Gắn kết chặt chẽ và đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 124 - 129)

Chƣơng 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu

4.2.4. Gắn kết chặt chẽ và đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa chính sách

kinh tế vớichính sách an sinh xã hội

Thực hiện đồng bộ mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và chính sách ASXH trên cơ sở giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội là nội dung trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhiều

quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, một đất nước đang trên con đường phát triển, hội nhập sâu rộng với quốc tế, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giải quyết hợp lý mối quan hệ nêu trên không chỉ có tính cấp thiết, mà còn là yêu cầu đặc biệt có tính lâu dài.

Cả lý luận lẫn thực tiễn đều chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế là cơ sở chủ yếu tạo ra điều kiện vật chất giúp thực hiện thành công các mục tiêu xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Chính sách ASXH cho dù có tốt đẹp bao nhiêu đi chăng nữa, nếu tách rời với các khả năng kinh tế, không xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội sẽ rơi vào tình trạng chủ quan, duy ý chí, thiếu cơ sở thực hiện, sẽ nhanh chóng “chết yểu”. Tuy nhiên, không phải một mình tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ giải quyết được các vấn đề của ASXH. Trong nhiều trường hợp, thiếu các quan điểm đúng đắn về ASXH, thành quả của tăng trưởng kinh tế sẽ chệch khỏi các mục tiêu ASXH. Vấn đề là ở chỗ, không thể và không được chờ đợi đến khi kinh tế phát triển mới giải quyết các chính sách ASXH, mà trong từng hoàn cảnh, điều kiện, từng bước phát triển, tăng trưởng kinh tế, cần lựa chọn mức độ và hình thức giải quyết ASXH phù hợp.

Ngoài ra, thực tiễn cũng minh chứng không ít trường hợp, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao chẳng những không làm giảm áp lực đối với ASXH, mà ngược lại, còn làm gia tăng các vấn đề xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải dốc lực giải quyết, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường. Do đó, nếu không có quan điểm giải quyết ASXH đúng đắn trong điều kiện kinh tế thị trường, sẽ có nguy cơ dẫn tới phân hóa xã hội, dẫn tới khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng. Khoảng cách chênh lệch này nếu không được thu hẹp kịp thời sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ trên phương diện kinh tế - xã hội, mà còn đe dọa ổn định chính trị.

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và đảm bảo chính sách xã hội của Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định mục đích xây dựng CNXH là nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu hàng đầu của phát triển kinh tế là nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, làm cho đời sống của người dân ngày càng đầy đủ, sung sướng, hạnh phúc. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để đảm bảo

đời sống vật chất, trước hết phải giải quyết vấn đề về ăn, mặc, nhà ở, chữa bệnh; còn đảm bảo đời sống tinh thần, trước hết là bảo đảm học hành cho mọi người.

Như vậy, tính nhân văn của chế độ, mục tiêu vì nhân dân của thể chế chính trị thể hiện ở việc thể chế đó, chế độ đó xác định rõ đến đâu trách nhiệm của mình trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo tính công bằng trong phân phối, trong thụ hưởng thành quả xã hội. Xét cho cùng, tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phải được xem xét là mục đích của xây dựng, phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ngược lại, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp, đúng cách sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết có hiệu quả các mục tiêu văn hoá - xã hội của đất nước.

Mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước vì nhân dân, vì con người, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giữa chính sách kinh tế và chính sách ASXH luôn là một nội dung xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng CSVN, đặc biệt là các văn kiện thời kỳ đổi mới. Những năm đầu đổi mới, Đảng đã quan tâm tới sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, cho đó là coi nhẹ yếu tố con người, khẳng định trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội.

Trong tiến trình đổi mới đất nước một cách mạnh mẽ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Đó là: Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vâ ̣t chất và đời sống tinh thần của nhân dân . Đại hội VII nhấn mạnh vai trò của chính sách xã hội đối với phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tại Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ (khóa VII), tư tưởng chỉ đạo của Đảng là tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Đại hội VIII (1996) xác định: Kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhằm tạo chuyển biến rõ nét về thực hiện tiến bộ và

công bằng xã hội. Điểm mấu chốt là ở chỗ, Đảng xác định gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội không phải là một biện pháp trước mắt, tạm thời, mà là một nhiệm vụ quan trọng, một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt - điều đó phản ánh một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Vì vậy, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng xác định cần có những hướng đi phù hợp đảm bảo “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển” [44, tr. 56] và “tăng trưởng kinh tế gắn liền với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển” [46, tr. 88].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X tiếp tục bổ sung quan điểm: Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tái khẳng định quan điểm trên và đưa ra chủ trương: “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển” [55, tr.227]. Chủ trương này trở thành một nội dung lớn trong nhận thức và hoạt động của Đảng, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo ASXH nhằm mục tiêu phát triển đất nước bền vững.

Từ nhận thức và quan điểm trên đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ chương, chính sách, giải pháp về kinh tế - xã hội để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo ASXH. Các chính sách xã hội được ban hành đã tiếp cận và phản ánh những giá trị nhân văn của đạo đức, văn hoá Việt Nam; thể hiện lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của từng công dân; điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, nhằm mục đích cao nhất là thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhờ đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, nên kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá nhanh và liên tục trong nhiều năm: Năm 2000 tốc độ tăng GDP của Việt Nam là 6,8%, đến năm 2007 tăng lên 8,48% và năm 2009 là 5,32%. Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu xã hội có xu hướng được cải thiện rõ rệt. Chỉ số HDI (chỉ số đo sự tiến bộ trung bình của một nước về phát triển con người bao gồm tuổi thọ, trình độ dân trí và thu nhập GDP tính theo đầu người) của Việt Nam năm 2007 đạt 0,725,

tăng hơn so với năm 2006 (đạt 0,709) và thứ hạng HDI của Việt Nam được cải thiện 4 bậc (từ thứ 109/177 lên 105) [117, tr.3].

Cùng với tăng trưởng kinh tế, nguồn chi ngân sách nhà nước cho ASXH cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận: Năm 2009, tổng chi ngân sách nhà nước cho ASXH ước khoảng 22.470 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2008; chi điều chỉnh tiền lương, trợ cấp, phụ cấp khoảng 36.700 tỷ đồng; tổng dư nợ của 18 chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ước đến cuối năm 2009 đạt 76 nghìn tỷ đồng [133, tr.333].

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội, ASXH ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng nhưng trong nội tại xã hội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến ASXH như: giảm nghèo chưa bền vững, đời sống người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, phân hoá giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền có xu hướng mở rộng. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hoá và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực để thực hiện ASXH còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khả năng cân đối giữa nguồn quỹ và sử dụng của hệ thống ASXH, kể cả các quỹ BHXH, BHYT và các chế độ TGXH còn bất cập và gặp thách thức lớn cả trước mắt cũng như trong trung và dài hạn. Các quỹ BHXH, BHYT ở trong tình trạng báo động trong tương lai gần, đặc biệt là đối với quỹ BHXH. Nguồn lực đầu tư cho ASXH của Nhà nước khó đáp ứng được yêu cầu ASXH ngày càng tăng của người dân, trong khi đó, huy động từ các nguồn lực khác, đặc biệt là từ cộng đồng còn hạn hẹp, nhất là vùng nông thôn. Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân; chất lượng các dịch vụ nhìn chung còn thấp, vẫn xảy ra không ít tiêu cực, phiền hà. Một số chính sách ASXH chưa hợp lý, chưa có các chính sách ASXH đặc thù, phù hợp với dân cư nông thôn và các vùng dân tộc, miền núi có điều kiện sống khó khăn. Chất lượng cung cấp các dịch vụ ASXH, đặc biệt là dịch vụ y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng mức sống của dân cư. Hệ thống hành chính, sự nghiệp cung cấp dịch vụ ASXH chưa theo kịp yêu cầu phát triển thực tế, còn hạn chế trong năng lực tổ chức và quản lý đối với các loại hình ASXH.

Những hạn chế trên cần được nhanh chóng khắc phục, phải gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, chỉ có như thế đảm bảo ASXH mới thực sự trở thành một chính sách hữu ích đối với nhân dân, người dân mới được thụ hưởng những thành quả từ tăng trưởng kinh tế trong nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực tiễn quá trình phát triển đất nước một lần nữa cho thấy, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ASXH là nhân tố cơ bản đem lại sự phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tạo điều kiện vật chất để thực hiện ASXH và ASXH trở thành động lực tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế. Không thể có ASXH cao trên cơ sở một nền kinh tế thấp kém, lạc hậu. Ngược lại, cũng không thể có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có hiệu quả cao và bền vững trong một xã hội với đa số lao động phổ thông có trình độ học vấn và tay nghề thấp, chất lượng lao động hạn chế, tỷ lệ lớn dân cư nghèo và thiếu việc làm,v.v..Bởi vậy, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, cần tìm ra những phương thức mới, những cách làm mới để tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ASXH gắn kết chặt chẽ với nhau, làm cho kinh tế và ASXH trở thành tiền đề phát triển của nhau, lĩnh vực này bao hàm lĩnh vực kia trong một tương quan và ở một mức độ hợp lý nhất, cùng hỗ trợ cho nhau phát triển. Muốn làm được như vậy, gắn kết chặt chẽ và đảm bảo mối quan hệ hài hòa

giữa chính sách kinh tế với chính sách ASXH phải trở thành tư tưởng chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình phát triển đất nước. Chỉ có như thế, mới tạo lập được sự bền vững không chỉ của các chính sách ASXH, mà còn đối với sự phát triển xã hội nói chung, mới tạo được một nguồn sức mạnh tổng hợp đủ để đưa Việt Nam tiến kịp với các nước trong khu vực và thế giới trong cuộc chạy đua tới đích tự do, ấm no, hạnh phúc.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 124 - 129)