Các bước chuẩn bị của giáo viên và học sinh cho một dự án học tập

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy học dự án trong dạy học chương khúc xạ ánh sáng vật lí 11 (Trang 28 - 32)

1.1. Cơ sở lí luận của dạy học dự án

1.1.7. Các bước chuẩn bị của giáo viên và học sinh cho một dự án học tập

Để tổ chức dạy học dự án, giáo viên cần:

a. Triển khai bài học thành dự án, xác định các chuẩn kiến thức và thiết lập mục tiêu bài học:

Bước đầu tiên trong việc thiết kế dự án là xác định những chuẩn kiến thức mà giáo viên muốn học sinh của mình đáp ứng được khi hoàn thành dự án. Sau đó, từ những chuẩn kiến thức này phát triển các mục tiêu học tập và những câu hỏi có ý nghĩa. Có 3 mục tiêu học tập cần phải nhắm tới đó là: mục tiêu về kiến thức, mục tiêu về kĩ năng và mục tiêu về thái độ. Trong đó, chú ý thiết lập những mục tiêu tập trung vào những hoạt động học tập với tư duy bậc cao chứ không phải là những kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Từ nội dung bài học (thường là những bài học có nhiều ứng dụng trong thực tiễn), giáo viên hình thành ý đồ tổ chức bài học thành dự án và suy nghĩ về ý tưởng dự án:

- Giáo viên luôn cần phải nhìn thấy, phải tìm thấy những vấn đề thực tiễn đang diễn biến trong cuộc sống xung quanh có liên quan đến nội dung bài học.

- Giáo viên phải nhìn thấy những vấn đề lớn mà thế giới đang phải đối mặt như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…

- Biết từ bỏ những nội dung mà chương trình buộc phải dạy theo các phương pháp truyền thống.

- Lựa chọn các nội dung thích hợp và chỉnh sửa chúng cho phù hợp với mục tiêu của dự án đề ra.

Trong chương trình Vật lí phổ thông hiện nay có một số nội dung thích hợp để tổ chức dạy học dự án như:

+ Các dự án liên quan đến việc khai thác, sử dụng năng lượng mặt trời, sức nước, sức gió…

+ Các dự án liên quan đến các ứng dụng của nội dung học trong kĩ thuật và đời sống (các sản phẩm kĩ thuật thông dụng như: động cơ, máy phát điện, thiết bị điện gia dụng, các máy móc, công cụ lao động…)

+ Các dự án có tính chất tạo mối quan hệ liên môn như sử dụng vật liệu, các phương tiện kĩ thuật dùng trong ngành y học, sinh học, môi trường..

+ Các dự án có tầm vóc thời đại mang tính liên môn cao có thể thực hiện chung với các môn học khác theo hướng như: an toàn phóng xạ, chế ngự thiên tai, ngăn ngừa thảm học, xử lí môi trường…

b. Xây dựng bộ câu hỏi định hướng bài dạy

Những câu hỏi này giúp các dự án tập trung vào những kiến thức quan trọng. Chúng khuyến khích học sinh vận dụng các kĩ năng tư duy bậc cao, giúp học sinh hiểu được trọn vẹn các khái niệm cơ bản và hình thành được hệ thống kiến thức. Những câu hỏi này còn đảm bảo các dự án của học sinh có tính hấp dẫn và thuyết phục, chú trọng đến các yêu cầu phân tích, tổng hợp, đánh giá hơn là chỉ đơn giản trình bày lại các sự kiện.

Bộ câu hỏi định hướng bao gồm các câu hỏi khái quát, câu hỏi bài học và câu hỏi nội dung.

Câu hỏi khái quát (CHKQ): Là những câu hỏi mở, hướng tới những ý tưởng lớn và những khái niệm mang tính bền vững. CHKQ thường mang tính liên môn và giúp học sinh thấy được sự liên quan giữa các môn học hoặc môn học và bài học với nhau. Đó là những câu hỏi không thể trả lời thỏa đáng chỉ bằng một mệnh đề.

Ví dụ:

+ Chúng ta sợ điều gì?

+ Làm thế nào để khắc phục tình trạng thiếu điện trầm trọng hiện nay? Những câu hỏi khái quát có những đặc điểm riêng sau:

+ Là yếu tố trọng tâm của dạy học dự án. Những câu hỏi khái quát có thể tìm thấy trong rất nhiều vấn đề còn đang tranh cãi ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu.

+ Lặp lại một cách tự nhiên thông qua người học và lịch sử của môn học. Những câu hỏi quan trọng được lặp đi lặp lại. Các câu trả lời của học sinh có thể ngày càng trở nên phức tạp hơn và phản ánh nhiều sắc thái mới nhưng họ vẫn còn và sẽ còn quay lại những câu hỏi đó.

+ Dẫn đến những câu hỏi quan trọng khác. CHKQ sẽ mở rộng vấn đề, mở rộng tính phức tạp và phong phú của chủ đề, gợi mở hướng nghiên cứu chứ không dẫn đến những kết luận sớm hay những câu trả lời mơ hồ.

Các CHKQ giúp giáo viên tập trung vào các khía cạnh quan trọng trong chương trình suốt năm học và có ý nghĩa xuyên suốt các lĩnh vực của môn học. CHKQ đề cập đến những ý nghĩa quan trọng xuyên suốt nội dung nhiều lĩnh vực (khoa học, văn học, lịch sử…). CHKQ tập trung vào vấn đề, mối quan tâm hoặc các chủ đề được đề cập trong các bài khác.

Đối với học sinh, CHKQ cần thích hợp, hấp dẫn, được đề xuất phù hợp với lứa tuổi và vốn ngôn ngữ của học sinh. CHKQ giúp phát triển trí tưởng tượng và tạo mối quan hệ giữa môn học với kiến thức và ý tưởng của học sinh. Do không có một câu trả lời hiển nhiên “đúng” nên học sinh được thử thách trong việc tìm ra nhiều kết quả khác nhau, CHKQ khuyến khích thảo luận và nghiên cứu chuyên sâu đặt nền tảng cho các câu hỏi sau này.

Ví dụ: ánh sáng có vai trò như thế nào trong cuộc sống ?

Câu hỏi trên có phạm vi rất rộng, có thể sử dụng được trong các môn học như vật lí, hóa học, sinh học, văn học… và ở nhiều bài học khác nhau.

Thủ thuật xây dựng CHKQ:

- Giáo viên suy nghĩ về môn học mình dạy một cách tổng thể. Tại sao học sinh phải học môn này? Tại sao môn học lại quan trọng? Tại sao học sinh phải quan tâm tới môn học này? Việc học môn này có giá trị như thế nào?

- Khái niệm quan trọng nào mà ta hướng tới? Học sinh của ta sẽ phải ghi nhớ điều gì trong vòng 3 năm tới?

- Làm thế nào để cho nội dung bài học trở nên có ý nghĩa hơn đối với học sinh? Nội dung môn học ảnh hưởng đến cuộc sống thực của các em như thế nào? Tại sao các em phải quan tâm đến những điều đó?

- Xem xét việc viết các câu hỏi bằng ngôn ngữ của “người lớn” trước để bao hàm những kiến thức thiết yếu, rồi sau đó hãy viết lại chúng bằng ngôn ngữ phù hợp với học sinh.

- Đừng bận tâm vào câu chữ, chỉ tập trung vào suy nghĩ. Tránh xa các câu hỏi yêu cầu định nghĩa hoặc kiến thức về một quá trình đơn giản.

Câu hỏi bài học (CHBH) có liên quan trực tiếp đến dự án, hỗ trợ việc nghiên cứu CHKQ. Các câu hỏi bài học cũng là những câu hỏi mở giúp học sinh thể hiện hiểu biết của mình về những khái niệm cốt lõi của một dự án.

Thủ thuật xây dựng câu hỏi bài học:

+ Tại sao nội dung của bài học này lại quan trọng? Tại sao học sinh lại quan tâm đến nó? Việc học bài này có giá trị như thế nào?

+ Ta muốn học sinh cần ghi nhớ điều gì trong bài học này? Khái niệm lớn nhất mà học sinh cần phải khám phá là gì? Điều gì là trọng tâm tri thức của bài học này?

+ Câu hỏi mở nào mà học sinh các khóa trước đã đặt ra và thắc mắc sau khi trải qua bài học?

+ Mong muốn học sinh phát triển nội dung mới này như thế nào? Làm thế nào để các em liên kết, mở rộng và tổng kết được những gì đang học?

Câu hỏi nội dung (CHND): là những câu hỏi cụ thể mang tính sự kiện với một số lượng giới hạn các câu trả lời đúng. Thường thì CHND liên quan đến định nghĩa, sự nhận biết và gợi nhớ thông tin mang tính tổng quát tương tự như loại câu hỏi thường thấy trong các bài kiểm tra. CHND hỗ trợ quan trọng cho CHKQ và CHBH.

Thủ thuật xây dựng CHND:

+ Có những câu hỏi ngắn ngọn nào mà ta mong muốn học sinh trả lời được sau khi học xong bài học này?

+ Đảm bảo rằng câu hỏi nội dung không quá lớn, chỉ nên có một câu trả lời đơn giản hoặc một nhóm nhỏ các câu trả lời đúng không thể tranh cãi.

c. Thiết kế dự án

Trước một nội dung dự định thực hiện một dự án, giáo viên cần phải nghiêm túc trả lời câu hỏi:

+ Trong thực tế những ai cần biết điều này? + Chọn ra một đối tượng cụ thể.

+ Đưa ra dự án.

Một phần của tài liệu Vận dụng dạy học dự án trong dạy học chương khúc xạ ánh sáng vật lí 11 (Trang 28 - 32)