6. Cấu trúc luận văn
2.2. Các thành tố văn hóa trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật
2.2.1. Không gian văn hóa miền Bắc Việt Nam thời Lê mạt
Sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng, lớn lên với những câu chuyện kể về lịch sử văn hóa nước nhà, lại say mê, ham thích và chọn theo đuổi việc nghiên cứu sử học, Nguyễn Triệu Luật sớm đã có những am hiểu sâu rộng và tỉ mỉ về lịch sử và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là xã hội vua Lê chúa Trịnh. Nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu đã giúp cho tác giả có khả năng tái hiện sinh động, chi tiết một không gian văn hóa miền Bắc Việt Nam của mấy trăm năm trước.
Hoàn cảnh xã hội rối ren, suy vi đầu thế kỷ XX cũng khiến cho một người con yêu nước như Nguyễn Triệu Luật “không yên lòng”. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại năm 1929, tổ chức Quốc dân Đảng tan rã, bản thân cũng từng bị bắt giam, Nguyễn Triệu Luật đành lui về Mặt trận văn hóa tư tưởng. Sự kiện này có thể coi là một bước ngoặt trong sự nghiệp cầm bút của ông, ông trở về viết văn, viết báo, giảng dạy một cách tích cực với nhiều tác phẩm được đăng báo, xuất bản. Thời gian này ông viết nhiều tiểu thuyết lịch sử như ký thác tấm lòng yêu thương, trân trọng lịch sử và các giá trị văn hóa nước nhà. Những tác phẩm này đã mở ra cho bạn đọc nhiều thế hệ những không gian văn hóa sinh động, chân thực, giàu tìm tòi, khám phá: từ những hoạt động sinh hoạt văn hóa thời xa xưa đến các kiến trúc văn hóa, các khung cảnh thiên nhiên đậm màu sắc văn hóa, cả những không gian cổ xưa trong mối liên hệ với không gian văn hóa hiện tại.
* Các hoạt động sinh hoạt văn hóa
Tiểu thuyết Nguyễn Triệu Luật khắc họa một cách chân thực những hoạt động sinh hoạt văn hóa của người dân miền Bắc Việt Nam trong quá khứ: từ những sinh hoạt văn hóa cầu kỳ, xa hoa của giới cầm quyền chốn cung đình, lăng tẩm đến những nét sinh hoạt văn hóa của người bình dân giản dị nhưng đậm đà bản sắc… từ những nét sinh hoạt dân gian sinh động như hát đối, hát đúm bên đồi chè, cha con nhà Nho khai bút ngày mồng một Tết,… đến những bữa tiệc hào nhoáng cung
đình, hay việc vì thờ phụng một cái quan tài mà biết bao thiếu nữ phải chôn vùi tuổi trẻ chốn Sơn Lăng…
Trước hết, Nguyễn Triệu Luật đã viết nên những trang tiểu thuyết đầy tìm tòi làm sống dậy cả một không gian văn hóa cung đình của quá khứ vài trăm năm trước. Tác giả tỏ ra rất am hiểu về các lễ tiết, các quy cách phức tạp chốn cung đình cũng như những sinh hoạt mang tính hưởng thụ xa hoa của tầng lớp thống trị trong xã hội. Nói đến cung vua, phủ chúa thì người ta thường hay nghĩ đến những sự lộng lẫy, giàu có, độc nhất vô nhị. Sinh hoạt của vua chúa, đời sống trong cung đình vốn ít được dân gian nhắc tới bởi ngày trước, dân gian sợ húy kỵ nên ngày nay cũng ít tài liệu nói về việc ấy. Sống trong cảnh trí lộng lẫy, xa hoa, cung vua phủ Chúa tất nhiên mang nhiều nghi lễ, nhiều sinh hoạt cầu kỳ, khác lạ. Trong đó, các lễ nghi và yến tiệc người xưa thường đặt ra thể hiện tính chất trang nghiêm, long trọng vừa để mừng một dịp tiết lễ hay một sự kiện trọng đại nào đó, vừa để ban thưởng cho những hoàng thân quốc thích hay các quan có công giúp triều đình phong kiến trong việc “bình hồ, trị quốc”.
Trong nhiều tiểu thuyết lịch sử, tác giả Nguyễn Triệu Luật dã dày công mô tả hết sức chi tiết các lễ nghi, lễ tiết, các yến tiệc cung đình vô cùng xa hoa thời Lê mạt. Ở Bà chúa Chè, tác giả đã tỉ mỉ miêu tả lại nghi lễ “Dâng hoa” (chương III), dành gần hai trang văn bản (trang 161 – 162 cuốn Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, Nxb Khoa học xã hội, 2011) để miêu tả cụ thể các nguồn gốc, hình thức, quy cách của nghi lễ này: “Trong nội phủ chúa Trịnh, về đời chúa Tĩnh Đô Vương Sâm, những vườn hoa chăm nom rất kỹ lưỡng, vì chúa thích chơi hoa. Mỗi buổi sáng, một người thị nữ phải dâng lên một lẵng hoa. Hoa dâng lên phải theo đúng tiết. Cứ mười lăm ngày, qua một tiết, là phải đổi thức hoa.
Chúa muốn theo như 24 tiết hoa của Tàu. Sách Tàu chép rằng mỗi một năm, từ tiết tiểu hàn đến tiết cốc vũ, gồm tám tiết, mỗi tiết chia ra làm ba thì hầu, mỗi thì hầu năm hôm. Mỗi thì hầu có một trận gió riêng, mỗi trận gió ăn vào một thứ hoa. Cứ gió ấy thổi đến thì hoa ấy nở, dường như gió thủ tín cùng hoa tới để mở đài hoa ra. Gió ấy gọi là hoa tín phong.
Tám tiết, 24 thì hầu và 24 ngọn hoa tín phong cùng 24 thứ hoa hứng gió mà nở” [33, 161 - 162]. Như chúng ta đã biết, việc chơi hoa trong cung vua phủ chúa là một thú chơi đã có từ rất lâu và việc các cung nữ, phi tần của nhà vua trồng hoa, thưởng thức hoa đã trở thành một nét sinh hoạt chốn hậu cung. Ngày xưa, trong mỗi dinh thự, phủ đệ của vua chúa, quan lại đều có một vườn hoa, thường là trồng các loại hoa quý hiếm như lan, mai, thủy tiên, hải đường, … Tại nội cung, các loài hoa lại càng quý hiếm, đa dạng hơn và được các cung nhân chăm sóc cẩn thận. Mỗi năm họ đều trồng cả trăm thứ hoa đẹp để có dịp dâng lên nhà vua nhân các ngày lễ tết. Các gia đình quý tộc, quan lại thời xưa cũng thường trồng hoa trong nội phủ để thưởng ngoạn, dùng cho các dịp lễ trong năm, hoặc để phô trương, khoe bày sự phú quý hay khí tiết của mình. Hoa là một chuẩn mực vẻ đẹp Á Đông. Khi xưa người con gái đẹp thường được ví như hoa. Ví dụ như trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần ví vẻ đẹp của nàng Kiều như một “đóa trà mi”, như “hoa đào”. Người quân tử khi xưa cũng thường đem hoa mai để so sánh với khí tiết thanh cao của mình. Vườn hoa giữa cung đình, trăm thứ hoa muôn màu, muôn vẻ chẳng khác nào tập hợp các vẻ đẹp trong thiên hạ. Lễ dâng hoa được đề cập ở đây không chỉ mang ý nghĩa dâng lên vua chúa vẻ đẹp của của các loại hoa, mà còn là cơ hội tranh giành sự chú ý nhỏ nhoi từ Chúa thượng. Trăm ngàn mĩ nữ trong cung nhưng chỉ thờ một chủ cũng như trăm thứ hoa trong vườn thượng uyển, đẹp nhưng sẽ là vô nghĩa, sẽ là uổng công chăm sóc nếu không được tiến dâng Chúa thượng. Chương III của Bà chúa Chè cũng mô tả việc cung nhân thi nhau trồng hoa, tìm mọi cách ép cho hoa nở đúng theo “tiết”, đúng thời gian để dâng lên chúa nhưng cuối cùng trong biết bao người lại chỉ có một vị được dâng hoa:
“Cứ sắp đến một tiết dâng hoa thì viên Nội giám rút thăm lấy một thẻ. Rút đúng thẻ người nào thì cung nữ nhà người ấy dâng hoa. Tiết dâng hoa đầu năm Nhâm Thìn thăm gắp đã vào cung nguyên phi họ Dương rồi; tiết dâng hoa năm ngoái năm Quý Tỵ lại về phần cung bà tân Ngọc Khoan.
Năm nay, sao thăm gắp lại về Ngọc Khoan năm nữa. Hơn một năm nay, bà đợi dịp mà lại qua mất. Công vun xới vườn hoa trong mấy năm, thế là uổng cả” [33, tr. 163 - 164].
Cái thú vui chơi hoa còn được nhắc tới trong Bà chúa Chè trong cả việc xây dựng “nhà riêng” cho Đặng Thị Huệ. Vì Đặng Thị mang tên một loài hoa đẹp và cũng chính nàng đã dâng hoa huệ cho Chúa khi còn là cung nữ, Chúa yêu quý mà xây tặng nàng Bội Lan Thất (hoa huệ có tên nữa là bội lan) “xung quanh bốn mặt đều trồng toàn huệ. Đến mùa hoa nở, đứng trên Tả Xuyên Đường cùng hậu đường trông sang toàn cảnh như một cái cung xây trên đám mây trắng. Chiều chiều mùa hạ, vào khoảng giờ Thân giở đi, hương hoa huệ thơm ngát cả một vùng. Nhà chúa mỗi buổi chiều lui vào hậu đường làm việc; hương hoa xông đến lại nhắc ngài cái người trùng tên với hoa”. Cũng vì việc hoa huệ là tên của vợ Chúa mà người trong cung phải kiêng gọi chệch tên hoa thành “hoa tuệ” [33, tr.174].
Cái thú thưởng hoa mai của giới quý tộc trong tác phẩm còn được nhắc đến thông qua bữa tiệc vương giả của gia đình nhà Chúa nhân rằm tháng tám. Tiệc này không chỉ là thưởng thức hoa mai mà còn là tiệc tổ chức nhân rằm tháng tám. Vẻ hào nhoáng, sang trọng của bữa tiệc phần nào phô bày sự giàu có của vua chúa bấy giờ: “Ngoài sân dưới gốc cây mai già đã bày sẵn tiệc thưởng nguyệt. Trên một cái sập gỗ kim giao trắng bóng như ngà, bày đủ các thức hoa quả thì trân cùng những món thực phẩm thưởng nguyệt: ốc nhồi, gỏi cá. Xung quanh mâm, đặt ba chiếc nệm điêu thử để chỗ sẵn ba người ngồi: chúa, Đặng Thị và vương tử Cán” [33, tr.189].
Bên cạnh sở thích hưởng thụ những thứ quý hiếm, vua chúa cũng đặt ra những nghi lễ cầu kỳ, xa hoa. Ví dụ như lễ “già năm” của Trịnh Khải được miêu tả cuối chương II của Bà chúa Chè. Chỉ một cái lễ đầy tháng cho cháu trai của Chúa nhưng đã khiến biết bao người trong cung phải tất bật chuẩn bị. Bữa tiệc diễn ra hết sức trang trọng: “Từ hôm mồng mười, đoàn vũ nữ trong cung đã phải tập múa lục dật, tập hát khúc trình tường”, “Một hồi sau, chúa, nguyên phi, thế tử, Ngọc Hoan cùng đến. Chúa và nguyên phi ngồi ở sập sơn then thếp vàng giữa nhà. Cạnh
sập ấy, bên tả một chiếc đoản kỷ, thế tử ngồi; bên hữu một chiếc đoản kỷ nữa, Ngọc Hoan ngồi. Cạnh chiếc đoản kỷ ấy, một người cung nhân đứng bồng một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy đầu đội mũ màu vàng nhợt thêu một con rồng bằng kim tuyến, mình mặc áo kim ngân đoạn màu huyền”, “Sau khi yên vị từng người phải ra chiếu bái lạy Chúa Minh Đô” [33, tr.158 – 159]. Sinh động hơn cả là việc miêu tả lễ “thí nhi” (thử trẻ): “Trên một chiếc sập to kê gian bên, bày đủ các thứ đồ chơi chế theo hình đủ các vật dùng của tứ dân: bút, mực, giấy, nghiên, cày, bừa, búa, đục, bay, kéo, v.v... Người cung nhân đặt Trịnh Tông lên sập” để Trịnh Tông tự lựa chọn vật mình thích. Việc này mang ý nghĩa tượng trưng cho sự nghiệp tương lai mà đứa trẻ sẽ chọn.
Thực tế, nghi lễ này mang nhiều ảnh hưởng từ văn hóa dân gian của người Việt. Theo phong tục nước ta, đứa bé sinh được tròn một tháng thì phải cúng đầy tháng cho con. Lễ mừng con đầy tháng cũng cúng mụ như khi đầy cữ, kết hợp cúng thổ công và cúng gia tiên. Trong dịp này, nhiều gia đình đã mời họ hàng, bạn bè tới ăn cỗ để mừng cho đứa trẻ đã qua thời kỳ trứng nước được một tháng tuổi. Trong sách Bắc bộ lục có nói: Tục Lĩnh Nam nhà giàu đẻ con được ba ngày, hoặc đầy tháng, thì tắm cho con, làm một bữa tiệc gọi là "đoàn du phạn" (nghĩa là bữa cơm tròn trặn trơn tru). Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn viết: … Đến hôm đầy tháng, hôm một trăm ngày, hôm đầy tuổi tôi, đều có làm cỗ cúng gia tiên, bầy tiệc ăn mừng. Bà con, người quen thuộc, dùng thơ, câu đối, đồ chơi, đồ quần áo trẻ để mừng nhau. Mà nhất là tiệc một trăm ngày là tiệc đầy tuổi tôi to hơn cả [dẫn theo Tài liệu 6, trang 11-12]. Ngoài việc cúng lễ cầu mong cho bé hay ăn mau lớn, luôn khỏe mạnh, trước kia còn có tục lệ thử đứa trẻ. Hôm ấy, bé được tắm gội sạch sẽ mặc quần áo mới. Nếu là con trai thì bày cung tên, bút giấy, cưa đục..., con gái thì bày kim chỉ, dao kéo, thúng mẹt, rổ rá. Sau lễ cúng, người lớn đặt đứa trẻ ngồi trước mọi đồ vật để xem nó thích thứ gì. Người Trung Hoa gọi tục lệ này là ''Thí nhi'' nghĩa là ''thử trẻ". Nếu đứa bé trai nhặt cây kiếm hay cái cung có thể đoán sau này nó sẽ theo nghề võ. Nhặt bút giấy sẽ theo đường văn chương. Nhặt cưa đục sau
sẽ thành thợ mộc. Còn bé gái nếu chọn kim chỉ dao kéo sau sẽ có tài nội trợ vá may, nếu chọn rổ rá, thúng mẹt chắc lớn lên sẽ đi buôn bán v.v...
Trong tác phẩm Loạn kiêu binh, chương IV có nhắc tới cả việc thưởng yến cho dân chúng của vua Lê. Trong chương này, tác giả đã cho chúng ta thấy được một nét sinh hoạt cung đình nhằm thể hiện sự giàu có và hào phóng của giai cấp thống trị: thường thì “Vua ban cho thần dân ăn uống gọi là ban yến (tứ yến). Theo sự nhận biết của phần đông dân gian thì vua đã ban yến cho thần dân, thức ăn phải là sơn hào hải vị, da tây vây cá, tóm lại là thức ăn “không phàm thường””. Tuy nhiên, tác giả cũng đem việc đó để gợi nhắc cái tình thế “tượng gỗ làm vì” của vua Lê, nhà Lê làm vua nhưng thực quyền lại trong tay nhà Trịnh: “Gỏi cá trấn, cháo ám cá quả, tuy là món ngon, tuy là món ăn nhà vua thích dùng, tuy là món ăn thì trân, nhưng nó có vẻ “phàm thường” quá” [33, 312].
Cùng với những nét sinh hoạt kể trên, trong các tác phẩm nhiều lần nhắc đến sự nghiêm ngặt của cung quy. Tẩm cung luôn luôn canh phòng cẩn mật, đến độ Trịnh Khải là con chúa (trong chương đầu của Chúa Trịnh Khải) muốn vào thăm Chúa Trịnh Sâm còn bị ngăn lại, đành uất ức ra về. Các chi tiết miêu tả những việc làm thường ngày của các vị Chúa đều cho thấy rõ nét quy của cung đình. Ví dụ như Chúa phê duyệt tấu sớ nhất định không được làm phiền, nếu không có khi đầu lìa khỏi cổ (chương III của Bà chúa Chè), ngay cả việc di chuyển của Chúa trong cung cũng phải có thị nữ, thái giám theo hầu, cạnh Chúa luôn có Thái giám tâm phúc kề cận, việc lựa chọn các bà hoàng hầu Chúa cũng phải thông qua Thái giám. Bên cạnh đó, các tác phẩm Bà chúa Chè, Hòm đựng người còn vẽ ra một bức tranh sinh động miêu tả số phận, đời sống, sinh hoạt gắn với những cung nữ trong phủ Chúa.
Từ xa xưa, ở các triều đại phong kiến Việt Nam mỗi vị vua chúa đều chứa trong hậu cung của mình vô số mĩ nữ. Số lượng các cô gái có thể đến cả trăm, cả ngàn người nhưng đều phải giữ mình trong sạch và chỉ được có quan hệ tình cảm với một đấng quân vương duy nhất. Nhắc tới chốn cung vua, phủ chúa nhiều người lập tức liên tưởng đến hậu cung biết bao nhiêu cung tần mĩ nữ, cả đời không được
rời khỏi cấm cung. Vì thế sinh hoạt chốn cung đình không thể không nhắc tới đời sống của họ.
Trong chương II tác phẩm Bà chúa Chè, tác giả miêu tả trong các bà vợ, mỗi đêm Chúa Trịnh Sâm cho truyền một người vào hầu hạ mình chuyện chăn gối. Chúa sẽ truyền thẻ có ghi tên người được vào hầu rồi chuyển tới cho Thái giám Khê Trung hầu, sau đó Khê Trung hầu sẽ sắp xếp mang người con gái đó vào nội đường chờ sẵn. Nhưng đôi khi vì quá say đắm sắc đẹp của bà vợ này mà Chúa bỏ bẵng bà kia. Đó cũng là lẽ thường tình giữa hậu cung bao nhiêu người đẹp. Vì thế mới có chuyện Thái giám Khê Trung hầu vì muốn giúp đỡ cho Ngọc Hoan vốn đã bị ghẻ lạnh từ lâu được có cơ hội hầu hạ Chúa. Vị thái giám này đã cố ý nghe nhầm tên của Ngọc Khoan, người đang được Chúa hết mực ân sủng thành Ngọc Hoan để đưa nàng vào nội điện. May mắn là sau đó, mặc dù không được ngó ngàng tới nữa nhưng Ngọc Hoan đã mang thai, sinh ra vương tử Trịnh Tông sau này.
Qua hồi ức của nhân vật Thái giám Khê Trung hầu trong chương V tác phẩm Loạn kiêu binh ta biết thêm nhiều câu chuyện chốn khuê phòng của nhà vua chúa được chính ông ghi chép lại. Tất cả mọi chuyện từ bổng lộc cho lũ nội thần