Khái niệm tập đoàn kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) chính sách tái cơ cấu tập đoàn kinh tế của chính phủ hàn quốc bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 45 - 48)

2.1. Lý luận chung về tập đoàn kinh tế

2.1.1. Khái niệm tập đoàn kinh tế

Tập đoàn kinh tế là một mô hình rất phổ biến ở các nền kinh tế mới nổi (như Bra-xin, Chi-lê, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Mê-hi- cô, Pa-kix-tan, Thái Lan và nhiều nước khác), thậm chí ở cả một số nền kinh tế phát triển (như Ý, Thụy Điển). Trên thế giới, TĐKT là một tổ hợp các công ty độc lập về mặt pháp lý, hoạt động đa ngành (thường không liên quan trực tiếp với nhau), được kết nối với nhau bởi những mối liên kết pháp lý chính thức (ví dụ như quan hệ vốn sở hữu) hay không chính thức (ví dụ như quan hệ

gia đình).

Tập đoàn kinh tế ở những nước khác nhau được gắn với những tên gọi khác nhau. Nhiều nước gọi là Group hay Business Group. Chẳng hạn, Ấn Độ

dùng thuật ngữ Business Houses; Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ hai gọi là Zaibatsu, sau chiến tranh gọi là Keiretsu; ở Hàn Quốc là Chaebol và Trung Quốc dùng thuật ngữ Tập đoàn doanh nghiệp. Tại các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, khi nói đến TĐKT người ta thường sử dụng những từ: “Consortium”, “Conglomegate”, “Alliance”, “Cartel”, “Trust”, “Syndicate” hay “Group”.

Nhìn chung, tại các nước nêu trên, TĐKT được định nghĩa như là một tổ

hợp các công ty hay chi nhánh góp cổ phần chịu sự kiểm soát của công ty mẹ

hoặc tập đoàn kinh tế và tài chính bao gồm một công ty mẹ và các công ty khác mà công ty mẹ kiểm soát hay tham gia góp vốn. Mỗi công ty con cũng có thể

kiểm soát các công ty khác hay tham gia các tổ hợp khác. Ví dụ, tại Nhật Bản, TĐKT là nhóm các doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý nắm giữ cổ phần của

nhau và thiết lập mối quan hệ mật thiết về nguồn vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, TĐKT bao gồm các công ty có sự liên kết chặt chẽ được tổ chức quanh một ngân hàng để phục vụ lợi ích các bên.

Tại Hàn Quốc, TĐKT được gọi là Chaebol, được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối liên kết về tài chính, chiến lược kinh doanh và sự điều phối chung trong hoạt động. Nét đặc trưng của các Chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và nắm cổ

phần chi phối. Tại Trung Quốc, Tập đoàn doanh nghiệp là một hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp bao gồm công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên (các công ty con và các doanh nghiệp liên kết khác), trong đó hạt nhân của tập đoàn và là đầu mối liên kết các doanh nghiệp thành viên với nhau là công ty mẹ. Các doanh nghiệp thành viên tham gia liên kết tập đoàn phải có

đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân độc lập. Bản thân tập đoàn không có tư cách pháp nhân.

Như vậy, đã có khá nhiều định nghĩa về TĐKT, nhưng vẫn chưa có một

định nghĩa nào được coi là chuẩn mực. Các nhà kinh tế học cũng đã đưa ra nhiều định nghĩa về TĐKT: “TĐKT là một tập hợp các công ty hoạt động kinh doanh trên các thị trường khác nhau dưới sự kiểm soát về tài chính hoặc quản trị chung, trong đó các thành viên của chúng ràng buộc với nhau bằng các mối quan hệ tin cậy lẫn nhau trên cơ sở sắc tộc hoặc bối cảnh thương mại” [53]; hay “TĐKT là một hệ thống công ty hợp tác thường xuyên với nhau trong một thời gian dài” [54]; “TĐKT dựa trên hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ, thông qua mối ràng buộc trung gian, một mặt ngăn ngừa sự

liên minh ngắn hạn ràng buộc đơn thuần giữa các công ty, mặt khác ngăn ngừa một nhóm công ty sát nhập với nhau thành một tổ chức duy nhất” [38].

Theo Điều 188, Luật Doanh nghiệp của Việt Nam ban hành ngày 26/11/2014: TĐKT, TCT thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. TĐKT, TCT có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên trong TĐKT, TCT có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương : “Khái niệm TĐKT

được hiểu là một tổ hợp lớn các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoạt động trong một hay nhiều ngành khác nhau, có quan hệ về vốn, tài chính, công nghệ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu và các liên kết khác xuất phát từ lợi ích của các bên tham gia. Trong mô hình này, “công ty mẹ” nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của “công ty con” về tài chính và chiến lược phát triển”.

Còn theo tác giả Hồ Xuân Tùng (2008): “Mô hình tập đoàn là một hình thái tổ chức giữa các doanh nghiệp. Còn nhiều quan niệm khác nhau về tập

đoàn, song cũng có một điểm chung nhất: Tập đoàn doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có kết cấu tổ chức nhiều cấp, liên kết nhau bằng quan hệ tài sản và quan hệ hợp tác nhằm đáp ứng đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa; các doanh nghiệp trong tập đoàn đều có pháp nhân độc lập.”

Ngoài ra, trong một số nghiên cứu khác, TĐKT được định nghĩa là một loại hình tổ chức kinh tế chỉ hình thành và tồn tại trong các nền kinh tế thị

trường. Đó là một loại hình tổ chức kinh tế được hình thành trong quá trình tự

liên kết, liên hợp hóa nhiều công ty, xí nghiệp của nhiều chủ sở hữu khác nhau, hoạt động kinh doanh chuyên ngành hoặc đa ngành, thực hiện tập trung tư bản, đẩy mạnh phân công chuyên môn hóa và đầu tư theo chiều sâu, nhanh chóng đổi mới công nghệ, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường,

nâng cao năng lực cạnh tranh để giành lợi nhuận siêu ngạch từ lợi thế hoặc

độc quyền.

Tóm lại, khái niệm chung về TĐKT có thể hiểu như sau: TĐKT là tổ hợp các công ty hoạt động trong một ngành hay những ngành khác nhau, ở phạm vi một nước hay nhiều nước, trong đó có một công ty mẹ nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của các công ty con về mặt tài chính và chiến lược phát triển. TĐKT là một cơ cấu tổ chức vừa có chức năng kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) chính sách tái cơ cấu tập đoàn kinh tế của chính phủ hàn quốc bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 45 - 48)