Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 125 - 128)

Chương 4 : NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.2. Kinh nghiệm

4.2.1. Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp huyện

huyện phải trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam

Lênin đã chỉ rõ rằng, trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào. Qua đó cho thấy, Lênin đã khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ. Cách mạng thành công, theo Lênin, cần phải có đội ngũ “cán bộ chuyên nghiệp”, phải có “những người cán bộ bản lĩnh”, đó là vấn đề then chốt. Nếu không có những cán bộ như vậy thì tất cả mệnh lệnh, các quyết định đều trở nên vô nghĩa. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ cho chế độ mới, Người chủ trương đưa công nhân, nông dân có “kinh nghiệm thực tiễn” và “tuyệt đối trung thành” vào các cơ quan để học công tác quản lý bên cạnh các chuyên gia cũ và sẽ thay thế các chuyên gia đó. Lênin cũng đã từng nêu cao vai trò quan trọng của những chuyên gia, những cán bộ lãnh đạo giỏi, những người tài trong sự nghiệp cách mạng và yêu cầu “Nhiệm vụ của chúng ta là qua thí nghiệm mà thu hút nhiều chuyên gia, rồi bồi dưỡng lớp cán bộ lãnh đạo mới, lớp chuyên gia mới để họ học cho bằng được công tác quản lý, một công tác mới, hết sức khó khăn, phức tạp để thay thế chuyên gia cũ” [164, tr.39].

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã đề cập những yêu cầu về tiêu chuẩn người cán bộ. C.Mác và Ăngghen đã phân biệt rõ vai trò, trình độ, năng lực giữa người cộng sản với người vô sản. Những người cộng sản là bộ phận tiên quyết nhất, “luôn thúc đẩy phong trào tiến lên”, “hiểu rõ những điều kiện, tiến

trình và kết quả chung của phong trào vô sản[26, tr.614-615]. Các ông cho rằng

người lãnh đạo cách mạng phải có đạo đức cao cả, có kiến thức sâu rộng về lý luận và thực tiễn trong cách mạng. Ngoài ra, C.Mác và Lênin còn nhấn mạnh cần thiết phải đào tạo, phải trang bị kiến thức mọi mặt cho giai cấp công nhân. Lênin kêu gọi

cán bộ phải ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt của mình. Các ông cũng rất quan tâm đến các khâu lựa chọn và sử dụng cán bộ. Việc lựa chọn và sử dụng ấy phải thật khoa học, đúng vị trí và xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng. Lênin yêu cầu khi “lựa chọn cán bộ phụ trách” phải xét xem “có lợi cho sự nghiệp không, và người được chọn có xứng đáng với chức vụ người ấy sẽ đảm nhiệm không” [172, tr.359]. Ngoài ra, Lênin cũng rất đề cao vai trò và sức mạnh của tổ chức đối với những người cách mạng. Người đòi hỏi cán bộ đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức của Đảng, phải coi trọng vấn đề tổ chức, vì tổ chức có mạnh mới phát huy được sức mạnh của cán bộ đảng viên. Cùng như vậy, làm cách mạng thất bại nhiều khi không phải do cương lĩnh hoặc sách lược sai mà thường do tổ chức kém. Ngoài ra, các ông, đặc biệt là Lênin cũng thể hiện quan điểm của mình về sử dụng cán bộ, nhân tài trong những công trình khác và trong hoạt động thực tiễn.

Kế thừa phương sách xây dựng đội ngũ quan lại, nhân tài của ông cha ta trong lịch sử, vận dụng tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học về xây dựng đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam và để lại một hệ thống các quan điểm sâu sắc, có giá trị lớn về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ.

Người nêu cao vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Người ví cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” [88, tr.273], nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thực hiện được. Cán bộ còn là chiếc cầu nối giữa Đảng và nhân dân, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém.

Với vị trí và vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ. Chuẩn mực chung mà người cán bộ Đảng viên phải có là “đức” và “tài”, là vừa hồng vừa chuyên, phải hồng thắm, chuyên sâu. Người nhấn mạnh cả hai mặt vì người có đức mà không có tài thì vô dụng, làm việc gì cũng khó, hoặc không thể làm được việc, còn người có tài mà

không có đức thì sẽ nguy cơ làm hại cho dân cho nước. Người xác định rõ, đức là gốc của con người, giống như nguồn của sông, rễ của cây, người cách mạng không có đạo đức cách mạng thì không thể lãnh đạo được nhân dân.

Người chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người rất quan tâm đến việc tìm kiếm, phát hiện cán bộ tốt và nhân tài, hết lòng quy tụ, mời gọi, thật sự cầu thị, trọng dụng người tài đức để cùng phục vụ đất nước và nhân dân. Người đã nhấn mạnh việc huấn luyện cán bộ và coi huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Huấn luyện cán bộ phải phù hợp với trình độ người được huấn luyện, phải thiết thực và gắn với thực tiễn. Nội dung huấn luyện phải toàn diện, bao gồm: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận.

Người có tầm nhìn xa, trông rộng trong đào tạo, sử dụng con người, chẳng những cho hiện tại mà cho cả tương lai. Người rất coi trọng giáo dục, đào tạo các lớp, các thế hệ cán bộ kế tiếp nhau. Theo Người, sử dụng cán bộ phải đúng và khéo, đảm bảo cả khoa học lẫn nghệ thuật.

Với tấm lòng bao dung, chân thành, độ lượng, thân ái, Người còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, giữ gìn kỉ cương, kỉ luật và nghiêm khắc đối với cán bộ, nhân tài, làm cho họ luôn biết sửa mình và phấn đấu không ngừng. Cũng chính điều ấy đã cảm hóa được lòng người, làm cho biết bao điều tốt đẹp, cao quý ở con người được hình thành, nảy nở, phát triển; làm cho người ta không e dè, ngần ngại, nghi ngờ tin tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và cách mạng.

Thấm nhuần quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin và Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấy rõ vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Nhiều thập kỉ qua, Đảng đã xác định rõ trọng trách của mình trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Trên cơ sở quan điểm đúng đắn, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm trí, sức lực xây dựng được một đội ngũ cán bộ mà phần lớn là người tận tụy, tận tâm, kiên cường, hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ qua các giai đoạn cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng quan niệm công tác cán bộ là quan trọng nhất, là khâu then chốt của then chốt.

Tiếp thu những quan điểm của các nhà bác học vĩ đại cũng như quán triệt những đường lối, quan niệm của Đảng về công tác cán bộ, đồng thời kế thừa và phát triển những kinh nghiệm của ông cha. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ vai trò, ý nghĩa và vị trí của công tác cán bộ trong xây dựng Đảng nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp huyện. Đảng bộ tỉnh xác định xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp huyện phải trên nền tảng lập trường của giai cấp công nhân, kế thừa kinh nghiệm của các dân tộc, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thống nhất chặt chẽ của Trung ương Đảng, cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện, thông qua vai trò tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cấp huyện. Đây là bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn trong hiện tại và tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 125 - 128)