Chủ trương của Đảng về thực hiện an sinh xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 64 - 99)

3.1. Hoàn cảnh lịch sử và chủ trương của Đảng

3.1.2. Chủ trương của Đảng về thực hiện an sinh xã hội

Đại hội Đảng lần thứ X (2006) diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã trải qua 20 năm đổi mới và kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010); đồng thời, tiếp tục phát triển, hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm sau (2006-2010).

Đại hội xác định mục tiêu và phương hướng tổng quát của chặng đường tiếp theo (2006 – 2010) là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho CNH, HĐH đất nước; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đối với vấn đề ASXH, Đại hội Đảng lần thứ X đề cập tới nhiều hơn, rõ nét hơn với các bộ phận cấu thành và quy mô phát triển mới: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đa dạng hóa các loại hình cứu trợ xã hội, tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, hướng tới xuất khẩu lao động trình độ cao… .” [50, tr.102].

“Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng” chính là thể hiện một chính sách ASXH phong phú, linh hoạt, tạo điều kiện để mọi tầng lớp dân cư trong xã hội

tiếp cận được với ASXH. Đối với từng nhóm đối tượng của ASXH cần có sự quan tâm khác nhau, với các chính sách hỗ trợ khác nhau để ASXH thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, để đảm bảo ASXH còn cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế là cơ sở chủ yếu tạo ra điều kiện vật chất để thực hiện các mục tiêu xã hội, trong đó có ASXH; và nhờ đó, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội. Trên ý nghĩa ấy, Đảng đề ra chủ trương: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người” [50, tr.77]. Để đảm bảo tính công bằng trong phân phối, Đảng đề cập tới các hình thức phân phối khác nhau: “Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội” [50, tr.77-78].

Trong Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006- 2010, một trong những nhiệm vụ mà Đảng CSVN chủ trương cần quan tâm thực hiện là phải phát triển hệ thống ASXH: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết việc làm, khuyến khích làm giàu hợp pháp, xóa đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội” [50, tr.187].

Trên cơ sở những định hướng chung về ASXH, Đại hội X định hướng cụ thể cho các lĩnh vực của ASXH như sau:

Về xóa đói giảm nghèo

XĐGN là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XĐGN được Đảng CSVN xác định là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội5 năm (2006- 2010): “Tiếp tục đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo. Đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức thực hiện xóa đói, giảm nghèo theo hướng phát huy cao độ nội lực và kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp quốc tế” [50, tr.217].

Như vậy, theo quan điểm của Đảng, để XĐGN đạt kết quả tốt, công tác XĐGN cần được xã hội hóa rộng rãi, qua đó huy động được các nguồn lực từ cộng đồng. Đầu tư của Nhà nước cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức quốc

tế sẽ tạo thành một nguồn lực tổng hợp mạnh mẽ để cuộc chiến chống đói nghèo đạt hiệu quả cao.

Mặt khác, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và quốc tế, một trong những yếu tố quan trọng, góp phần quyết định trực tiếp tới kết quả XĐGN chính là bản thân các đối tượng thực hiện chính sách XĐGN. Để khắc phục tư tưởng bao cấp, ỷ lại của các đối tượng trong diện XĐGN, Đảng CSVN chủ trương “khuyến khích mọi người dân làm giàu theo luật pháp, thực hiện có hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo. Tạo điều kiện và cơ hội tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển,... vươn lên thoát khỏi đói nghèo vững chắc ở các vùng nghèo và các bộ phận dân cư nghèo” [50, tr.101]. Đối với XĐGN, trong chủ trương của Đại hội X có hai điểm được nhấn mạnh và tương đối mới: Thứ nhất, khuyến khích làm giàu theo luật pháp; thứ hai, thoát nghèo vững chắc.

Trên cơ sở những định hướng chung về XĐGN, Đảng CSVN đã đề ra các giải pháp kết hợp sức mạnh của Nhà nước, xã hội, và nhân dân trong cuộc chiến chống đói nghèo:

Một là, “Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững” [50, tr.217].

Hai là, “kết hợp chính sách của Nhà nước với sự giúp đỡ trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo, nhất là đối với những vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái nghèo” [50, tr.217]. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa, ban hành hệ thống chính sách về XĐGN. Chính sách XĐGN có tính kinh tế - xã hội, là một bộ phận của chính sách ASXH, tổ hợp các chính sách liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường,… nhằm tác động, thay đổi căn bản nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói. Chính sách XĐGN không phải là “chính sách từ thiện”, mà là chính sách kinh tế - xã hội quan trọng giải quyết vấn đề đói nghèo theo phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá”.

Nhìn chung, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ năm 2006 đến năm 2011, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình XĐGN đã được ban hành, tạo

mọi điều kiện giúp đỡ người nghèo trên mọi miền của Tổ quốc vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá hơn, có điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các loại hình phúc lợi xã hội khác nhau.

Về bảo hiểm xã hội

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Đảng, Nhà nước chú trọng hoàn thiện chính sách BHXH. BHXH đã trở thành một trong những chính sách không thể thiếu đối với người lao động. BHXH không những bảo đảm điều kiện vật chất cho công nhân viên chức, người lao động, mà còn là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động. Chính vì vậy, chính sách BHXH thống nhất với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ trương về BHXH của Đảng được phát triển, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Đại hội Đảng lần thứ X xác định: “Tiếp tục hoàn chỉnh thể chế thị trường lao động, bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động” [50, tr. 216]. Bên cạnh đó, Đảng chủ trương “đổi mới hệ thống bảo hiểm xã hội, đa dạng hoá hình thức bảo hiểm và phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, an toàn lao động” [50, tr.216]. Như vậy, trước yêu cầu của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, chính sách BHXH được đổi mới, đa dạng hóa về hình thức phù hợp với mọi đối tượng xã hội. Cải tiến, đa dạng hóa hình thức BHXH làm cho BHXH hấp dẫn hơn, dễ dàng đi vào cuộc sống và trở thành một trong những yếu tố vững chắc đảm bảo an sinh cho nhân dân.

BHXH là biện pháp an sinh mà các đối tượng thụ hưởng là những người lao động và thân nhân phụ thuộc; do đó, một mặt, các trợ cấp BHXH góp phần đảm bảo ổn định cuộc sống của gia đình người lao động; mặt khác, ảnh hưởng tích cực của BHXH là góp phần xây dựng một lực lượng lao động khỏe mạnh, có năng suất lao động ở cả hiện tại và tương lai. Hơn nữa, BHXH còn là biện pháp dung hòa lợi ích giữa những nhóm người có lợi ích được coi là mâu thuẫn nhau – giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Về bảo hiểm y tế

BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng, đề cao trong hệ thống ASXH. Tại Đại hội lần thứ X, chủ trương của Đảng về BHYT tiếp tục được bổ sung theo hướng “phát triển và nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế; xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân” [50, tr.219]. Nhằm khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia BHYT và có thể thụ hưởng thành quả của nó, Đảng đề ra các giải pháp thúc đẩy BHYT lan tỏa rộng tới mọi tầng lớp dân cư trong xã hội: “Phát triển mạnh các loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm y tế cộng đồng. Mở rộng diện các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế... Đổi mới phương thức thanh toán viện phí qua quỹ bảo hiểm y tế” [50, tr.219-220].

BHYT là một trong các hoạt động mang tính nhân đạo cao, thể hiện sự hỗ trợ tương thân, tương ái trong chăm sóc sức khoẻ giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khoẻ với người ốm đau và rủi ro, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em. BHYT cũng mang tính dự phòng rủi ro do chi phí cao về chăm sóc sức khoẻ khi ốm đau, bệnh tật. Bởi thế, Đảng chủ trương thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân để tăng sự trợ giúp mang tính cộng đồng giữa các thành viên trong xã hội.

Tóm lại, để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới, chủ trương, chính sách của Đảng về BHYT đã được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhằm mục tiêu làm cho BHYT ngày càng có sức lan tỏa rộng lớn, tác động tới mọi tầng lớp dân cư trong xã hội và trở thành một công cụ trợ giúp đắc lực đối với người dân đặc biệt là người nghèo khi không may bị rơi vào ốm đau, bệnh tật.

Về trợ giúp xã hội

TGXH là một chính sách nhân đạo thể hiện sự tương trợ giữa các thành viên trong cộng đồng cùng nhau vượt qua khó khăn. Đại hội lần thứ X của Đảng nhấn mạnh tới các hình thức TGXH: “Đẩy mạnh thực hiện chính sách đặc biệt về trợ giúp đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đất sản xuất; trợ giúp đất ở, nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo” [50, tr.217]. Theo quan điểm Đại hội X, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm trợ giúp nhiều hơn: “Có chính sách trợ giúp nhiều hơn về nguồn lực để phát triển các vùng

khó khăn, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số” [50, tr.225]. Đối với người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc ở miền núi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, Đảng và Nhà nước chủ trương tích cực triển khai các chương trình TGXH để nâng mức sống, tránh rơi vào tình trạng nghèo cùng cực. Đó được coi là biện pháp hữu hiệu rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trên cả nước, tạo sự phát triển hài hòa, cân bằng và ổn định.

Bên cạnh đó, trợ giúp đối với các đối tượng trong diện trợ giúp thường xuyên cũng là một trong những quan tâm của Đảng: “Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, tạo thuận lợi để họ hòa nhập với cộng đồng” [50, tr.216].

Về ưu đãi xã hội

Kế thừa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Đảng luôn đề ra chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo đời tới đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đại hội Đảng lần thứ X xác định:

Chú trọng các chính sách ưu đãi xã hội. Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội. Chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa. Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, lang thang [50, tr.104].

Trong Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010,

Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với nước; vận động toàn xã hội tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư” [50, tr.216]. Như vậy, ƯĐXH là một chủ trương lớn của Đảng, thu hút sự quan tâm đông đảo của toàn xã hội, cần được thực hiện một cách mạnh mẽ để các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đạt được kết quả mong muốn.

Sau Đại hội Đảng lần thứ X, BCHTƯ Đảng tiếp tục đi sâu nghiên cứu tình hình thực tiễn đất nước nhằm đề ra các chủ trương về ASXH cụ thể hơn và phù hợp

hơn với thực tiễn. Hội nghị lần thứ sáu BCHTƯ Đảng khóa X đã chủ trương: “Từng bước mở rộng và cải thiện hệ thống an sinh xã hội để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là của nhóm đối tượng chính sách, đối tượng nghèo” [52, tr.7]. Chủ trương này cho thấy, ASXH là một chính sách có độ bao phủ rộng tới mọi giai cấp, tầng lớp, đối tượng trong xã hội, tuy nhiên nhóm đối tượng chính sách, nhóm đối tượng nghèo cần được quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn để giúp họ giảm bớt khó khăn, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.

Nhìn nhận một cách tổng quát, có thể thấy Văn kiện Đại hội X và Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCHTƯ khóa X của Đảng đã đề cập tới vấn đề ASXH một cách khá toàn diện về nội dung, quy mô và phương hướng phát triển các loại hình ASXH; đặt ASXH trong mối quan hệ hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Điều đó thể hiện sự quan tâm nhiều hơn của Đảng về ASXH trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, cũng nói lên rằng thực hiện ASXH là một hoạt động trọng điểm trong toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Sau Đại hội X (2006), Việt Nam đứng trước khó khăn, thử thách to lớn do

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng cộng sản việt nam lãnh đạo thực hiện an sinh xã hội từ năm 2001 đến năm 2011 (Trang 64 - 99)