách nát hở hang”, “vẻ mặt đờ dẫn như bị yểm bùa”, “cái nhìn trừng trừng, vô cảm, lững lờ, xa lạ, trống rỗng, dửng dung”, “cặp môi bầm dập, và không nói, nhìn, cái nhìn trừng trừng nhưng vô cảm, lững lờ, xa lạ” [39; 277], “nước mắt cứ tự nhiên ứa ra, ròng ròng ướt má, mặn chát… cổ như nghẹn thắt lại, môi lẩy bẩy”. Nỗi đau đớn trong tâm

hồn Phương không lời nào có thể tả xiết. Cô còn đau hơn cả Kiên. Chiến tranh đã cướp đi sự trong trắng, trinh nguyên của một người con gái đẹp. Để rồi cuối cùng Phương sống cuộc sống phóng túng, phù phiếm mà vẫn không thoát được sự cô đơn, tủi nhục. Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong hồi ức của Kiên, số phận của Lan (Con mẹ Lành) cũng chất chứa đầy những bi kịch. Hai

anh trai, chồng, mẹ, con trai của chị đều lần lượt bỏ chị mà đi. Chiến tranh đã

cướp đi của chị tất cả. Rồi cuối cùng “mỗi năm một xiêu đi”, chị sống cảnh

“quanh quẩn trong nhà ngoài đồi… chẳng để ý tới ai, chẳng ai để ý tới…”.

Có thể thấy rằng, ai, cái gì làm cho Kiên đau nhất thì đều không xuất hiện một lần liên tục trong ký ức mà nó rời rạc, chắp nối đoạn nọ đoạn kia. Có lẽ vì quá đau nên Kiên không muốn những con người đó, những chuyện đó diễn ra một loạt bởi như thế anh sẽ không chịu đựng được. Cũng vì quá đau nên anh không muốn nhớ và mơ lại, tất cả chỉ thuận theo cảm xúc mà tuôn ra.

Giọng điệu buồn thương ngậm ngùi là kết quả của cách nhìn về chiến tranh dưới cái nhìn cá nhân đặt trong mối quan hệ với thân phận từng con

người cụ thể. Đó cũng là giọng điệu chung của Ăn mày dĩ vãng. Hai Hùng

luôn ngậm ngùi, đau xót khi nhớ về quãng thời gian trong chiến tranh; nghĩ về đồng đội với những năm tháng chinh chiến trong đội trinh sát bên bờ sông Sài Gòn. Tổ trinh sát của anh mấy chục người, vậy mà trở về sau ngày hòa bình còn có mấy. Mỗi người mỗi kiểu hi sinh, họ đã mãi mãi nằm xuống cho ngày hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Nhưng hiện tại, mấy ai hiểu được điều đó, nên xen vào giọng ngậm ngùi, xót thương là giọng chua xót mỉa mai. Anh là anh hùng của thời chiến, là người lính đi ra từ chiến tranh, nhưng với hiện tại anh là một kẻ lạc loài, trở nên lạc lõng trên chính mảnh đất mình đã gắn bó và chiến đấu vì nó. Đó là tâm trạng chung của những cựu chiến binh chứ không phải chỉ của riêng Hai Hùng và Kiên. Cả Hai Hùng và Kiên đều bị xã hội quay lưng lại hay ít ra là họ cảm thấy thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh dưới góc nhìn tự sự học (Trang 84 - 87)