Cải thiện yếu tố thẩm mỹ trong lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cải thiện điều kiện làm việc tại Công ty Cổ phần Sách và thiết bị Trường học Hà Nội (Trang 33 - 37)

7. Kết cấu của đề tài

1.2. Nội dung và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp

1.2.3. Cải thiện yếu tố thẩm mỹ trong lao động

Ngày nay, cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất đủ đầy hơn nên các cơ quan công sở càng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện phục vụ công việc. Hiệu quả làm việc của các cán bộ công chức không chỉ phụ thuộc đơn thuần vào trình độ của cán bộ công chức đó mà còn phục thuộc một phần không nhỏ vào điều kiện làm việc. Khi xem xét điều kiện làm việc trong công sở cần quan tâm đến hai yếu tố chính sau:

1.2.3.1. Bố trí không gian sản xuất phù hợp với thẩm mỹ

Việc bố trí các bộ phận chức năng là yếu tố quan trọng để đưa bộ máy hoạt động theo dây chuyền công năng hợp lý, việc bố trí phù hợp sẽ giúp người lao động rút ngắn thời gian để hoàn thành công việc và tránh chồng chéo giữa các nhóm làm việc với nhau. Ngoài ra bố trí các bộ phận chức năng phải đầy đủ và làm tốt nhất việc thỏa mãn các nhu cầu làm việc của người lao động. Việc bố trí các bộ phận chức năng cần phải nghiên cứu kỹ công nghệ để đưa ra giải pháp xử lý mặt bằng sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Không chỉ bố trí sao cho thuận tiện cho người lao động mà còn phù hợp với đặc điểm sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo quá trình sản xuất được diễn ra một cách đồng bộ liên tục, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để tiến hành quá trình lao động và tạo hứng thú tích cực cho người lao động. Đặc biệt, bố trí không gian hợp lý giúp người lao động có khả năng thực hiện những thao tác lao động trong tư thế thoải mái, phù hợp với đặc điểm sinh lý tạo điều kiện để giảm hao phí năng lượng cho phép thực hiện các phương pháp và thao tác lao động tiên tiến.

Biện pháp cải thiện:

- Lựa chọn nội thất thân thiện với môi trường. - Sắp xếp nội thất khoa học.

- Phân bổ không gian để mọi người đi lại thuận tiện. - Tối ưu hóa các sản phẩm.

- Bổ sung cây xanh vào không gian làm việc.

1.2.3.2. Tăng tính thẩm mỹ của trang thiết bị

Cần trang bị cho nơi làm việc đầy đủ các loại máy móc, thiết bị, công cụ…cần thiết theo yêu cầu của nhiệm vụ sản xuất và chức năng lao động. Các công cụ này phải được thiết kế phù hợp với yêu cầu của lao động và với bản thân người lao động. Sản xuất ngày càng phát triển, trình độ tổ chức khoa học ngày càng cao thì việc lựa chọn trang thiết bị phù hợp với nhu cầu sản xuất cũng như tâm sinh lý người lao động. Trang thiết bị bao gồm các trang thiết bị chính, trang thiết bị phụ (thiết bị bốc dỡ, vận chuyển…) các thiết bị phải đảm bảo yêu cầu nhất định trong đó có nhu cầu về thẩm mỹ.

Trang thiết bị chính là những thiết bị người lao động dùng để trực tiếp tác động vào đối tượng lao động. Các thiết bị chính phải phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất và hoạt động.

Trang thiết bị phụ là những thiết bị giúp cho người lao động thực hiện quá trình lao động với hiệu quả cao như các thiết bị bốc xếp, các thiết bị vận chuyển (cầu trục, pa lăng, xe đẩy, xe nâng tạ, băng chuyền…). Tùy thuộc vào công việc của thiết bị chính, sản phẩm của từng giai đoạn sản xuất ở mỗi nơi làm việc mà yêu cầu các thiết bị phụ khác nhau.

Việc phù hợp của các trang thiết bị giúp giải phóng con người ra khỏi hoạt động chân tay nặng nhọc, tạo ra được tư thế làm việc tốt nhất, ngoài ra còn đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn khi sử dụng và đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ. Có như vậy mới giúp người lao động giảm bớt được sự nhàm chán, tăng cảm giác hứng thú trong lao động.

Biện pháp cải thiện:

- Trang thiết bị phải được thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. - Sử dụng các thiết bị phụ gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, tiết kiệm không gian lưu giữ.

- Màu sắc máy móc, thiết bị phải phù hợp với không gian làm việc không gây kích thích thị giác.

1.2.3.3. Cải thiện một số yếu tố khác trong thẩm mỹ

Bên cạnh việc xây dựng kiến trúc không gian nơi làm việc, trang thiết bị hiện đại phù hợp với môi trường làm việc thì không thể không kể đến yếu tố làm tăng năng suất lao động như âm nhạc và màu sắc. Chúng có tính ứng dụng rất cao trong đời sống con người nói chung và trong lao động nói riêng. Đưa âm nhạc và màu sắc vào trong lao động là điều cần thiết giúp người lao động thư giãn, giảm stress...

Màu sắc: màu sắc tác động đến xúc cảm con người mạnh nhất, đến cảm giác của con người, đến sinh lý, đến trạng thái tâm lý, đến tâm trạng con người, đến kết quả lao động. Tùy từng không gian chức năng khác nhau để sử dụng màu sắc sao cho hiệu quả và phát huy tác dụng tốt trong môi trường lao động hay nghỉ ngơi của người lao động. Sử dụng màu sắc thích hợp để gây được cảm giác hứng thú trong công việc, kích thích tâm lý để nâng cao năng suất lao động.

Màu sắc được sử dụng để tạo điều kiện tối ưu cho tri giác nhìn, hoạt động thể hiện ở sự phản chiếu ánh sáng giúp cho mắt nhìn rõ hơn như màu lam sáng, vàng sáng, màu trắng hay để nhấn mạnh và phân biệt các nút, phím, tay cầm, điều khiển, có thể sơn bằng các màu nổi bật, dễ tìm, dễ nhận biết. Màu sắc được sử dụng để trang trí và làm đẹp nơi làm việc tạo cho con người thấy hưng phấn, kích thích trí óc, tăng sự sáng tạo tạo hiệu quả công việc cao.

Ví dụ như nên sử dụng gam màu nóng (màu kem, màu hồng) cho nơi làm việc có nhiệt độ thấp hay sử dụng gam màu lạnh cho nơi làm việc có nhiệt độ cao (màu xanh).

Biện pháp cải thiện:

- Trồng nhiều cây xanh tạo không khí trong lành, đồng thời gam màu xanh giúp không gian thoáng đãng, giảm căng thẳng mệt mỏi.

- Hạn chế sử dụng các gam màu nóng vào mùa hè, gam màu lạnh vào mùa đông.

- Các phân xưởng thường xuyên tiếp xúc dầu mỡ, chất bụi bẩn, hóa chất nên sử dụng gam màu tối, trong văn phòng để giảm tác động của tiếng ồn nên sơn tường có độ nhám nhất định và sơm màu làm hạn chế sự phân tán chú ý (màu ghi, màu xanh ve…).

- Các bộ phận điều khiển nên sơn màu dễ chú ý (màu đỏ, màu vàng…), phương tiện chỉ báo kỹ thuật an toàn lao động như xe rùa điện, cần móc trực điện, thùng rót nguyên liệu nên sơn màu ngựa vằn.

- Ngoài ra, khi bố trí màu sắc phải chú ý sự phù hợp với không gian, thiết bị đồ vật xung quanh, tránh chồng chéo màu sắc.

Âm nhạc: Tạo ra một tâm trạng tốt và nhịp điệu lao động cao, ổn định, điều này dẫn đến hạ thấp độ mệt mỏi trong lao động. Âm nhạc phù hợp giúp người lao động thoải mái thư giãn, giảm stress, lo âu, trong nhiều trường hợp âm nhạc giúp người lao động tập trung, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Âm nhạc gắn bó với đời sống con người, có những âm nhạc có hại với sức khỏe thể chất và tâm lý của người lao động (như âm thanh tiếng ồn lớn).

Ngược lại, có những âm thanh có ích, nó vừa là thông tin, là tín hiệu chỉ báo, sự tiếp xúc giữa con người với con người và con người với thế giới xung quanh, trong đó có âm nhạc. Âm nhạc còn có tác dụng kích thích sản xuất tế bào – loại tế bào tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm. Âm nhạc có khả năng làm cho người ta thấy khỏe hơn, thấy cuộc sống có ích hơn, yêu đời hơn, giúp gắn kết con người với nhau. Âm nhạc làm cho con người ta trẻ lại, lấy lại được tinh thần và có niềm tin vào tình

yêu, cuộc sống, ngược lại, âm nhạc cũng khiến con người ta buồn bã, mất niềm tin, nhụt trí.

Tùy thuộc vào tính chất của các động tác lao động mà nên sử dụng nhịp độ và âm độ hợp lý. Âm độ và nhịp độ (nhanh hay chậm) của âm nhạc phải điều chỉnh tùy theo mức độ tập trung chú ý của người lao động vào công việc. Không nên dùng nhạc jazz có âm độ thay đổi thường xuyên vào lao động sản xuất. Không nên dùng nhạc có lời và nên thường xuyên thay đổi bản nhạc tránh nhàm chán trong sản xuất. Tuy nhiên, trong thực tế các văn phòng làm việc thì âm nhạc chưa được đưa vào áp dụng rộng rãi.

Biện pháp cải thiện:

- Thời gian mở nhạc trong một ca làm việc: nên đưa âm nhạc nhỏ giọt vào một ca làm việc nghĩa là mở một số lần trong một ca làm việc với thời gian không kéo dài nhưng phải phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc.

- Trong thời gian làm việc: lúc bắt đầu nên mở âm nhạc to nhanh tạo cảm giác hưng phấn, hào hứng dễ bắt nhịp công việc, kết thúc công việc nên tăng nhịp âm nhạc để đẩy nhanh tốc độ hoàn thành công việc.

- Nội dung âm nhạc: Tùy thuộc vào đặc điểm tính chất công việc cụ thể, không nên sử dụng nhạc có lời trong văn phòng làm việc, không mở một bản nhạc trong nhiều lần trong lúc làm việc sẽ khiến người lao động trở nên quen thuộc và ngừng phản ứng với kích thích của âm nhạc.

- Vào các giờ giải lao, tập thể dục giữa giở mở nhạc để tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cải thiện điều kiện làm việc tại Công ty Cổ phần Sách và thiết bị Trường học Hà Nội (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)