Chƣơng 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu
4.2.1. Nhận thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của an sinh xã hội đố
với ổn định và phát triển xã hội
ASXH là sự đảm bảo an toàn cho cuộc sống của con người từ cá nhân đến cộng đồng trong những hoàn cảnh khó khăn, tạo tiền đề và động lực cho sự phát triển con người và xã hội. ASXH là những đảm bảo xã hội cho con người tồn tại như một con người, phát triển các tiềm lực mang bản chất người và như một chủ thể - nhân cách trong đời sống hiện thực. Nói cách khác, ASXH phát huy nguồn lực nội sinh của con người, của đất nước, là điểm tựa vững chắc của công bằng xã hội.
Như vậy, ASXH có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, giải quyết tốt vấn đề ASXH không những góp phần tạo lập sự phát triển ổn định, mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Đối với mỗi chính đảng, nhất là đảng cầm quyền, cần nhận thức đúng vai trò của ASXH, coi ASXH là một trong những yếu tố thiết yếu để phát triển bền vững, là điều kiện quan trọng chi phối, quyết định thành bại các chính sách kinh tế - xã hội khác. Quá trình nhận thức và tổ chức thực hiện phải thể hiện tầm nhìn chiến lược trên cả hai phương diện vĩ mô và vi mô.
Nhận thức rõ vai trò của ASXH đối với sự ổn định và phát triển đất nước, ngay từ những ngày đầu khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (1945), những chính sách mang tính ASXH và phúc lợi xã hội đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam mới hoạch định và triển khai thực hiện. Nằm trong vòng vây của kẻ thù, đối diện với rất nhiều khó khăn, thử thách, ngay những ngày đầu giành chính quyền, những việc cần làm ngay nhằm thực hiện mục tiêu “làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành” [87, tr.152] đã được coi là nhiệm vụ trọng yếu. Quán triệt tư tưởng giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ đói, cứ rét, thì nền độc lập, tự do đó cũng chẳng có ý nghĩa gì,
Nhà nước Việt Nam mới vừa lo công việc lớn như đổi mới kinh tế và văn hóa lạc hậu của Việt Nam thành một nền kinh tế phát triển và văn hóa tiên tiến; đồng thời, lại quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà, mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân.
Thực vậy, dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập khi dân được ăn no, mặc đủ- trên định hướng đó, trong mỗi bước phát triển, trong mỗi giai đoạn cách mạng, chính sách ASXH tiếp tục được coi là rường cột cho sự ổn định xã hội, chúng đã phát huy tác dụng hỗ trợ, đóng vai trò đệm đỡ trước các cú sốc về kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển và các kế hoạch phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thử thách to lớn, đời sống dần ổn định, cả nước đoàn kết, chung sức đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước. Tuy nhiên, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Trong điều kiện đó, đảm bảo ASXH được bó hẹp trong một số chế độ trợ cấp ở mức thấp cho những gia đình có công với cách mạng, cho thương binh và gia đình liệt sĩ.
Thực tế phát triển của đất nước cho thấy, trước Đổi mới, các vấn đề xã hội chưa được Đảng nhận thức cụ thể và đầy đủ. Các chủ trương, chính sách xã hội chủ yếu nằm trong các chủ trương về kinh tế hoặc văn hóa - xã hội. Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đại hội VI của Đảng (12/1986) nghiêm khắc tự phê bình những khuyết điểm, sai lầm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trong tiến trình đổi mới, Đảng từng bước nhận thức, có những chủ trương, quan điểm về kinh tế - xã hội phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển, thể hiện nhận thức rõ hơn của Đảng về vị trí, vai trò các chính sách xã hội, ASXH. Nhờ đó, các vấn đề thuộc nội hàm ASXH hoặc bản thân ASXH với tư cách là một hệ thống đã từng bước được thực hiện tốt hơn.
Sau Đại hội lần thứ VI, Đảng tiến hành đổi mới toàn diện đất nước và công cuộc đổi mới diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống, Đảng đã chú trọng tổng kết thực tiễn trong nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn ASXH. Các Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII
và các Hội nghị Trung ương dần xác định rõ hơn mô hình kinh tế tổng quát, mục tiêu chung của thời kỳ quá độ lên CNXH, quan điểm định hướng giải quyết các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… bảo đảm cho sự thành công của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX, thuật ngữ ASXH đã được chính thức sử dụng và nội hàm của thuật ngữ từng bước được bổ sung, hoàn thiện qua Đại hội X, Đại hội XI và Hội nghị Trung ương các khóa. ASXH đã trở thành một trong những bộ phận hợp thành quan trọng nhất của hệ thống chính sách xã hội, bao gồm hệ thống chính sách đa tầng và linh hoạt, với chức năng chính là phòng ngừa, hạn chế và khắc phục rủi ro, nhằm bảo vệ cho mọi thành viên trong xã hội, giúp họ nâng cao khả năng phòng chống, vượt qua biến cố trước những rủi ro trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khi công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều vấn đề xã hội nan giải, phức tạp xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp tới ASXH như phân hóa giầu nghèo; bất bình đẳng trong mức sống và thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền ngày càng rõ rệt, thất nghiệp, phạm tội có xu hướng gia tăng,…Đặc biệt, từ năm 2008, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, dẫn tới tình trạng lạm phát leo thang, sản xuất suy giảm, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động nghèo. Ngoài ra, trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, gắn với chính sách kinh tế nhiều thành phần, ngoài phân phối theo lao động còn có hình thức phân phối theo đóng góp vốn, nên phân hóa xã hội và bất công xã hội diễn ra dưới nhiều hình thức, có nguy cơ đe dọa trực tiếp tới mục tiêu công bằng, dân chủ và nhân đạo của chế độ - điều mà mục tiêu của ASXH hướng tới.
Tình hình trên đòi hỏi Đảng CSVN phải xây dựng được một hệ thống chính sách ASXH phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy mọi tiềm lực của xã hội. Để làm được điều đó, đòi hỏi ở Đảng và Nhà nước một bản lĩnh chính trị vững vàng, một tư duy năng động, một nghệ thuật lãnh đạo và quản lý vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết, cứng rắn. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, các chính sách ASXH phải phù hợp với bản chất chế độ chính trị - xã hội Việt Nam, vừa chứa đựng những nét đẹp truyền thống, vừa đáp ứng chuẩn khoa học, giá trị tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới.
Nhận thức rõ những khó khăn của đất nước, tháng 4 năm 2009, Bộ Chính trị đã họp, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2009, đề xuất các nhiệm vụ,
giải pháp phát triển kinh tế -xã hội đến cuối năm 2009. Bộ Chính trị đã chỉ rõ những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tác động sâu sắc của nó đến đời sống xã hội, yêu cầu điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế, đề ra nhiều biện pháp phục hồi kinh tế, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội và ASXH. Bộ Chính trị đặc biệt chú ý thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nhà ở xã hội, hỗ trợ cho người mất việc làm, cải cách tiền lương.
Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, nêu biện pháp đảm bảo ASXH. Nghị quyết giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ/ngành tăng cường các biện pháp hỗ trợ ASXH, ổn định đời sống nhân dân, hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, các đối tượng đang thụ hưởng ƯĐXH, đẩy mạnh công tác XĐGN và giải quyết việc làm, nhất là ở vùng dân cư nghèo, vùng bị thiên tai. Các biện pháp cụ thể của Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội được hoạch định căn cứ trên cơ sở mức độ phục hồi kinh tế, đảm bảo tăng trưởng ổn định.
Như vậy, trong quá trình đổi mới đất nước, cùng với các chính sách về kinh tế, chính sách ASXH luôn được đề cập tới trong các Văn kiện của Đảng theo hướng xây dựng một hệ thống chính sách ASXH ngày càng phù hợp với thực tiễn. Từ kinh nghiệm của các nước và bằng thực tiễn của chính nước ta về thực hiện ASXH trong nhiều năm qua, cần phải khẳng định rằng, trên con đường xây dựng đất nước dân chủ, văn minh, thực hiện công bằng xã hội, Đảng CSVN phải luôn nhận thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của ASXH đối với sự ổn định và phát triển xã hội, coi đó là một trong những chìa khóa của thành công.