Chƣơng 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU
2.3 Đánh giá nhu cầu học nghề của ngƣời khuyết tật
Tác giả dựa vào lý thuyết nhu cầu của Maslow và quá trình phỏng vấn sâu để phân tích, đánh giá các nhu cầu của NKT.
Nhu cầu học nghề để có công việc ổn định, tạo thu nhập.
Con người ai cũng có những nhu cầu giống nhau và nhu cầu riêng của bản thân để sống và tồn tại trong xã hội. Những nhu cầu đó thể hiện qua lời nói việc làm của họ. Hầu hết mọi người trong xã hội đều muốn lao động, có công việc, để được đáp ứng lại những nhu cầu cá nhân của mình và cống hiến cho xã hội. NKT cũng vậy, họ cũng có nhu cầu là việc làm.
NKT khi đến với cơ sở dạy nghề đều có mục đích học khác nhau tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, tính cách của mỗi người. Tuy nhiên đa số NKT khi được hỏi về nhu cầu học nghề thì họ đều mong muốn học nghề xong sẽ được nhận vào làm việc tại một cơ sở hoặc công ty để tạo ra thu nhập, nuôi sống chính bản thân mình và không dựa vào người khác. Họ muốn ổn định về cuộc sống được yên tâm về các chế độ bảo hiểm xã hội, muốn đóng bảo hiểm để hưởng chế độ lương hưu, được pháp luật bảo vệ, được chăm sóc bởi các dịch vụ y tế và xã hội.
“Trước kia em chỉ ở nhà chơi với em, làm những việc nhà phụ giúp bố mẹ. Cách đây 4 tháng em xem trên truyền hình Bắc Giang có thấy cơ sở 19/5 dạy nghề cho NKT em đã xin bố mẹ cho đi học, mới đầu bố mẹ em không cho đâu, em phải thuyết phục mãi bố mới đồng ý. Bây giờ thì em đang học nghề may, hi vọng học xong em sẽ xin được việc, nhặt chỉ cũng được, miễn là có thu nhập, được đóng BHXH, để sau này em có già không lao động được nữa thì vẫn có lương hàng tháng”.
(Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang).
“Mỗi tháng nhà nước trợ cấp cho tôi không đủ tiền để chi tiêu những thứ cần thiết nên tôi luôn muốn kiếm thêm thu nhập từ nhiều nghề khác nhau, tôi có một cửa hàng sửa chữa quần áo rồi nhưng ít khách lắm, bây giờ hỏng
là bỏ luôn chứ ít có người đến sửa như trước nên không có thu nhập . Hiện tại tôi đang học thêm nghề thêu, bây giờ nhiều người mua tranh chữ thập lắm nên cũng có thêm thu nhập”.
(Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang)
“Học nghề để kiếm tiền, tôi là con trai duy nhất trong gia đình không thể sống dựa vào bố mẹ mãi được, rồi bố mẹ tôi cũng già đi, sao mà nuôi tôi mãi được. Tôi muốn kiếm được nhiều tiền để sau này còn lấy vợ, nuôi con. Con trai mà không kiếm ra tiền thì không lấy được vợ đâu chị ạ”. (Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang)
NKT huyện Lạng Giang, đa phần xuất phát từ gia đình làm nông nghiệp, gặp nhiều khó khăn do họ ít có khả năng lao động, sức khỏe yếu hay ốm đau, bệnh tật. NKT dạng nặng hầu như không có khả năng lao động, phải có người phục vụ. NKT dạng nhẹ, đi lại, sinh hoạt cá nhân gặp nhiều khó khăn vì vậy họ thường ở trong nhà, chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình. Học nghề rồi có được việc làm không chỉ tạo ra thu nhập cho chính bản thân NKT, giải quyết kinh tế cho bản thân NKT mà còn đóng góp vào cho gia đình cải thiện bữa ăn hàng ngày và những sinh hoạt cá nhân cần thiết. Học nghề xong có được công việc ổn định sẽ cải thiện được cuộc sống. Giúp cho NKT và gia đình họ hàng tháng tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ để làm những công việc khác như sửa nhà, mua các thiết bị trong gia đình.
“Tôi chỉ mong sau này đi làm tiết kiệm tiền mua tủ lạnh để trong nhà, có thưc ăn hay hoa quả thì cho vào đó để, để ngoài toàn bị ôi”.
(Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang) Nhu cầu vật về ăn mặc ở là các nhu cầu cơ bản cho sự tồn tại của một con người đó là thức ăn, nước uống, nhà ở…Các nhu cầu làm cho con người thoải mái về cơ thể. Theo Maslow đây là nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Khi NKT được thỏa mãn nhu cầu này đầy đủ thì họ sẽ mong muốn và có cơ hội để tiếp tục phát triển các nhu cầu cao hơn.
Nhu cầu ăn mặc ở của NKT đã được đáp ứng do có sự trợ giúp từ phía gia đình, nhà nước và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mình NKT cần có công việc ổn định, có thu nhập nhưng số lượng NKT tìm được việc làm sau khi học nghề chưa nhiều. NKT học nghề nông nghiệp và chăn nuôi cũng đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất còn rất ít, hầu như không có NKT tự xây dựng mô hình VAC, mô hình trang trại. Họ chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thời tiết và thị trường tiêu thụ. Do vậy, nhu cầu cải thiện cuộc sống của NKT huyện Lạng Giang mới chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ NKT, bộ phận đa số mức sống vẫn thấp vì vậy họ luôn khao khát có công việc, có mức sống trung bình so với xã hội.
Nhu cầu giao tiếp, yêu thương
Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu trong mỗi con người, đặc biệt là với NKT. NKT ở tại gia đình họ chủ yếu giao tiếp với người thân, còn người xung quanh họ ít khi giao lưu, vì vậy làm giảm khả năng giao tiếp của họ. Những NKT ngôn ngữ, khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp do họ phải sử dụng kí hiệu nhưng không phải ai cũng hiểu, đối với khiếm thính họ không thể quan sát ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ của mọi người. Trong quá trình họ giao tiếp với người không khuyết tật họ, rụt rè, tự ti, ngại tiếp xúc, giao lưu, họ sống khép kín, thu mình lại với những người xung quanh. Các giáo viên dạy nghề cho NKT dùng các ký hiệu để giao tiếp với NKT ngôn ngữ, người khiếm thính và NKT trong trung tâm dạy nghề sẽ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của mình. Khi họ gặp nhau trong cùng một môi trường làm việc, cùng sinh hoạt và học nghề họ có cơ hội giao lưu với nhau.
“Khóa học trước có anh Nguyễn Văn L học nghề điện và Chị Phạm Thị T học thêu, hai người đã quen nhau khi học tại cơ sở, nảy sinh tình cảm. Sau khóa học một thời gian hai người đã nên duyên vợ chồng”
“Em thích đi học lắm, đi học được gặp bạn bè, được nói chuyện với các bạn, ở nhà chán lắm, bố mẹ em đi làm suốt chẳng nói chuyện với ai cả”.
(Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang) Giao tiếp làm cho NKT giảm đi áp lực tâm lý trong cuộc sống mà họ gặp phải. Họ được nói ra suy nghĩ của mình và nhận được những lời khuyên của giáo viên, bạn bè xung quanh. Tại các tung tâm dạy nghề cho NKT việc giao tiếp sẽ giúp NKT dễ thông cảm, chia sẻ với nhau hơn so với cộng đồng. Họ là NKT nên có sự đồng cảm với nhau trong cuộc sống. Trong môi trường này họ dễ dàng tìm được những người bạn đồng hành trong cuộc sống. Trong quá trình giao tiếp NKT sẽ trao đổi những thông tin về bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Khi giao tiếp họ được cung cấp những kiến thức mới mà trước đây họ chưa có điều kiện được tiếp cận. Trong những giờ học việc giao tiếp sẽ giúp họ hiểu bài sâu hơn và có những sáng kiến mới
Theo thuyết nhu cầu Maslow đây là nấc thang nhu cầu thứ 3, cá nhân không thể tồn tại khi thiếu các mối quan hệ từ gia đình, bạn bè, cộng đồng…Vì vậy, mỗi cá nhân đều mong muốn thuộc về một nhóm cộng đồng nào đó, họ muốn có một gia đình nhỏ, bạn bè tin cậy. Nhu cầu này được NKT thể hiện qua quá trình họ học nghề, kết bạn tại cơ sở dạy nghề, tham gia các câu lạc bộ, tham gia học nghề, làm việc. Maslow cho rằng, nếu nhu cầu này không được thỏa mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh về mặt thần kinh, tinh thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người sống đơn độc thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, thần kinh hơn những người sống với gia đình và có giao tiếp, tác động thường xuyên với môi trường xã hội.
Nhu cầu giao tiếp tại lớp đã đáp ứng được yêu cầu của NKT tại huyện. Trong quá trình học NKT được giao tiếp với nhau qua các giờ học, giờ ra chơi và các buổi sinh hoạt tập thể. Họ chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong cuộc sống và có những lời khuyên cho nhau khi gặp khó khăn. Khi khóa học kết
thúc những NKT dùng điện thoại cho nhau ghi lại số điện thoại của mình và sau khóa học NKT có thêm những người bạn mới cùng cảnh ngộ để chia sẻ.
Nhu cầu được tôn trọng.
NKT luôn mong muốn được người khác quý mến, tôn trọng thông qua các kết quả học tập, làm việc của bản thân mình. Họ mong muốn mình có vị trí trong nhóm, trong xã hội, muốn được mọi người xung quanh không nhìn mình bằng ánh mắt thương hại. Thực tế cho thấy những người thích nghi được với những hạn chế và khuyết tật của mình nếu được thừa nhận và khích lệ của mọi người xung quanh đều có những tiến bộ đáng ghi nhận. NKT vươn lên trong cuộc sống, hoạt động xã hội hoặc có một công việc tạo thu nhập sẽ được mọi người xung quanh tôn trọng hơn. Vì vậy, hoạt động dạy nghề sẽ tạo điều kiện để sau này NKT tạo thu nhập, có vị trí trong gia đình, trong công việc.
“ Tôi cũng mong muốn học nghề xong có công việc như bao nhiêu người khác, có nghề tôi sẽ có thu nhập, không bị coi thường là người vô dụng. Tôi muốn được mọi người xung quanh tôn trọng mình và không nhìn tôi với ánh mắt thương hại”.
(Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang) Những năm gần đây NKT thành công trong việc học nghề và công việc rất phổ biến, số người thành công ngày càng nhiều và họ đã khẳng định là một lực lượng lao động có hiệu quả trong xã hội. Khi hiểu rõ được những thành công này sẽ giúp NKT kiên nhẫn hơn với những khiếm khuyết của bản thân mình. NKT mang lại lợi ích cho bản thân mình, cho nhà tuyển dụng và cho xã hội.
“Tôi không thích người khác nhìn mình bằng ánh mắt thương hại, tôi muốn khẳng định với mọi người rằng NKT cũng có thể làm việc như người lành lặn”.
“Lao động một phần nào giúp chúng tôi khẳng định được giá trị bản thân. Chúng tôi khao khát được cộng đồng, doanh nghiệp ghi nhận, thấy được năng lực làm việc của chúng tôi”.
(Pvn, nhóm NKT huyện Lạng Giang) Trong thuyết nhu cầu của Maslow nhu cầu tự khẳng định bản thân là nhu cầu có tác động lớn nhất tới sự hoàn thiện nhân cách. Maslow mô tả nhu cầu này là sự mong muốn được là chính mình, được làm những gì mình muốn. Đây là nhu cầu tự khẳng định mình, nhu cầu cho sự trưởng thành của cá nhân, cơ hội cho sự phát triển và học hỏi cá nhân để tự hoàn thiện mình. Nhu cầu về tự thể hiện bản thân, muốn sáng tạo được thể hiện khả năng, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
Trong quá trình NKT học nghề và làm việc nếu họ được giáo viên, các bạn cùng lớp đánh giá tích cực về bản thân họ sẽ tiếp tục có động lực để cố gắng đương đầu với những khó khăn của mình.
Dạy nghề cho NKT giáo viên không chỉ nắm chắc các kiến thức chuyên ngành, giao tiếp phi ngôn ngữ mà còn phải hiểu nhu cầu, tâm lý của NKT. Để từ đó động viên khích lệ, khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho NKT tiếp tục học nghề và sáng tạo những sản phẩm mới.
Nhu cầu khẳng định bản thân
NKT luôn mong muốn được là chính mình, được làm những việc như người không khuyết tật. Họ muốn được khẳng định mình, khẳng định sự phát triển, trưởng thành của bản thân, muốn có cơ hội cho sự phát triển công việc và học hỏi để tự hoàn thiện bản thân mình về mặt nhân cách, trí tuệ. NKT còn mong muốn được sáng tạo, thể hiện khả năng sáng tạo trong công việc. Họ mong muốn những sản phẩm của mình làm ra được trưng bày và mọi người công nhận. Với nhu cầu trên NKT họ muốn được học nghề để phát huy khả năng tiềm ẩn của mình mà chưa có điều kiện cơ hội thể hiện. Với khiếm thính, khiếm thị họ rất khéo léo trong công việc may, thêu. Các cơ sở dạy
nghề có trưng bày sản phẩm do NKT làm, tạo ra sự khích lệ cho người NKT. Mong muốn có công việc ổn định tự lo cuộc sống cho bản thân và giúp đỡ người khác là nhu cầu chính đáng của NKT. Tạo điều kiện và định hướng giúp NKT được đáp ứng nhu cầu có việc làm chính là động lực thưc đẩy cho sự phát triển nhân cách toàn diện của NKT.
Đánh giá nhu cầu được tôn trọng, được khẳng định bản thân của NKT tại huyện. Đi học nghề không chỉ là niềm vui của NKT còn là niềm tự hào của NKT, của gia đình họ. Khi NKT đi học họ thấy mình được tôn trọng hơn, người xung quanh nhìn họ bằng cái nhìn thiện cảm hơn. Sự tôn trọng này được thể hiện ngay trong lớp học, giữa giáo viên với NKT, giữa NKT với NKT, và sau khi làm việc. NKT tìm thấy được sự tôn trọng ngay trong chính lớp học và cộng đồng xã hội nhìn họ với cái nhìn thiện cảm hơn.