Hoàn cảnh lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 61 - 64)

3.1. Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng

3.1.1. Hoàn cảnh lịch sử

Tình hình trong nước

Sau khi hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001- 2005), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội được hình dung như sau:

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và phát triển tương đối toàn diện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm sau tăng cao hơn năm trước, bình quân những năm 2001- 2005 là 7,51%, đạt mức kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, các quan hệ trong nền kinh tế từng bước được cải thiện; việc huy động các nguồn nội lực cho phát triển có chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động GDP cho ngân sách nhà nước vượt dự kiến so với kế hoạch đề ra. Cùng với thành tựu đạt được về tăng trưởng kinh tế, các vấn đề xã hội có chuyển biến tốt, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện, ASXH ngày càng được đảm bảo.

Vấn đề việc làm về cơ bản đã được giải quyết, trong 5 năm, Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm được triển khai tích cực đã tạo việc làm cho 7,5 triệu lao động; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thu hút gần 91% lực lượng lao động xã hội và tạo được 90% việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, năm 2005, thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 5,3%; thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đạt 80,6%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,7 triệu đồng năm 2000 lên trên 10 triệu đồng năm 2005, tốc độ tăng trưởng đạt 12,1%/năm [50, tr.156].

Công tác XĐGN được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, đã thu được nhiều kết quả quan trọng thông qua việc trợ giúp điều kiện sản xuất, tạo việc làm, cải thiện kết cấu hạ tầng, nhà ở, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; động viên các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng và các tầng lớp dân cư tham gia. “Đến cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo còn 7% (kế hoạch là 10%, theo chuẩn Việt Nam cho giai đoạn 2001-2005)” [50, tr.157].

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển; hầu hết các xã, phường trong cả nước đều có trạm y tế, trên 65% trạm có bác sĩ. Một số cơ sở y tế chuyên ngành được nâng cấp và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Thuốc sản xuất trong nước đã chiếm khoảng 45% thị phần thuốc chữa bệnh. Chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo, khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện. Chiến dịch phòng chống đại dịch HIV/AIDS được đẩy mạnh hơn. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 33,4% năm 2000 xuống dưới 25% năm 2005; tỉ lệ chết của trẻ em dưới 1 tuổi còn 18%. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 68 tuổi vào năm 1999 lên 71,5 tuổi vào năm 2005 [50, tr.158].

Việc chăm sóc người có công với cách mạng và trợ giúp người có đời sống khó khăn được duy trì và mở rộng. Đi đôi với mở rộng diện được hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, đã được các ngành, các cấp tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả và huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong giai đoạn này còn tồn tại một số hạn chế ảnh hưởng tới ASXH của đất nước như: Việt Nam vẫn trong tình trạng kém phát triển, nền kinh tế còn lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết; thành tựu XĐGN chưa thật vững chắc. Số hộ nghèo và tái nghèo ở một số vùng còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn nhiều khó khăn; nhiều vùng dân tộc ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với bình quân cả nước. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều bất cập. Hệ thống y tế chậm đổi mới, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân; điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn nhiều hạn chế. Một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Cuộc đấu tranh chống lại các thói hư, tật xấu thiếu các biện pháp xử lý đồng bộ và chưa tạo được chuyển biến rõ nét; tệ nạn ma túy, mại dâm còn diễn biến phức tạp.

Tình hình quốc tế

Trên thế giới, xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển là xu hướng lớn, chủ đạo, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành tài nguyên, lãnh thổ, nạn khủng

bố, tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng. Những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa từ thiên nhiên,… buộc các quốc gia phải có các chính sách đối phó, hành động.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN và xây dựng cộng đồng dựa trên ba trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Hợp tác giữa các đối tác trong ASEAN tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình; đồng thời, cũng phải đối phó với những thách thức mới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động và đang hình thành nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng hơn. Tuy vậy, vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên,v.v..

Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển về mọi mặt: Quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng. Việc tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở nên phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ nước Mỹ, sau đó đã nhanh chóng lan rộng tới các quốc gia trên thế giới. Hậu quả của cuộc khủng hoảng đã dẫn tới gia tăng các vấn đề xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới ASXH như thất nghiệp tăng thêm, lạm phát tăng cao, nghèo đói, dịch bệnh ngày càng gia tăng,... Tình hình trên đòi hỏi các quốc gia cần phải có các chương trình hành động để khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, đảm bảo ASXH.

Tình hình trong nước và quốc tế nói trên tạo cho Việt Nam vị thế mới với những thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đối với Đảng CSVN là phải nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng để nắm bắt thời cơ, từng bước đưa Việt Nam vượt qua

khó khăn, vững bước trên con đường đổi mới. Để làm được điều đó, Đảng phải luôn bám sát tình hình thực tiễn để đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng tới các vấn đề ASXH. Giải quyết tốt các vấn đề về ASXH không những mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị và phát triển bền vững của đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)