CHƯƠNG 1 : NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU
2.1.2. Người kể chuyện tự ý thức
Đối với tiểu thuyết thì người kể chuyện đóng một vai trò đặc biệt, không chỉ là cơ sở để lí giải và xây dựng mô hình cấu trúc tác phẩm mà còn là “chìa khóa” để mở ra những ý nhĩa hàm ẩn mà người viết muốn truyền tải cho người đọc. Người kể chuyện có thể ở ngôi thứ nhất với cái nhìn chủ quan, cũng có thể là ngôi thứ ba - với cái nhìn khách quan cũng có khi người kể chuyện lại chính là tác giả. Việc tìm hiểu về người kể chuyện chính là một cách để “giải mã” tác phẩm.
Ở Nỗi buồn chiến tranh, để có thể chuyển tải được tư tưởng thông qua
mô hình cấu trúc tiểu thuyết, tác giả đã sáng tạo ra một hình tượng người kể chuyện đặc thù: Người kể chuyện tự ý thức. Cách kể chuyện của Bảo Ninh không hề dễ đọc bởi lẽ cách kể chuyện “theo dòng ký ức” đảo lộn trình tự thời gian và những câu chuyện nhiều khi chắp vá, đứt đoạn kiểu “truyện lồng trong truyện” khiến người đọc nhiều khi hoang mang bởi sự rời rạc, ngắt quãng do sự “hoảng loạng từ bên trong” của nhân vật. Nó ngập ngừng, lộn xộn, đầy bí ẩn. Trí nhớ như một cỗ máy đột ngột phát động cứ “ào ạt” tuôn trào, đó là những ký ức kinh hoàng về chiến tranh, sự dằn vặt “khủng khiếp” trong tâm hồn, trong sự mê đắm tuyệt vọng, đau đớn của tình yêu và trong sự
ý thức của chính tác giả - nhân vật của Nỗi buồn chiến tranh.
Không chỉ xuất hiện như một người có vai trò “chỉ dẫn về hoàn cảnh và diễn hóa hoàn cảnh”: giới thiệu, miêu tả, trần thuật sự việc, con người (bao
gồm cả lời dẫn thoại và bình luận hay còn gọi là trữ tình ngoại đề), người kể
chuyện trong Nỗi buồn chiến tranh còn bộc lộ ở khả năng thâm nhập vào đời
sống tinh thần của nhân vật, suy ngẫm và đối thoại với nhiều tiếng nói khác trong thế giới nghệ thuật văn bản tác phẩm. Tiếng nói tự ý thức về bản thân mình, về nhân vật và hiện thực chiến tranh với những góc nhìn khủng khiếp, về tình yêu với đủ các cung bậc huyền ảo và mê muội đến mức hoang đường của tiểu thuyết tạo ra một kênh giao tiếp riêng trong thế giới nghệ thuật của Bảo Ninh.
Người kể chuyện tự ý thức mang những phẩm chất và đặc điểm tâm lí của một người lính (một người lính đã trải qua những năm tháng chiến tranh), kể về những kí ức của đồng đội. Như thế, anh ta hiện diện với tư cách là người trong cuộc, dù không tham gia vào hành động truyện và can thiệp vào diễn biến tâm lí nhân vật. Đây chính là phần “cái tôi kinh nghiệm”, nó gắn chặt với trí nhớ. Đây là phần “biến mất” khi bạn đi vào một giấc ngủ sâu, xuất hiện thoáng qua khi bạn nằm mơ. Điều này lý giải vì sao nhân vật Kiên thường xuyên có những ảo giác, và những giấc mơ đặc biệt. Ý thức được mình là ai, người kể chuyện “cái tôi kinh nghiệm này” “biết” những hạn chế và cả thế mạnh của mình. Anh ta có thể để lại dấu ấn riêng biệt thông qua việc thiết lập những mối quan hệ với các nhân tố khác. Trước hết, sự tự ý thức của người kể chuyện sẽ quy định và xác lập một trường nhìn và phản ánh đối với nhân vật, tạo thành thế đối lập hoặc xóa nhòa khoảng cách giữa anh ta và nhân vật. Khoảng cách này sẽ quy định đặc quyền của người kể chuyện, xác định phẩm chất và uy quyền của anh ta.
Sau chính xác và khách quan, người kể chuyện tiếp tục nhất quán với những cấu trúc đang có. Điều này dễ nhận thấy khi người kể chuyện ngày càng tiến gần đến nhân vật trong truyện thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật, thậm chí là an ủi nhân vật của mình, có đôi lúc người kể chuyện như
muốn nhập hẳn vào nhân vật, giống như một người đồng hành, đứng bên quan sát. Bảo Ninh đã tạo ra những đoạn văn mang tính chất diễn ngôn 2 mặt của người kể chuyện.
“Đấy, cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao cho có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những cảm xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ, Kiên nghĩ. Mặc dù cố nhiên chiến tranh không hề là như vậy. Chiến tranh…” [39; 59].
Kể về những suy nghĩ của nhân vật, nhưng suy ngẫm ấy luôn xuất hiện dưới dạng những đối thoại với người khác, giãi bày, thanh minh. Trong dòng tâm thức đầy bất ổn của nhân vật, người kể chuyện dễ dàng lồng vào ý thức ấy một tiếng nói khác như đang cật vấn, đang tranh cãi và cả chê bai, trách móc. Kiểu chất vấn đó hiện hữu ở khắp mọi nơi như một kiểu “tự thú” của nhân vật. Người kể chuyện luôn ở bên nhân vật, chứng kiến mọi suy nghĩ, những dằn vặt của Kiên, khi thì chất vấn, khi thì đồng cảm. Rõ rằng ở “sự tự thú này” người kể chuyện ở vai nhân vật, trong lời kể luôn có một tiếng nói thứ hai vang lên như đang chất vấn về mọi biến thái của hành động và suy nghĩ của anh ta giống như một sự “săn đuổi nhân cách”. Điều hiện hữu rõ nhất, đối với nhân vật, tiếng nói ấy là lời nối dài, là chất xúc tác thúc đẩy và nói rõ hơn cảm xúc, trạng thái của nhân vật, buộc anh ta phải bộc lộ hết mình, phơi bày những suy nghĩ, những day dứt, nỗi đau và cả niềm hạnh phúc thực sự mà đôi khi chỉ trong những khoảnh khắc bất chợt của vô thức, tất cả những giá trị ấy mới lộ ra. Tiếng nói tri âm của tác giả đã đẩy những miêu tả khốc liệt về chiến tranh lên đến đỉnh điểm và cũng chính tiếng nói ấy đã hóa giải và lưu giữ những âm thanh sâu lắng nhất về con người và tình người. Cũng vẫn tiếng nói ấy, nhưng khi được soi chiếu từ một cấp độ khác, nó lại thực hiện
một chức năng mới. Và như thế những dấu hiệu về người nghe chuyện sẽ là những gợi ý cực kì hữu ích.
Sau năm 1975, cách kể chuyện này không hiếm, phương thức kể chuyện theo kiểu “tự thú” này thường được Nguyễn Minh Châu sử dụng. Nguyễn Minh Châu đã xây dựng những nhân vật tự nhìn nhận, phán xử hành động của mình. Khi con người đã tự phản tỉnh, soi xét, tự nộp mình trước “tòa án lương tâm” để nhận thức về mình, ý thức được tội lỗi mà mình đã mắc với ai đó thì chí ít anh ta cũng thấy rằng mình chưa hoàn thiện và mong muốn vươn tới sự hoàn thiện. Cũng giống với Nguyễn Minh Châu, vấn đề mà Bảo Ninh muốn đặt ra ở đây chính là con người cần phải trung thực với chính mình, nhìn thẳng vào lương tâm mình, đó là quá trình “vượt qua mình”. Tuy nhiên ở tác phẩm của Nguyễn Minh Châu người đọc chỉ nghe được một tiếng
nói duy nhất, còn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh lại mang tính chất
lưỡng phân thấm đẫm sự chiêm nghiệm sâu sắc của cá nhân trở thành yếu tố quyết định mang phong cách riêng của Bảo Ninh. Người kể chuyện một lúc gánh “hai vai”, vẫn có một người kể chuyện khách quan ở bên ngoài, nhưng cũng đã bắt đầu xuất hiện yếu tố chủ quan, tự đối thoại, tự chất vấn, rồi đồng cảm, an ủi nhau, điều này khiến cho các sự kiện trong truyện bị đứt gãy, khó theo dõi. Từ đó bộ mặt của chiến tranh dần được bộc lộ một cách sâu sắc, chiến tranh là đớn đau, là tàn khốc và nó sẽ mãi là những tổn thương tâm lý không bao giờ xóa nhòa của những người lính.
Không. Cứ nói rằng số phận không cho một lời mách bảo nào sau khi chiến tranh kết thúc, song cái đêm đầu tiên ấy chẳng là lời mách bảo hay sao? Nhưng cả anh và Phương đều đã cưỡng lại. Để làm gì cơ chứ?”[39; 90]. “Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng. Cứ nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem sự thực là như thế đấy. Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết
thương sẽ lành đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi” [39; 238].
Cuối cùng, ở mức độ cao nhất hơn cả một lời chứng thực, tiểu thuyết của Bảo Ninh là quá trình phát sinh một tự bạch. Tác phẩm dẫn chúng ta lấn sâu vào thế giới nội tâm của Kiên, khám phá với anh những bí mật tuổi thơ và tuổi trẻ mà từ lâu anh muốn che giấu, thậm chí phủ nhận. Anh đã từng hờ hững với mẹ, coi thường cha, ngờ vực tình yêu của ông với Phương, ghen tuông và thù hận cô, anh cũng có những hoang tưởng nhục dục với thây người chết, hèn nhát trong chiến trận? Kiên muốn kể hết trong cuốn sách anh đang viết. Chính vì vậy mà nó mang vẻ thiêng liêng, xót xa, đau đớn: anh luôn có cảm giác “mấp mé bờ vực”. Ngay từ mở đầu, Bảo Ninh đã nhấn mạnh rằng với Kiên, đó không chỉ là “tiểu thuyết đầu tay”, mà là một tác phẩm đặc biệt, khác hẳn những truyện ngắn và truyện vừa anh đã viết, là “cuộc phiêu lưu cuối cùng trong cả cuộc đời làm lính của anh”, là “sự thách thức nghiêm trọng nhất đối với sự sinh tồn của anh không chỉ trên tư cách là một người cầm bút” [39; 53].
Nguyễn Huy Thiệp cũng đã từng rất thành công trong việc kể chuyện
theo lối “truyện lồng trong truyện”. “Tôi” trong các truyện ngắn Chảy đi sông
ơi, Con gái thủy thần, Quan âm chỉ lộ, Những người thợ xẻ, Tướng về hưu
vừa là người kể chuyện, vừa là một nhân vật trong thế giới tác phẩm, nhưng mức độ tham dự của anh ta ở từng tác phẩm có sự khác nhau. Anh ta không chỉ là người chứng kiến mà còn là người trong cuộc, trực tiếp tham dự vào các tình tiết của truyện. Anh ta có thể không phải là một nhân vật chính nhưng là một hình tượng nghệ thuật độc lập, có thể được nhận diện rõ ràng trong tác phẩm. Xét trên một phương diện nào đó, người kể chuyện trong tác phẩm còn có vai trò là “chất xúc tác”, góp phần làm bộc lộ tính cách của các nhân vật trong truyện. Ngược lại, các nhân vật kia cũng có vai trò tích cực
thúc đẩy quá trình nhận thức và tự ý thức của nhân vật “tôi”. Tuy nhiên kiểu kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp là kiểu kể chuyện theo cái nhìn “chủ quan” của bản thân. Cũng có lúc xuất hiện một lúc hai cái “tôi” như trong truyện
ngắn Chú Hoạt tôi, Thổ Cẩm. Tuy nhiên trong đó, một chủ thể giữa vai trò
người kể chuyện chính, còn chủ thể kia giữ vai trò của người dẫn truyện, anh ta đóng vai một người được nghe kể lại câu chuyện từ người kể chuyện xưng “tôi” thứ nhất và chỉ trần thuật lại một cách khách quan những gì nghe được. Cũng có trường hợp, một truyện kể xuất hiện nhiều nhân vật – người kể chuyện kể những câu chuyện khác nhau. Mỗi người kể chuyện là một chủ thể nhận thức mang điểm nhìn và quan niệm khác nhau về hiện thực. Song những câu chuyện nhỏ ấy đều được sắp xếp theo định hướng của “tôi” - người kể chuyện nhằm làm nổi bật nội dung, tư tưởng của một câu chuyện lớn hơn bao trùm các mẩu chuyện đó.
Khác với Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật người kể chuyện trong Nỗi buồn
chiến tranh có sự chuyển hóa cho nhau, mặc dù vậy vẫn là nhân vật kể
chuyện tự ý thức nhưng do sự luân chuyển dẫn đến mạch truyện bị đứt đoạn, khó theo dõi cho người đọc. Để đảm bảo chuyển tải được toàn bộ sự khốc liệt và đau thương của một cuộc chiến, Bảo Ninh phải tìm đến và xác lập sự đồng vọng của một ý thức, một tiếng nói trong lời kể của người kể chuyện (dù là lời giới thiệu, miêu tả hay bình luận) với tiếng nói của nhân vật tạo nên hiệu ứng kép đối với mỗi hiện thực được tái hiện trong thiên truyện. Mỗi tiếng nói ấy sẽ có thêm một tiếng nói nữa hòa đồng, hưởng ứng. Điều đó lí giải vì sao, giọng của người kể chuyện (ngôi thứ ba) và giọng kể của Kiên (xưng “tôi” - ngôi thứ nhất) mặc dù về chức năng và sự biểu hiện khác nhau, đó là sự thay đổi điểm nhìn và điểm quan sát, song sự thay đổi này không bổ sung thêm tiếng nói mới mà chỉ khắc sâu hơn, đi đến tận cùng dòng tâm tưởng trong kí ức của nhân vật. Việc chuyển đổi điểm quan sát từ người kể chuyện khách
quan sang dòng tự truyện của nhân vật cho phép độc giả có thể thấu thị, nhìn nhận một cách cụ thể và quả quyết hơn vào đời sống nội tâm nhân vật.