Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 116 - 121)

Chƣơng 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM

4.2. Một số kinh nghiệm chủ yếu

4.2.2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà

nước trong thực hiện an sinh xã hội

Đảng CSVN là Đảng cầm quyền. Đảng là hạt nhân của hệ thống chính trị, lãnh đạo đất nước toàn diện, tuyệt đối. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, bằng sự chỉ đạo thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Nhà nước để hiện thực hóa các chủ trương. Thực tế đó cho thấy hai vấn đề căn bản: 1- Mọi thành công hay thất bại của đất nước trên con đường xây dựng và phát triển, suy cho cùng thuộc về trách nhiệm của Đảng, phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo của Đảng; 2- Sự phối hợp giữa Đảng và Nhà nước, vai trò quản lý của Nhà nước là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của mọi lĩnh vực xã hội.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam chống lại mọi sự xâm lăng, đô hộ, bảo vệ và giải phóng đất nước. Bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng từng bước mang lại cuộc sống khá giả hơn cho nhân dân. Tổng kết chặng đường đầu 10 năm đổi mới (1986-1996), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII khẳng định: Công cuộc đổi mới trong 10 năm (1986-1996) đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm (1991-1995) được hoàn thành về cơ bản. Việt Nam đã thoát ra khỏi khủng hoảng về kinh tế - xã hội... Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng XHCN [44, tr.68].

Những thắng lợi bước đầu đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước cho phép khẳng định sự lãnh đạo của Đảng CSVN về cơ bản là phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Khi công cuộc đổi mới đất nước đi vào chiều sâu, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển đất nước càng có ý nghĩa trực tiếp và quyết định.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã tổng kết thực tiễn, nêu lên những bài học kinh nghiệm xây dựng đất nước, mà một trong những bài học kinh nghiệm đó là về vai trò lãnh đạo của Đảng: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [55, tr.66].

Trong quá trình hoạch định đường lối đổi mới, cùng với các nội dung đổi mới trên lĩnh vực kinh tế, Đảng đặc biệt quan tâm tới giải quyết các vấn đề xã hội và ASXH. Chủ trương của Đảng về ASXH được hoạch định và thực thi trong bối cảnh lịch sử của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng XHCN. Sự chuyển đổi đó là vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi ở Đảng và Nhà nước một bản lĩnh chính trị vững vàng, một tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, một nghệ thuật lãnh đạo và quản lý vừa mềm dẻo, cứng rắn và kiên quyết để đưa đất nước vượt qua khó khăn, ASXH được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên.

Những thành tựu bước đầu trong thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN dần đã bắt kịp với

vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2011, Đảng đã hoạch định được một hệ thống chính sách ASXH phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN. Có được những thành quả đó trước hết phải kể đến việc Đảng đã nhanh nhạy nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn trong nước, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để hoàn thiện hệ thống ASXH. Nắm vững xu hướng phát triển của ASXH giúp Đảng tránh được tình trạng đưa ra chủ trương, quan điểm chỉ đạo mang tính chủ quan, áp đặt, thiếu cơ sở thực tiễn, thiếu hiệu quả. Đồng thời, những mô hình, lý thuyết ASXH của các nước trên thế giới có thể gợi mở những vấn đề mà các nước đang phát triển như Việt Nam cần tham khảo và vận dụng. Những kinh nghiệm thành công và thất bại trong hoạch định chính sách ASXH và thực hiện ASXH của nhiều nước trên thế giới giúp Đảng, Nhà nước dự báo những biến đổi, chủ động trong chiến lược hành động, giảm thiểu sức lực, rút ngắn thời gian.

Khả năng nắm bắt chính xác, kịp thời nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng nhân dân của Đảng là một trong các yếu tố quan trọng và cần thiết đảm bảo thành công trong lãnh đạo thực hiện ASXH. Nhu cầu, lợi ích là động lực thường xuyên của con người, của mỗi cá thể trong xã hội, thôi thúc mọi hoạt động của con người. Nắm vững nhu cầu, lợi ích của nhân dân, thể hiện nó trong chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng cầm quyền là yêu cầu căn bản đối với hoạt động hoạch định và thực hiện ASXH. Chỉ khi chủ trương của Đảng dựa trên nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, khi đó quần chúng nhân dân sẽ tiếp nhận nó một cách dễ dàng như những quyết định của chính bản thân họ; họ sẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo để biến chủ trương đó thành hiện thực. Một chế độ chỉ thật sự tiến bộ và nhân văn khi chế độ đó tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm thỏa mãn nó. Trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của một chính Đảng thực sự vì nhân dân là khi chính Đảng đó luôn ý thức và tìm mọi cách thỏa mãn công bằng các lợi ích chính đáng của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH – đó là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, vì thế, mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội, lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Khi lợi ích chung của tập thể được đảm

bảo, lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn. Đây chính là định hướng hành động, là yêu cầu nhận thức đối với Đảng không chỉ trong lãnh đạo thực hiện ASXH, mà còn đối với mọi lĩnh vực trọng yếu khác.

Ngoài ra, năng lực lãnh đạo của Đảng trong thực hiện ASXH còn được thể hiện ở việc quy tụ sức mạnh của nhân dân, của dân tộc để thực hiện chủ trương của Đảng. Nhận thức rõ vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân qua các thời kỳ lịch sử, một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng CSVN là phát huy cao nhất nguồn lực, sức mạnh to lớn của mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện ASXH. Tạo môi trường thuận lợi, cơ chế hợp lý để khai thác tốt các nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân thực hiện ASXH có thể coi là điểm quan trọng của bước đổi mới tư duy về quá trình xây dựng CNXH nói chung và thực hiện ASXH nói riêng ở Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2011. Khai thác sức mạnh của các tầng lớp nhân dân sẽ giúp cho Việt Nam có được một sức mạnh tổng hợp, đó là nền tảng, là gốc rễ đảm bảo sự thành công của các chính sách ASXH.

Để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách ASXH, không chỉ năng lực lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mà vai trò quản lý của Nhà nước cũng luôn là một yếu tố quyết định. Bởi vì cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước thực hiện, Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Nhà nước, lãnh đạo việc cải cách bộ máy nhà nước, thể chế hóa cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng bằng pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa chiến lược bằng kế hoạch, chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước.

Với những ưu thế về quyền lực, bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp, các nguồn lực và đội ngũ cán bộ, công chức..., Nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện chính sách ASXH trên quy mô cả nước, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách ASXH phù hợp và hiệu quả. Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước không chỉ thực hiện chức năng giai cấp mà còn thực hiện chức năng xã hội. Nhà nước thực hiện chức năng quản lý không chỉ bằng pháp luật, mà còn bằng các chính sách, cơ chế hợp thành một hệ thống quản lý thể chế. Vì vậy, Nhà nước có vai trò to lớn trong việc quản lý thực hiện các chính sách ASXH, tạo ra sự liên kết, thống nhất giữa các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội... và giữa các chính sách ASXH với nhau trong hệ thống chính sách được ban hành.

Với tư cách là cơ quan tổ chức, triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, vai trò của Nhà nước trong thực hiện ASXH được thể hiện ở chỗ: Nhà nước là cơ quan xây dựng và hoạch định chính sách ASXH; Nhà nước triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ASXH và đảm bảo nguồn lực cho thực hiện chính sách ASXH.

Đối với chức năng xây dựng và hoạch định chính sách ASXH, với phương thức quản lý đất nước bằng pháp luật, Nhà nước sử dụng quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để thực hiện chính sách ASXH. Do vậy, Nhà nước căn cứ vào tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chủ động xây dựng chính sách ASXH phù hợp và từ những chính sách này cụ thể hóa thành những quy định cụ thể có liên quan đến đảm bảo ASXH. Làm được như vậy chính là đã tạo ra được yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự thành công của chính sách ASXH.

Mặt khác, Nhà nước còn là cơ quan triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách ASXH. Nhà nước triển khai thực hiện chính sách ASXH thông qua bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức. Nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan cấp dưới để kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập trong thực hiện chính sách ASXH, từ đó có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách ASXH trong thực tiễn. Nhà nước cũng chủ động hợp tác, phối hợp trong việc xây dựng, điều tiết các chính sách có liên quan đến thực hiện ASXH, tham gia đàm phán, ký kết các chương trình mục tiêu về đảm bảo ASXH. Đây là vai trò và trách nhiệm quan trọng của Nhà nước, bởi chỉ có Nhà nước mới có đủ tư cách pháp lý để tham gia vào các diễn đàn, hành động phối hợp giữa các quốc gia về thực hiện chính sách ASXH.

Ngoài ra, Nhà nước cũng đảm bảo nguồn lực cho thực hiện chính sách ASXH. Để các chính sách, chương trình ASXH được duy trì đều đặn, Nhà nước phải đóng vai trò bảo trợ. Các chính sách của Nhà nước phòng ngừa những rủi ro trong cuộc sống chính là chiếc phao cứu sinh để giúp con người vượt qua khó khăn. Do đó, nguồn lực chủ yếu để thực hiện ASXH chính là từ Nhà nước. Tuy nhiên, để có thêm nguồn lực, Nhà nước chủ trương xã hội hóa công tác ASXH nhằm thu hút thêm nguồn lực từ các cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân cùng sẻ chia trách nhiệm với Nhà nước.

Như vậy, để thực hiện thành công chính sách ASXH, vai trò của Đảng và Nhà nước là vô cùng quan trọng. Có thể nói, đó chính là yếu tố quyết định sự thành công của các chính sách, chương trình ASXH. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong thực hiện ASXH trở thành yêu cầu thiết yếu và thường xuyên, là một trong những kinh nghiệm hàng đầu, cần luôn được quán triệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 116 - 121)