Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2. Một số kinh nghiệm
4.2.2. Phát huy dân chủ thực chất trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Thực tế quá trình triển khai thực hiện dân chủ cơ sở tại Hà Nam những năm 1997 - 2010 đã cho thấy: dân chủ cơ sở là động lực giúp các TCCSĐ huy động được sức mạnh của toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên, HTCT cơ sở và nhân dân thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ chính trị. Khi dân chủ được phát huy, nội bộ TCCSĐ sẽ có sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, trí tuệ và năng lực sáng tạo của cán bộ, đảng viên được phát huy hiệu quả, khắc phục được những hạn chế đã từng biểu hiện như mất đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không đáp ứng được yêu cầu. Phát huy vai trò làm chủ của HTCT cơ sở và nhân dân giúp TCCSĐ tập hợp được những lực lượng to lớn về cả trí tuệ, tinh thần, vật chất cho các nhiệm vụ chính trị như xây dựng quyết sách đổi mới về kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh
doanh, các phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở...
Dân chủ trong nội bộ TCCSĐ huy động được sức mạnh của toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nội bộ TCCSĐ sẽ có sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu đáp ứng được yêu cầu; TCCSĐ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Dân chủ được biểu hiện qua nguyên tắc "tập thể lănh đạo, cá nhân phụ trách" là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, là nguyên tắc cơ bản, nhất, quyết định, chi phối các nguyên tắc khác trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Trong áp dụng "tập thể lănh đạo, cá nhân phụ trách" của các TCCSĐ đã bộc lộ những bất cập như: cá nhân phụ trách áp đặt được cả tập thể bằng quyền lực chi phối, vượt quyền, lộng quyền, lấn át vai trò tập thể; cá nhân phụ trách nhưng không thể hiện đúng và đầy đủ vai trò của mình, để cho một số ý kiến không đúng trở thành chủ trương của cấp ủy hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm; thành công thì thành tích là của cá nhân, còn sai sót, thất bại lại đổ trách nhiệm tập thể; tập thể lãnh đạo đưa ra những chủ trương, quyết định sai lầm nhưng việc xem xét trách nhiệm của tập thể không nghiêm, tất cả bình an vô sự vì là lỗi chung, không ai chịu trách nhiệm…
Đảng bộ huyện Lý Nhân tổng kết: đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí, mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc đều đưa ra bàn bạc, thống nhất, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đồng thời tạo điều kiện để cá nhân phát huy năng lực, tinh thần chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ [50, tr.18].
Việc phát huy dân chủ cơ sở với phương châm ''dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý, dân sử dụng'' đã góp phần phát huy vai trò làm chủ của HTCT cơ sở và nhân dân giúp TCCSĐ trong xây dựng TCCSĐ như: xây dựng quyết sách đổi mới về kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh...; góp phần tạo nguồn đảng viên, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên cho TCCSĐ; đánh giá chéo: thẩm định lại kết quả đánh giá phân loại của các TCCSĐ; cung cấp thông tin về cán bộ, đảng viên, tư tưởng của nhân dân và phản ánh hiệu quả lãnh đạo của TCCSĐ trong thực tế.
Một thí dụ điển hình về hiệu quả phát huy dân chủ cơ sở tại thôn Lác Nhuế, (xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng): ngay sau sự kiện “làng Nhô” năm 1990, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã ban hành nhiều nghị quyết, biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bế tắc kéo dài nhiều năm. Xã chọn thôn Lác Nhuế làm điểm đột phá đầu tiên với hàng loạt mô hình như “Xóa nhà tranh tre”, “Bê tông hóa đường làng”, “Tặng sổ tiết kiệm”; phong trào thâm canh cây lương thực sau lúa bằng giống ngô lai bioxit, rồi dưa chuột bao tử... Chỉ sau 4 năm kể từ ngày phát động phong trào, 100% số hộ toàn xã đã được ngói hóa, nhiều nhà tầng, nhà mái bằng mọc lên. Đảng ủy và UBND xã căn cứ tình hình thực tế địa phương, thường xuyên bám sát chỉ thị, nghị quyết cấp trên, có nghị quyết hợp lòng dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng phát triển kinh tế cùng với đời sống văn hóa, bảo đảm tốt an ninh, trật tự. Năm 2011 Lác Nhuế là một trong những làng có nhiều tỷ phú ở tuổi 30, nhân dân làm đủ nghề để phát triển kinh tế, có nhiều cơ sở sản xuất chăn nuôi lớn, xưởng mộc, xưởng may công nghiệp... Mức thu nhập bình quân của người dân Lác Nhuế đạt gần 10 triệu đồng/năm. Trong làng hầu như không có tệ nạn xã hội.
Từ thực tiễn của Đảng bộ Thanh Liêm những năm 1997 - 2005 cho thấy: ở đâu, làm gì, dù khó khăn đến mấy, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng là yếu tố đặc biệt quan trọng; công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện của chính quyền là khâu then chốt; phát huy vai trò làm chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của nhân dân có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi. Trong công tác lãnh đạo tránh tình trạng chủ quan duy ý chí, liên tục tìm tòi các biện pháp mới, phù hợp, bổ khuyết để phong trào đi lên. Đây là kinh nghiệm được Đảng bộ vận dụng qua nhiều phong trào, cuộc vận động lớn như phong trào hợp tác hóa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây con và mô hình hợp tác xã. Công tác dồn điền đổi thửa là nhiệm vụ phức tạp và chưa có tiền lệ, liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế từng hộ gia đình, từng cá nhân. Khi nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ tác dụng của chuyển đổi, chưa tự giác thực hiện, ý Đảng và lòng dân chưa đồng thuận thì phong trào còn nhiều hạn chế là tất yếu [7, tr. 515].
Từ năm 2000, huyện uỷ Lý Nhân đã nhấn mạnh: ở đâu và khi nào dân chủ được phát huy, Đảng với dân đoàn kết nhất trí thì ở đó phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, vững chắc [48, tr.11].
Những kinh nghiệm trong phát huy dân chủ tại Đảng bộ tỉnh Hà Nam những năm 1997 - 2010 cho thấy những yêu cầu cụ thể:
Để phát huy hiệu quả thực chất của dân chủ trong TCCSĐ, Đảng bộ tỉnh cần lãnh đạo TCCSĐ cẩn trọng trong lựa chọn, xây dựng các tập thể lãnh đạo, tập thể cấp uỷ, BTV cơ sở để đảm bảo số đông của tập thể phải là số đông đúng đắn; cần rất cẩn trọng trong chọn lựa cá nhân bí thư cấp uỷ với phẩm chất đạo đức phải được đặt lên hàng đầu, có năng lực, trách nhiệm cao thì mới đoàn kết và phát huy được tập thể; cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu hiệu quả hơn
qua kiểm soát nội bộ, kiểm soát của cấp trên, kiểm soát từ các tổ chức trong HTCT;
công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được thực hiện thường xuyên, xử lý kỷ luật nghiêm, kịp thời.
Bổ sung, hoàn thiện về mặt văn bản và tăng cường tính pháp lý, tính chế tài của các quy định về dân chủ cơ sở trong các loại hình TCCSĐ, các đơn vị và cộng đồng cho phù hợp với thực tế về yêu cầu mới của nhiệm vụ chính trị, trình độ nhận thức và tâm lý của các đối tượng thực hiện. Từng quy chế cần thể hiện sự phong phú, sâu sắc hơn về nội dung tư tưởng, tính cụ thể thiết thực, tính chặt chẽ, hàm súc theo phương châm ít lời, nhiều ý, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá.
Tập trung lãnh đạo việc xây dựng và ban hành các văn bản, quy chế kết hợp với huy động các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp rộng rãi thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhận thức về quy chế trong toàn bộ các TCCSĐ, HTCT cơ sở và nhân dân, đặc biệt là nông dân ở nông thôn.
Tiếp tục phát huy dân chủ với phương châm mang tính thực tiễn mà Tỉnh ủy đã chỉ đạo quán triệt ngay từ giai đoạn đầu: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân sử dụng”. Phát huy quyền làm chủ của từng người dân và tăng cường vai trò, khả năng hoạt động của các đoàn thể đại diện của họ, tránh xu hướng MTTQ,
các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng bị “Đảng hóa”, “Nhà nước hóa”, làm giảm vai trò đại diện và là chỗ dựa của người lao động và nhân dân.
Phát huy dân chủ cần được biểu hiện thành các yêu cầu về nâng cao nhận thức về quyền làm chủ (biết làm chủ) trên cơ sở hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân, các nhiệm vụ chính trị của cộng đồng; nâng cao được ý thức làm chủ của nhân dân (muốn làm chủ) để tích cực tham gia xây dựng cộng đồng, đơn vị nhằm mục tiêu bảo đảm sự phát triển chung của tập thể và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân; nâng cao năng lực làm chủ (làm chủ được) của nhân dân như được tham gia bàn bạc, góp ý và quyết định các nội dung theo thẩm quyền, có khả năng thực hiện tốt các quyền của mỗi cá nhân và đấu tranh với những biểu hiện vi phạm dân chủ,đồng thời phải có các cơ chế hiệu quả trong việc làm chủ của nhân dân, tránh dân chủ hình thức, thậm chí là có hiện tượng trù dập, định kiến với người góp ý.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các cấp uỷ và TCCSĐ, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải đi tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Xây dựng thiết chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những người vi phạm theo kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, đối với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, bao che cho tham nhũng.
Như vậy, thực tiễn của Hà Nam cho thấy, kinh nghiệm về phát huy dân chủ thực chất trong xây dựng TCCSĐ là kinh nghiệm đặc thù, có liên quan và tác động hiệu quả tới các kinh nghiệm khác được trình bày trong Luận án. Nếu phát huy tốt
dân chủ thực chất, TCCSĐ sẽ được xây dựng vững chắc từ trong nội bộ và được xây dựng từ sự ủng hộ, góp sức của HTCT và nhân dân.
4.2.3. Xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong tổ chức cơ sở đảng là cơ sở để xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân
Đoàn kết trong Ðảng là sự thống nhất cao của những người cùng chung lý tưởng cách mạng, đồng cam cộng khổ, dám hy sinh bản thân mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ðó là sự đoàn kết, thống nhất cao độ, toàn diện, triệt để cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ðây không phải là sự đoàn kết hợp tác đơn thuần, càng không phải là một sự thoả hiệp mà là sự kết hợp giữa kỷ luật và tự giác, tình đồng chí thương yêu nhau gắn với thực hiện thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đoàn kết thống nhất trong Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là một nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, là qui luật bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của Đảng, là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm đầu tiên ngay sau khi tái lập tỉnh (1997 - 2000), cũng là thời kỳ mà Đảng bộ đang đứng trước giai đoạn khó khăn nhất, cần có sự thống nhất chặt chẽ nhất thì lại là giai đoạn các biểu hiện mất đoàn kết diễn ra nghiêm trọng ngay từ BTV tỉnh uỷ và ở nhiều TCCSĐ do xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong công tác cán bộ, không đấu tranh phê bình và tự phê bình nghiêm túc, thẳng thắn. Đặc biệt nghiêm trọng là có cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo cố ý làm trái nguyên tắc, để cho chủ nghĩa cá nhân chi phối, gây chia rẽ, bè phái, tham nhũng, quan liêu, làm sai chế độ chính sách. Những khuyết điểm và sự mất đoàn kết nội bộ trên đã làm giảm sức mạnh của tổ chức đảng, làm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc chấp hành đường lối, chính sách, gây tác hại về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tư tưởng, tình cảm, lòng tin của cán bộ, đảng viên vào tổ chức và của nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp uỷ và TCCSĐ. Trong những năm 2006 - 2010, mặc dù Đảng bộ tỉnh đã có rất nhiều cố gắng khắc phục và đạt nhiều kết quả nhưng sự đoàn kết nhất trí của
một số cấp ủy vẫn còn yếu, hiện tượng mất đoàn kết nội bộ trong nhiều TCCSĐ chậm được khắc phục, thậm chí còn có xu hướng phát triển.
Quá trình lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong TCCSĐ nhằm củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã để lại những kinh nghiệm như sau:
Cấp uỷ cấp tỉnh, huyện phải là những tấm gương về sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, đảm bảo tập thể cấp uỷ cấp trên là tập thể chuẩn mực để các tập thể cấp uỷ cơ sở soi chiếu và học tập. Hà Nam đã trải qua những khó khăn về đoàn kết nội bộ, cản trở bước phát triển của tỉnh từ những ngày đầu tái lập, song bài học về việc không ngừng giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong Đảng, trước hết là trong cấp uỷ vẫn còn nguyên giá trị [4, tr. 475]. BCH Đảng bộ tỉnh, BTV tỉnh ủy phải có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực nhận thức, vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo thực tiễn; phải có tinh thần đoàn kết thương yêu đồng chí, nhân dân thật sự theo tinh thần của người cộng sản. Nếu đội ngũ này mất đoàn kết sẽ ảnh hưởng không tốt đến đoàn kết chung của Đảng bộ và làm chậm bước tiến của phong trào cách mạng trong tỉnh [4, tr.294].
Đảng bộ huyện Lý Nhân xác định: Phải xây dựng cho được một tập thể đoàn kết chặt chẽ, thống nhất rất cao về ý chí và hành động, trước hết là trong cấp uỷ. Phát huy trí tuệ của cả tập thể và từng thành viên [48, tr 11].
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi đảng viên phải được nâng cao nhận thức về lý luận và năng lực thực tiễn; xây dựng tình cảm cách mạng trong sáng của người cộng sản, vì lợi ích của tổ chức và của nhân dân.
Lãnh đạo các TCCSĐ thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình: thực hành mở rộng dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng trên cơ sở thực hành nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình ở các cấp theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, coi đây là một yếu tố quan trọng đảm bảo sức mạnh lãnh đạo của Đảng [4, tr. 493]. Để củng cố khối đoàn kết toàn dân trước hết phải củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, đoàn kết chỉ có được khi