Một số vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa – Hà Nội hiện nay (Trang 69 - 74)

7. Kết cấu của luận văn

2.2 Một số vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức

cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa hiện nay

Qua đánh giá thực trạng và nguyên nhân của công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hoà đặt ra nhiều vấn đề trong công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hoà:

Thứ nhất, vấn đề nhận thức về vai trò của đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng

Đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng là con đường cơ bản, là yêu cầu cần thiết để hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa nói riêng. Song, thực tế cho thấy, công tác giáo dục đạo đức cách mạng chưa được các cấp ủy đảng và các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện nhận thức và quan tâm, chú trọng đúng mức; bản thân mỗi cán bộ, đảng viên chưa học tập, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng một cách thường xuyên và hiệu quả.

Trong những năm đổi mới vừa qua, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng ta sống và hoạt động trong hoàn cảnh có nhiều đặc điểm mới so với những năm

áp dụng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, những thách thức mới của bước chuyển sang cơ chế thị trưởng, mở rộng dân chủ, mở cửa hội nhập với bên ngoài đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và huyện Ứng Hòa nói riêng. Chính những yếu tố đó, đã lôi cuốn sự quan tâm của con người nói chung và ngay cả việc chăm lo giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vào các nhân tố kinh tế, khoa học kỹ thuật, tri thức để đáp ứng yêu cầu đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giáo dục đào tạo và định hướng giá trị cho cán bộ, đảng viên chỉ coi trọng học vấn, bằng cấp, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý kinh doanh mà xem nhẹ hoặc bỏ qua việc giáo dục, rèn luyện các phẩm chất đạo đức. Chính đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự lơi lỏng, thờ ơ, thiếu sự quan tâm và đầu tư đúng mức đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa trong giai đoạn hiện nay phải đổi mới và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức cách mạng và vai trò của đạo đức cách mạng cho mọi lực lượng giáo dục, mọi tổ chức giáo dục, từ cấp lãnh đạo, quản lý, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, vấn đề xây dựng hệ thống tiêu chí thống nhất về các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Xây dựng hệ thống tiêu chí thống nhất về các chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa nói riêng là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên theo đó tự rèn luyện, bồi dưỡng; tổ chức đảng, cơ quan, ban, ngành căn cứ vào đó để xây dựng nội

dung, chương trình giáo dục một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chuẩn mực đạo đức cách mạng không phải là yếu tố bất biến, mà nó không ngừng vận động, phát triển, được bổ sung qua từng giai đoạn phát triển của sự nghiệp cách mạng. Để xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng đúng đắn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải dựa trên cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn khách quan. Đó là những quan điểm, nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về nội dung đạo đức cách mạng để từ đó mà xác định nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, để xây dựng được hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ và từ thực tiễn phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và con người của địa phương, đơn vị mình.

Xây dựng chuẩn mực về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ cách mạng luôn được kế thừa, bổ sung phù hợp với tình hình mới của sự nghiệp cách mạng đặt ra. Trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ, thách thức đặt ra cho đất nước ta, đặc biệt là sự tác động của nền kinh tế thị trường, âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên phải mang những nội dung mới. Nếu như trước đây, khi nói về chuẩn mực đạo đức người cán bộ, đảng viên chúng ta nhấn mạnh đến những nội dung về tinh thần yêu nước, trung với Đảng, hiếu với dân, cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên lợi ích cá

nhân thì hiện nay, trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ, đảng viên chúng ta bên cạnh những phẩm chất đạo đức trên, chúng ta cần quan tâm đến năng lực lãnh đạo, năng lực dự báo và định hướng phát triển, có ý thức và khả năng đấu tranh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng trước những luận điểm phản động của các thế lực thù địch… Nói tóm lại, là cần kết hợp giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách toàn diện vừa có tài vừa có đức, vì yêu nước hiện nay không chỉ là sẵn sàng hy sinh cho dân tộc mà còn là khả năng sáng tạo, đem lại hiệu quả, năng suất lao động cao cho đất nước, làm cho đất nước vững mạnh.

Một điều cần lưu ý là, khi xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải căn cứ vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng chức danh cán bộ, đảng viên để xây dựng thành chuẩn mực đạo đức cụ thể, phản ánh đúng bản chất công việc và trách nhiệm của tổ chức, cơ quan và bản thân cán bộ, đảng viên đó.

Thứ ba, về hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Có thể nói, hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên lâu nay cũng như giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa nói chung còn nhiều bất cập: nghèo nàn, đơn điệu về phương pháp, sơ cứng về hình thức. Do đó, chất lượng giáo dục đạt hiệu quả thấp, việc giáo dục đạo đức chủ yếu bằng cách rao giảng lý thuyết.

Những phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên không phải là cái có sẵn, không hình thành một cách tự phát. Giáo dục đạo đức là con đường, biện pháp cơ bản để hình thành những phẩm chất ấy. Vì vậy, nó không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, hay mang tính thời vụ. Đó là một quá trình hoạt động tích cực, chủ động vừa phải khắc phục những hạn

chế vừa phát hiện, khai thác và phát triển cái mới. Đó còn vừa là quá trình giáo dục, tự giáo dục và tự rèn luyện. Giáo dục đạo đức là quá trình chuyển những yêu cầu xã hội thành sự thôi thúc nội tâm bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên, hình thành nên những xúc cảm, tình cảm mới tạo động lực để họ thực hiện hành vi đạo đức.

Trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để để chúng ta noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 bài và tác phẩm viết về vấn đề đạo đức cách mạng. Trong quá trình giáo dục đạo đức cách mạng, Người cho rằng: để công tác giáo dục đạo đức cách mạng đạt hiệu quả cần phải kiên trì phổ biến giáo dục đạo đức cách mạng mọi lúc, mọi nơi. Thực hiện tinh thần “hối nhân bất quyện” (dạy người không mỏi), Hồ Chí Minh đã làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhận thức và thực hành đạo đức cách mạng một cách thường xuyên và thiết thực. Ngoài ra, trong quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, một trong những phương pháp được Người sử dụng triệt để và có hiệu quả là phương pháp nêu gương những cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên cộng sản của Đảng dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Vận dụng phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải được xem là công việc thường xuyên của Đảng. Đồng thời, cần xây dựng môi trường tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh để tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, cần phải đòi hỏi vai trò nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giáo dục đạo đức đòi hỏi

các lực lượng giáo dục, các chủ thể giáo dục phải nỗ lực trong việc kết hợp chặt chẽ giữa khoa học và nghệ thuật giáo dục, giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm nhằm hướng cán bộ, đảng viên tới các chuẩn mực đạo đức.

Thứ tư, vấn đề nhận thức của cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng

Công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay chưa đạt được kết quả cao là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa được nhận thức đầy đủ, đúng mức và thực hiện thường xuyên, có nền nếp trong sinh hoạt Đảng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng cũng như phương pháp, cách thức trong tự phê bình và phê bình cần phải được nâng lên. Phê bình ở đây là phê bình việc, chứ không chỉ phê bình người và phê bình phải trên tinh thần khách quan, công tâm; mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho bản thân và đồng chí của mình thấy được mặt mạnh để phát huy, những mặt còn hạn chế để sửa chữa, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng tốt hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Ứng Hòa – Hà Nội hiện nay (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)