Đảng chỉ đạo thực hiện an sinh xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 43)

2.2.1. Thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước tích cực vào cuộc. Hàng loạt các chương trình XĐGN ra đời: Chương trình xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm trong những năm 1998- 2002 (Quyết định số 143 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo (Quyết định số 135 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 1998- 2000 và 2001- 2005; Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg)... Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo có được nguồn vốn phát triển sản xuất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002, về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sự ra đời của các Chương trình XĐGN ở Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong nhận thức về nghèo đói của Đảng, Nhà nước ở tầm chiến lược trên phạm vi toàn quốc. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã chung tay góp sức để cuộc chiến chống đói nghèo đạt được hiệu quả tích cực. Các Chương trình hành động vì người nghèo dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng diễn ra sâu rộng ở khắp các địa phương trong cả nước. Nhờ vậy, từ năm 2001 đến 2005, công tác XĐGN đã bước đầu đạt được những thành tựu to lớn:

Trong 5 năm (2001- 2005), đã tạo được việc làm cho 7,5 triệu lao động; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,7 triệu đồng/năm vào năm 2000 lên 10 triệu đồng/năm vào năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 29% năm 2002 xuống còn 17,5% năm 2005 [82, tr. 350]. Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từng bước được xây dựng “năm 2000, gần 4.000 công trình được đưa vào sử dụng, đến năm 2006 đã có trên 30.000 công trình” [82, tr.350] làm cho bộ mặt các xã nghèo thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Hệ thống dịch vụ xã hội chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thích đáng, nên có sự phát triển khá ấn tượng: “82,5% số hộ nông dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh; 96,1% số hộ đã được sử dụng điện lưới; 86,9% số hộ sử dụng máy thu hình; trên 97% số xã có đường ô tô đi tới trung tâm xã, khoảng 90% số xã có trạm bưu điện văn hóa’’ [35, tr. 5].

Ngoài ra, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương và nông dân về phát triển vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho người nghèo về vốn, trợ giúp kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm được thực hiện có hiệu quả ở nhiều địa phương. Chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo được nâng cao, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người ở miền núi và phụ nữ. Một số địa phương đã cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn quốc gia như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và áp dụng chuẩn nghèo mới của từng địa phương cao hơn từ một đến hai lần chuẩn nghèo quốc gia.

Người nghèo đã tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở); tỷ lệ người nghèo được cấp thẻ BHYT tăng từ 77% năm 2003 lên 88% năm 2004; 90% xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học và mẫu giáo;

hàng năm có trên 3 triệu học sinh dân tộc ít người được miễn các khoản đóng góp; 100% số xã đã có trạm y tế và 100% xã có y sỹ, một số trạm có bác sỹ; trên 75% hộ nghèo không còn tình trạng nhà tranh tre dột nát; thu nhập bình quân năm 2005 của 20% nhóm nghèo nhất tăng 1,45 lần so với năm 2005 [83, tr.128].

Thành tựu XĐGN đã góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng sống cho nhân dân ở các vùng nghèo đói. Đối với quốc tế, thành tựu trong lĩnh vực XĐGN góp phần mang lại hình ảnh một Việt Nam năng động, tích cực phấn đấu cho công bằng xã hội và phát triển xã hội. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về những thành quả đạt được trong công tác XĐGN. Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2004 của Ngân hàng Thế giới thừa nhận: Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác XĐGN của Đảng cũng như quá trình triển khai thực hiện các chương trình XĐGN của Nhà nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

Nguồn kinh phí do trung ương bố trí còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Khả năng kinh tế và nguồn lực cho XĐGN còn khó khăn. Nhà nước cùng một lúc phải đầu tư cho nhiều vấn đề xã hội bức xúc nên việc sử dụng nguồn lực còn chưa tập trung và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, chuẩn đói nghèo được nâng lên, thì tỷ lệ hộ đói nghèo cũng tăng theo, chính sách giảm nghèo tiếp tục phải được mở rộng, do đó, việc cân đối, huy động nguồn lực để đáp ứng yêu cầu càng khó khăn hơn.

Mặt khác, một số chính sách hỗ trợ XĐGN chưa thật sự phù hợp với người nghèo, ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình. Một số cơ chế, chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự đến được với một bộ phận người nghèo. Việc điều hành kế hoạch và lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội với giảm nghèo còn lúng túng và ở một số nơi còn kém hiệu quả. Cơ chế hỗ trợ người nghèo chưa hướng vào mục đích nâng cao nhận thức, năng lực và tính làm chủ. Người nghèo chưa thực sự tham gia được vào thị trường để phát triển kinh tế với vai trò chủ động, tích cực. Một số người dân còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào bao cấp của Nhà nước, chưa có ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo. Ở những nơi vùng cao, vùng sâu, người dân tiếp cận với nguồn thông tin còn khá hạn chế nên nhận thức

chưa đầy đủ về các chính sách của Nhà nước đối với người nghèo. Những khiếm khuyến trên đây đã làm giảm đi hiệu quả của các chương trình XĐGN.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN ở một số địa phương còn thiếu và năng lực còn hạn chế. Đầu tư cho đào tạo cán bộ làm công tác XĐGN còn nhỏ hẹp, dẫn tới tình trạng cán bộ làm công tác XĐGN ở một số cơ sở chẳng những thiếu về số lượng mà còn yếu về năng lực. Phần lớn cán bộ thực thi chương trình ở cấp xã đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Thêm nữa, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình XĐGN không đồng đều ở không ít địa phương đang tạo ra những bất cập nhất định, làm giảm hiệu quả hoạt động của các chương trình XĐGN. Trong khi các tỉnh, thành phố như Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Tĩnh… chỉ đạo thực hiện quyết liệt thì một số địa phương khác lại chưa làm được điều đó. Một số địa phương có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng. Sự thiếu tích cực đó dẫn đến bức tranh XĐGN của cả nước, bên cạnh một số mảng sáng, vẫn còn những gam mầu ảm đạm.

2.2.2. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tếVề thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Trong cuộc đời, để tồn tại và phát triển, mỗi con người phải lao động tạo ra của cải vật chất, tinh thần nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân và gia đình. Trong quá trình lao động, không phải lúc nào con người cũng gặp thuận lợi, đôi khi buộc phải đứng trước những khó khăn như bất ngờ ốm đau, tai nạn, mất khả năng tự lập hoặc khả năng lao động và khả năng tự phục vụ suy giảm khi về già,…Trước những tình huống đó, các nhu cầu thiết yếu của con người đối với cuộc sống không vì thế mất đi, mà trái lại, còn tăng lên, thậm chí xuất hiện thêm nhiều nhu cầu mới. Trong tình thế đó, con người phải tìm ra nhiều cách giải quyết khác nhau để khắc phục khó khăn. Chính sách BHXH ra đời chính là nhằm đáp ứng yêu cầu đó.

Ở Việt Nam, BHXH là cơ quan trực thuộc Chính phủ, được thành lập ngày 16-02-1995 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10-1995. Từ khi bắt đầu triển khai, trong điều kiện nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, BHXH đã góp phần thực hiện các chính sách ASXH, đảm bảo quyền và lợi ích cho hàng triệu người lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH như sau:

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ BHXH không chỉ đối với người lao động trong khu vực Nhà nước, mà còn áp dụng đối với mọi người có quan hệ lao động, làm công ăn lương thuộc tất cả các thành phần kinh tế, đảm bảo bình đẳng giữa những lực lượng lao động khác nhau. Nhờ đó, số lao động tham gia BHXH liên tục tăng qua các năm.

Việc mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH, mở thêm loại hình BHXH tự nguyện đã tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tương đối đông đảo, tăng từ “4.786.980 người năm 2001 lên 6.189.962 người vào năm 2005” [30, tr.177]. Tham gia BHXH giúp cho người lao động, một mặt, có thể tự do di chuyển, lựa chọn nơi làm việc thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, phù hợp với khả năng và nguyện vọng cá nhân; mặt khác, đảm bảo duy trì ổn định các chế độ BHXH cho bản thân họ, tạo ra tâm lý ổn định, bình đẳng cho người lao động, không còn sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế. Đó là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, phát huy và sử dụng triệt để năng lực lao động của từng người lao động, tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Ngoài việc triển khai chính sách BHXH cho các đối tượng làm việc trong các cơ quan Nhà nước, nhà máy, xí nghiệp, chính sách BHXH còn lan tỏa tới người nông dân. Một số địa phương đã từng bước triển khai mô hình BHXH cho nông dân, giúp người nông dân giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Chẳng hạn, năm 2005, “BHXH nông dân Nghệ An đã kịp thời giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng lương hưu cho 51 người và chi trả chế độ trợ cấp cho 2.060 người,... tổng số tiền chi trả trợ cấp BHXH cho nông dân 2.084 triệu đồng” [30, tr.193].

Quỹ BHXH được hình thành và phát triển độc lập với ngân sách Nhà nước đã đảm bảo chủ động chi trả các chế độ một cách đầy đủ, kịp thời, nhất là lương hưu luôn được trả vào đúng những ngày quy định, không để xảy ra tình trạng nợ đọng. Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, hoạt động theo nguyên tắc cân đối thu - chi, được bảo toàn và tăng trưởng. Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí để chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đối với người hưởng chế độ BHXH trước năm 1995, quỹ BHXH chịu trách nhiệm trả lương hưu và trợ cấp BHXH cho những người hưởng chế độ từ năm 1995 trở đi. Phương thức tài chính BHXH bằng hình thức lập quỹ là phương thức tối ưu trong

hoạt động BHXH ở Việt Nam. Hoạt động đầu tư của quỹ BHXH luôn thực hiện theo đúng danh mục, lĩnh vực được quy định; đảm bảo an toàn, không xảy ra rủi ro, thất thoát, đã huy động 95% số dư quỹ BHXH để tham gia đầu tư, cung cấp cho thị trường vốn trong nước một khối lượng vốn đáng kể và tăng dần theo từng năm. Đây là một nguồn vốn vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện BHXH vẫn còn tồn tại

một số hạn chế cần khắc phục:

Đối tượng tham gia BHXH tuy đã được mở rộng, nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế so với lực lượng lao động. Năm 2005, cả nước có khoảng 40 triệu lao động, trong đó trên 10 triệu người có quan hệ lao động, nhưng số lao động tham gia BHXH chỉ đạt 5,8 triệu người, chủ yếu là lao động ở khu vực Nhà nước; số lao động làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh (kể cả liên doanh) tham gia BHXH thấp, chỉ chiếm khoảng 20% tổng số lao động ngoài quốc doanh thuộc diện phải tham gia [113, tr. 19].

Một số quy định trong chế độ BHXH còn chưa hợp lý như: người có thời gian đóng BHXH ít, về hưu sớm, nhưng hưởng chế độ BHXH với thời gian dài; tổng số tiền đóng vào quỹ của mỗi người từ khi đi làm đến khi nghỉ hưu thấp hơn nhiều so với tổng số tiền lương hưu mà người đó đã được hưởng từ khi nghỉ hưu đến khi chết; ngược lại, người có thời gian đóng BHXH dài nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc mới hưởng lương hưu ít năm thì qua đời, nếu người thân không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, thì chỉ được nhận tối đa 12 tháng lương hưu.

Một số chế độ BHXH vẫn còn đan xen các chính sách xã hội khác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chẳng hạn, trong chế độ thai sản, vẫn lồng ghép chương trình kế hoạch hóa gia đình vào nội dung chế độ, vì thế, lao động nữ sinh con thứ 3, thứ 4 không được hưởng trợ cấp thai sản từ quỹ BHXH. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2005 cho thấy, số lao động bị thất nghiệp trong cả nước là khá lớn, tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức trên dưới 6%, nhưng bảo hiểm thất nghiệp chậm được triển khai, nên chưa hỗ trợ được người lao động, đời sống của người thất nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, trước những hạn chế, tồn tại trong công tác BHXH nói trên đòi hỏi cần được nhanh chóng khắc phục, giải quyết để công tác BHXH thực sự mang lại hiệu quả cho mọi đối tượng tham gia BHXH.

Về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Chăm sóc y tế là một nội dung quan trọng của hệ thống ASXH mà bất kể quốc gia nào từ các quốc gia đang phát triển đến các quốc gia phát triển trên thế giới đều coi trọng. Bởi vậy, luật pháp hầu hết các nước trên thế giới đều có các quy phạm điều chỉnh các chế độ ASXH. BHYT là một giải pháp quan trọng trong việc chăm sóc y tế, một nội dung thiết yếu của hệ thống ASXH. BHYT ra đời từ rất sớm ở các nước phát triển.

Ở Việt Nam, chính sách BHYT được ban hành theo Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/8/1992. Từ đó cho đến năm 2010, chủ trương, chính sách về BHYT được bổ sung, phát triển đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. BHYT trở thành một trong những trụ cột của hệ thống ASXH, giúp người dân khắc phục những khó khăn khi phải đối mặt với các chi phí y tế.

Bộ Chính trị cũng hết sức quan tâm tới chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thể hiện ở nhận thức cần phát triển mạnh BHYT cho người dân. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giầu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già” [10, tr. 3].

Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị cũng khẳng định cần phải thực hiện một lộ trình BHYT thích hợp, với nội dung: Xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)