Về quy hoạch cán bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 51 - 55)

2.2. Sự chỉ đạo thực hiện

2.2.1. Về quy hoạch cán bộ

Quy hoạch cán bộ là khâu trọng yếu trong công tác cán bộ. Quy hoạch cán bộ tốt, khoa học sẽ đảm bảo cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ; trong đó có chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp huyện. Trong quy hoạch cán bộ đã xuất phát từ nhiều cơ sở như: từ dự báo nhu cầu cán bộ nhằm đảm bảo nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, CNH, HĐH trên địa bàn tỉnh và từng huyện; từ yêu cầu xây dựng củng cố hệ thống chính trị; từ thực lực đội ngũ cán bộ và nguồn cán bộ dự bị, có lưu ý đến những cán bộ có tham gia kháng chiến, có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ đất nước, những cán bộ trẻ được đào tạo căn bản thực sự có tài.

Từ khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng (khóa VIII), Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 10 - 10 - 1996 của Tỉnh ủy và hướng dẫn số 17-HD/TCTW, ngày 23 - 4 - 2003, của Ban Tổ chức Trung ương, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và đạt được những kết quả nhất định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương tiến hành công tác quy hoạch cán bộ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, xác định quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài. Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cơ sở hiện có, phân loại chất lượng cán bộ.

Theo hướng dẫn số 17-HD/TCTW, ngày 23 - 04 - 2003 và công văn số Tỉnh ủy (khóa XV) đã xây dựng quy hoạch cán bộ A1 của Tỉnh. Đến tháng 7 - 2003 các cấp ủy đã bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2000 - 2005; hoàn thiện quy hoạch A2 chuẩn bị nhân sự chủ chốt của HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 và

hoàn chỉnh quy hoạch A3 chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010. Đồng thời trong công tác quy hoạch BTV Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh “phải tập trung xây dựng trẻ hóa đội ngũ cán bộ, coi đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Tập trung bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở độ

tuổi còn trẻ, có triển vọng, có thành tích xuất sắc” [148, tr.21].

Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch cán bộ theo hướng độngmở, đảm bảo

mỗi chức danh có từ 2 đến 3 cán bộ dự bị, mỗi cán bộ dự bị có thể dự kiến đảm nhận từ 2 đến 3 chức danh; chuẩn bị cán bộ dự nguồn và cán bộ kế cận phù hợp với từng giai đoạn; đặc biệt chú trọng đến tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ thuộc đồng bào dân tộc ít người, cán bộ trẻ có triển vọng; lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ quản lý; lấy quy hoạch cấp dưới làm căn cứ cho quy hoạch cấp trên, khắc phục dần tình trạng khép kín trong một ngành, một đơn vị hay một địa phương. Hàng năm, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30 - 11 - 2004, của Bộ Chính trị

về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất

nước. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình công tác quy hoạchcán bộ của tỉnh,

ngày 22 - 4 - 2005, Tỉnh ủy đã thống nhất ra Nghị quyết số 23-QC/TU vềcông tác

quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất

nước. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác quy hoạch cán bộ, đảng viên của

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được đẩy mạnh với những biện pháp, bước đi phù hợp hơn, cụ thể hơn, sâu sắc hơn, đồng thời mang tính khoa học và thực tiễn. Nghị quyết nhấn mạnh:

Bồi dưỡng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, chủ động và sớm phát hiện cán bộ có triển vọng, các tài năng trẻ nhằm sớm đưa vào quy hoạch dự nguồn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát huy tài năng; quan tâm tạo nguồn để tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, xuất thân từ công nhân, nông dân, con em các gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ

Kết quả, đến cuối năm 2005, có 93% tổ chức cơ sở Đảng bầu đủ cấp ủy viên, tuổi đời trung bình thấp hơn nhiệm kỳ trước, 100% Đảng bộ huyện, thị, thành phố bầu đủ cấp ủy viên, trong đó có 55% cấp ủy mới, 14% là nữ, 23,7% là người dân tộc thiểu số; quy hoạch được 121 cán bộ dự nguồn cho các chức danh trong Ban Thường vụ cấp huyện, với gần 50% trong số đó đạt trình độ cao đẳng, đại học, trên 90% đạt trình độ cao cấp và đại học chính trị, 54% được trang bị kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; quy hoạch 276 cán bộ dự nguồn cho các chức danh ủy viên BCH, với gần 70% trong số đó có trình độ cao đẳng, đại học, trên 67% đạt trình độ cao cấp và đại học [45, tr.35].

Như vậy, công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp huyện ở một số huyện có sự chuyển biến tích cực như: đảm bảo tính dân chủ, đúng nguyên tắc, đúng quy trình; cán bộ thuộc diện quy hoạch cho các chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện có trình độ chuyên môn, chính trị được đào tạo căn bản hơn; phát hiện nhiều cán bộ trẻ có triển vọng, được đào tạo chính quy, có trình độ học vấn và chuyên môn tương đối cao được rèn luyện thử thách, có kinh nghiệm thực tiễn đã được đưa vào diện quy hoạch cho khóa tới. Kết quả quy hoạch đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đào tạo, bố trí, sử dụng; giai đoạn này, hầu hết cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt chủ yếu là cán bộ trong diện quy hoạch. Tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả bước đầu, có sự kế thừa, có bước phát triển, tạo được nguồn cán bộ, góp phần khắc phục dần tình trạng hụt hẫng, bị động, lúng túng trong công tác cán bộ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh cũng còn những thiếu sót như:

Nhiều cấp ủy chưa thực sự coi trọng, chưa chủ động tiến hành công tác quy hoạch cán bộ. Chuyển biến nhận thức trong các cấp ủy và tổ chức Đảng về công tác quy hoạch cán bộ chưa đồng đều nên chất lượng quy hoạch ở một số nơi chưa cao. Một số địa phương ở các tỉnh chưa thật sự chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, thiếu tầm nhìn xa, quy hoạch một đằng, sử dụng một nẻo, quy hoạch chưa gắn chặt với đào tạo, luân chuyển cán bộ; còn nhầm lẫn giữa quy hoạch với kế hoạch nhân sự, việc rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ hàng năm còn chậm so với quy định. Vẫn còn hiện tượng nể nang, ngại đụng chạm trong quy hoạch, nhất là đối với việc quy hoạch Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt.

Kết quả quy hoạch một số huyện cho thấy chưa có sự cân đối, đồng bộ giữa cán bộ khoa học kĩ thuật với cán bộ lãnh đạo quản lý; cán bộ được quy hoạch năng lực vẫn còn yếu, trình độ học vấn của cán bộ ở vùng sâu, vùng xa thấp cũng ảnh hưởng đến việc quy hoạch; chưa mạnh dạn quy hoạch cán bộ trẻ, tuổi đời cán bộ được quy hoạch còn cao, có khi cấp phó lớn hơn tuổi cấp trưởng, chưa đảm bảo ba độ tuổi kế thừa, lực lượng quy hoạch cho tạo nguồn vẫn ít, cán bộ đồng bào các dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đạt tỷ lệ chưa cao. Có nơi quy hoạch cán bộ còn cục bộ, khép kín, tại chỗ trong địa phương.

Quy hoạch cán bộ vẫn đơn thuần, tuần tự từ phó lên trưởng, chưa có quy hoạch mang tính đổi mới, bố trí cán bộ tùy theo quy hoạch nhưng chưa có tính đột biến, chưa phát hiện những nhân tố mới, người tài cũng chưa mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm vượt cấp. Một số nơi, cán bộ diện quy hoạch không được đắc cử trong đại hội, trong bầu cử nên tác dụng quy hoạch không cao. Có những nơi công tác thẩm tra, xác minh làm chưa tốt nên có tình trạng một số cán bộ được quy hoạch đào tạo nhưng sau đó không thể bổ nhiệm hoặc bố trí công tác; việc giáo dục cán bộ dự bị phấn đấu vươn lên còn hạn chế.

Một số địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện chủ trương về quy hoạch cán bộ chưa nghiêm túc còn mang tính hình thức, vẫn còn những hiện tượng tiêu cực xảy

ra: như đưa người thân vào diện quy hoạch, tại Nghịquyết số 23-NQ/TU ngày 22 - 4

-2005 của Tỉnh ủy, về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy

mạnh CNH, HĐH đất nước đã chỉrõ:

Một số cấp ủy Đảng và cán bộ lãnh đạo chưa chủ động xây dựng quy

hoạch cán bộ, chưa tích cực chuẩn bị người thay thế; chất lượng quy hoạch cán bộ, tính khả thi của quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn thấp, chưa gắn quy hoạch cán bộ với đánh giá đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ [21, tr.1]

Trong cơ cấu độ tuổi số cán bộ từ 46 đến 55 tuổi nằm trong quy hoạch vẫn còn chiếm hơn 40%. Số lượng cán bộ trẻ còn thấp nên rất hạn chế trong việc tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại [45, tr.35].

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là do cấp ủy, người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ, phần lớn còn nhầm lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự, nên lúng túng trong cách làm, quyết tâm của một số cấp ủy và người đứng đầu một số địa phương chưa cao; việc thực hiện chưa tập trung và chưa trở thành nền nếp thường xuyên, hướng dẫn của cấp trên về nội dung, phương pháp, quy trình làm quy hoạch chưa đồng bộ, chưa bám sát thực tế về đội ngũ cán bộ. Điều này cho thấy công tác quy hoạch cán bộ cấp cơ sở của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua là chưa thật sự phát huy hết được hiệu quả, chưa thật sự chú trọng cả 2 chiều từ trên xuống và từ dưới lên. Đây là hạn chế mà Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cần khắc phục trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)